Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Yên tâm bám biển

Ông Nguyễn Ngọc Oai- Cục trưởng Cục Khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản: 

Kiên Cường
Ông Nguyễn Ngọc Oai
Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Ngọc Oai - Cục trưởng Cục Khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết Chính phủ đã và đang nỗ lực hết mình hỗ trợ ngư dân nâng cấp tàu, yên tâm bám biển.

Chính phủ đang khuyến khích ngư dân bám biển, làm giàu từ biển tuy nhiên để có thể ra khơi xa đánh bắt cá, ngư dân ở các tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, vậy chúng ta có những chính sách gì để giúp ngư dân ra khơi, thưa ông?
Để từng bước tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động khai thác hải sản, trong những năm qua Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách thiết thực và hiệu quả hỗ trợ ngư dân. Căn cứ vào điều kiện thực tế tại các địa phương có thể thấy phần lớn tàu cá ở nước ta đều là tàu loại nhỏ, vỏ gỗ, công suất dưới 90 CV và được đóng theo kinh nghiệm dân gian, trang thiết bị còn thiếu và kém chất lượng. Nhưng hầu hết những tàu này đều hoạt động vượt quá những điều kiện về an toàn cho phép nên nhiều vụ tai nạn tàu cá xảy ra do bị hỏng máy, vỡ, nứt vỏ tàu, gãy chân vịt… gây thiệt hại về người và tài sản của ngư dân.

Khắc phục tình trạng này, từ năm 1997 Chính phủ đã có gói chính sách 1.300 tỉ đồng nhằm hỗ trợ phát triển đội tàu lớn, công suất từ 90 CV trở lên được trang bị các phương tiện khai thác hải sản ở vùng biển xa bờ. Kết quả là sau 15 năm số lượng tàu lắp máy có công suất trên 90 CV đã tăng lên gấp hơn 8 lần, từ số lượng 3.000 tàu vào năm 1997 nay ta đã có 24.500 tàu. Ngoài ra, tùy vào từng thời điểm, hoàn cảnh cụ thể ngư dân ở các địa phương gặp khó khăn gì thì Chính phủ sẽ có chính sách phù hợp để tháo gỡ. Như năm 2008, khủng hoảng kinh tế thế giới khiến giá dầu tăng cao khiến ngư dân gặp khó khăn, Chính phủ đã hỗ trợ 2.500 tỉ đồng để ngư dân bù giá nhiên liệu, mua, đóng mới và thay máy tàu cá loại tiêu hao ít nhiên liệu hơn.

Nhiều ngư dân đầu tư cả tỷ đồng để đóng tàu mới công suất lớn
Hỗ trợ tài chính giúp ngư dân đóng tàu ra khơi là cần thiết tuy nhiên để nâng cao hiệu quả đánh bắt có lẽ Chính phủ cũng cần phải tăng cường phát triển hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá?
Đúng vậy, song song với nhóm giải pháp hỗ trợ phương tiện nghề cá cho ngư dân Chính phủ vẫn tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ thông qua việc cung cấp dịch vụ công, quy hoạch và đầu tư xây dựng mạng lưới cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá… nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất khi ngư dân hoạt động trên biển cũng như vào bờ. Nhờ có những hoạt động dịch vụ ngoài khơi nên tàu cá đánh bắt xa bờ, muốn ở lại lâu trên biển sẽ không phải lo ngại hết dầu, hết nước ngọt và lương thực.
Theo số liệu thống kê số lượng tàu cá neo đậu và sử dụng dịch vụ hậu cần nghề cá tại Đá Tây trong 6 tháng đầu năm 2012 đã lên tới 886 lượt, tiêu thụ 11,5 tấn lương thực thực phẩm, 529 m3 nước ngọt và 158.000 lít dầu. So với cùng kì năm ngoái chỉ có 257 lượt thì số liệu này cho thấy nhu cầu sử dụng dịch vụ hậu cần nghề cá của chúng ta đang gia tăng và chất lượng phục vụ cũng đảm bảo.
Bên cạnh đó việc triển khai liên tục các dự án về đào tạo nguồn nhân lực: thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên; dự án giúp ngư dân nâng cao nhận thức, tiếp cận các công nghệ mới trong khai thác thủy sản như du nhập công nghệ khai thác cá ngừ đại dương, chụp mực, vây khơi, góp phần giúp ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác trên biển.
Hoạt động đánh bắt xa bờ thường gặp phải trở ngại trong khâu bảo quản, tiêu thụ sản phẩm vậy phải làm thế nào để sản phẩm đánh bắt của ngư dân luôn đảm bảo chất lượng?
Như đã nói, ngư dân của chúng ta hiện nay chủ yếu sử dụng tàu vỏ gỗ, các trang thiết bị phục vụ cho bảo quản sản phẩm chưa được chú trọng, hầm bảo quản chủ yếu là ốp xốp và phủ bạt. Hải sản sau khi đánh bắt chỉ được bảo quản bằng đá cây xay nhỏ nên trường hợp chất lượng nước đá còn non sẽ không đủ độ lạnh hoặc nếu nước đá nhiễm phèn cũng ảnh hưởng trực tiếp lên bề mặt hải sản.
Tổng hợp các yếu tố: hầm bảo quản không đảm bảo về cách nhiệt, vệ sinh an toàn thực phẩm; phương pháp bảo quản không đúng kĩ thuật; chất lượng nước đá không đạt; thời gian bảo quản dài ngày… thì rõ ràng chất lượng và giá bán của sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng. Để từng bước đưa các nghề khai thác hải sản xa bờ trở thành một ngành công nghiệp phát triển ổn định và bền vững, Tổng cục Thủy sản đã chọn nghề khai thác cá ngừ đại dương làm thí điểm việc quản lý theo chuỗi từ khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ.
Cần phải có những tiêu chuẩn, quy chuẩn kĩ thuật đối với nghề đánh bắt cá ngừ như: Tiêu chuẩn về chất lượng tàu câu cá ngừ, quy chuẩn về các ngư cụ khai thác, quy chuẩn về kích cỡ đối tượng khai thác, quy chuẩn về quy trình kĩ thuật sơ chế bảo quản cá ngừ trên tàu. Trước mắt, cú hích cho nghề câu cá ngừ đại dương theo hướng công nghiệp, hiện đại sẽ là dự án đóng mới 30 tàu câu cá ngừ bằng thép, công suất lớn và được trang bị đầy đủ máy móc, phương tiện đánh bắt cũng như hệ thống bảo quản phù hợp tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Tiếp đến chúng ta sẽ thực hiện quản lý khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo tiêu chuẩn ISO, HACCP và GAP, dần dần tiến tới xây dựng hình ảnh thương hiệu cá ngừ Việt Nam trên thị trường thế giới.
Khi đánh bắt trên biển, ngư dân phải đối mặt với thiên tai và rất nhiều rủi ro khác nữa. Chúng ta có cách gì giảm thiểu rủi ro để ngư dân an tâm bám biển, thưa ông?
Ta đang xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển, giai đoạn I đã lắp đặt 18 đài bờ thuộc hệ thống thông tin hàng hải và đang tổ chức bàn giao 60 trạm kiểm soát cho Bộ đội Biên phòng và Chi cục Khai thác Bảo vệ nguồn lợi thủy sản các tỉnh. Tại các địa phương, nhiều nơi đã ứng tiền cho ngư dân vay để mua máy thông tin liên lạc tầm xa có định vị vệ tinh GPS và đã có 1.470 tàu lắp đặt máy này. Trung tâm Quan sát tàu cá thuộc Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng đã được thành lập, dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2013 để thực hiện giám sát cho 3.000 tàu các loại hoạt động xa bờ.
Như vậy, trong tương lai không xa, khi nhận được tín hiệu báo nguy hiểm thì lập tức chúng ta có thể xác định vị trí của tàu cá để thực hiện giải cứu và ngư dân hoàn toàn có thể yên tâm bám biển. Thêm vào đó, để nâng cao khả năng ứng cứu tàu cá gặp nạn, thời gian qua Bộ NN-PTNT khuyến khích ngư dân phát triển mô hình tổ hợp tác sản xuất trên biển gồm các chủ tàu hoạt động trên cùng ngư trường, cùng nơi cư trú hợp tác khai thác hải sản; dịch vụ hậu cần trên biển; cứu hộ cứu nạn và hỗ trợ nhân đạo giữa các gia đình thành viên trong tổ. Tính đến hết tháng 7/2012 đã thành lập 3.466 tổ với khoảng 21.400 tàu cá. Các tàu cá tham gia tổ hợp tác đoàn kết sản xuất trên biển vừa đảm bảo an ninh khi gặp biến cố mà hiệu quả khai thác cũng cao hơn, có tàu sản lượng tăng 1,2-1,5 lần so với khi chưa vào tổ.
Xin cảm ơn ông!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét