Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

Sự thật chiến lược Mỹ đặt châu Á làm trọng tâm

Sự thật chiến lược Mỹ đặt châu Á làm trọng tâm

Từ cửa sổ của mình, Roberto Garcia nhìn các công nhân đang sửa tàu ngầm trợ hạm USS Emory S.Land, đây là một phần trong chương trình xây dựng quân sự của Mỹ khi mà Washington chuyển hướng sang khu vực châu Á tăng trưởng nhanh và một Trung Quốc đang trỗi dậy.
Các tàu sân bay của Mỹ ngày càng hiện diện nhiều hơn ở châu Á -Thái Bình Dương theo chiến lược hướng Á
Philippines, Australia và các quốc gia khác trong khu vực đang chứng kiến một sự hồi sinh của các tàu chiến Mỹ, các máy bay và binh sĩ Mỹ kể từ khi Tổng thống Barack Obama tuyên bố một sự chuyển hướng trong chính sách đối ngoại, kinh tế, và an ninh theo hướng đặt châu Á làm trọng tâm hồi năm ngoái.
Washington nói đi nói lại rằng sự chuyển hướng này không nhằm kiềm chế Trung Quốc hoặc trở lại các căn cứ quân sự trước kia về lâu dài. Nhưng đôi khi rất khó để nói về một điều rất khác ở Vịnh Subic, một cảng nước sâu gần các tuyến đường thủy sống còn và các tranh chấp biên giới ở biển Đông vừa gây căng thẳng cho các quốc gia trong khu vực.

“Mỗi tháng chúng tôi đều có tàu đến. Vài tuần trước, chúng tôi có các tàu ngầm, có cả hàng không mẫu hạm” – Roberto Garcia cho biết. Ông hiện là chủ tịch của chính quyền Vịnh Subic nơi giám sát khu vực đặc quyền kinh tế xây dựng trên căn cứ hải quân cũ của Mỹ. “Họ không thể tìm thấy cơ sở nào như vậy ở bất cứ nơi nào tại châu Á”
Căng thẳng về chủ quyền lãnh thổ và sự chuyển hướng của Mỹ đối với khu vực này sẽ được đặt lên rất cao trong nghị trình của ông Obama tại Đông Nam Á trong vài ngày tới đây.
Lầu Năm Góc nói rằng Mỹ ‘không có ý định thiết lập lại các căn cứ tại Philippines’.
Nhưng hoạt động của Mỹ tại Vịnh Subic, một thành phố duyên hải lộng gió cách thủ đô Manila 80km về phía bắc khiến cho người ta có cảm giác đây không khác gì một thành phố ngoại ô của Mỹ với các trung tâm mua sắm, các cửa hàng đồ ăn nhanh và những thành phố sáng đèn.
Tháng trước, có 70 tàu hải quân Mỹ đã qua Vịnh Subic, nhiều hơn con số 55 tàu năm 2011 và 51 tàu năm 2010. Lầu Năm Góc nói rằng có hơn 100 máy bay của Mỹ dừng tại Clark mỗi tháng, đây là một căn cứ cũ của Mỹ nằm giữa Manila và Subic.
“Điều này cũng giống như việc cho thuê một chiếc xe vì đã phản đối mua nó vậy, người chủ sở hữu có mọi ưu thế và giảm thiểu rủi ro” – James Hardy, biên tập viên phụ trách mảng châu Á – Thái Bình Dương của tuần báo Quốc phòng HIS Jane.
“Nếu như bạn nhìn vào Subic, Mỹ sẽ nâng các căn cứ và tài sản của Phililppines lên, sở hữu các tài sản đó và mọi khía cạnh về tiền bạc và giá cả về mặt chính trị trong việc lấy lại quyền sở hữu căn cứ này. Mỹ sử dụng lại chiến lược tương tự để việc xây dựng cảng được hoàn tất mà không có phiền hà gì”.
Người phát ngôn của Lầu Năm Góc là Thiếu tá Catherine Wilkinson cho biết: với tư cách một cường quốc Thái Bình Dương, Mỹ quan tâm tới tự do hàng hải, ổn định và tôn trọng luật pháp quốc tế và hoạt động thương mại không bị ngăn trở, đúng pháp luật trên khắp các tuyến đường biển.
“Sự hiện diện của quân đội chúng tôi trong khu vực giúp duy trì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á – Thái Bình Dương” – Bà Wilkinson nói.
Trung Quốc không tin
Ông Obama sẽ tham dự hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Campuchia, cùng với đó sẽ là chuyến công du tới Thái Lan và Myanmar chỉ hai tuần sau khi ông tái cử. Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta có các chuyến công du chung và riêng tới Australia, Singapore, Thái Lan, Myanmar và Campuchia trong tuần này.
“Có một sự quyết tâm rất rõ ràng nhằm làm nổi bật rằng đây là điểm nhấn quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ” – một quan chức Bộ Ngoại giao nói trên máy bay của bà Clinton. “Chúng tôi muốn làm việc với Trung Quốc. Chúng tôi nhận ra rằng khu vực châu Á – Thái Bình Dương đủ rộng cho cả hai chúng tôi”.
Lo ngại trước những dự định của Washington, Trung Quốc củng cố và tăng cường quân đội và thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền trong khu vực.
“Không có gì đáng ngạc nhiên khi những nhân vật ‘diều hâu’ trong quân đội Trung Quốc quan tâm hết mực đến bộ máy lãnh đạo và đã nhận được nguồn tiền nhiều thêm” – Lanxin Xiang, một giáo sư sử học và chính trị tại Viện Nghiên cứu Quốc tế ở Geneve đã viết trên tạp chí Survival: Global Politics and Strategy (tạm dịch Sống sót: Chính trị toàn cầu và Chiến lược).
Đến năm 2020, Lầu Năm Góc dự kiến 60% lực lượng hải quân của họ đóng tại châu Á, coa hơn mức 50% hiện nay. Các nhà phân tích nói rằng họ không có con số cụ thể nhưng sẽ có sự tổ chức lại tại các căn cứ ở Nhật và từ cuộc chiến ở Afghanistan.
Một phần trong sự chuyển hướng này là quân đội Mỹ đang luân phiên 2500 lính thủy đánh bộ đầu tiên ở phía bắc Australia để huấn luyện và sẽ có trên bốn tàu chiến ven biển được gọi ra và vào Singapore trong năm tới.
“Không có việc đặt căn cứ. Nên nhấn mạnh điều này. Mỹ không cố làm điều đó mà chúng tôi cũng không chấp nhận việc này” – Ngoại trưởng Australia Bob Carr nói.
Cân bằng quyền lực
Hardy nói rằng Mỹ không nhất thiết phải duy trì lực lượng thông thường ở châu Âu nữa, do đó, họ có thể nghĩ tới việc coi châu Á –Thái Bình Dương là địa bàn tác chiến chính cùng với Trung Đông.
“Mỹ đang cân bằng lại quyền lực vì các lý do rất rõ ràng – thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của châu Á – họ được lợi rất nhiều từ việc tham gia vào đó và sẽ mất rất nhiều nếu không can dự. Các cú sẩy chân của Trung Quốc trong hai năm qua đã mở cánh cửa ra cho Mỹ” – Hardy nói.
Đối với Philippines, Mỹ hiện diện nhiều hơn sẽ giúp cho lực lượng không quân và hải quân trang bị sơ sài được bù đắp khi mà căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh dâng cao. Bên cạnh đó, quân đội nước này sẽ được hiện đại hóa các tiềm lực biển và hệ thống ra-đa ven biển với sự trợ giúp của Mỹ.
Các nhà ngoại giao Philippines nói rằng Washington đang tìm cách tiếp cận tới các cảng và sân bay ở một quy mô rộng hơn, bao gồm cả Laoag ở phía tây bắc. Cảng này nhìn ra biển Đông và cách duyên hải Trung Quốc chỉ khoảng 800km.
Garcia nói rằng ông kỳ vọng tình hình ở biển Đông sớm được giải quyết nhưng Mỹ vẫn đóng vai trò thậm chí còn lớn hơn tại Philippines và khu vực.
“Căng thẳng sẽ giảm xuống vì thế giới không thể chịu nổi việc rơi vào một cuộc tranh chấp về lãnh thổ. Nhưng điều đó không có nghĩa là sự hiện diện [của Mỹ] sẽ giảm. Bạn sẽ luôn phải nói về một sự cân bằng sức mạnh [tại châu Á – Thái Bình Dương]” – ông Garcia nhận định.
  • Lê Thu (theo Reuters)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét