Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

Làng tôi

Đọc các tin về Văn Giang trong đầu cứ vang vang bài hát của Văn Cao: Đời đang vui đồng quê yêu dấu. Bóng cau với con thuyền, một dòng sông. Nhưng thôi rồi còn đâu quê nhà,


Làng tôi 

Làng tôi xanh bóng tre
Từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung
Đời đang vui đồng quê yêu dấu
Bóng cau với con thuyền, một dòng sông.
Nhưng thôi rồi còn đâu quê nhà, ngày giặc Pháp tới làng triệt thôn.
Đường ngập bao xương máu tơi bời, đồng không nhà trống tan hoang.

Chiều khi quân Pháp qua
Chiều vắng tiếng chuông ngân, phá tan nhà thờ xưa.
Làng tôi theo đoàn quân du kích,
Cướp ngay súng quân thù trả thù xưa.
Bao căm hờn từ xa quê nhà, rừng chiều nhớ cánh đồng chiều xưa.
Từ xa quê trông lớp cây già, làng quê còn thấy buồn đau.

Ngày diệt quân Pháp tan,
Là lúc tiếng chuông ngân, tiếng chuông nhà thờ rung.
Làng tôi theo đoàn quân chiến thắng, đánh tan lũ quân thù về làng xưa.
Dân tưng bừng chặt tre phá cầu, cùng lập chiến lũy đào hào sâu.
Giặc chưa tan chiến đấu không thôi, đồng quê chào đón ngày mai.




Việt Nam – cái tên được nhắc đến trên bản đồ thế giới không phải từ những điều kiện tự nhiên ưu đãi hay sự phồn thịnh của một quốc gia, hơn hết thảy đây là đất nước được nhắc đến với lich sử đấu tranh anh dũng, kiên cường và lòng yêu nước, yêu chuộng hòa bình độc lập, tự do. Tinh thần ấy, sức chiến đấu bền bỉ ấy đã ghi dấu đậm nét trong các tác phẩm thơ văn và âm nhạc trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Và ca khúc “Làng tôi” của nhạc sĩ Văn Cao là một điển hình thi ca mang sức sống trường tồn của dân tộc với những nét họa sinh động về quãng thời gian chiến đấu gian khổ và chiến thắng vẻ vang như vậy.
Làng cổ Đường Lâm
Ngay từ tựa đề ca khúc, ai cũng dễ nhận thấy trong tác phẩm này Văn Cao đề cập đến nơi mà sự bình yên luôn ngự trị: làng quê Việt Nam. Và trong những lúc xông pha trận mạc hay những khi cuộc sống bình yên, trong tâm trí bất cứ ai cũng mường tượng ra cảnh thanh bình của làng quê ấy. Và đặc trưng của làng quê mà người ta hay nhắc đến đó là hình ảnh trữ tình với cây đa, bến nước, sân đình, với những lũy tre xanh mát và những cánh cò trắng trên đồng ruộng bát ngát.. Ngoài ra, trong “Làng tôi” còn có một âm thanh mà nhạc sĩ Văn Cao đã nhắc đến xuyên suốt cả tác phẩm, đó là tiếng chuông nhà thờ. Tiếng chuông mà ta bắt gặp ở bất cứ quốc gia, lãnh thổ nào cũng được hiểu như là biểu trưng của sự yên bình và hòa hợp dân tộc. Nói cách khác, ở trong mỗi con người ngoài tình yêu dành cho quê hương, đất nước còn có sự yêu chuộng và cầu phúc hòa bình.
Nơi làng quê hiền hòa ấy cũng như bao làng quê khác, những con người quanh năm chỉ biết đến cày cuốc và niềm vui hội mùa thì giờ đây trong đấu tranh cũng là những con người ấy đã phải tập làm quen với bom rơi đạn nổ, đã biết cầm chắc tay súng mà bảo vệ xóm làng. Trong khi đất nước lâm nguy, mọi sức người đều dồn lên cho mục đích cao cả và hi vọng một ngày mai máu đỏ nhuộm cờ hòa bình. Do đó, bỏ lại sau lưng ngôi nhà mái tranh có người mẹ, người vợ tần tảo, gác lại tình cảm đôi lứa và tình thân gia đình, những người nông dân một thời chân lấm tay bùn nay quyết tâm xông pha chiến trường với chỉ một ý chí nung nấu quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh để giành về độc lập tự do cho Tổ quốc.Chỉ khi người ta sống trong một giai đoạn lịch sử đầy máu và nước mắt cùng sự hi sinh to lớn ấy, giá trị của một tiếng chuông trong buổi chiều tà càng như thôi thúc và giục lòng người tiếp tục sống, chiến đấu. Dù bao đau thương với chất chồng mất mát ra đi, dù hoang tàn, chia ly ở khắp nơi nơi xảy đến, nhưng quyết tâm trung kiên bắt nguồn từ cốt lõi của lòng yêu nước thương nòi, con dân của làng quê xưa vẫn tiếp tục trường kì gian khổ đấu tranh – “bao xương máu tơi bời”
Làng Quê Việt Nam
Làng tôi xanh bóng tre
Từng tiếng chuông ban chiều,
Tiếng chuông nhà thờ rung
Đời đang vui đồng quê yêu dấu
Bóng cau với con thuyền, một dòng sông.
Anh dũng và quả cảm, tình yêu đất nước và sức mạnh đoàn kết đó là những phẩm chất mà chính chiến tranh đã tôi luyện nên cho bao người con bước ra từ đồng ruộng. ở trong nhạc phẩm “Làng tôi”, Văn Cao đã không nhắc đến bất cứ con người nào cụ thể mà chỉ lấy hình ảnh ngôi làng tựa như người chiến sĩ kiên cường tự biết chiến đấu và chiến thắng bằng lòng căm hận và niềm hi vọng ngày mai tươi sáng, “giặc chưa tan chiến đấu không thôi”..
Trước khi cho ra đời “Làng tôi”, nhiều người vẫn thường nghe nhạc của Văn Cao với những ca khúc tiền chiến lãng mạn như Thiên Thai, Cung Đàn Xưa, Suối Mơ, Bến Xuân, Thu Cô Liêu,.. Đó là một mảng âm nhạc đa sầu đa cảm của trí tuệ hơn người trong cái gọi là cốt cách thi nhân. Cho đến những nhạc phẩm như Sông Lô, Ngày Mùa cũng được sáng tác cùng thời kì sau 1945, âm nhạc của Văn Cao lại chảy trôi theo một bờ dạt dào giai âm cuộc sống và thời cuộc. Và “Làng tôi” làm lay động lòng người cũng bởi lẽ sự giản dị và chân giả chất chứa trong nó khiến người ta phải cảm, phải đặt mình vào tâm trạng nước mất nhà tan mới thấy hết những mất mát, căm hờn lẫn trong tình yêu quê hương và mong ước giành hòa bình. Dẫu thế, chất nhạc trong ca khúc lại không hề bi lụy, tàn thương nếu người ta chỉ bắt gặp đâu đó lời một bài thơ.
“Làng tôi” viết trên nền giai điệu Valse cung đô trưởng nhưng lại thể hiện được nhiều cảm xúc: từ nỗi đau giằng xé quê hương điêu tàn, biến lòng căm thù thành sức mạnh ý chí; từ việc miêu tả một làng quê tươi đẹp bị chiếm đóng tới hành khúc quân dân chung tay chống giặc. Âm nhạc ấy họa trong bức tranh khá nhiều mảng xanh của lũy tre lượn vòng, của tiếng chuông ngân nga thanh bình và có phần nhiều màu xám ảm đạm của chiến tranh.
Cùng với những Ngày mùa, Mùa xuân đầu tiên,.. Làng tôi là một trong những giai điệu Valse đẹp thu hút sự lắng đọng của người thưởng thức âm nhạc Văn Cao. Sự nhẹ nhàng da diết trong ca khúc này cứ theo dòng chảy thời gian mà lặng lẽ kể về làng quê ấy, với những kỉ niệm xa xưa…

Văn Cao và những giai điệu thôn làng

Nhạc sĩ Văn Cao sinh ở Hải Phòng nhưng quê hương lại là thôn Hào Kiệt, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Những lần cùng gia đình về thăm quê đã khắc vào tâm khảm một nỗi u hoài ly hương: “Tôi không có quê hương/ Nghe đâu như Thái Bình, Hà Nam, Phủ Lý/ Như Nam Định/ Ruộng đất mênh mông trong tiếng hát/ Quê mẹ quê cha cách một vườn trầu” (Những người trên cửa biển). Có lẽ bởi vậy, nên khi cách mạng Tháng Tám 1945 làm ra cuộc đổi đời trên quê hương, dù chỉ sau hơn một năm đã phải sống trong những ngày kháng chiến gian nan, Văn Cao vẫn nhìn ra sự mới mẻ của thôn làng tự do.
lang que vn
Làng quê Việt Nam
Sau toàn quốc kháng chiến, Văn Cao và người yêu tản cư về vùng Ba La – Hà Đông và tổ chức đám cưới. Có một buổi chiều, sau khi đi họp về, Văn Cao đi dọc triền đê và nghe tiếng chuông nhà thờ binh boong … binh boong. Ngay lập tức cái nhịp chuông ấy, cái giai điệu chuông ấy đã xoáy cuộn trong tâm hồn nhạc sĩ và tự nhiên hồn vía thôn làng Việt lại được tuôn trào ra sang trọng trong nhịp valse cung đình châu Âu. Đó là điều kỳ lạ nhất mà các nhạc sĩ Việt Nam thời kỳ đầu Tân nhạc đó có Văn Cao đã làm được. Họ đã “thôn làng hoá” cái nhịp điệu “quý tộc” này, khiến nó trở nên dung dị và chân thành:
Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều tiếng chuông nhà thờ rung
Đời yên vui đồng quê yêu dấu, bóng cau với con thuyền cùng dòng sông …
Nhưng ngay trong sự dung dị và chân thành ấy, còn chứa đựng âm hưởng tráng ca của những thôn làng kháng chiến:
Chiều khi quân ác qua làng vắng tiếng chuông ngân tiếng chuông nhà thờ rung. Làng tôi theo đoàn quân du kích, cướp lấy súng quân thù trả thù xưa …
Bài Làng tôi sau khi ra đời đã trở thành bài hát của người Việt Nam từ đó đến nay và mãi mãi.Trong tác phẩm Trường ca sông Lô, Văn Cao đã tái hiện lại nét nhạc Làng tôi ở đoạn kết: “Dòng sông Lô trôi. Dòng sông Lô trôi”. Cũng ngay từ ngày kháng chiến, Làng tôi đã được dịch ra tiếng Nga và một số ngôn ngữ khác.
Cùng với Làng tôi cũng với nhịp valse, Văn Cao còn vẽ ra một bức tranh âm thanh về một ngày mùa thời kháng chiến vừa lãng mạn vừa cao diệu qua Ngày mùa :
Ngày mùa vui thôn trang
Lúa reo như hát mừng
Lúa không lo giặc về khi mùa vàng thôn quê
Ngày mùa vui thôn xóm
Đầy đồng giáo với gươm
Súng tỳ tay anh đứng em cầm liềm trông sang
Sức sống, sức thuyết phục của Làng tôi và Ngày mùa đã khiến cho hai bài hát trên đã được nhiều người ưa thanh bình chọn vào 20 bài hát hay nhất viết về nông thôn Việt Nam trong cuộc bình chọn do Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn khởi xướng nhân kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ Canh Nông.
Những bài hát khác được bình chọn cùng Làng tôi và Ngày mùa là: Lên ngàn (Hoàng Việt), Bài ca người thợ rừng (Phạm Tuyên), Đường cày đảm đang (An Chung), Những cô gái quan họVề quê (Phó Đức Phương), Bài ca năm tấn (Nguyễn Văn Tý), Tiếng chày trên sóc Bom Bo (Xuân Hồng), Hạt gạo làng ta (Trần Viết Bính – Trần Đăng Khoa), Hát về cây lúa hôm nayTình yêu của đất và nước (Hoàng Vân), Con kênh ta đào (Phạm Tuyên), Người đi xây hồ Kẻ Gỗ (Nguyễn Văn Tý), Tình đất đỏ miền Đông(Trần Long Ẩn), Làng quan họ quê tôi (Nguyễn trọng Tạo), Tình cây và đất (Tô Thanh Tùng), Mùa xuân làng lúa làng hoa (Ngọc Khuê), Tình ta biển bạc đồng xanh (Hoàng Sông Hương), Khúc hát sông quê (Nguyễn Trọng Tạo – Lê Huy Mậu).
Làng tôi
Sáng tác: Văn Cao
Ca Sỹ: Mai Hương – Quỳnh Giao

Lyric

Ngày mùa
Sáng tác: Văn Cao
Ca Sỹ: Hồng Nhung


Lyric

Theo vnmusic.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét