Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Sức ép tốc độ gia tăng nợ xấu


Tác giả: NGUYÊN HƯNG
Nợ xấu, phá sản, trả giá cho thời ham hố
Được cứu nợ xấu: ngân hàng, BĐS lại lên hương
Tăng tín dụng: Hạ lãi suất hay gỡ nợ xấu?
Xử nợ xấu: Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị gì?

(VEF.VN) - Con số nợ xấu chưa đáng sợ nhưng diễn biến nợ xấu thì rất đáng sợ khi tốc độ tăng nợ xấu trong năm nay tăng rất cao, đỏi hòi nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống.mChuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch, cho biết ông là người lạc quan nhưng niềm tin của ông đang giảm đi và thấy lo hơn trước các thông tin về nợ xấu khi người đứng đầu ngân hàng nhà nước (NHNN) công bố trước Quốc hội.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình thì thì nợ của Việt Nam hiện khoảng 8,86% tổng dự nợ tín dụng (khoảng 2,75 triệu tỷ đồng Việt Nam), hay con số nợ xấu khoảng 252.000 tỷ đồng tính tới thời điểm 30/9/2012.

Đây là con số đã tăng hơn so với 8,6% hay 202.000 tỷ đồng nợ xấu được Chánh thanh tra NHNN Nguyễn Hữu Nghĩa công bố hồi tháng 7 vừa qua.

Về thực trạng nợ xấu, ông Bình cho biết, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng thì nợ xấu chỉ có 4,93% nhưng theo NHNN thì con số là 8,82%. Trong khi đó tốc độ gia tăng nợ xấu tăng chóng mặt. Năm 2008, nợ xấu tăng 74%, năm 2009 tăng 27%, năm 2010 tăng 41%, năm 2011 tăng 64% và chỉ 10 tháng đầu năm 2012, nợ xấu đã tăng 66%, một tốc độc tăng khủng khiếp.


Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết từ tháng 8/2011 ông đã nhìn thấy nguy cơ nợ xấu tăng nhanh và đây cũng là lần đầu tiên NHNN công bố con số về nợ xấu. Trong một cuộc họp của Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia năm 2011, Thống đốc Nguyễn Văn Bình là người đầu tiên đặt vấn đề về nợ xấu, tảng băng nợ xấu ảnh hưởng tới nền kinh tế thế nào.
"Vấn đề nợ xấu là vấn đề chúng ta đã nhìn thấy trước rồi, quy mô nợ xấu không phải là lớn nhưng đặc biệt nguy hiểm ở chỗ tốc độ tăng nợ xấu rất nhanh và rất cao. Nếu không tái cơ cấu lại từ tháng 4.2012 thì khoản nợ 252.000 tỷ giờ đã tăng lên tới mức nào," ông Bình chia sẻ trước Quốc hội.

Về con số nợ xấu mới xử lý được, ông Bình cho biết khoảng 12.000 tỷ đồng, một con số quá nhỏ bé so với con số 252.000 tỷ đồng nợ xấu và con số này vẫn tiếp tục tăng.

"Nếu không nhanh chóng giải quyết vấn đề nợ xấu, hệ lụy của nó đối với nền kinh tế là rất lớn, có thể mất 5 năm, 10 năm, thậm chỉ cả 15 năm như Nhật Bản," ông Bình nói thêm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới gia tăng nợ xấu nhưng chủ yếu tập trung vào 5 nhóm nguyên nhân là: tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, cơ chế, môi trường và công tác thanh tra. Cần xác định rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý nợ xấu chính xác, hiệu quả nhất.

Về nguyên nhân nợ xấu đến từ các tổ chức tín dụng, đây sẽ là nguyên nhân chính cần phải được tập trung giải quyết trong thời gian tới.

Một giải pháp được mong chờ nhất hiện nay là thành lập công ty mua bán nợ xấu, ông Bình cho biết công ty mua bán nợ không thuộc NHNN mà được chính phủ giao cho việc nghiên cứu để xây dựng mô hình của công ty mua bán nợ này. Thực chất đó là mô hình công ty mua bán tài sản (AMC).

Đây không phải là công ty của NHNN mà là của Chính phủ. Do đó, mô hình công ty này sẽ phải có sự tham gia của nhiều bộ ngành, về tài sản ai quyết định mua, mua với giá thế nào, thanh toán ra sao. Sau kỳ họp của Quốc hội, chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ ngành tham gia và công bố đề án này.

Việc thành lập công ty mua bán nợ này cũng chỉ là một trong số các giải pháp cần phải tiến hành trong thời gian tới. Trước đó, các thông tin ban đầu cho thấy công ty AMC này sẽ có số vốn khoảng 100.000 tỷ đồng, tuy nhiên nguồn tiền này từ đâu thì vẫn là ẩn số.

Theo tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), chương trình xử lý nợ xấu đang được xem xét và sắp được công bố trong vài ngày tới và nếu tốt đẹp, chương trình này sẽ được áp dụng ngay từ cuối quý 1/2013.

Cũng theo ông Thành, vấn đề xử lý nợ xấu sẽ được giải quyết nếu có một định chế xử lý nợ xấu được thành lập, phải có cơ chế chính sách phù hợp tạo điều kiện cho định chế này hoạt động. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là ứng xử với áp lực xã hội, giải trình với người dân. Đồng thời, việc xử lý ai trước, ai sau sẽ là vấn đề cần đặt ra.

Với những biện pháp và giải pháp quyết liệt, hy vọng Việt Nam sẽ đưa tỷ lệ nợ xấu về 3-4% cuối năm 2015 như công bố bởi Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trước Quốc hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét