Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

Chống tham nhũng: Súng nổ mà không ai bị thương

Chống tham nhũng: Súng nổ mà không ai bị thương

(Dân Việt) - Phát biểu tại nghị trường, ĐBQH Dương Trung Quốc ví việc chống tham nhũng tựa như đánh trận giả: "Khi lâm trận thì súng nổ rất to mà không sát thương được ai vì đạn không có đầu...”.

Lãng phí 6 năm vì làm luật không tốt
“Nhìn lại 7 năm qua ta thấy việc chống tham nhũng tựa như đánh trận giả, kế hoạch tác chiến rất hoành tráng, lực lượng huy động rất hùng hậu... nhưng khi lâm trận thì súng nổ rất to mà không sát thương được ai vì đạn không có đầu” - ĐB Dương Trung Quốc phát biểu trong phiên thảo luận ngày 9.11.
Bài phát biểu của ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cuối buổi sáng 9.11 đã làm nóng nghị trường với những nhận định thẳng thắn, sắc sảo và đầy trách nhiệm. Nhìn lại Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) hiện hành, ông Quốc đề nghị: Hãy dũng cảm nhận rằng đã thất bại thì mới mong sửa thành công.
ĐB Dương Trung Quốc phát biểu tại một phiên thảo luận ở hội trường. Ảnh: Báo Đồng Nai
“Thất bại dường như đã được báo trước nếu ta nhớ rằng khi dự luật năm 2005 quy định, cơ chế đứng đầu cơ quan chỉ đạo phòng chống tham nhũng lại chính là cơ quan hành pháp. Vậy mà chính Quốc hội khóa ấy vẫn bấm nút thông qua… Chúng ta đã lãng phí thời gian 6 năm với biết bao nhiêu tổn hại. Vì nếu luật năm 2005 làm tốt, hẳn sẽ không có Vinashin, Vinalines…”.
Ông Quốc cũng đánh giá: “Vừa qua, việc chống tham nhũng tựa như đánh trận giả, kế hoạch tác chiến rất hoành tráng, lực lượng huy động rất hùng hậu, mệnh lệnh ra quân rất dứt khoát và lại được nhân dân cổ vũ mạnh. Vậy mà khi lâm trận thì súng nổ rất to mà không sát thương được ai vì đạn không có đầu. Quan trọng hơn là quân xanh hay quân đỏ đều là quân ta cả”…

Về quy định tạm đình chỉ hoặc chuyển đổi vị trí công tác với người có dấu hiệu tham nhũng, ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) cho rằng: Chỉ cần tạm đình chỉ với một số trường hợp nhưng cũng có thể phải chuyển công tác mới thực hiện được công tác xác minh, thanh tra, kiểm tra. ĐB Yến lấy dẫn chứng: “Vừa qua Tổng thống Nga Puntin nhằm tạo điều kiện cho một cuộc điều tra khách quan đã quyết định bãi nhiệm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vì nghi có liên quan đến vụ tham nhũng 100 triệu USD, chúng ta cũng nên học tập”.
Về kê khai tài sản, nhiều ĐB đề nghị người thân, con cái quan chức (thành niên) cũng phải kê khai. ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) phân tích: “Hiện nay có nhiều trường hợp học sinh mới ra trường, mới vào làm công chức Nhà nước chưa bao lâu, bố mẹ đều làm cán bộ công chức nhưng đã có khối tài sản lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng do cha mẹ hoặc người thân chuyển cho”. ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng đồng tình: “Nhiều cán bộ của chúng ta con cái tự nhiên giàu lên một cách đáng ngờ. Mà trong kê khai tài sản lại không quy định kê khai tài sản của con đã thành niên”.
Bổ sung thêm hành vi tham nhũng
Về thẩm quyền yêu cầu xác minh tài sản, thu nhập, ĐB Phạm Văn Hổ (Phú Yên) đề nghị dự thảo luật phải quy định rõ cơ quan nào có thẩm quyền yêu cầu xác minh tài sản, kiểm soát thu nhập đối với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam): Dù cố ý hoặc vô ý cũng phải quy trách nhiệm cho người ra những quyết định chính sách sai.
Nói về quy định việc nhận quà quá mức, ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) góp ý phải làm rõ nếu nhận quá mức có thuộc hành vi tham nhũng hay không. “Nhiều cán bộ nhận quà tặng là thẻ chơi golf có trị giá cả tỷ đồng, đó chính là hành vi tham nhũng”, ông nói:
“Việc các cơ quan nhà nước chống tham nhũng có thể được ví von như "một người tự tắm cho mình". Tuy nhiên nếu công chức và bộ máy của anh ta không chịu tắm, không muốn tắm và sợ tắm thì người dân, xã hội, tất cả với tư cách đương nhiên của mình sẽ phải tắm cho họ và bắt buộc họ chữa các căn bệnh nan y phát sinh ra khi họ không chịu tắm rửa”.
Nhiều ĐB cũng góp ý yêu cầu phải bổ sung, sửa đổi một số hành vi tham nhũng. ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, luật quy định 12 hành vi nhưng thực tế hành vi “cố ý làm trái” lại bỏ ra ngoài. Tất cả các vụ án tham nhũng vừa rồi chúng ta đều chuyển sang xử tội cố ý làm trái. Ví dụ, một con tàu 100 tỷ nhưng mua 200 tỷ, chênh lệch đến 100 tỷ nhưng chúng ta chỉ xử được hành vi đó là cố ý làm trái thì rất không công bằng và bỏ lọt tội tham nhũng.
ĐB Thuyền cũng nhấn mạnh: “Phải coi tham nhũng như ma túy, như tội phản quốc và chúng ta phải tuyên chiến với tham nhũng”. ĐB Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) đề nghị bổ sung thêm các hành vi câu kết với nhau để tham nhũng; tiếp tay, bao che, môi giới tham nhũng…
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đề nghị: “Dù cố ý hoặc vô ý cũng phải quy trách nhiệm cho người ra những quyết định chính sách sai. Chúng ta phải làm rõ như thế là vì lợi ích nhóm, hay vì vấn đề gì” - ĐB Nhiên khẳng định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét