Tổng hợp của Mặt trận Tổ quốc trước kỳ họp Quốc hội cho
thấy người dân đang bày tỏ sự lo ngại về hàng loạt vấn đề, đặc biệt là
tình hình kinh tế như lạm phát, giá cả, tình trạng sản xuất đình đốn,
người lao động mất việc làm.
Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa 13, Đoàn
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Ủy
ban thường vụ Quốc hội tổng hợp ý kiến, kiến nghị của hơn 1.200 cử tri
và người dân cả nước gửi tới Quốc hội.
Báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc sáng 21/5,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm cho biết,
người dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng về sự phát triển chưa bền vững
của nền kinh tế; lạm phát, giá cả vẫn ở mức cao; sản xuất, đời sống,
việc làm của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó là tình trạng ô
nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tội
phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp; việc giải
quyết khiếu nại, tố cáo của công dân chưa tốt; cải cách thủ tục hành
chính còn chậm, tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm
trọng, chưa được đẩy lùi.
"Sức khỏe" của nền kinh tế là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người dân cả nước. Ảnh minh họa: Hoàng Triều. |
Theo phản ánh của cử tri, tình hình sản xuất hiện nay
gặp nhiều khó khăn, thách thức như: tăng trưởng kinh tế những tháng đầu
năm đạt thấp, sức mua giảm sút, hàng hoá tồn kho lớn, hàng ngàn doanh
nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải giải thể, phá sản, tạm
ngừng hoặc thu hẹp sản xuất. Đi liền với tình trạng sản xuất đình đốn là
người lao động mất việc làm tăng, gây nhiều bức xúc trong xã hội. Mặc
dù lãi suất huy động giảm nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận
nguồn vốn do lãi suất cho vay giảm chậm, thủ tục, điều kiện vay vốn phức
tạp. Nhiều cử tri cho rằng, tình hình hiện nay, cả người gửi tiết kiệm
và người đi vay đều phải chịu thiệt, còn được lợi là các ngân hàng…
Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo sớm có
giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người
dân, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, giải
quyết công ăn việc làm cho người lao động.
Các tập đoàn kinh tế nhà nước được đầu tư lớn về vốn,
đất đai và nhiều ưu đãi khác nhưng kết quả hoạt động không tương xứng;
nhiều tập đoàn đầu tư ngoài ngành hiệu quả thấp, lâm vào tình trạng khó
khăn, khó thu hồi vốn, thậm chí có tập đoàn làm ăn thua lỗ. Cử tri và
nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm có giải pháp tổng thể tái cơ
cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu về vốn, về các doanh nghiệp, tập
đoàn kinh tế Nhà nước, về đầu tư công… nhằm nâng cao hiệu quả và khả
năng cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững, trả
được vốn vay trong và ngoài nước.
Hiện nay đời sống của nhiều công nhân lao động, nông
dân, người nghèo, đồng bào vùng sâu vùng xa, người có thu nhập thấp gặp
nhiều khó khăn do giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao. Cử tri kiến
nghị Chính phủ có các giải pháp nhằm bình ổn giá cả các mặt hàng thiết
yếu, đồng thời tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý, kiểm soát giá
cả thị trường, xử lý nghiêm những trường hợp tự ý nâng giá, tăng giá bất
hợp lý.
Thời tiết năm nay có nhiều diễn biến phức tạp, rét đậm
rét hại kéo dài, nắng nóng bất thường; tình trạng ô nhiễm môi trường ở
nhiều nơi nhất là ở các khu công nghiệp, làng nghề; nạn phá rừng, khai
thác khoáng sản bừa bãi; tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, thực
phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan trên thị trường thiếu sự kiểm
soát của cơ quan chức năng vẫn diễn ra nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sản
xuất và sức khoẻ người dân. Tình hình dịch bệnh, nhất là dịch chân tay
miệng diễn biến phức tạp ở một số địa phương, bệnh lạ xuất hiện ở Quảng
Ngãi khiến nhiều người chết nhưng chậm được làm rõ và chữa trị chưa có
hiệu quả. Việc khám chữa bệnh thủ tục còn nhiêu khê; khi ốm đau phải vào
viện thực sự là nỗi ám ảnh, khốn đốn đối với người nghèo, người có thu
nhập thấp. Bên cạnh đó, tệ nạn xã hội, tội phạm không giảm, nhất là các
vụ cướp của, giết người táo tợn, nhiều thủ phạm ở tuổi vị thành niên;
tình trạng cháy nổ diễn ra ở nhiều nơi, việc cháy ôtô, xe máy chưa được
kết luận rõ ràng… gây bất an trong đời sống người dân. Cử tri kiến nghị
Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm
chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên.
Đối với vấn nạn tai nạn giao thông, người dân cho rằng, dù tình hình có chuyển biến song
diễn biến vẫn phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và của. Ùn tắc giao
thông vẫn còn xảy ra thường xuyên ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Người dân cho rằng, các giải pháp của ngành giao thông
và các địa phương thời gian qua vừa qua chưa căn bản, đồng bộ, hiệu quả
lại không cao; có giải pháp dự kiến đưa ra chưa sát thực tiễn.
Về tình hình khiếu nại, tố cáo, báo cáo của Mặt trận Tổ quốc ghi nhận, những
tháng đầu năm 2012, tình hình có nhiều diễn biến phức tạp. Số vụ việc,
số lượt công dân, số lượng đoàn đông người, số lượng đơn thư khiếu nại,
tố cáo đều tăng, trong đó khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất
đai chiếm tỷ lệ lớn.
Ý kiến của cử tri cho rằng, tình trạng trên chủ yếu là
do chính sách bồi thường cho người có đất bị thu hồi còn nhiều bất cập,
hay thay đổi, thiếu nhất quán, giá bồi thường thấp, có sự chênh lệch
quá lớn giữa giá đất bồi thường so với giá trị trường hoặc giá nhà đầu
tư bán; thu hồi đất nhưng chậm sử dụng, để hoang hoá, trong khi người
dân không có đất để sản xuất. Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai còn
sơ hở, lỏng lẻo; không ít cán bộ lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực nhưng
không bị xử lý nghiêm minh.
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được người dân
đánh giá còn nhiều hạn chế, yếu kém, một số địa phương chưa tổ chức tốt
việc tiếp công dân, chưa gắn công tác tiếp công dân với việc giải quyết
khiếu nại, tố cáo. Nhiều vụ việc giải quyết còn chậm; còn né tránh, đùn
đẩy; một số vụ việc giải quyết không đúng chính sách, pháp luật và thực
tế; nhiều vụ việc chưa được các địa phương quan tâm giải quyết dứt điểm.
Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo chấn
chỉnh, khắc phục dứt điểm tình trạng trên; giải quyết tới nơi tới chốn
những vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài; chỉ đạo người đứng đầu chính
quyền các cấp phải dành thời gian để tiếp dân và giải quyết khiếu nại,
tố cáo. Việc thu hồi đất phải đảm bảo hài hoà lợi ích của nhà nước,
doanh nghiệp và người dân có đất bị thu hồi; việc tổ chức cưỡng chế phải
đúng trình tự pháp luật, có lý, có tình, phải đối thoại, vận động trước
khi cưỡng chế…
Để giải quyết tốt các vấn đề ở lĩnh vực này, người dân
bày tỏ mong muốn Quốc hội sớm ban hành Luật về tiếp công dân và sửa
đổi, bổ sung Luật đất đai cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Về phòng, chống tham nhũng, lãng phí được người dân nhìn nhận chưa
đạt được mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng
với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp,
nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trong các lĩnh vực và
hoạt động liên quan đến đất đai, khoáng sản; đầu tư công; xây dựng cơ
bản; quản lý vốn và tài sản của doanh nghiệp nhà nước; tín dụng, ngân
hàng; thu chi ngân sách, mua sắm tài sản công; công tác cán bộ; quan hệ
giữa cơ quan, cán bộ nhà nước với người dân, doanh nghiệp; tình trạng
người dân buộc phải “lót tay” cho cán bộ công chức khi quan hệ giải
quyết công việc diễn ra ở nhiều nơi...
Số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện xử lý chưa
phản ánh đúng tình hình tham nhũng đang diễn ra; việc xử lý các vụ án
tham nhũng thường bị kéo dài, trong đó các vụ án nghiêm trọng, phức tạp
thường bị kéo dài theo hướng thu hẹp vụ án; tội phạm tham nhũng được cho
hưởng án treo còn nhiều, tài sản bị tham nhũng hoặc bị thiệt hại do
tham nhũng được thu hồi và bồi thường còn rất hạn chế.
Nguyễn Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét