Thật khác xa so với các bài khác của bác.
Thấy gì từ thu, chi và bội chi ngân sách 10 tháng?
Dương NgọcNgay từ giữa năm, Thủ tướng Chính phủ đã quan ngại về thu ngân sách và cho rằng nếu thu ngân sách không đạt kế hoạch sẽ rất khó khăn về cân đối, buộc phải cắt giảm đầu tư và chi tiêu. Sau 10 tháng, dù đã có nhiều cố gắng nhưng các chuyên gia vẫn lo lắng với mức thu và bội chi ngân sách được công bố.
Từ số liệu được Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê công bố về tình hình thu-chi ngân sách 10 tháng đầu năm 2012, chúng ta thấy nổi lên một số điểm:
Thứ nhất, tỷ lệ tổng thu ngân sách nhà nước 10 tháng so với dự toán cả năm đạt 70,7%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tương ứng của cùng kỳ nhiều năm qua.
Ngoài khoản thu từ dầu thô vượt kế hoạch (đạt 103,6%), cùng hai khoản thu khác cao hơn tỉ lệ chung là thu từ thuế thu nhập cá nhân (78,5%), thu từ thuế bảo vệ môi trường (74,3%), còn lại tất cả các khoản thu khác đều đạt thấp: thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt rất thấp; thu nội địa là khoản thu lớn nhất nhưng đạt thấp hơn tỷ lệ chung, còn các khoản thu lớn khác cũng không khả quan (thu từ doanh nghiệp nhà nước đạt 69,8%, thu từ doanh nghiệp FDI không kể dầu thô đạt 63,1%, thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài nhà nước đạt 61,8%, thu phí và lệ phí đạt 66,9%.
Thứ hai, tổng thu ngân sách nhà nước/GDP trong 9 tháng đầu năm nay đạt 25,3%. Đây là một tỷ lệ thuộc loại khá cao so với các nước và còn cao so với định hướng của Việt Nam (22-23%). Vấn đề đặt ra là: tại sao tổng thu ngân sách tăng thấp, mà tỷ lệ thu ngân sách/GDP vẫn cao?
Nguyên nhân chủ yếu là do GDP tính theo giá so sánh và tính theo giá thực tế 9 tháng năm nay bị “co lại” (tăng thấp so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước) và hiệu quả của nền kinh tế còn thấp.
Thứ ba, tỷ lệ thực hiện so với dự toán năm của tổng chi cao hơn tỷ lệ của tổng thu. Do vậy, tỷ lệ bội chi so với dự toán cả năm theo tính toán sơ bộ đã cao hơn tỷ lệ tương ứng của tổng thu và của tổng chi (89,1% so với 70,7% và 75,1%). So với cùng kỳ năm trước, trong khi tổng thu tăng thấp so với tốc độ tăng của tổng chi đã làm cho mức bội chi tuyệt đối của kỳ này cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Đáng lưu ý, tỷ lệ bội chi so với GDP, nếu cả năm 2011 là 4,9%, thì 9 tháng năm nay đã ở mức gần 6,1%; trong khi chỉ tiêu kế hoạch cả năm nay là 4,8%. Đây là cảnh báo quan trọng, bởi tỷ lệ bội chi cao là yếu tố tiềm ẩn của lạm phát, tăng vay nợ, gây bất ổn kinh tế vĩ mô trong thời gian tới.
Để khắc phục những hạn chế bất cập và giảm bớt những khó khăn thách thức trên, cần thực hiên một số biện pháp sau:
Một, về lâu dài cần làm cho “chiếc bánh’’GDP to ra. Nếu GDP là hiệu quả của nền kinh tế, thì tỷ lệ thu ngân sách/GDP là hiệu quả của hiệu quả. Tỷ lệ thu ngân sách/GDP cao có một phần do quy mô GDP còn nhỏ.
Để GDP to ra, đối với nông, lâm nghiệp - thuỷ sản cần tăng chế biến để tăng giá trị gia tăng; đối với công nghiệp giảm tính gia công. Giảm chi phí trung gian để tăng giá trị gia tăng. Khi có quy mô GDP lớn hơn, “chiếc bánh” to ra, thì việc phân chia “chiếc bánh” này thuận hơn, tỷ lệ tính bằng phần trăm của ngân sách nhà nước dù có thể thấp đi, nhưng về quy mô tuyệt đối vẫn cao hơn.
Hai, ngành tài chính cần phối hợp chặt chẽ hơn với các ngành, các cấp để đẩy mạnh hơn nữa việc chống thất thu do buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển gia, lạm dụng tạm nhập - tái xuất,...; chống nợ đọng thuế. Các năm trước nhờ biện pháp này mà thực tế thu năm nào cũng vượt cao so với dự toán năm và tăng cao so với năm trước.
Ba, cùng với việc trên, đối với sản xuất trực tiếp cần quan tâm hơn nữa để “khoan thứ sức dân”, “nuôi dưỡng nguồn thu”, giúp cho người sản xuất, kinh doanh vượt qua thời kỳ khó khăn này. Cần phát huy hơn nữa tác động của việc cắt, giảm, hoãn thuế và phí, như Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ đã đề ra, có thể tăng liều lượng cắt giảm thuế giá trị gia tăng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giảm giá bán, tăng tiêu thụ, bởi tiêu thụ đang là điểm nghẽn lớn hiện nay.
Bốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các khoản vốn đầu tư từ ngân sách, từ vốn trái phiếu Chính phủ, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.
Năm, bám sát dự toán để điều hành “tiến độ” thực hiện, kiên quyết giữ mức bội chi/GDP như mục tiêu đã đề ra. Cần chú ý GDP tính theo giá thực tế năm nay sẽ không tăng cao, do tốc độ tăng theo giá so sánh thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch và thấp hơn năm trước; do tốc độ tăng CPI tính bình quân năm của năm nay có thể thấp hơn năm trước (khả năng cả năm chỉ bằng một nửa tốc độ tăng 18,58% của năm trước). Khi quy mô và các tốc độ tăng này không đạt như kế hoạch thì thu, chi, bội chi cũng bị tác động so với dự toán đã lập.
(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét