Chiều hôm kia đến thăm nhà anh Tiến, thấy quả là nằm ở một vị trí sinh thái tuyệt vời.
Hôm nay thấy bài trả lời phỏng vấn này của anh thấy rất thú vị nên lưu lại:
Thứ sáu, 03 Tháng 8 2012 13:30 (GMT+7)
(TGĐA) - Trong các trang viết, Phạm Ngọc Tiến luôn tự nhận mình là “đến già vẫn rong chơi vô tích sự”. Phần lớn bạn bè của anh cũng thường thấy anh viết truyện, kịch bản một cách rất tài tử và đúng chất “nghệ sĩ”. Thế nhưng, người đàn ông thích uống rượu và mải rong chơi này lại có một bút lực dồi dào và khả năng phiêu với mọi loại đề tài. Từ những Chuyện làng Nhô, Ma làng, Đất và Người cho tới Chuyện phố phường và bây giờ là Đàn trời. Tất cả đều cho cái nhìn sâu sắc và tư duy mới mẻ của một người “thích đùa” với các con chữ.
Hoàn toàn hài lòng với Đàn trời
Bộ phim Đàn trời do anh chuyển thể kịch bản vừa kết thúc những tập
cuối cùng. Anh có để ý tới dư luận xung quanh bộ phim hay không?
Tôi có lên mạng đọc một số các bài viết xung quanh bộ phim và cũng đọc những
ý kiến khen, chê của khán giả dành cho nó. Tôi rất vui vì ngoài một số ít những
hạn chế do họ chỉ ra thì Đàn trời vẫn được đánh giá rất cao và
nhận được những phản hồi tích cực. Đối với những người làm phim, đó là một hạnh
phúc.
Nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến
Vậy đây có thể được gọi là một thành công?
Cá nhân tôi với tư cách là nhà biên kịch và các thành phần khác trong đoàn
làm phim Đàn trời đều đã cố gắng hết mình để có một sản phẩm tốt.
Và chúng tôi hoàn toàn hài lòng với những gì đã làm được. Còn để nói Đàn
trời có thành công hay không, có lẽ nên để chính công chúng. Họ là
những ban giám khảo công tâm và thành thực nhất.
Trước Đàn trời, Chủ tịch tỉnh cũng khai thác đề tài tương tự: vấn
nạn tham nhũng chốn quan trường ở các địa phương. Theo anh, sự khác biệt lớn
nhất giữa hai bộ phim này là gì?
Tôi thì không có thói quen mang tác phẩm của người khác ra đánh giá hay so
sánh với tác phẩm của mình. Mỗi người có một cách làm khác nhau. Thế nhưng, tôi
cũng đã theo dõi một số tập của Chủ tịch tỉnh và nhận thấy rõ sự
khác biệt giữa hai phim này. Đề tài tham nhũng hiện đang rất nóng, được nhiều
người quan tâm và sự gặp gỡ nhau giữa những người làm phim là chuyện thường
tình, mà ngay cả trước Chủ tịch tỉnh thì Chạy án
cũng đã chạm vào nó rồi. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định hai bộ phim hoàn toàn
khác nhau trong cách triển khai đề tài, tình huống cũng như tuýp nhân vật… Tôi
đã phải mất rất nhiều công sức để tạo ra một câu chuyện mà càng về sau càng trở
nên dữ dội, bùng nổ và chỉ có thể giải quyết một cách trọn vẹn vào tập cuối.
Nên tôi thấy cái kết của Đàn trời bất ngờ hơn Chủ tịch tỉnh.
Ngay từ đầu, tôi đã tự tin rằng khán giả sẽ cảm thấy thõa mãn với kết thúc khốc
liệt, mạnh mẽ của Đàn trời.
Cảnh trong phim Đàn
trời
Khi chọn lựa đề tài nhạy cảm, đụng chạm như thế này, anh có gặp phải áp
lực?
Áp lực với những tác phẩm như thế này luôn lớn và ngay từ khi bắt đầu, người
nghệ sĩ phải xác định đối mặt với nó và cố gắng để vượt qua điều đó. Công chúng
cần những tác phẩm mạnh mẽ như thế này, vì vậy sẽ vẫn có nhiều người muốn “húc
đầu vào đá” để cống hiến cho họ.
Đàn trời là một tác phẩm truyền hình được chuyển thể từ tiểu
thuyết văn học cùng tên của nhà văn Cao Duy Sơn. Vậy khi quyết định chuyển thể
nó từ sách thành phim, anh có gặp phải vấn đề nào khó khăn không?
Thực ra với những người làm công tác chuyển thể từ ngôn ngữ văn chương sang
hình ảnh, họ đã sẵn có một lợi thế là tìm được cốt truyện hay để dựa vào đó
khai phá thêm những cái mới. Riêng với Đàn trời – tác phẩm cũng
đã chiếm mất 4 năm, từ 2001-2004 làm việc của Duy Sơn thì tôi mượn câu chuyện
và các nhân vật, sau đó uốn nắn dần theo cách riêng của mình. Nếu bạn đọc tiểu
thuyết thì bạn sẽ thấy rất khác với phim hiện nay. Bởi lẽ, tôi xác định ngay từ
đầu khi chuyển thể là nếu giữ nguyên một số nhân vật như trong tiểu thuyết thì
phim sẽ hỏng. Vì vậy, tôi cũng đã thay đổi tính cách, đẩy các nhân vật vào thế
đa chiều với nhiều uẩn ức phức tạp trong đời sống nội tâm.
Anh có thể chia sẻ sâu hơn về sự thay đổi trong các nhân vật của phim so
với nguyên tác văn học?
Có một số khán giả nêu ý kiến là những tập đầu thấy tiết tấu phim khá chậm,
buồn tẻ. Tôi cố tình làm điều đó để tạo nên những nút thắt cao trào về sau, đặc
biệt là để phần cuối khán giả được vỡ òa và cảm thấy “đã”. Còn về nhân vật, tôi
thay đổi nhiều chứ. Ví dụ Nhẫn trong tiểu thuyết, từ một nhân vật phụ được khắc
họa nhạt nhòa, chỉ là bồ nhí của cả anh Tuệ (Giám đốc đài truyền hình tỉnh Bình
Lãng) và ông Ấn (Chủ tịch tỉnh) xuất hiện không có gì nổi bật. Tôi đã suy nghĩ
và biến Nhẫn trở thành một người đàn bà luôn bị day dứt khi yêu một người chân
thành, tự đáy con tim (với Tuệ) nhưng cũng bị cuốn vào vòng danh lợi, mưu tính
chuyện tiền bạc khi chấp nhận trao đổi tình cảm với ông Ấn. Ở cô luôn có mâu
thuẫn cực độ và cuối cùng là cô phải tự giải thoát bằng cách tự sát. Đó là nhân
vật khiến mình lúc đầu xem phim thì coi thường nhưng càng về sau càng nhận ra
đó là một nhân cách. Hay Tuệ cũng vây, trong tiểu thuyết anh ta xấu xa, đê hèn,
bạc nhược. Nhưng trong phim, tôi cũng để anh ta ở thế dùng dằng, lưỡng lự. Vừa
muốn bảo vệ chức vị, an phận bằng cách chấp nhận thực tại, lại vừa muốn phản
kháng. Sự hướng thiện đã giúp anh ta đứng lên tố cáo Ấn và ân hận vì đã gián
tiếp gây nên cái chết của Nhẫn…
Cảnh trong phim Đàn
trời
Sự thay đổi này của anh có khiến nhà văn, cha đẻ của Đàn trời cảm
thấy khó chịu?
Ngay từ khi quyết định chuyển thể là tôi đã phải lựa những tác phẩm chủ yếu
của anh em, bạn bè thân thiết. Sau đó, tôi giao kèo với nhà văn trước khi bắt
tay vào viết. Với Đàn trời cũng vậy, tôi cũng đã làm việc với anh
Sơn để không xảy ra “tiền hậu bất nhất” sau khi phim lên sóng.
Tôi viết lách tùy hứng lắm!
Anh nhận xét thế nào về dàn diễn viên trong phim. Sự trở lại của NSND
Hoàng Dũng, NSƯT Thanh Tú, Kiều Thanh hay Tùng Dương… có khiến anh hài lòng?
Tôi chỉ có thể nói một điều là các diễn viên trong Đàn trời
quá tuyệt vời. Tôi đã phải gọi điện cho Hoàng Dũng, Thanh Tú và Kiều Thanh để
chia sẻ điều này với họ. Kịch bản mà cuối năm sẽ bấm máy của tôi, tôi cũng đã
“đo ni đóng giầy” mời ba người này tham gia rồi. Hoàng Dũng, Anh Tú đều diễn
xuất quá tài tình và ra “chất” nhân vật. Một Ấn mưu mô, một Tuệ phức tạp và một
Nhẫn thì lấy mất nhiều nước mắt của khán giả. Kiều Thanh đẹp, một cái đẹp có
hồn của một diễn viên có nghề. Không ngoa khi nói rằng, chính diễn viên là một
yếu tố giúp Đàn trời thành công.
Có một nhân vật trong Đàn trời là nhà văn Vương với những phát
ngôn về văn chương rất chân thành. Tôi băn khoăn tự hỏi, đây phải chăng là một
“hóa thân” của Phạm Ngọc Tiến bên ngoài?
Không phải “nhập thân” hay “hóa thân” gì cả. Nhân vật nhà văn Vương trong Đàn
trời là sự giãi bày, tâm sự của chính tôi gửi vào đó. Những triết lý
văn chương của anh ta chính là từ tâm can tôi bộc bạch với nghề viết. Cầm bút
trong thời này, nhà văn trở nên đa cảm lắm. Vương giúp tôi truyền tải những
thông điệp của riêng mình để cho công chúng nắm bắt. Điều đó cũng một phần làm
mềm bộ phim hơn.
Cảnh trong phim Đàn
trời
Còn nhân vật ông già thổi sáo thì sao, vừa thực vừa ảo quá chừng?
Đây là nhân vật xuất hiện trong phim như một huyền thoại. Ông xuất hiện từ
đầu đến cuối phim cùng những dự báo rất chính xác của mình. Đây là nhân vật tôi
coi như người dẫn truyện xuyên suốt bộ phim và có đôi mắt nhìn thấu cõi nhân
gian.
Anh đã từng được mệnh danh là biên kịch của nông dân với những Chuyện
làng Nhô, Đất và Người, Ma làng. Và rồi lại chuyển qua phố với: Chuyện
phố phường, Luật đời và giờ là Đàn trời. Tác phẩm nào cũng gây tiếng
vang và hẳn giữa chúng có những sự gặp gỡ?
Không. Thường thì tôi chọn nông thôn để chuyển thể vì thấy những câu chuyện
văn học hay và vẫn còn tính thời sự dù được viết cách đây khá lâu. Còn những đề
tài hiện đại gần đây thì cũng do mình đọc văn thấy nó giàu chất điện ảnh và
cũng có thể thành công khi khai thác.
Là nhà biên kịch có tiếng, chắc hẳn catse khiến anh sống thoải mái?
Cứ nhìn nhà tôi đi, được đấy chứ đúng không? Hoàn toàn do nghề viết đem lại.
Tôi nói thẳng, nếu có bút lực, khả năng thì nghề viết sẽ giúp bạn làm giàu.
Cảnh trong phim Đàn
trời
Nghe giới nghề truyền, anh uống rượu dữ lắm và còn làm việc rất tùy hứng?
Tôi viết lách thì tùy hứng. Có khi cả năm không viết nổi vài tập phim nhưng
cũng có thể tháng xong vài chục tập. Quan trọng là cảm hứng. Tôi viết Đàn
trời hết 7 năm, khi đang viết được 4 tập thì phải nghỉ trong 3 năm đến
mãi sau đó mới khởi động lại được. Còn rượu thì là người tình tôi yêu nhất sau
vợ.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.
Hương Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét