Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

Thấy gì từ con số bội chi ngân sách?

ABS: Thấy mỗi người dân cõng thêm trên lưng 1 đống nợ nữa chứ thấy gì?




9 tháng năm 2012, bội chi ngân sách nhà nước lên tới 122.320 tỷ đồng, bằng 87,2% dự toán năm. Đây là con số vừa được Bộ Tài chính công bố trong báo cáo về tình hình triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách tháng 9 và 9 tháng năm 2012. Con số nói trên thực tế đã vượt khá xa con số bội chi ngân sách của cả năm 2011 (cả năm 2011, con số này là khoảng 111.000 tỷ đồng).


Nếu so sánh với mức bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) tính đến ngày 15-6, là khoảng 60.000 tỷ đồng, có thể thấy bội chi ngân sách đã tăng rất mạnh trong 3 tháng vừa qua. Giới chuyên gia nhận định, bội chi ngân sách đang tăng với tốc độ đáng lo ngại do nguồn thu ngân sách hạn chế, trong khi chi ngân sách vẫn gia tăng đáng kể do chủ trương nới lỏng chính sách tài khóa của Chính phủ.


Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đưa ra một con số chênh lệch lớn khi ông dẫn chứng, trong suốt những tháng đầu năm 2012, thu ngân sách tăng 1% trong khi chi lên tới 13%. Ông Vũ Khoan cũng nhấn mạnh, chúng ta đang chi cho lĩnh vực công quá nhiều, một mặt thúc đẩy sự phát triển, nhưng không phải tất cả đều được đầu tư đúng chỗ, những lãng phí trong đầu tư công như hội hè, lễ lạt, tổ chức hội thảo hội nghị ở những địa điểm sang trọng, xa hoa… đang bộc lộ sự lãng phí vô cùng lớn nguồn ngân sách nhà nước.


TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia:

Nên tăng đầu tư công vào những lĩnh vực cần thiết
Tôi cho rằng việc quá cắt giảm đầu tư công không hoàn toàn hợp lý, mà cần phân biệt nên cắt giảm ở lĩnh vực nào, và tăng ở lĩnh vực nào. Theo tôi, cần tăng đầu tư công để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng bằng cách hãy giảm chi tiêu 10% từ hội hè, đình đám, để tập trung đầu tư vào đường sá, giao thông, cơ sở hạ tầng. Tuy vậy, việc tăng đầu tư này cần phải có sự giám sát chặt chẽ từ phía cơ quan quản lý.
Thu tăng 1%, nhưng chi tới 13%. Con số này, theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho thấy, chúng ta đang chi quá mức cho phép rất nhiều. Nếu theo mức chuẩn quốc tế, bội chi ngân sách không được phép quá 3%, thì con số vượt hẳn trên 10% như Việt Nam đang chi quả thực là điều không thể tưởng. Con số này dường như càng cho thấy rõ hơn: Nền kinh tế vốn đã khó khăn, sẽ lại càng khó khăn hơn vì những việc làm không theo chuẩn mực nào, vì sự mất cân đối trong thu chi mà chính chúng ta đang tự đẩy mình vào đó.

Năm 2011, để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã rất gay gắt trong việc cắt giảm những lĩnh vực đầu tư công kém hiệu quả. Song, thực tế đã diễn ra lại cho thấy những nghịch lý của sự cắt giảm ấy. Cụ thể, trong khi chủ trương chung là thắt chặt chi tiêu và giảm đầu tư công, thì cuối năm 2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại công bố một con số "khủng” về tỷ lệ đầu tư dự án công cả nước lại chiếm 40% GDP. Song, điều đáng nói là đầu tư lớn, nhưng hiệu quả đầu tư lại không cao.


Không thể phủ nhận, thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực rất nhiều trong việc tiết kiệm đầu tư công. Và cũng không phủ nhận những mục tiêu chi của ngân sách nhà nước sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển. Việc chi ngân sách để làm cơ sở hạ tầng, đường sá cho dân là những khoản đầu tư đúng đắn. Song, trên thực tế, số đầu tư cho một số lĩnh vực công lãng phí, thất thoát nguồn ngân sách lại không phải là nhỏ. Những lãng phí ấy lại thường do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đem lại. Người dân không thể không bức xúc vì những bê bối của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước đã gây ra trong thời gian qua. Trường hợp Vinashin với dự án tàu vận tải biển tuyến Bắc – Nam đòi chi 1.000 tỉ đồng để rồi phá sản. Hay Vinalines với dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam đã gây thiệt hại vô cùng lớn cho nền kinh tế. Thua lỗ, kém hiệu quả nhưng lại thường xuyên nhận được những ưu ái, đặc quyền của Nhà nước dành cho những con cưng. Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) mới đây đã nhận được "đặc ân” giảm thuế xuất khẩu than từ 20% xuống còn 10%, không những thế, "ông lớn” này còn được ưu ái tăng giá bán than cho điện để chống lỗ. Giảm thuế cho "đứa con cưng” đồng nghĩa với việc thất thu cho "mẹ” ngân sách. Nhắc lại những dữ liệu nói trên để thấy, nguồn ngân sách nếu không được điều chỉnh kịp thời, nếu còn tiếp tục đầu tư dàn trải cho những dự án tương tự Vinashin hay Vinaline trước đây thì bội chi ngân sách sẽ không chỉ dừng lại ở mức 13%.


Và trong khi các dự án mới vẫn được cấp phép đều đều thì còn đó vô số những dự án đã được phê duyệt lại vẫn đang trì trệ, chậm tiến độ thi công, đó còn chưa nói đến nhiều dự án vẫn đang nằm… trên giấy. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhận định thế này: "Để tiêu thụ hết số dự án đã được thông qua, mỗi năm cần một số tiền lớn hơn tổng mức đầu tư toàn xã hội”. Những hệ lụy nhãn tiền của sự "vung tay” trong đầu tư công thì đã rõ, còn về dài hạn thì sao?


Các chuyên gia kinh tế cho rằng: Mức bội chi ngân sách cao hàm ý rằng, chính sách tài khóa sẽ không còn nhiều dư địa để tiếp tục hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Thêm vào đó, việc nới lỏng quá mức chính sách tài khóa với mức bội chi ngân sách vượt ngưỡng cho phép làm tăng lãi suất do Chính phủ phải tăng cường vay nợ để bù đắp bội chi. Kết quả là đưa đến kích thích tiêu dùng. Và khi kích cầu quá mức thì ở chu kỳ sau sẽ kéo theo lạm phát cao. Như vậy, rõ ràng, bội chi NSNN có quan hệ nhân quả với lạm phát. Điều này cũng có nghĩa, mọi cố gắng của Chính phủ trong kiềm chế lạm phát sẽ trở nên vô nghĩa.

 

Duy Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét