Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

Càng giàu tài nguyên lại... càng nghèo

Càng giàu tài nguyên lại... càng nghèo

- Chuẩn bị cho chuyến khảo sát tình hình khai thác khoáng sản tại một số địa phương, hôm nay (2/3), UB Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan Chính phủ. Nhiều phát biểu tâm huyết đã được nêu xung quanh câu chuyện khai khoáng vốn luôn làm nóng các phiên họp Quốc hội lâu nay.


Đầu tiên là câu hỏi được phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Quốc hội Mai Xuân Hùng đặt ra: "Khoáng sản nằm ở hầu hết các tỉnh nghèo nhưng tại sao sau bao nhiêu năm khai thác mà các tỉnh đó vẫn hoàn nghèo? Tại sao tài nguyên khoáng sản lại không đóng góp được gì cho sự phát triển của tỉnh? Càng giàu tài nguyên dưới lòng đất thì ở trên lại càng nghèo?".


Ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản (Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam): Cần giám sát tài sản nhà nước thông qua các báo cáo về trữ lượng, thanh tra, kiểm tra. Ảnh: LN
Thực tế như ông Phạm Quốc Thái (Bộ Công thương) chỉ ra, khoáng sản nước ta chủ yếu phân bổ ở miền núi, vốn hầu hết là tỉnh nghèo, công nghiệp chậm phát triển. Các tỉnh khi lập quy hoạch phát triển công nghiệp hầu như đều nhắm chủ yếu đến nguồn lợi khoáng sản tự nhiên và muốn tăng trưởng dựa trên lợi thế tự nhiên này. Nhu cầu tăng trưởng mạnh đến nỗi ngoài các mỏ trong quy hoạch còn liên tục phát sinh tình trạng cấp phép ồ ạt ngoài quy hoạch...
ĐBQH Hà Nội Bùi Thị An cho rằng, cần đánh giá hiệu quả kinh tế từ các hoạt động khai khoáng. Các mỏ khoáng sản đã mang lại lợi ích gì cho địa phương? Ngoài ra, không thể "lờ" đi các hậu quả xã hội đi kèm như ô nhiễm môi trường, bệnh tật, tình trạng xuất lậu qua đường tiểu ngạch, nguy cơ thất thoát...

"Ta giàu mà không quản được thì cũng là miệng ăn núi lở. Có lẽ vẫn còn một số vị lãnh đạo ở một số nơi chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác khai khoáng nên đã để tài nguyên đổ xuống sông xuống biển", bà An nói.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Bùi Cách Tuyến cho hay, giai đoạn 2000 - 2008, ngành khai khoáng có mức tăng trưởng cao (trung bình trên 15%/năm). Tuy đem lại những hiệu quả kinh tế - xã hội nhưng cũng đã đặt ra nhiều vấn đề đáng quan ngại như phá vỡ sự cân bằng sinh thái, gây ô nhiễm môi trường nặng nề...
Mức tăng trưởng lớn như vậy nhưng bao nhiêu phần trăm đóng góp được cho ngân sách vẫn còn là câu hỏi ngỏ.
Do vậy, một vấn đề khác cũng được đặt ra tại hội thảo, đó là tình trạng buông lỏng quản lý, cấp phép tràn lan làm thất thoát tài nguyên. Nói như ông Mai Xuân Hùng, trong hàng nghìn giấy phép cấp quyền khai thác cho doanh nghiệp, chỉ một số ít là giấy phép cấp cho DN chế biến. "Vậy số khoáng sản khai thác lên đã được đưa đi đâu?", ông Hùng nói.
Dễ làm, khó bỏ
Trong khi khó đo lường hiệu quả kinh tế hay ước lượng được tỷ lệ thất thoát tài nguyên quốc gia thì những hậu quả nhãn tiền về ô nhiễm môi trường và chuyện ai cũng nhìn thấy.
Thống kê nhanh của Thứ trưởng Tuyến cho thấy, hoạt động khai khoáng gây nhiều tác động xấu đến môi trường như ảnh hưởng nguồn nước, ô nhiễm đất đai, không khí, ảnh hưởng sức khỏe người dân... Đơn cử, việc khai thác cát, đặc biệt trên hệ thống sông Đồng Nai và Sài Gòn đã gây ra hiện tượng sạt lở nặng nề, làm đục nước sông, gây tiếng ồn, cản trở và làm gia tăng tai nạn giao thông thủy.
“Tính tổng thể, đồng bộ và triệt để của các giải pháp bảo vệ môi trường không được coi trọng nên giám sát ở một số địa điểm nhất định thì đạt tiêu chuẩn, nhưng tổng thể lại không đảm bảo”, ông Tuyến nói.

Theo ông Nguyễn Cảnh Nam (Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam), "xét trên giác độ tổn thất tài nguyên có thể nói ta đang theo đuổi chính sách tham bát bỏ mâm".

Ông Nam dẫn chứng, một số văn bản dưới luật quy định không hợp lý. Thuế tài nguyên mà tính theo sản lượng khoáng sản khai thác được thì các doanh nghiệp sẽ dễ làm khó bỏ, thậm chí khai thác kiểu triệt hạ tài nguyên và môi trường. Đặc biệt, luật đã quy định phải áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, phù hợp với quy mô để thu hồi tối đa khoáng sản, nhưng lại không có một quy định nào đưa ra tỷ lệ tổn thất tài nguyên tối thiểu phải đạt để theo dõi, giám sát.
Chưa kể, Luật Khoáng sản sửa đổi có hiệu lực từ tháng 7/2011, nhưng đến nay nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện vẫn chưa được ban hành.
Dự kiến, đoàn giám sát do Chủ nhiệm UB Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng chủ trì sẽ đi thực tế tại địa phương. Kết quả sơ bộ sẽ được báo cáo tại phiên họp UB Thường vụ Quốc hội tháng 8/2012 và báo cáo Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay.


Trong 13 năm, Trung ương đã cấp 353 giấy phép khai khoáng. Địa phương cấp 3.822 giấy: Bình Thuận cấp 200 giấy phép, Vĩnh Long 151, Yên Bái 152, Cao Bằng 142...
                                 Nguồn: Tổng hội Địa chất Việt Nam
Lê Nhung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét