Thứ Tư, 3 tháng 10, 2012

Chuyện buồn quan chức về hưu đi làm thêm


Phần lớn đều không thiếu tiền nhưng họ ngày ngày vẫn đi làm để tuổi già không quên việc. Tuy nhiên, đôi khi họ không ngờ vì nặng tình với công việc mà lại rơi vào tình cảnh đáng tiếc.
Khi sếp về hưu / Cựu Thống đốc làm thành viên HĐQT
Chuyện quan chức về hưu vẫn ngày ngày đi làm là chuyện không mới trên thế giới và cũng chẳng còn lạ lẫm ở Việt Nam. Ở Anh, người ta biết tới ông Tony Blair với danh hiệu diễn giả đắt giá nhất hành tinh sau khi ông rời chức Thủ tướng. Hay như Bill Clinton trở thành diễn giả ăn khách khi không còn làm Tổng thống Mỹ.
Tại Việt Nam, xu hướng các lãnh đạo về hưu đi làm thêm bắt đầu từ vài năm trước với những tên tuổi lớn tham gia vào các doanh nghiệp như nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Thị Băng Tâm làm Chủ tịch HĐQT ngân hàng HDBank; cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm được bầu vào HĐQT DongA Bank.
Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB) là một nơi rất trọng dụng trí tuệ và kinh nghiệm của các cán bộ lão thành. Từ tháng 11 năm ngoái, nhà băng này thành lập hẳn Tổ nghiên cứu Kinh tế vĩ mô do nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy làm tổ trưởng, với nhiệm vụ lập báo cáo định kỳ về kinh tế vĩ mô của Việt Nam; đề xuất những vấn đề cần quan tâm cho Ban lãnh đạo ACB; và chuẩn bị những đề xuất để Ban lãnh đạo ACB đóng góp với lãnh đạo Đảng và Nhà nước về các chính sách kinh tế lớn, cũng như các chính sách thuộc lĩnh vực ngân hàng.

Từng kinh qua nhiều trọng trách trong Chính phủ, ngay khi về hưu ông Trần Xuân Giá tham gia cố vấn, rồi được bầu làm Chủ tịch HĐQT, phụ trách Ủy ban Nhân sự, Hội đồng Xử lý rủi ro của ACB. Trong HĐQT ACB còn có sự tham gia của ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại (cũ), nguyên Trưởng Đoàn đàm phán WTO. Ông vừa được bầu là Phó chủ tịch HĐQT sau câu chuyện buồn liên quan tới nguyên Tổng giám đốc và nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng này.
Một quan chức nguyên là Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng các tập đoàn lớn, doanh nghiệp chào đón quan chức về hưu vì muốn tận dụng mối quan hệ của các VIP. "Doanh nghiệp rất khoái quan chức về hưu vì người đó vừa có kiến thức, vừa am hiểu luật pháp, vừa có sẵn những quan hệ có thể giúp đỡ họ trong việc sản xuất kinh doanh. Các quan chức đặc biệt là những người nắm chắc luật pháp, các chính sách nên họ tư vấn cho doanh nghiệp rất tốt", vị này nói thêm.
Tâm sự với VnExpress, nhiều quan chức cho biết "đi làm không phải vì tiền, vì địa vị". Nguyên Thống đốc Cao Sỹ Kiêm - người đang làm thành viên HĐQT DongA Bank và là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa - cho biết ông đi làm để không quên những kiến thức và được học hỏi từ chính những người trẻ.
Còn chuyên gia Phạm Chi Lan thì tỏ ra rất hài lòng và mãn nguyện với những công việc của mình sau khi về hưu. Sau khi nghỉ chế độ từ năm 2003, bà làm thành viên cố vấn Ban Nghiên cứu của Thủ tướng trong 3 năm. Bà Lan nói về công việc của mình với niềm tự hào: "Ban nghiên cứu đã xác định thu nhập không thành vấn đề bởi chúng tôi đã có lương hưu rồi và còn có phần bồi dưỡng rất là nhỏ của Thủ tướng hỗ trợ thêm. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã làm việc với nhau rất ăn ý và đóng góp được nhiều".
Nguyên Chủ tịch HĐQT ACB - Trần Xuân Giá - cũng là một trường hợp tham công tiếc việc khi về hưu. Câu chuyện xảy ra mới đây khiến người ta tiếc và thương cho ông. Trước khi về hưu, ông là Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng ban Ban nghiên cứu của Thủ tướng về đổi mới chính sách kinh tế, xã hội và hành chính. Công thành, danh toại, gia đình hạnh phúc, được nể trọng về cả tâm lẫn tài, ông không thiếu gì trước khi đến với ACB.
Một lãnh đạo cấp cao của ACB nhận xét cái tội nghiệp của ông Giá là ham công việc ngay cả khi mắc bệnh hiểm nghèo. Có người khuyên nghỉ để chăm lo cho sức khỏe, ông nói: "Không suy nghĩ thì tôi không thể sống được. Tôi không làm việc thì coi như chết rồi". Lần phẫu thuật ung thư trước, cứ vừa ra viện là ông lại tới thẳng ngân hàng làm việc không cần nghỉ ngơi".
Ông Trần Xuân Giá. Ảnh: TT.
Ông Trần Xuân Giá. Ảnh: TT.

Bà Phạm Chi Lan, người từng có thời gian làm việc cùng tại Ban cố vấn cho Thủ tướng, buồn khi biết tin ông bị khởi tố : "Khi nghe chuyện, tôi cảm thấy rất buồn và tiếc cho chú Giá. Chú vẫn tâm sự là chỉ muốn đóng góp cho doanh nghiệp để có trải nghiệm thực tế. Hơn nữa, ACB trước nay vẫn được đánh giá là một ngân hàng quản trị tốt. Tôi nghĩ là cũng phải có những đóng góp của ông Giá, ACB mới được như vậy".
Lý do ông Trần Xuân Giá bị khởi tố
Khác những cán bộ lão thành khác, chỉ giữ vai trò tham mưu, cố vấn chiến lược, ông lên làm Chủ tịch HĐQT, chịu trách nhiệm pháp lý về hoạt động của ACB khi ngân hàng này thiết lập mô hình Hội đồng sáng lập - gồm những người chủ thực sự của nhà băng.
Từ sự việc của ông Trần Xuân Giá, câu chuyện lựa chọn "bến đỗ" nào an toàn nhất cho những năm tháng hưu trí cũng khiến nhiều quan chức trăn trở. Nhắc đến sự việc đáng tiếc của ông Trần Xuân Giá tại ACB, nhiều lãnh đạo đã không khỏi xót xa và đau lòng cho người bạn đáng kính. Tâm sự với VnExpress.net, một vị quan chức từng đảm nhận vị trí cấp Bộ trưởng trước đây cho rằng: "Việc của anh Giá như là một tai nạn đáng tiếc cuối đời". Mặc dù rất ủng hộ chuyện các quan chức về hưu tiếp tục tham gia công tác nhưng vị cựu Bộ trưởng cho rằng, cần phải lựa chọn kỹ "bến đỗ" để không làm ảnh hưởng uy tín của chính mình.
Ông Cao Sỹ Kiêm chia sẻ việc chọn làm cố vấn cho DongA Bank là một quyết định "vừa phải" và "an toàn". Vị nguyên Thống đốc cho hay, ngay sau khi nghỉ hưu, ông nhận được những lời mời hợp tác từ các doanh nghiệp, ngân hàng quy mô lớn hơn rất nhiều nhưng ông đều lắc đầu. "Ngân hàng Đông Á chưa phải là ngân hàng lớn nhưng họ làm ăn chiến lược lâu dài, ổn định. Tôi cần lựa chọn một phương án nào an toàn để đảm bảo những đóng góp của mình sẽ được họ tiếp thu, đồng thời, tránh trường hợp ảnh hưởng tới uy tín của bản thân sau này", ông Kiêm lý giải.
Chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng khó để biết nơi nào là an toàn, nơi nào rủi ro, nhưng theo bà, các quan chức cần lựa chọn nơi nào phát huy trước hết về năng lực, trí tuệ. "Không ít nơi họ mời quan chức cũ, quan chức cao cấp để lấy vị thế chính trị, lấy mối quan hệ chứ không phải vì trí tuệ. Vì vậy, nên xem mục đích người ta lôi kéo mình về làm gì?", bà Chi Lan chia sẻ.
Tháng 6/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102 quy định thời hạn không được kinh doanh trong lĩnh vực có trách nhiệm quản lý đối với những người là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thôi giữ chức vụ. Nghị định này chia 4 nhóm bị khống chế thời gian từ lúc về hưu đến khi tham gia thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp ngoài nhà nước. Trong đó, nhóm một gồm các công chức thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Thương mại; Tư pháp; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Những người thôi giữ chức vụ thuộc các lĩnh vực này không được kinh doanh trong thời hạn từ 12 đến 24 tháng. Các nhóm còn lại bị khống chế thời gian 6-18 tháng.
Tại phiên họp báo Chính phủ tháng 9 vừa qua, khi được hỏi về quan điểm cá nhân về chuyện quan chức nghỉ hưu đi làm, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng: "Tôi nghĩ Bộ trưởng hay ai trước hết cũng là một công dân. Tôi cũng nghe thông tin nhiều nước, quan chức đi làm sau khi về hưu. Tôi tâm niệm đó là chuyện bình thường, quan trọng là phải làm sao để các quan chức thấy nhẹ nhàng, hôm nay làm quan chức thì ngày mai về có thể làm những việc khác có ích cho xã hội. Làm việc nào phụ thuộc vào sở trường, sở thích của mỗi người, miễn là phải tuân thủ pháp luật".
Thanh Lan - Song Linh

Ý kiến bạn đọc Chơi với con cháu hoặc đi du lịch là tốt nhất.
Theo tôi nghĩ các quan chức vế hưu đi làm ít nhiều cũng vì tiền. Nói không vì tiền là không đúng. Họ được trả rất nhiều tiền. Thử không lấy xem nào! Và quan trọng là họ đi làm để chứng tỏ họ còn quan trọng, để còn được người khác chào thưa, thứ mà khi về hưu nếu ở nhà thì họ không có được. Mà họ thì đã quen nghe thưa gửi rồi. Nói tóm lại khi về hưu họ bị shock. Còn đóng góp này nọ cho nhà nước thì khi còn làm việc ý kiến của họ nếu không trùng hợp thì cũng mấy khi được trên nghe huống nữa là bây giờ. Cho nên khi đã về hưu thì nếu thật sự không cần tiền thì chơi với con cháu hoặc đi du lịch là tốt nhất.
NGHỈ HƯU ĐI LÀM LÀ ĐÚNG. NHƯNG LÀM VIỆC PHẢI TÔN TRỌNG PHÁP LUẬT
Việc nghỉ hưu là do nhà nước quy định về độ tuổi. Nhưng nếu bạn làm cho Tư nhân thì tuổi tác ko là vấn đề.

Việc quan chức sau khi về hưu đi làm là rất đáng hoan nghênh bởi họ vẫn còn trẻ khỏe và với kiến thức và kinh nghiệm của mình thì ko nên bỏ lỡ, như vậy khác nào lãng phí chất xám.

Tuy nhiên, tôi cho rằng chọn bất cứ bến đáp nào cũng đều an toàn cho các cán bộ về hưu nếu như mọi việc anh làm tôn trọng pháp luật và ko phạm pháp.

Thử hỏi nếu anh ko phạm pháp, ko tiếp tay cho kẻ gian vi phạm pháp luật thì anh có bị công an sờ gáy ko? Đừng dùng từ "tai nạn nghề nghiệp" để biện minh, vì theo tôi các quan chức cấp Bộ Trưởng chắc ko thiếu hiểu biết pháp luật đến thế!
Thật là buồn quá đi!
Tôi đã từng tiếp xúc và lắng nghe ý kiến phát biểu của các vị lãnh đạo T.U, kiến thức họ rất sâu, rộng và uyên bác. Thật đáng tiếc nếu sau khi họ về hưu mà xã hội không thể tiếp tục nhận được những đóng góp của họ. Rất buồn khi nghe thông tin về chú Giá-người đã có nhiều đóng góp cho chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài, có liên quan đến vụ việc của ngân hàng ACB! Tin rằng người tốt sẽ gặp chuyện tốt lành. Chúc chú luôn khỏe mạnh.
Một tai nạn đáng buồn
Khi đọc tin ông Giá bị khởi tố quả thực tôi rất buồn, tôi buồn bởi vì tôi đã có dịp được tiếp xúc với ông (vào khoảng năm 1993) một con người đức độ, năng lực tốt, quyết đoán nói tóm lại là một người lãnh đạo có tâm và có tầm. Nay sự việc đến với ông coi như một tai nạn ở tuổi nghỉ hưu.Tôi có lời chia sẻ chân thành gởi đến ông, cầu mong cho ông sớm tai qua nạn khỏi để được hưởng sự thanh thản quảng đời còn lại.
Thương trường
Thương trường là chiến trường ! Khi các Quan chức làm sai thì xử lý rất khó, nhưng nếu Doanh nghiệp làm sai thì sẽ bị xử lý nghiêm. Đó là sự khác biệt ...
Về hưu-đi làm thêm-phục vụ lợi ích của ai ?
Tuyệt đối không có vấn đề gì về việc đi làm sau khi rời nhiệm sở. Tuy nhiên nhiều vị trí có vai trò quan trọng trong các hoạt động của nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, nếu đi làm thêm sau nghỉ hưu và làm cho các công ty tư nhân, thì như bà Phạm Chi Lan nói, đó là cả vấn đề trách nhiệm với Đảng với nhà nước, với nhân dân. Phục vụ cho các cty tư nhân mà sử dụng kinh nhiệm sâu sắc biết rỏ cơ chế của nhà nước, mang lại lợi ích cho cty, thì đây sẽ là lỗ thủng rất nguy hiểm đối với nhà nước. Lợi ích nhóm sẽ có lợi tối đa khi các nhóm lợi ích có trong tay các quan chức cao cấp là nhân sự của họ. Về hưu-đi làm thêm-phục vụ lợi ích của ai, là câu hỏi hết sức nghiêm túc. Do vậy ý kiến của bà Phạm Chi Lan quả là sâu sắc.
Quan chức đi làm
Quan chức đi làm xét về bản chất thì nghe có vẻ phù hợp ,làm như thế nào mới là chuyện đáng nói! khi anh đã đầu quân cho một doanh nghiệp ,thì chắc chắn anh được lãnh lương khủng ,cái gì cũng có giá của nó.anh sẽ phải làm việc để xứng đáng với đồng lương ấy chứ!doanh nghiệp mà.vậy đáng lẽ anh được nghỉ ngơi [ tuổi già làm việc già] thì tự anh lại chuốc lấy những rắc rối mới khi mà sức đã cạn .còn làm như vai trò của chị Lan thì tôi hoàn toàn đồng ý.Về hưu là quãng đời hoàn toàn khác đôi khi chúng ta phải học mọi thứ để hòa nhập.còn các vị có quyền chức đi làm thì coi chừng cái bẫy lợi dụng [cả hai bên]
Quan chức về hưu vẫn làm thêm
Thực ra không chỉ quan chức mà tất cả các sếp, những người lãnh đạo lớn khi về hưu đều muốn tiếp tục làm việc, cống hiến. Tôi còn trẻ, không nói nhiều đến vấn đề cống hiến tuy nhiên, những người nói đi làm thêm không phải vì tiền là dối lòng. Họ làm thêm toàn những chức vụ quan trọng, cần ít sức lao động hơn nhưng cần nhiều kinh nghiệm và trí tuệ hơn, cấp dưới cũng nể họ hơn. Nói chung, làm thêm khi về hưu có cái tốt của nó là tận dụng chất xám và kinh nghiệm quý báu của các chú, các cô, tuy nhiên cũng có 1 số trường hợp không phù hợp nhưng vẫn muốn giữ vị trí. Riêng những ai nói đi làm thêm sau về hưu không phải vì tiền thì tôi không phục!
VIỆC LÀM THÊM CỦA CÁN BỘ HƯU TRÍ
Chuyện quan chức nghỉ hưu đi làm kiếm thêm thu nhập là chuyện rất rất bình thường. Điều quan trọng là anh làm cái gì, làm việc gì? Việc làm của anh có tiếp tục đóng góp cho lợi ích thật sự cho xã hội, con người và đất nước của anh đang sống không mới là điều đáng nói. Anh sống vì dân, công việc của anh trước đây là phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, thì sau khi nghỉ hưu, anh có thể tiếp tục đi làm ở những công việc mang tính chất tương tự. Anh có thể tham gia công tác trong hội thiện nguyện, cứu giúp người tàn tật, bệnh nhân nghèo, ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều người cần sự cứu giúp. Hoặc, với tài năng và kiến thức của anh, anh có thể tham gia giảng dạy tại các trường Đại Học, Cao đẳng, nhằm đem kiến thức và kinh nghiệm của mình để truyền cho lớp trẻ. Có rất nhiều công việc để những cán bộ đã hưu trí đi làm.
Tại sao!
Chân thành mà nói, trong hoạt động kinh doanh, rất khó để chỉn chu về mặt Pháp luật.
Theo tôi, những người giỏi, có kinh nghiệm đến tuổi nghỉ hưu nên làm tham mưu, cố vấn thì khỏe hơn.
Hay quá
Hay quá. tác giả viết hay quá!
Về hưu và đi làm thêm
Những ngưòi đến tuổi hưu nếu không có bênh tật ,còn sức khoẻ , còn trình độ và đuọc các đơn vị mòi gọi đưọc trả lương tương đối hậu đều muốn đi làm thêm ở tuổi hưu , những đơn vị mời gọi hầu như muốn tận dụng các vị quan chức có 2 lẽ là kinh nghiệm và mối quan hệ , họ cần đưọc dẫn dắt để có mối quan hệ làm ăn với các đối tác , thuận lợi với các co quan quản lý nhà nước do đưọc nể trọng các quan chức đã hưu trí , 1 số đơn vị sau 1 thòi gian sử dụng khi đã nắm đưọc quan hệ rồi thì không cần mấy vị hưu nữa ,và thường gioi tré họ rất khó chịu khi làm việc với người già nhiều tuổi vì các vị này hay bảo thủ , ngang , thậm chí gia trưởng . Rất thông cảm và thưong chú Giá , nhưng biết làm sao đưọc mọi người đều phải bình đẳng trước pháp luật mà . vì vậy đây cũng là 1 bài học cho các vị quan chức đã hưu trí còn muốn làm thêm . Hãy biết điểm dừng khi chưa muộn.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét