Thứ Tư, 15 tháng 5, 2024

Tại sao Trung Quốc khó thoát bẫy thu nhập trung bình?

Tại sao Trung Quốc khó thoát bẫy thu nhập trung bình?
Pinnacle View Team • Trung Quốc thiếu đi các đổi mới kinh doanh và cải cách chính trị, đồng thời hệ thống độc tài của nó vẫn đang cản trở tiến bộ kinh tế. Các nhà phân tích trong chương trình tiếng Trung “Pinnacle View” cảnh báo Trung Quốc hiện đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

“Bẫy thu nhập trung bình” đã từng xảy ra ở nhiều quốc gia trải qua quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng trong quá khứ. Nó đề cập đến tình huống một quốc gia bị mắc kẹt ở một mức thu nhập nhất định trong khi nền kinh tế trì trệ hoặc suy thoái.

1. Can thiệp của nhà nước

Ông Henry Wu, học giả kinh tế vĩ mô người Đài Loan và nhà kinh tế trưởng tại AIA Capital, cho biết trên “Pinnacle View” vào ngày 9/5 rằng bẫy thu nhập trung bình đồng nghĩa với việc nền kinh tế đạt đến điểm mà việc phát triển hơn nữa trở nên khó khăn. Ông lưu ý rằng một số quốc gia đã vượt qua thành công bẫy thu nhập trung bình, nhưng hầu hết đều không thành công.

Ông Wu chỉ ra rằng ở các quốc gia đang phát triển trên khắp châu Á, Trung Đông và châu Phi, những nước đang chuyển đổi từ thu nhập thấp sang thu nhập trung bình, nhiều con đường phát triển khác nhau sẽ mang lại kết quả tốt trong ngắn hạn. Một số quốc gia lựa chọn cho phép sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế, chẳng hạn như thúc đẩy tăng trưởng thông qua đầu tư vốn vào cơ sở hạ tầng hoặc các ngành công nghiệp trọng điểm do doanh nghiệp nhà nước dẫn đầu. Đây là con đường mà Trung Quốc đã đi trong quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng.

Ông nói: “Tuy nhiên, thách thức nảy sinh khi vốn công, ban đầu nhằm mục đích tạo điều kiện cho việc hình thành vốn tư nhân, hoàn thành nhiệm vụ của mình”. Ông cho biết thêm: “Điều quan trọng là phải tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển, thúc đẩy lợi nhuận từ vốn [đầu tư]. Vốn tư nhân đóng một vai trò mà vốn công không thể thực hiện được: chịu rủi ro, thúc đẩy đổi mới và thiết kế các mô hình và chiến lược kinh doanh”.

2. Thành công của Đài Loan

Ông Wu lưu ý rằng Đài Loan và Hàn Quốc đã vượt qua thành công bẫy thu nhập trung bình. Thành công then chốt của Đài Loan nằm ở việc nuôi dưỡng các doanh nhân trong quá trình phát triển kinh tế. Những doanh nhân này đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế các mô hình kinh doanh, tổ chức các nguồn lực kinh tế, thúc đẩy đổi mới và gánh chịu rủi ro, tất cả đều là những chức năng mà công chức nhà nước không thể thực hiện được.

Trong trường hợp của Đài Loan, sau khi chính phủ Quốc Dân Đảng rút lui về hòn đảo này, các địa chủ địa phương được khuyến khích nhường đất để đổi lấy cổ phần trong các doanh nghiệp nhà nước, trên thực tế đã biến họ thành các doanh nhân, theo ông Wu.

Ông giải thích rằng nhiều doanh nghiệp Đài Loan thời kỳ đầu, đặc biệt là trong ngành sản xuất xi măng và thủy tinh, đều thuộc sở hữu của những địa chủ như vậy. Vì vậy, ông nói, việc phát triển kinh tế ở Đài Loan tuân theo nguyên tắc “làm giàu cho dân trước khi làm giàu cho đất nước”, trái ngược với cách tiếp cận của Trung Quốc là “làm giàu cho đất nước trước dân”.

Ông Wu nói tiếp: “Ở nhiều quốc gia, việc không vượt qua được bẫy thu nhập trung bình bắt nguồn từ việc không thể đào tạo được một thế hệ doanh nhân có thể đổi mới và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Ở Trung Quốc, hai thập kỷ đầu tiên của quá trình 'cải cách và mở cửa' đã chứng kiến những tiến bộ đáng kể nhờ rất nhiều doanh nhân mới nổi.

“Tuy nhiên, các doanh nhân tư nhân ở Trung Quốc thường phải có các mối quan hệ chính trị, dẫn đến một số hình thức can thiệp chính trị. Hiện tại, nhiều doanh nhân tư nhân ở Trung Quốc đang rời bỏ đất nước để tìm kiếm sự đảm bảo về tài chính”.

Thời kỳ “cải cách và mở cửa” bắt đầu từ năm 1978 tại Trung Quốc, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từ bỏ nền kinh tế kế hoạch dưới thời cựu lãnh đạo Mao Trạch Đông và thực hiện cải cách kinh tế theo hướng kinh tế thị trường. ĐCSTQ gọi đây là “chủ nghĩa xã hội với đặc sắc Trung Quốc”.

3. Thiếu đổi mới, cải cách thể chế

Ông Wu nói rằng mặc dù Trung Quốc có dư thừa sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng hệ thống giáo dục của nước này lại không nuôi dưỡng được tài năng và sự đổi mới - điều này bắt nguồn từ việc Trung Quốc thiếu đi cải cách thể chế.

Ông nói: “Cải cách thể chế là rất quan trọng, đặc biệt là trong việc ngăn chặn sự hình thành các nhóm lợi ích cố hữu, vì chúng cản trở cải cách thể chế”. Ông cho rằng, ĐCSTQ đã trở thành một nhóm lợi ích cố hữu.

Ông Wu cho rằng việc duy trì quyền lực tuyệt đối, như trường hợp của ĐCSTQ, chắc chắn sẽ dẫn đến tham nhũng. Điều này dẫn đến việc đàn áp cải cách chính trị, coi người dân chỉ là nguồn lực để bóc lột. Vì vậy, ông nói, Trung Quốc không thể có đổi mới kỹ thuật nếu không cải cách thể chế và gần như chắc chắn sẽ bị mắc vào bẫy thu nhập trung bình.

Bà Quách Quân (Guo Jun), tổng biên tập ấn bản Hong Kong, nói cải cách chính trị là cần thiết, mặc dù chưa đủ, để vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Bà nói, hệ thống chuyên chế tập trung của Trung Quốc vẫn chưa cho thấy những trường hợp thành công trong việc tránh được cái bẫy này, đồng thời lưu ý rằng một số quốc gia, mặc dù đã cải cách chính trị, vẫn mắc kẹt trong đó.

4. Vấn đề cơ bản

Theo bà Quách, dưới các chế độ độc tài, nơi những người nắm quyền kiểm soát tất cả các nguồn lực, hiệu ứng loại trừ kéo dài sẽ ngăn chặn nghiêm trọng động lực kinh doanh, do đó cản trở sự phát triển kinh tế.

Bà chỉ ra rằng Trung Quốc áp dụng mô hình phát triển kinh tế Đông Á, tương tự như Đài Loan và Hàn Quốc, dựa vào xuất khẩu và thị trường phương Tây để thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, thất bại của Trung Quốc nằm ở sự bất bình đẳng xã hội nghiêm trọng và sự chênh lệch giữa các khu vực.

Bà nói: “Vấn đề cơ bản ở Trung Quốc là hệ thống độc tài của nó”. “Những người nắm quyền tìm cách biến quyền lực của họ thành những lợi ích hữu hình. Xu hướng này dẫn đến việc liên tục củng cố quyền lực [tập trung] của chế độ, làm trầm trọng thêm tình trạng bất công và bất ổn xã hội”.

Bà Quách nói rằng giới tinh hoa của ĐCSTQ nhận thức được những vấn đề này và họ nỗ lực thay đổi, bằng chứng là những thay đổi chính sách không thường xuyên như ý tưởng “thịnh vượng chung” của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng những nỗ lực của họ chắc chắn sẽ thất bại. Bà nhận xét rằng không thể thực hiện những cải cách làm suy yếu lợi ích của quan chức chế độ nhằm để phục vụ lợi ích của người dân. Bà lưu ý thêm rằng yếu điểm cơ bản này trong hệ thống độc tài đã cản trở cải cách chính trị bền vững.

Bà nói thêm, khi kinh tế suy thoái xảy ra, những kẻ cầm quyền càng làm hại người dân để bảo vệ lợi ích của mình, tạo ra một vòng luẩn quẩn.

Tóm lại, bà Quách tin rằng việc Trung Quốc không thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình bắt nguồn từ việc nước này thiếu đổi mới và cải cách chính trị, đồng thời hệ thống độc tài của ĐCSTQ đã kéo dài tình trạng tham nhũng và bất bình đẳng xã hội, cản trở tiến bộ kinh tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét