Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

Hoạt động mại dâm đang được hợp pháp hóa?


(Petrotimes) - Luật xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 đã bỏ quy định đưa người bán dâm vào các cơ sở chữa bệnh, giáo dục. Khi nội dung này được thông qua, nhiều người cho rằng Nhà nước đang hợp pháp hóa mại dâm?
Đến ngày 1/7/2013, Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thì quy định đưa người bán dâm vào các Trung tâm giáo dục, lao động và xã hội (thường được gọi là trung tâm phục hồi nhân phẩm) chính thức được bãi bỏ. Đây là một thay đổi lớn trong quan điểm xử lý tệ nạn mại dâm của cơ quan lập pháp. Quy định này đưa ra đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội.

Nhiều ý kiến cho rằng không thể coi mại dâm là một nghề để mưu sinh
Các ý kiến ủng hộ cho rằng, hoạt động mại dâm là một hiện tượng xã hội tồn tại từ ngàn xưa, dù muốn hay không nó vẫn đang tồn tại và chưa có quốc gia nào có thể xóa bỏ được. Do đó, đã đến lúc chúng ta nên nhìn nhận hoạt động mại dâm một cách cởi mở hơn và có cách xử lý phù hợp với hành vi vi phạm của đối tượng bán dâm. Bán dâm được xếp vào vi phạm hành chính nên được xử lý hành chính tùy theo mức độ vi phạm. Nếu áp dụng biện pháp xử lý đưa người bán dâm vào các trung tâm phục hồi nhân phẩm thì vô hình trung chúng ta đã cách ly họ với xã hội, tước quyền công dân của họ, hình sự hóa đối tượng bán dâm.

Ngược lại, những người có ý kiến trái chiều đưa ra lập luận, nếu không áp dụng đưa người bán dâm vào trung tâm phục hồi nhân phẩm mà chỉ phạt hành chính rồi thả về thì không khác nào thả nổi hoạt động mại dâm. Chỉ xử phạt vi phạm hành chính là thiếu tính sức răn đe vì các đối tượng bán dâm thường kiếm tiền dễ dàng nên họ không “ngại” bị xử phạt hành chính. Nhiều người mẫu bán dâm đến cả ngàn đô/lần thì việc bỏ ra vài trăm ngàn đến vài triệu đồng để nộp phạt chẳng thấm vào đâu và họ sẽ sẵn sàng nộp phạt rồi sau đó tiếp tục hành nghề.
Trước những ý kiến trên, lãnh đạo Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội (Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội) khẳng định, quy định không đưa người bán dâm vào các trung tâm phục hồi nhân phẩm không phải là hợp pháp hóa, thả nổi hoạt động mại dâm mà đây là sự thay đổi trong phương thức quản lý hoạt động mại dâm, tập trung quản lý mại dâm từ phần gốc, tức là xử lý mạnh các đối tượng là chủ chứa, môi giới, buôn bán bắt ép phụ nữ hoạt động mại dâm. Đây mới là những đối tượng khiến hoạt động mại dâm biến tướng, diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, bỏ quy định đưa người bán dâm vào các trung tâm phục hồi nhân phẩm cũng nhằm tạo điều kiện cho người bán dâm tiếp cận với các dịch vụ can thiệp giảm tác hại trong cộng đồng, hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập vào đời sống xã hội.
Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là quy định trên được thông qua trong bối cảnh công tác quản lý đối tượng hoạt động mại dâm tại cộng đồng còn là một mảng yếu do thiếu cán bộ chuyên trách và thiếu lực lượng cộng tác viên. Các biện pháp can thiệp giảm tác hại cũng còn ít và thiếu hiệu quả. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, cho vay vốn, tạo điều kiện cho người bán dâm có công việc ổn định để thoát khỏi việc bán dâm để mưu sinh còn thiếu và chưa tạo được hiệu quả nên không tránh khỏi thực trạng phần lớn những đối tượng bán dâm sau khi bị phát hiện đưa vào các trung tâm phục hồi nhân phẩm, sau đó quay về địa phương lại tiếp tục trở lại hoạt động mại dâm. Vì vậy, việc xử lý “nhẹ tay” hơn với đối tượng bán dâm và nguy cơ “bùng nổ” hoạt động mại dâm là điều rất đáng lo ngại.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có khoảng 30.000 người bán dâm, trong đó số có hồ sơ quản lý là 13.928 người và có khoảng 1.000 người hiện còn ở các trung tâm phục hồi nhân phẩm (từ thời điểm Luật được công bố, không có thêm đối tượng hoạt động mại dâm nào được đưa vào các trung tâm này). Những đối tượng có hồ sơ quản lý là những người bán dâm đã được phát hiện, xử phạt và đưa danh sách về địa phương quản lý. Một phần lớn trong số đó tiếp tục quay lại đường cũ. Điều này cho thấy, công tác quản lý và xử lý những đối tượng bán dâm còn lúng túng, thiếu đồng bộ, theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”, xử phạt hành chính rồi thả về, trong khi đó các biện pháp can thiệp trong cộng đồng thiếu và yếu nên hiệu quả không đạt nhưng mong muốn.
Phó Cục trưởng Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội Lê Thị Hà cho biết: Về vấn đề quản lý hoạt động mại dâm, cần phải tính toán và cân nhắc kỹ trên cơ sở phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, ý thức tuân thủ pháp luật, lối sống của thế hệ trẻ và những hậu quả để lại của vấn đề này. Hiện nay, trên thế giới đã có những nước hợp pháp hóa hoạt đông mại dâm nhưng vẫn còn rất hạn chế. Để giải quyết được vấn đề này, cần phải có các giải pháp đồng bộ trong đó tăng cường các giải pháp xã hội, tuyên truyền về an toàn tình dục, tạo các dịch vụ thân thiện, dễ tiếp cận với người hoạt động mại dâm trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, cần tăng cường các biện pháp xử lí vi phạm trên các trang web và blog cá nhân, các hình thức chào hàng môi giới mại dâm trên internet, đẩy mạnh kiểm duyệt và xử lí kiên quyết các đối tượng sản xuất lưu hành các ấn phẩm phim ảnh có nội dung đồi trụy, độc hại, cổ xúy ăn chơi trụy lạc, kích thích tệ nạn mại dâm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục trong quần chúng nhân dân để nâng cao nhận thức của mọi người, tránh xa mại dâm nói riêng và các tệ nạn xã hội nói chung. Cục phòng chống tệ nạn xã hội sẽ tiếp tục công tác nghiên cứu để làm sao đưa ra được những biện pháp quản lý, giúp đỡ người bán dâm phù hợp hơn trong giai đoạn tới.
Năm 2012, trung ương đã bố trí kinh phí hỗ trợ 41/63 địa phương triển khai Chương trình hành động quốc gia phòng chống mại dâm giai đoạn 2011 - 2015 với tổng số tiền là 25 tỉ đồng. Các địa phương đã sử dụng 30% tổng số kinh phí hỗ trợ, vào các hoạt động tuyên truyền, điều tra, truy quét, phá ổ nhóm mại dâm… Đã giáo dục, chữa bệnh cho 1.440 người bán dâm. Ngoài ra, có 50 tỉnh, thành phố đã xây dựng mô hình thí điểm về phòng chống mại dâm và hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch - Chi Cục trưởng Chi cục Phòng chống Tệ nạn xã hội TP HCM kiến nghị, sớm có văn bản hướng dẫn xử lý đối tượng bán dâm khi quy định không đưa người bán dâm vào các cơ sở chữa bệnh có hiệu lực theo Luật xử lý vi phạm hành chính; điều chỉnh bổ sung pháp lệnh phòng chống mại dâm và hệ thống hóa các văn bản pháp luật đảm bảo tính đồng bộ chặt chẽ, tránh chồng chéo trong công tác phòng chống mại dâm.
Tóm lại, có hợp pháp hóa hoạt động mại dâm hay không và hợp pháp hóa đến mức nào còn là một câu hỏi đặt ra cho những cơ quan hoạch định chính sách? Tuy nhiên, theo ý kiến của hầu hết những nhà nghiên cứu về văn hóa xã hội thì, dù có hợp pháp hóa thì cũng không thể coi mại dâm là một nghề để mưu sinh như các nghề khác trong xã hội vì nó không phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo đức của dân tộc.
Mai Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét