Hôm trước trên Blog này tôi đã sẻ chia với anh Trần Đăng Tuấn chuyện xin cấp phép dự án "Cơm có thịt". Là người đã trực tiếp làm việc với Bộ Nội vụ khi xin phép thành lập 1 Hội lớn ở Trung ương nên tôi cũng hiểu những khó khăn của cả hai phía, người xin và người cấp phép. Nhưng tôi cũng tin rằng chỉ trừ một số trường hợp hãn hữu khi xin phép thành lập một số Hội, Hiệp Hội, còn lại đa số đơn xin khác có thể và cần được giải quyết nhanh chóng nếu những người cấp phép dám làm và dám vì lợi ích chung của cộng đồng. Riêng trường hợp dự án Quỹ "Cơm có thịt" của anh Tuấn, có yếu tố nhạy cảm là liên quan tới thu hút tiền từ nước ngoài, tới hoạt động ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa... thì có thể phải cân nhắc hơn và dự thảo điều lệ Quỹ cần tính đến yếu tố này, song cũng không đến mức phải chậm trễ đến vậy.
(Petrotimes) – Có thể nói, hiếm có bức thư ngỏ nào lại được đông đảo dư luận quan tâm đến như bức thư của ông Trần Đăng Tuấn gửi tới Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc cấp phép dự án “Cơm có thịt”. Khoan hãy nói về việc bản thân ông Trần Đăng Tuấn là người khá nổi tiếng, mà hãy nói về việc những tấm lòng nhân ái như ông phải chờ để “được phép” từ thiện như thế nào.
Sau khi rời khỏi vị trí Phó TGĐ Đài truyền hình Việt Nam, ông Trần Đăng Tuấn đã dành rất nhiều thời gian đi thăm đồng bào tại những vùng sâu, vùng xa và nhận ra rằng, trẻ em ở những nơi này khổ quá.
Ông cũng đã bày tỏ trong thư gửi tới Bộ trưởng Bộ Nội vụ như sau: “Năm ngoái, chứng kiến bữa ăn chỉ có cơm trắng và canh loãng của các cháu học sinh trong khu nội trú dân nuôi tại một trường ở xã vùng cao Suối Giàng, Văn Chấn, Yên Bái, tôi và vài người bạn rủ nhau góp tiền gửi lên hằng tháng để mua thêm thức ăn, mong sao mỗi bữa ăn mỗi cháu có thêm một, hai miếng thịt”.
Dự án "Cơm có thịt" nhận được sự ủng hộ của rất nhiều tổ chức trong và ngoài nước
Và với bài viết đầy cảm xúc trên blog cá nhân, tấm lòng nhân ái cùng rất nhiều cá nhân, tổ chức từ thiện trong và ngoài nước giúp đỡ, ông Tuấn đã quyết tâm sẽ theo đuổi dự án “Cơm có thịt cho học sinh vùng cao” dài hơi hơn. Và ông cũng đã lập hồ sơ xin thành lập quỹ từ thiện “Cơm có thịt” gửi Bộ Nội vụ vào cuối tháng 5/2012.
Mục đích của dự án này cũng rất đáng quý, bởi nó được lập ra để hỗ trợ các em học sinh ở các tỉnh miền núi phía Bắc, để bữa cơm của các em có thêm được chút thịt. Nó không đơn thuần là vật chất, mà còn là sự sẻ chia từ những tấm lòng nhân ái, sưởi ấm các em bằng tình thương của mọi người.
Thế nhưng, “Cuối tháng 10-2012, tức là tròn năm tháng sau khi nộp hồ sơ, sốt ruột quá, qua điện thoại tôi đã đề nghị chuyên viên thụ lý hồ sơ giải thích tại sao hồ sơ chưa được xem xét và không có một thông báo văn bản nào về kết quả xem xét. Theo chuyên viên này thì chẳng có vướng mắc gì, chẳng qua lãnh đạo đi công tác suốt nên chưa trình được…” - theo bức thư ông Tuấn gửi Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Trong khi đó, Thứ trưởng của Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh lại khẳng định lãnh đạo Bộ Nội vụ chưa tiếp cận hồ sơ xin thành lập quỹ từ thiện “Cơm có thịt” và cho rằng “Có thể là các vụ chuyên môn xem hồ sơ xong lại chuyển cho các anh điều chỉnh. Các vụ chuyên môn làm xong thì mới trình chúng tôi để ký hay không ký. Về thủ tục, đặc biệt là điều lệ, nếu chưa hoàn thiện thì phải trao đi đổi lại” (?!).
5 tháng là khoảng thời gian quá dài để xin thành lập Quỹ xã hội – từ thiện, bởi trong Nghị định 30/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 đã ghi rõ thời gian tối đa để trả lời chấp nhận hay không chấp nhận hồ sơ xin phép lập quỹ xã hội - từ thiện là 45 ngày.
Trong 5 tháng ấy, tất nhiên Dự án “Cơm có thịt” vẫn có rất nhiều hoạt động nhằm giúp đỡ các trẻ em nơi biên giới, vùng sâu vùng xa, với mục đích giản dị là “gắp thịt” thêm vào những bữa ăn thiếu chất của các em. Thế nhưng những người đứng đầu dự án không muốn “Cơm có thịt” chỉ dậm chân ở vị trí một dự án, họ muốn phát triển thành Quỹ từ thiện, để nhiều trẻ em được có thêm thịt, thêm sức khỏe và thêm hơi ấm tình người.
Đáng lẽ ra, ở vị trí một Bộ chủ quản, những chuyên viên nên cảm thấy vui mừng vì trong xã hội quá xô bồ, vẫn có những cá nhân, những tổ chức nghĩ tới trẻ em nghèo, đặc biệt là trẻ em ở vùng sâu vùng xa. Và với hành động cao quý đầy nhân văn ấy, có lẽ hồ sơ xin thành lập Quỹ từ thiện của dự án “Cơm có thịt” đã được thông qua từ lâu và cần nêu gương để nhân rộng.
Thế nhưng hồ sơ ấy vẫn nằm im lìm ở một góc nào đó trong Bộ Nội vụ, phải chờ đến khi “lãnh đạo đi công tác về” và chờ đến khi Quỹ có đủ 5 tỷ đồng (theo nghị định 30/2012-NĐ/CP), thay vì 2 tỷ đồng như quy định trước.
Ông Trần Đăng Tuấn cũng bày tỏ trong bức thư: “Thành lập quỹ không phải lúc nào cũng là người hay đơn vị nhiều tiền. Quan trọng là quỹ có vận động được nhiều người ủng hộ không. Nếu cứ phải có nhiều tiền mới lập được quỹ thì mới chỉ là “Lá lành đùm lá rách”. Thậm chí không phải lá lành, mà lá rất lớn mới được quyền đùm lá rách. Nhưng chúng ta chẳng vẫn thường hay nói tiếp nữa là: “Lá rách ít đùm lá rách nhiều” đó sao”.
Với vị trí Nguyên Phó TGĐ Đài Truyền hình Việt Nam, có lẽ ông Tuấn hoàn toàn nhờ cậy những mối quan hệ thân thiết từ trước để hợp thức hóa hồ sơ cho Dự án “Cơm có thịt”, nhưng ông lại dùng cách viết thư ngỏ. Bởi theo ông: “Tôi viết thư ngỏ này không nhằm mục đích đề nghị ông bộ trưởng đôn đốc việc cấp phép cho quỹ “Cơm có thịt”. Bộ trưởng dẫu có đích thân làm thay nhân viên thì cũng chỉ được một vài lần”.
Ông và những người cùng quan điểm mong muốn Dự án “Cơm có thịt” được hoạt động hợp pháp và đúng quy định, chứ không muốn đi “cửa sau” hay xin xỏ để được từ thiện.
Thời nay, người ta chỉ biết “chạy” dự án, “xin” tài trợ … chứ hiếm có người nào “xin” được từ thiện hay “chạy” để thành lập Quỹ từ thiện. Qua trường hợp của Dự án “Cơm có thịt”, chắc hẳn nhiều người có tâm cũng phải chạnh lòng suy nghĩ: “Muốn làm việc thiện, hãy cứ chờ!”.
Vương Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét