Con số thống kê Bộ Kế
hoạch Đầu tư Việt Nam vừa công bố cho thấy đầu tư nước ngoài trực
tiếp (FDI) vào nước này trong bảy tháng đầu năm chỉ ở mức 8,3 tỷ đô
la, bằng 66,9% so với cùng kì năm 2011.
Sự tụt hạng đầu tư của Việt Nam ở châu Á cùng thời gian cũng chứng minh môi trường kinh doanh nước này đang mất điểm trong mắt giới đầu tư, so với nước cùng khu vực như Indonesia, tăng từ vị trí 21 lên 9 một cách ngoạn mục.
Vậy giới quan sát đang cho rằng những lí do chính nào ngoài lí do 'suy thoái kinh tế toàn cầu' được 'ưa chuộng' của chính phủ Việt Nam khiến giới đầu tư nước ngoài trở nên ngán ngẩm việc đầu tư ở Việt Nam đến vậy?
Đăng kí nhiều, không sử dụng hết. Thông số FDI được đăng kí tại Việt Nam, thường chênh lệch xa với lượng FDI được chính thức đưa vào sử dụng vì tốc độ giải ngân yếu kém.
Việc đưa vốn đầu tư vào chính thức sử dụng tại Việt Nam là một thử thách đối với tập đoàn nước ngoài (FIEs) vì các thủ tục giấy tờ cũng như các điều khoản qui định đầu tư rắc rối, không rõ ràng.
Các dự án lên đến hàng tỉ đôla thậm chí sau khi đã hoàn thành các thủ tục, vẫn phải đối mặt với công đoạn “khó nuốt nhất” của quy trình đầu tư: 'giải phóng mặt bằng', được quản lý bởi các chính quyền địa phương nghèo vốn.
Một ví dụ tiêu biểu trong thời gian gần đây nhất đó là dự án hợp tác đầu tư của tập đoàn thép Tata của Ấn Độ với Tập đoàn thép quốc gia Việt Nam.
"Doanh nghiệp Nhà Nước vẫn là nòng cốt của nền kinh tế trong chiến lược phát triển"
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Đây là lý do khiến phía Ấn Độ mất kiên nhẫn đến nỗi đích thân Thủ tướng Manmohan Singh phải “nhắc khéo” về dự án với Chủ tịch Trương Tấn Sang trong cuộc gặp năm 2011 tại New Dehi.
Kết quả là trong tháng 8, phía Việt Nam đã bắt Tata phải trích thêm một khoản 100 triệu đôla nữa để trả tiền giải phóng mặt bằng, gấp hơn ba lần so với 30 triệu đô la qui ước ban đầu, nhằm ‘thúc đẩy’ tiến trình dự án.
Lao động rẻ đã lỗi thời
Tuy nhiên ngay cả ông và giới phân tích trên thế giới cũng thống nhất rằng, trước nhu cầu thị trường toàn cầu ngày càng tinh vi và thâm dụng vốn cũng như tốc độ tăng giá lao động trong nước nói riêng, thế mạnh này sẽ bị xói mòn rất nhanh.
Giới quan sát nói Việt Nam sẽ khó đón nhận những làn sóng FDI khổng lồ trong tương lai với đội ngũ lao động kém trình độ, chủ yếu bắt nguồn từ những bất cập trong nền giáo dục vốn thiếu sự tự do để cạnh tranh, chuyên môn hóa của nước này.
Một ví dụ cụ thể là vào năm 2011, Intel , hãng sản xuất chip điện tử hàng đầu của Mỹ, đã gặp trở ngại trong việc đầu tư vào Việt Nam khi số công nhân đủ trình độ tuyển dụng chỉ bằng một phần nhỏ số lượng yêu cầu.
Hãng Intel vào thời điểm đó đã gạt qua một bên lợi thế lao động giá rẻ của Việt Nam, tuyên bố rằng đó không phải là điều họ tìm kiếm.
Trong những năm trước, khi giá lao động Trung Quốc tăng nhanh, nhiều ý kiến đã cho rằng Việt Nam sẽ là điểm dừng chân tiếp theo của những nhà đầu tư muốn hướng về Châu Á.
Cho tới nay, Trung Quốc, với giá lao động tối thiểu cao hơn Việt Nam rất nhiều, vẫn là điểm dừng chân hàng đầu cho các tập đoàn công nghệ khổng lồ của thế giới như Samsung, Apple nhờ những nỗ lực nâng cao chất lượng lao động.
Họ đã đưa đội ngũ lao động cao cấp lên làm nòng cốt cho nền kinh tế trong lúc vẫn đảm bảo giá cả, chất lượng và năng suất sản xuất ở mức cạnh tranh so với thị trường lao động quốc tế từ rất sớm.
Điện cúp, đường tắc
Vấn đề cơ sở hạ tầng không được đầu tư đúng nơi, đúng lúc và đúng mức độ đang là vấn đề gây quan ngại với giới đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là khi vấn đề mất điện và giao thông đình trệ có những ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và lưu thông hàng hóa.
Nhiều năm qua, các doanh nghiệp đặt xưởng sản xuất tại Việt Nam liên tục kêu ca là 'chới với' vì không có điện để sản xuất, nhất là trong thời điểm mùa hè, dẫn đến thiệt hại về cả năng suất cũng như chi phí sản xuất.
Báo chí nêu như với Samsung, vụ mất điện 10 phút đã có thể biến các sản phẩm dang dở thành 'phế thải', gây tốn kém lên đến hàng chục triệu đô la.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì liên tục lên tiếng than lỗ vì thiếu nước, chi phí mua điện ngoài tăng cao, cũng như các nguồn điện chậm tiến độ như một phần các lí do cho vấn đề bất cập năng lượng.
Trong khi đó, EVN vẫn đầu tư vào các ngành không liên quan như ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản.
'Ngại' doanh nghiệp nhà nước
Doanh nghiệp Nhà Nước (DNNN), bị coi là trở ngại lớn nhất với sự phát triển của khu vực tư doanh, vốn được cho là nòng cốt và tương lai của nền kinh tế Việt Nam, mà còn là lá chắn nguồn FDI từ bên ngoài suốt nhiều năm qua.
Ngân hàng HSBC hôm 1/8 nói sai lầm lớn nhất của Việt Nam là tập trung 40% tổng sản lượng doanh thu quốc doanh (GDP) vào các tập đoàn nhà nước kém hiệu quả, tạo ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường nhưng lại đòi hỏi sự hỗ trợ khổng lồ để tiếp tục tồn tại.
Các doanh nghiệp này, bị các nhà đầu tư lên án là với số vốn lớn mạnh đã ra sức thao túng vị trí 'đầu tàu của ngành', chiếm thế độc quyền bằng cách mở rộng đa ngành để tạo khó khăn cho việc thâm nhập thị trường của các tập đoàn nước ngoài, ảnh hưởng đến mức FDI tiềm năng đổ vào Việt Nam những năm qua.
Trong cùng bài trên FP, Geoffrey Cain viết về doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam: "Họ thật là một đám phiền toái, chẳng ai (nhà đầu tư nước ngoài) muốn dính vào họ."
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn tiếp tục khẳng định Doanh nghiệp Nhà Nước vẫn là nòng cốt của nền kinh tế trong chiến lược phát triển đất nước từ đây đến năm 2015.
"Họ thật là một đám phiền toái"
Geoffrey Cain
Lạm phát: nỗi ám ảnh kinh hoàng
Lạm phát trong năm 2012 đã giảm xuống mức đáng kể, thế nhưng những dư âm và hậu quả của mức lạm phát lên đến 23% của năm 2011 vẫn còn tồn đọng trong nền kinh tế hiện tại và tâm lí các nhà đầu tư.
Một phần nguyên nhân cho tình trạng suy giảm lượng FDI trong năm 2012, đó là các biến động tâm lý của nhà đầu tư trong thời điểm một năm trước đó.
Trong bối cảnh lạm phát Việt Nam lên đến mức cao nhất Châu Á năm 2011, các khách hàng nước ngoài cũng như các công ty nước ngoài trở nên lãnh đạm hẳn với thị trường Việt Nam và tìm cách chuyển dần sang các nước lân cận trong suốt thời gian sau đó.
Nguyên nhân cho sự lãnh đạm đó là sự mất đi lợi thế cạnh tranh giá cả trong nước trước áp lực lạm phát khiến yêu cầu tăng lương của nhân viên, chi phí vật liệu, lãi suất cao ngất ngưởng và các ngân hàng đua nhau siết vốn.
Nguồn FDI vào ngành bất động sản trong cũng giảm xuống rõ rệt trước một thời gian dài chứng kiến sự sụp đổ của ngành này cùng những món nợ xấu còn tồn đọng ở thời điểm hiện tại.
Kinh tế gia Raphael Cecchni nhận đinh rằng, Việt Nam, trước nỗ lực giải quyết mức lạm phát đang phải hi sinh tăng trưởng thường niên và giá trị tiền đồng, vốn cũng là điều đang khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng sẽ giảm độ hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam.
FDI sẽ quay trở lại ?
Các động thái của Nhà nước Việt Nam trong thời gian gần đây cho thấy nỗ lực của phía chính quyền trong việc tái khẳng định tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Giới phân tích cho rằng, nỗ lực rõ rệt nhất, đó là việc tái ổn định kinh tế vĩ mô, thắt chặt tín dụng và hạ mức lạm phát một cách quyết liệt kể từ Nghị Định số 11 năm 2011.
Các đề án tái cơ cấu ngân hàng cũng như Doanh nghiệp nhà nước của chính phủ Việt Nam trong thời gian gần đây cũng đang được đánh giá là có những tác động tích cực lên tâm lí đầu tư nước ngoài.
Vấn đề giải ngân trong báo cáo của Cục thống kê cũng được các chuyên gia cho là tốt hơn so với cùng kì năm ngoái, chứng tỏ sự tiến bộ trong công tác quản lí nguồn FDI.
Sự gia tăng trong các mối quan hệ song phương gần đây giữa Việt Nam và các nước Nhật, Mỹ, Nga cũng được cho là đang mở đường cho những nguồn FDI đầy tiềm năng.
Tuy nhiên, có một điều mà giới quan sát đồng thuận, đó là Việt Nam cần quyết liệt hơn nữa trong việc giải quyết các vấn đề hiện hữu trong cơ cấu đã và đang khiến các khối đầu tư tỉ đô quay mặt đi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét