ĐẶC ĐIỂM MÔI TRƯỜNG SINH THÁI – NHÂN VĂN VÀ SỰ HÌNH THÀNH NỀN VĂN MINH LÚA NƯỚC CỦA NGƯỜI VIỆT CỔ
TS. LÃ DUY LAN
Từ địa bàn sinh tụ của cư dân Bắc bộ và Bắc Trung bộ hiện tại, chúng ta hãy hình dung về một môi trường sinh thái – nhân văn đã diễn ra cách đây từ hàng vạn năm, và sau đó là phác ra bức tranh khái quát về quá trình hình thành nền văn minh lúa nước của người Việt cổ. Tất nhiên sự hình dung này phải dựa trên những suy luận hợp lý tức là hợp với quy luật tiến hóa chung của nhân loại, và như vậy có những điểm sẽ khác với sự trình bày của khảo cổ học là một ngành mà khi trình bày người ta phải lấy căn cứ từ những hiện vật đã khai quật được. Tuy nhiên, nếu trong công việc ấy có những sự sai sót về kỹ thuật (chẳng hạn, xác định niên đại nhầm), hoặc một vài mắt xích quan trọng chưa tìm thấy được, thì sự trình bày về một tiến trình hay một giai đoạn cụ thể nào đó sẽ vấp phải những khó khăn và khó lòng thuyết phục được người đọc. Hiện nay, ngoài những dụng cụ bằng đá được ghè đẽo sơ sài và được xác định là thời đồ đá cũ ra, thì không còn gì để nói về một thời gian cách đây đã hàng vạn năm hoặc lâu hơn nữa. Hy vọng tìm thấy những bộ hài cốt ở thời gian ấy cũng thật xa vời, vì khí hậu thời tiết nhiệt đới gió mùa lắm nắng nhiều mưa đã không cho phép lòng đất bảo quản được những bộ xương có niên đại lại lâu đến như thế. Trong tình trạng ấy, theo ý chúng tôi, không có gì khác hơn là phải cùng nhau hình dung, “tưởng tượng” ra vậy…
*
- Khi ấy, chiếm vị trí hàng đầu trong giới tự nhiên là hai mảng núi rừng và sông nước. Ở miền núi và trung du hiện nay, trừ những núi đá và đồi đất khô cằn chỉ thích hợp cho một số loại cây thân thấp và cỏ hoang mọc lưa thưa ra – dấu vết còn lại đến ngày nay, thì ở những nơi có đất và lượng nước mưa đọng lại, cây cối đã mọc lên thành rừng. Ở những miền mà sau đó người ta gọi là đồng bằng cũng vậy, rừng đã mọc lên ở khắp nơi, miễn là chỗ nào có đất thì có cây cối, có rừng mọc lên chiếm chỗ.
Quá trình bồi lắng phù sa của miền đồng bằng làm cho nhiều loài cây chỉ kịp mọc lên chứ chưa kịp phát triển thì đã vùi lấp ngay xuống, để nhường chỗ cho một thế hệ cây cối mới ra đời. Hiện nay khi khoan những giếng nước ở nhiều vùng thuộc đồng bằng Bắc bộ để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, người ta phải khoan sâu xuống khoảng từ 25 đến 30 mét mới thấy mạch nước ngầm tức là gặp tầng cát hay tầng sỏi cuội đầu tiên – dấu tích của những dòng sông, suối lộ thiên ở vào thời từ nhiều vạn năm về trước.
Rừng nước ta, từ thời thượng cổ đến nay đã mang đặc điểm là rừng nhiệt đới với đủ các loại cây cao thấp và dây chằng chịt, nhưng cũng thật hiếm những cánh rừng thuần chủng có diện tích lớn với chỉ một vài loài cây chủ yếu. Rừng thuần chủng chỉ có ở những vùng có khí hậu ôn đới và hàn đới, nên ở đó người ta mới khai phá để trồng các loại cây cao lương và dùng những đồng cỏ mênh mông chăn thả một vài loài gia súc (cừu, dê, ngựa…) để trở thành kiểu chăn nuôi đại trang trại, như đã thấy ở Mông Cổ, ở Trung Á chẳng hạn…
Rừng nhiệt đới của nước ta mọc lên đủ các loài cây, trong đó có một số loài cho quả, một số loài cho củ, cho hạt, cùng một số loài rau mà con người có thể ăn được. Lại cũng vì rừng nhiệt đới, lượng mưa lượng nắng nhiều, làm cho cây cối cành lá đổ xuống mau chóng bị phân hủy tạo điều kiện cho các loài côn trùng nảy nở sinh sôi, và từ đó kéo theo sự xuất hiện của các loài chim, thú và các loài cá, trên cạn cũng như dưới nước, thật phong phú về chủng loại. Ban đầu, với những con người sinh sống ở trong rừng, như thế cũng có thể được coi là đủ, nếu không muốn nói là dồi dào. Khi ấy, khí cụ trong tay con người mới chỉ là những cành cây, những hòn đá tự nhiên rồi sau đó được ghè đẽo để trở thành tiện dụng hơn trong sinh hoạt cũng như trong việc săn bắt chim, thú… Giai đoạn này, con người cũng đã bắt đầu biết dùng lửa, và sự kiện này đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của họ, để phân biệt với trạng thái nguyên thủy ban đầu…
*
- Các sông, suối ở vào thời kỳ ấy cũng có thể hình dung ở dạng tương tự như ngày nay, nhưng chỉ ở miền thượng lưu và trung lưu, vì ở các miền đó mới còn giữ được những dòng chảy cố định. Còn ở miền hạ lưu tức đồng bằng sau này thì do hiện tượng phù sa được bồi lắng liên tục, cho nên các dòng chảy cũng phải thay đổi luôn, nhất là ở vùng các cửa sông. Lượng phù sa nhiều, lại chưa có đê, nên nhìn chung dòng chảy của các con sông ở miền hạ lưu thường nông và có nhiều nhánh, chứ không phải là những dòng chảy cố định và có đáy sâu như ở thời đã có đê. Vào mùa mưa, mà thời gian chiếm đến già nửa trong một năm tức là một chu kỳ, thì lượng nước ở vùng thượng lưu và trung lưu thi nhau đổ xuống hạ lưu, làm cho cả vùng này nước ngập tràn mênh mông, như một biển nhỏ vậy. Và cái biển nước này hòa nhập thành một khối với biển nước mặn đã có phía trước mặt (tức biển Đông) tạo thành một biển nước mênh mông, tuy rằng ở đầu và cuối (của biển nước nhỏ) là hai thứ nước ngọt, mặn khác nhau – hiện tượng có thể hình dung như ở đồng bằng sông Cửu Long ngày nay, khi đang xảy ra trong một vài mùa mưa lũ.
Một môi trường nước vừa rộng vừa có thời gian lâu, lại vừa có nhiều phù sa, cành lá và xác động vật trôi nổi từ thượng lưu, trung lưu đổ về như thế, thì quả là điều kiện lý tưởng để cho các sinh vật phù du, và kéo theo nó là các loài cá cùng ba ba, thuồng luồng, cá sấu, tôm cua ốc ếch… đua nhau phát triển. Tuy nhiên, với thời điểm mà con người còn sinh sống ở trong rừng chứ chưa đi xuống khai phá vùng đồng bằng, thì các sinh vật – nguồn thức ăn kể trên, mới chỉ ở trong thế tiềm năng…
*
- Sau giai đoạn các bầy người nguyên thủy rồi bán nguyên thủy sinh sống lẻ tẻ trong rừng, ngủ trong rừng – trên các lùm cây, thì chắc chắn phải đến giai đoạn họ kéo nhau vào các hang đá và vách đá để định cư – ở lại. Vì không thể ngủ mãi trên các cành cây với số lượng đông lại nhiều thế hệ mà không bị mất an toàn bởi mưa, bão, giá rét và thú dữ được. Nhưng khi đã kéo nhau vào các hang đá và vách đá để sinh sống, thì tuy đã giải quyết được vấn đề ở và mặc (tránh được mưa bão, giá rét, thú dữ), nhưng lại nảy sinh những khó khăn nan giải về vấn đề ăn. Từ các hang đá (một số rộng “mênh mông” như động Tam Thanh ở Lạng Sơn) mà ngày nay còn thấy ở các tỉnh miền núi (Thanh Hóa, Ninh Bình, Hòa Bình, Tuyên Quang, Lạng Sơn v.v…), thì việc cả tập đoàn đi lại kiếm ăn sẽ vừa xa vừa gập ghềnh hiểm trở dễ sinh tai nạn, nhất là vào lúc đêm tối. Thế là, đến một lúc nào đó, các thế hệ tổ tiên xa xôi của chúng ta lại phải nghĩ đến việc quay trở lại rừng. Nhất thiết phải quay trở lại rừng thôi, chứ không có con đường nào khác.
*
Ở trên chúng tôi đã nói tới việc sau giai đoạn nguyên thủy con người đã biết dùng lửa để làm chín các loại thức ăn (củ, chim, thú, cá,… đào, bắt được), giúp cho việc tiêu hóa dễ dàng và tránh được một số bệnh đường ruột… Lửa còn có tác dụng sưởi ấm khi mùa đông, làm ánh sáng trong đêm tối, làm vũ khí để xua đuổi thú dữ v.v… Tuy nhiên, điều này còn quan trọng hơn nhiều: Từ lửa người ta đã biết chế tạo ra các loại công cụ và vũ khí bằng kim loại để từ đó tác động lại giới tự nhiên một cách có kết quả hơn. Và có thể nói, với các công cụ và vũ khí trong tay như thế, sức mạnh của con người đã được nhân lên gấp bội phần, và kể từ đây họ sẽ nhìn tự nhiên với con mắt đã khác trước – con mắt của kẻ luôn khám phá và con mắt của kẻ đi chinh phục.
Chính vì vậy, nên với công cụ và vũ khí mới trong tay (chứ không phải chỉ là những hòn đá, cành cây như giai đoạn trước), những người Việt cổ thời ấy đã mạnh dạn bước ra khỏi các hang đá, vách đá. Họ dùng dao, rìu (một vài di chỉ khảo cổ học đã nói lên điều ấy) để chặt cây, phát cây, dựng những ngôi nhà thô sơ đầu tiên, lại làm thêm những hàng rào bằng tre nứa vạc nhọn ở đầu để chống các loài thú dữ (hổ, báo…). Cũng bằng con dao và lưỡi rìu, mà những bè mảng (bằng tre nứa rồi dùng dây kết lại) rồi sau đó là những con thuyền độc mộc (bằng thân cây to được đục rỗng, đe kín hai đầu) đã ra đời, để họ đi lại và chở vật dụng qua suối, qua sông dễ dàng. Còn với những mũi giáo và mũi tên bằng kim loại, làm cho việc săn bắn chim thú của họ trở nên có hiệu quả hơn, số lượng thu được cũng gấp nhiều lần hơn so với trước.
Địa bàn sinh tụ của người Việt cổ khi ấy, theo ý chúng tôi, có sự di chuyển dần dần theo cách thức: từ rừng sâu đến ra định cư ở ven các thung lũng và các miền bìa rừng rộng rãi, bởi một lẽ tự nhiên là những nơi ấy có địa thế thuận lợi hơn mà dần dần họ đã nhận thức được. Thung lũng có những điều kiện tự nhiên – môi trường sinh thái tương tự như ở những vùng mà sau đó người ta gọi là đồng bằng, chỉ khác qui mô nhỏ hơn và sự đi lại khó khăn hơn.
So với trong rừng sâu thì thung lũng rõ ràng có nhiều ưu điểm: gần nguồn nước, dễ kiếm các loại thức ăn, dễ chống các loài thú dữ .v.v… Còn các bìa rừng, thì chính là vùng chuyển tiếp giữa rừng núi và đồng bằng, có các điều kiện thuận lợi như ở thung lũng, hơn nữa sự đi lại cũng dễ dàng hơn. Chính là ở miền bìa rừng ấy mà tầm mắt của người Việt cổ đã được mở rộng, và từ đây, khi đã thăm dò các miền đất mới thấy có nhiều cơ hội để phát triển, thì họ đã bung ra, tiến vào khai phá vùng đồng bằng rộng lớn trước mặt.
*
- Khi còn sống ở trong rừng, rồi trong các hang đá, vách đá… thì giữa các bộ tộc không có sự khác biệt với nhau là mấy. Chỉ có vấn đề trong nội bộ các bộ tộc, thì có ngôn ngữ riêng và có các luật lệ, phong tục tập quán riêng để từ đó tạo nên các tộc người riêng. Tuy nhiên, đến các giai đoạn về sau thì rõ ràng sự phát triển của các bộ tộc và tộc người đã có sự không đồng đều mà then chốt của nó chính là từ công cụ lao động: Bộ tộc nào tìm ra công cụ bằng kim loại trước thì rõ ràng bộ tộc ấy sẽ mạnh hơn và từ đó sẽ chiếm được những địa bàn sinh sống có nhiều thuận lợi hơn. Cho nên, tuy cùng là thung lũng, nhưng có thung lũng rộng ở dưới thấp, có thung lũng hẹp ở trên cao, và tương ứng với nó, có các tộc người khác nhau sinh sống và mức độ phát triển (văn minh) cũng khác nhau.
Còn trường hợp những tộc người phải sinh sống ở các lưng chừng núi và du canh du cư, thì rõ ràng họ là những người đến chậm, đến sau hoặc từ nơi xa xôi nào đó di cư đến, khi mà các thung lũng rộng và hẹp đã có người đến ở và làm chủ rồi.
Một khi đã đứng vững trên địa bàn sinh tụ mới (thung lũng, bìa rừng) thì giai đoạn đầu, cuộc sống của các bộ tộc có thể nói là đã bước vào giai đoạn “cực lạc”. Khi ấy dân số còn chưa đông, mà các nguồn thức ăn lại vô cùng dồi dào và dễ kiếm. Trong rừng thì các loại hoa quả, các loại chim thú, trên mặt đất thì các loại cây cho hạt (lúa, ngô, đỗ), cho củ (khoai, sắn, lạc) còn dưới nước thì tôm cá, ba ba, cua, ốc ếch…. Tuy nhiên, một khi dân số đã phát triển vượt ngưỡng cho phép của nguồn thức ăn có sẵn kia, thì trồng trọt sẽ phải thay thế dần cho hái lượm và chăn nuôi sẽ phải thay thế dần cho săn bắn. Quá trình này diễn ra, một mặt do sức ép dân số, nhưng mặt khác cũng còn là quá trình khám phá và chinh phục giới tự nhiên của người xưa: từ hái lượm và săn bắn con người đã hiểu được đặc tính của các giống cây trồng vật nuôi, và do vậy, đã tiến hành việc trồng trọt và thuần hóa chúng.
Các nguồn dược liệu có thể cũng được phát hiện và sử dụng từ thời kỳ này, tuy nhiên mới chỉ là những kết quả bước đầu. Còn việc phải giải quyết vấn để thức ăn dự trữ bằng biện pháp ướp muối, làm mắm, rồi từ đó trở thành thói quen trong sinh hoạt của người dân nước ta đến mãi về sau này, thì có thể cần được giải thích là do khí hậu nóng bức, do yếu tố mùa vụ đánh bắt (cá, tôm…) quyết định.
*
- Về mặt xã hội, kể từ thời kỳ sinh sống ở các thung lũng và các bìa rừng thì các tộc người cũng đã chuyển giai đoạn, từ thị tộc sang bộ lạc. Đặc điểm của giai đoạn thị tộc hay thị tộc mẫu hệ là vai trò quyết định và đứng đầu của người phụ nữ trong các cộng đồng, mà vai trò này được quyết định bởi khả năng sinh đẻ và khả năng thu hái các nguồn lương thực, rau quả của họ đã có hiệu quả hơn việc săn bắt chim thú lúc bấy giờ (với các dụng cụ bằng cành cây, hòn đá) hãy còn rất bấp bênh của nam giới.
Nhưng đến giai đoạn bộ lạc thì vị trí ấy đã bị đảo ngược. Người đàn ông ý thức được vai trò của họ trong việc duy trì nòi giống chứ chẳng riêng gì người đàn bà, đồng thời họ còn ý thức được việc mình là nhân vật chính trong nuôi sống cũng như trong việc bảo vệ cộng đồng, bởi vì lúc bấy giờ những công cụ và vũ khí bằng kim loại trong tay người đàn ông đã được phát huy tác dụng. Tuy nhiên, ở vào cái thủa ban đầu các bộ lạc mới được hình thành, thì dấu tích của một xã hội thị tộc cũng hãy còn đậm nét. Quan hệ tính giao (chữ dùng của Engels) giữa hai giới lúc ấy hãy còn khá tự do, chứ chưa khe khắt để trở thành quy định, luật lệ như ở giai đoạn bộ lạc đã phát triển – tức là khi đã có những gia đình hay gia tộc độc lập, riêng rẽ, và quan hệ là theo huyết thống (nam giới).
Giai đoạn bộ lạc cũng được gọi là giai đoạn bắt đầu hình thành nhà nước. Trong mỗi bộ lạc có một người đứng đầu và người đó phải là nam giới. Người này thường là một người già cả, có nhiều kinh nghiệm sống, tức là có cả khả năng đối nội lẫn đối ngoại để điều hành công việc chung, giao tiếp khu xử với các bộ lạc láng giềng. Tuy nhiên, đứng đầu bộ lạc có khi cũng chỉ là một người còn trẻ nhưng có sức khỏe, có chiến công cùng nhiều phẩm chất khác được cả cộng đồng thừa nhận là người đại diện xứng đáng.
Thường thì mỗi bộ lạc sinh sống trên một địa bàn nhất định, nhưng càng về sau, do dân số phát triển dẫn đến việc các bộ lạc phải chia tách ra, hoặc có những bộ lạc mới ở nơi khác nhập cư đến. Thế là những cuộc thương lượng hoặc những cuộc chiến tranh nổ ra, cuối cùng dẫn đến việc liên minh các bộ lạc ra đời, với những quy định chưa thành văn, để duy trì sự hoạt động và cả sự ổn định.
*
- Những bộ lạc sinh sống ở trong rừng bên các thung lũng, do chỗ môi trường sinh thái ở đây đã tương đối thuận lợi, giúp họ có thể vừa trồng trọt, chăn nuôi, lại vừa săn bắn và thu hái một cách trực tiếp các nguồn lợi có sẵn trong rừng để thỏa mãn các nhu cầu của mình, cho nên lâu dần, đã làm nảy sinh ở họ cái tâm lý ngại di chuyển chỗ ở.
Những lúc nhàn rỗi họ đầu tư công sức và trí tuệ vào việc trau chuốt dụng cụ, các nghề thủ công (đan lát, dệt) cùng cách thức săn bắn, bắt cá… hơn là việc phải bàn soạn với nhau để đi tìm những vùng đất mới. Chỉ đến khi sức ép dân số đã quá tăng, thì họ mới di chuyển, nhưng cũng chỉ quanh quẩn trong phạm vi của rừng, tức là đi từ thung lũng này đến các thung lũng khác, xa hơn. Thói quen sinh sống trong rừng mà ở đó có các nguồn lợi tự nhiên kích thích, làm cho họ không dễ gì có thể từ bỏ ngay được, và đó là điều đã xảy ra với các dân tộc ít người của nước ta. Những dân tộc này, cho đến nay vẫn còn giữ được những phong tục tập quán có từ thời bộ lạc, thậm chí thời thị tộc, thì chính là do họ đã sinh sống trong một môi trường rừng khép kín, ít có sự giao lưu tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Còn đối với những bộ lạc đến định cư ở các miền bìa rừng thì tình hình lại hoàn toàn khác. Lúc đầu, họ cũng không khác những tộc người anh em ở trong rừng bên các thung lũng kia là mấy, thậm chí họ còn có chung cả nguồn gốc xuất xứ nữa (nhóm Việt – Mường). Thế nhưng, từ chỗ đối diện rồi mạnh dạn tiến xuống khai phá vùng đồng bằng rộng lớn trước mặt, và sau đó là quá trình giao lưu tiếp xúc với các tộc người từ bên ngoài vào trong các thời kỳ tiếp theo, đã làm cho họ phát triển đi lên, khác xa với cái nguồn gốc ban đầu của mình. Tuy nhiên, để khai phá được vùng đồng bằng này thì phải có những tiền đề và tiền đề ấy không gì khác hơn, là những công cụ lao động.
*
- Ở vùng bìa rừng, nghề luyện kim tiếp tục được duy trì, phát triển, trên cơ sở những lò luyện kim thô sơ của giai đoạn ở trong rừng. Ngoài những con dao và lưỡi rìu của giai đoạn ấy, bây giờ họ đã chế tạo được nhiều vật dụng khác, khó hơn, tinh xảo hơn và cũng tiện lợi hơn (thẩu, thạp, xanh, nồi…), về công cụ lao động, vật liệu bằng sắt đã được thay thế cho vật liệu bằng đồng, vì sắt thì ích dụng (sắc hơn) hơn đồng trong việc chặt cây, phát cỏ, nhưng rèn sắt thì cũng khó hơn rèn đồng, vì sắt cứng hơn đồng. Khi đã có những chiếc liềm rồi những lưỡi cưa bằng sắt ra đời, thì có thể nói, công cụ lao động trong tay người Việt cổ đã được nâng lên ở một tầm mức mới. Chính là từ những lưỡi cưa bằng sắt (chứ không phải bằng đồng) mà những thân gỗ lớn được hạ xuống rồi được xẻ ra làm ván (chứ không phải dùng dao, rìu để đẽo gọt) rồi được liên kết (đóng ghép) với nhau bằng những chiếc đinh (cũng bằng sắt) để thành những chiếc thuyền lớn hoặc rất lớn, có thể chứa được những vật thể nặng, nổi và di chuyển được trên mặt nước, lại dễ điều khiển và không bị những con sóng lớn nhấn chìm. So với thời dùng mảng và thuyền độc mộc, thì việc dùng thuyền đã là một bước tiến bộ vượt bậc.
Bằng những chiếc thuyền như thế người Việt cổ đã có thể chinh phục được những dòng sông ở miền hạ lưu (đồng bằng) giúp họ đi tới những miền đất mới có khi rất xa so với nơi ở cũ. Rồi bằng những con dao, lưỡi rìu, lưỡi liềm, lưỡi cưa, chiếc lao, mũi tên… với chất liệu bằng sắt, mà cuộc chinh phục ấy đã diễn ra một cách có kết quả hơn: cây cối bị chặt hạ, cỏ bị phát, các loài vật gây hại dưới nước (cá sấu, thuồng luồng…) bị tiêu diệt, các loài hổ báo còn lại phải từ đồng bằng lui mãi vào trong rừng sâu…
*
- Lúc đầu, việc cấy trồng cây lúa nước cũng chỉ là một sự “gợi ý” trước của tự nhiên – như bao sự gợi ý với các loài cây trồng, vật nuôi khác. Bằng quan sát và kinh nghiệm thực tiễn, người Việt cổ nhận ra rằng cây lúa nước mọc hoang sẽ là nguồn cung cấp lương thực chủ yếu nếu được đem gieo trồng trên một địa bàn rộng. Và cái địa bàn rộng ấy chính là miền đồng bằng – nơi tương đối bằng phẳng có đất đai màu mỡ, có lượng nước dồi dào đáp ứng được những yêu cầu cơ bản cho loài cây này sinh sôi phát triển. Và thế là người ta dùng thuyền dùng mảng, di chuyển đến những vùng đất cao có thể ở lại lâu dài được, rồi chặt cây phát cỏ dựng nhà dựng cửa. Tiếp đến, người ta bắt tay vào khai phá các vùng đất xung quanh nơi định cư mới này, biến nó thành những khoảnh rộng có thể cấy trồng được cây lúa nước. Tuy nhiên, trong suốt thời gian trồng cây lúa nước kể từ đó trở đi, người ta vẫn trồng trọt cả những cây lương thực (khoai sắn) và hoa màu khác nữa (đỗ, lạc, vừng, rau…). Bởi vì nếu mùa vụ (trồng lúa) thất bát thì vẫn còn các loại lương thực khác để bù vào. Vả lại, với các khoảnh đất cao hoặc những khoảnh đất chỉ cấy được một vụ lúa, thì trồng các loại cây lương thực hoặc hoa màu kia, dễ thích hợp hơn…
Quá trình cấy trồng cây lúa nước cùng các loại cây hoa mau nói chung cũng là quá trình mà người Việt cổ trước kia và người nông dân của thời Đại Việt sau đó sẽ đúc rút ra cho mình những kinh nghiệm về quan sát khí hậu thời tiết, về thâm canh gối vụ, về cải tiến công cụ, về chọn giống, bón phân, về kỹ thuật canh tác v.v…, tóm lại là những kinh nghiệm sản xuất. Lâu dần, những kinh nghiệm ấy được đúc rút lại thành những câu ngắn gọn có vần điệu, tức là những câu thành ngữ, tục ngữ và ca dao, để truyền khẩu từ thế hệ trước sang thế hệ sau, có giá trị như những chiếc chìa khóa vàng để mở cánh cửa đi vào ngôi nhà ấm no hạnh phúc. Sau đây là những dẫn chứng:
- Nói về kinh nghiệm sản xuất:
+ “Nước, phân, cần, giống” (thành ngữ)
+ “Khoai đất lạ, mạ đất quen” (tục ngữ)
+ “Cao trồng mầu, sâu cấy lúa” (tục ngữ)
+ “Thứ nhất cày ải, thứ nhì rải phân” (tục ngữ)
+ “Phân tro không bằng no nước” (tục ngữ)
+ “Mùa hơn đêm, chiêm hơn xướng” (tục ngữ nói về gieo mạ)
- Kinh nghiệm về quan sát khí hậu thời tiết để từ đó biết trước có nắng hay có mưa, cũng từ đó mà chủ động đón nhận hay đối phó lại cho thích hợp (gieo mạ, phơi thóc…):
+ “Sao mau thì mưa, sao thưa thì nắng” (tục ngữ)
+ “Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa” (tục ngữ)
+ “Trăng quầng thì cạn, trăng tán thì mưa” (tục ngữ)
+ “Vẩy mại thì mưa, bối bừa thì nắng” (tục ngữ)
+ “Kiến đen tha trứng lên cao
Thế nào cũng có mưa rào rất to” (ca dao)
Thế nào cũng có mưa rào rất to” (ca dao)
+ “Én bay thấp mưa ngập bờ ao. Én bay cao mưa rào lại tạnh” (tục ngữ) v.v…
- Kinh nghiệm về kĩ thuật canh tác:
+ “Tốt giống tốt má, tốt mạ tốt lúa” (tục ngữ)
+ “Nhai kỹ no lâu, cày sâu lúa tốt” (tục ngữ)
+ “Một lượt tát, một bát cơm” (tục ngữ)
v.v….
- Kinh nghiệm về mùa vụ:
“Tháng chạp là tháng trồng khoai
Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà
Tháng ba cày vỡ ruộng ra
Tháng tư làm mạ mưa sa đầy đồng
Tháng năm gặt hái đã xong
Nhờ trời một mẫu năm nong thóc đầy”… (ca dao)
Kết quả của những điều kiện tự nhiên thuận lợi cùng công sức, trí tuệ của con người đã cho ra đời những vụ mùa bội thu với nguồn lương thực dồi dào, và từ đấy sẽ là tiền đề để cho chăn nuôi phát triển. Con gà con vịt nhặt các hạt thóc vãi thóc rơi, con lợn ăn cám bã bèo rau và các thức ăn thừa, con chó giữ nhà, con mèo bắt chuột, con trâu con bò kéo cày v.v… Đấy toàn là những vật nuôi thật ích lợi đối với nhà nông, hoặc cho thực phẩm, cho sức kéo, cho phân bón, hoặc làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ. Bức tranh về các con vật nuôi tạo nên sự sinh động, hài hòa trong bức tranh về nông thôn, nông nghiệp nói chung.
Rồi những lúc nông nhàn (vì sản xuất nông nghiệp phải theo mùa vụ), người ta đã làm thêm các nghề thủ công để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày và hỗ trợ cho sản xuất phát triển. Và cũng do nhu cầu của sinh hoạt và phát triển sản xuất, mà ngoài những nghề thủ công trong phạm vi gia đình, người ta còn lập nên những xưởng thủ công có qui mô vừa và nhỏ, như nung gạch ngói gốm sứ, rèn đúc nông cụ, đóng mới và sửa chữa thuyền bè v.v… Việc trao đổi hàng hóa nhỏ lẻ rồi sau đó buôn bán ra đời, tạo nên những điểm tụ cư chốc lát (chợ tạm) hoặc lâu dài (thị tứ, thị trấn…) để thực hiện những chức năng ấy, cùng với nhiều chức năng xã hội khác…
*
- Quá trình khai phá vùng đồng bằng của người Việt cổ, lúc đầu là hình thức tự nguyện (đi tìm và khai phá đất mới) nhưng ngay sau đó lại là bắt buộc vì người ta phải định cư, gần với nơi canh tác của mình để tiện cho việc gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch. Với mỗi vùng đất mới, lúc đầu người ta đến theo hình thức gia đình, gia tộc, hoặc liên gia đình, gia tộc. Đó là những hạt nhân để từ đó phát triển lên thành xóm thành làng, rồi về sau có sự bổ xung thêm của các thành viên mới, gọi là dân bạ cư, sau ba năm mới được chính thức nhập làng. Mỗi làng như vậy sẽ là một xã hội thu nhỏ, ở đó có những quan hệ thân tộc ràng buộc, có một khoảnh đất canh tác riêng phân ranh giới rõ ràng với các làng lân cận, và do vậy, có những luật lệ riêng, về sau được chính thức hóa thành “hương ước”. Đó chính là những tiền đề quan trọng làm cho mỗi làng xã đều có tính chất tự trị. Tuy nhiên, tính chất tự trị này cũng chỉ là tương đối, bởi vì ở bên trên nó còn có các tổ chức xã hội khác cao hơn đứng ra đóng vai trò điều khiển chung.
Khi các xóm các làng ở vùng đồng bằng đã tương đối đông, dân số đã phát triển mạnh, thì nhà nước cũng bước vào giai đoạn định hình và phát huy tác dụng. Dưới sự huy động và điều hành chung của nhà nước, người ta bắt tay vào việc đắp đê, làm các công trình thủy lợi lớn, tức là thực hiện cái ý định quy hoạch lại các dòng chảy tự nhiên theo hướng có lợi cho sản xuất nông nghiệp mà chỉ đến lúc ấy, khi đã có đủ nhân tài vật lực, người ta mới bắt tay vào làm. Các con đê, lúc đầu được đắp từng đoạn nhỏ riêng rẽ, rồi về sau được nối vào nhau tạo thành một mạng nhện, đồng thời với việc chúng cũng được bồi trúc thêm để trở thành có diện mạo tương tự như ngày nay. Hệ thống đê điều ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ là một thành quả lao động vĩ đại, đánh dấu bước trưởng thành và sức mạnh tiềm tàng của dân tộc.
* Nguồn: NHÌN LẠI LỊCH SỬ, nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, Hà Nội 2003, Tác giả: KS. PHAN DUY KHA – TS. LÃ DUY LAN – TS. ĐINH CÔNG VĨ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét