Cám ơn HM có bài viết đầy tình cảm và cảm thông với bạn Lào. Tôi
cũng đi Lào dăm ba chục lần (chuyên gia giúp bạn mà, có năm tháng nào
cũng phải sang) thấy thương bạn lắm và cũng xấu hổ vì cách cư xử của ta
với bạn lắm. Chuyện thủy điện Xayabury cũng vậy, tôi bị giằng xé giữa
một nước Lào quá nghèo, quá hiền lành cần phát triển mà tài nguyên chủ
yếu lại là thủy điện, với số phận của 20 triệu bà con mình ở đồng bằng
sông Cửu Long. Trong khi ta tàn phá tài nguyên rừng, nước không thương
tiếc, TQ ở đầu nguồn sông Mê Kong cũng vậy, thì ta lại cấm bạn không
được làm. Tôi phải đưa các cháu ra sân bay về Geneve đây nên không viết
được nữa. Một lần nữa cám ơn anh có bài thân thiện về đất nước tôi rất
yêu này.
Hiệu Minh: Tôi đến Vientiane có lẽ đến cả chục lần. Thấy phố phường của họ dọc
ngang có tổ chức hơn Hà Nội, còi xe ít hơn, không chen lấn xô đầy, nói
tục, chửi thề, dân Mường hiền hơn, mà thấy xấu hổ thay cho người Kinh.
Thăm COPE nhớ về chiến tranh Mỹ – Việt
Theo giới thiệu của một người bạn về Vientiane, tôi thăm COPE
(Cooperative Orthotic and Prosthetic Enterprise) trung tâm giúp những
nạn nhân của bom mìn từ thời chiến tranh Mỹ – Việt. Người bạn nói, anh
tới đó sẽ thấy mình là người may mắn trên thế gian này và biết quí trọng
cuộc sống hôm nay.
Trung tâm COPE trông khá nghèo nàn, trưng bày ảnh là chính, có mấy mảnh bom, bom bi, đạn chưa nổ.
Có cậu bé tên là Phongsavath Souliyalat, cụt cả hai tay, khiếm thị,
dùng máy tính nhoay nhoáy, gõ bàn phím bằng lưỡi và cằm, trao đổi tiếng
Anh như gió.
Mình ngồi khá lâu, nghe kể chuyện lúc sinh nhật 16 tuổi, cách đây 4
năm, khi đi trên đường từ trường về nhà, cậu bạn đã đưa quả bom bi cho
Phongsavath. Quả bom nổ, cậu bị cụt cả hai tay và mù hai mắt.
Phongsavath nói chuyện rất vui, đối đáp thông minh, giọng trong trẻo,
phát âm tiếng Anh rất chuẩn, không ai nghĩ cậu khiếm thị. Nếu em được
đào tạo bài bản, chắc sẽ thành nhân tài cho đất nước.
Trong chuyến thăm Lào vừa qua, dù thời gian dừng chân chỉ có 4 tiếng, nhưng bà Hillary Clinton đã tới đây và nói chuyện khoảng 10 phút với cậu, một nhân chứng đau đớn của cuộc chiến.
Phongsavath Souliyalat đã thách thức Hillary “”I would like to see
all governments ban cluster bombs and (try) to clear the bombs together
and to help the survivors. I am lucky because I got help … but so many
survivors are without help. Their life is very very hard. – Tôi muốn tất
cả các chính phủ phải cấm bom bi và cần cùng nhau làm sạch bom mìn,
giúp đỡ các nạn nhân. Tôi may mắn vì có sự giúp đỡ những nhiều nạn nhân
khác thì không. Cuộc sống của họ vô cùng gian nan.”
Khi Việt Nam mở đường mòn Hồ Chí Minh qua Lào thì nước này trở thành
bãi chiến trường. B52 rải thảm, rốc két, bom nổ chậm, bom từ trường. Máy
bay đánh phá miền Bắc VN khi quay về Utapao (Thái Lan) thả hết cơ số
bom còn lại xuống nước Lào.
Có khoảng 260 triệu quả bom bi đã ném xuống nước nước này, nhiều nhất
trong lịch sử chiến tranh. Hơn 2,5 triệu tấn bom đã rải xuống Lào,
nhiều hơn cả số bom mà Mỹ ném xuống Đức và Nhật trong chiến tranh thế
giới thứ 2.
Bom bi thả xuống chỉ có 70% là nổ, phần còn lại nằm trong đất. Khoảng
75 triệu quả bom bi chưa nổ. Chỉ khoảng 1% số này được làm sạch.
Có gia đình đang nấu cơm, bỗng bom nổ. Cả nhà bị thương, bị chết,
người mất chân, người mất tay, mù mắt. Lửa nóng làm quả bom nằm sâu
trong lòng đất cách đây mấy chục năm phát nổ.
Trẻ em thấy bom bi mầu vàng, vui mắt nghịch chơi, bị chết, bị thương, cụt chân tay, mất mắt là thường.
Ít nhất 25.000 người đã chết và bị thương vì bom mìn. Hàng năm có khoảng 300 nạn nhân chết vì những vũ khí giết người này.
Tới thăm COPE bạn sẽ thấy người Kinh cũng có lỗi với các bạn Mường vì
cuộc chiến đẫm máu năm xưa, thấy mình còn may mắn và cần bảo vệ hòa
bình.
Bên bờ Mekong nghĩ về sông Hồng
Dân Việt ta có nhiều cái tên liên quan đến nước bạn Lào: thuốc lào, hắc lào, dép lào, gió lào… mang nghĩa xấu nhiều hơn là tốt.
Nhiều quan chức Việt Nam sang đó với vẻ trịch thượng, đàn anh, ngầm ý
cho rằng, dân Mường Mán còn lâu mới bằng người Kinh chúng ta.
Đến Vientiane cách đây hơn chục năm về trước, cảm giác của tôi về
nước bạn cũng na ná như vậy, nên mới viết bài “Chầm chậm tới Lào”.
Nhưng mấy năm gần đây, tôi có dịp qua lại thì thấy thủ đô này đã
khác. Nhà cửa xây khá nhiều, xe hơi đời mới tràn ngập phố, nạn tắc nghẽn
giao thông đã thấy khá rõ, nhất là vào giờ tan tầm.
Thủ đô Lào đang chuẩn bị cho ASEM và EU về dự họp vào cuối năm nay,
nghe nói có cả Obama tới dự. Một khu biệt thự dành riêng cho các nguyên
thủ quốc gia đang xây dựng cấp tốc, ngói đỏ au.
Vientiane hối hả như một công trường xây dựng. Phố phường bụi đỏ ngầu, mưa chút là bùn bẩn văng khắp khắp nơi.
Chiều đó, một người bạn cùng tôi đi chơi dọc bờ sông Mekong. Trước
đây nhem nhuốc, giống khu ổ chuột bên sông Hồng của ta, đủ loại hàng
quán tạm bợ, bán nước giải khát đến cá nướng muối, bánh trái. Ăn xong
rồi các thượng đế ném toẹt xuống sàn hay tiện tay vứt ra sông.
Bên kia Mekong là Thái Lan, nhà cao tầng hoành tráng, đèn sáng
choang. Bên phía Lào, đèn lờ mờ, chả khác gì một xóm quê. So sánh hai
nơi, thấy XHCN và TBCN khác nhau một trời một vực trong phát triển.
Hôm nay cảnh vật đã khác. Bên Vientiane có vẻ đẹp hơn phía bên
Thailand. Đê chắn lũ cho Vientiane được kè bê tông rất cẩn thận, có lẽ
dài tới 5-6km, dọc theo bờ sông. Trên mặt đê là con đường trải nhựa,
hàng đèn sáng. Các đôi trai gái dập dìu, khách du lịch đi lại ngắm nghía
cảnh đẹp lúc hoàng hôn xuống.
Đi dạo trên đê, tôi tự hỏi, dân Lào đang xây dựng CNXH hay CNTB. Chỉ
biết đại hội Đảng của Lào không còn ảnh Carl Marx hay Lê Nin trên hội
trường.
Phía trong đê có những quầy bán hàng lưu niệm, chóp mầu đỏ, mua bán,
rất có tổ chức. Đi dạo một lượt, chẳng thấy ai chèo kéo, mồi chài bán
hàng. Không mua gì nên chẳng biết dân Lào có mặc cả hay không?
Tiếp đó là sân chơi cho trẻ em, xây theo chuẩn kiểu phương Tây, tuổi
thơ hò reo, hạnh phúc. Hà Nội tìm đâu ra một chỗ miễn phí và sạch như
thế này.
Công viên trồng hoa, cỏ xanh mướt, phía xa xa là tượng một vị vua từ
thời thế kỷ 17, một tay cầm kiếm, một chỉ tay ra phía sông Mekong, nước
chảy cuồn cuộn. Chỉ vài tuần nữa thôi, nước từ thượng nguồn lên cao và
Mekong sẽ trông như biển nước.
Trong Vientiane không có tín hiệu roaming của Blackberry nên tôi ra đây với hai mục đích, vừa dạo chơi, vừa kiểm tra email.
Tôi hỏi một bác ra bờ sông đi dạo. Bác đùa vui, dân Lào chỉ nghe theo
vua. Vua chỉ tay sang phía Thái Lan, ý nói, cứ giơ Blackberry ra phía
bên kia là có tín hiệu internet. Ngài mách nên xây dựng thủy điện trên
sông Mekong là chúng tôi làm, dù trong quan hệ quốc tế, người Lào vẫn
bảo là dừng rồi. Nói một đằng làm một nẻo là do dân Lào học người Việt
Nam đó.
Họ bảo, người Việt mình bán tài nguyên thoải mái, cho nước ngoài khai
thác bauxite ở Tây Nguyên, huy động cả hệ thống chính trị để đạt sự
đồng thuận, dù đó là địa điểm chiến lược của quốc gia, mà chẳng việc gì,
thì tại sao nước Lào không được xây thủy điện Xayaburi.
Nhìn bờ sông Mekong được cải tạo rất đẹp, có tổ chức, tôi nhớ ra hai
bờ sông Hồng của ta, thấy xấu hổ thay cho người Kinh. Tôi thách bạn đọc
tìm được chỗ nào ở sông Hồng còn khả năng biến thành công viên, đường
đi dạo như bên Vientiane.
Nếu tới Vientiane, bạn nhớ thăm trung tâm COPE để biết là mình may
mắn. Thăm bờ sông Mekong để biết người Kinh chưa chắc đã khôn hơn dân
Mường.
Cứ đà phát triển nhôm nhoam của Hà Nội như hiện nay, chỉ chục năm nữa
thôi, người Lào sẽ mỉa mai chúng ta với những biệt danh như thuốc việt,
đạo đức việt, kiến trúc việt, kể cả lãnh đạo việt.
HM. 8-2012. Vài cái ảnh chụp bằng Blackberry vào ngày mưa tối trời, mong các bạn thông cảm.
Xem thêm
- Chầm chậm tới Lào
- Nước Lào không còn chậm
- Lai Tran Mai says:
Cám ơn HM có bài viết đầy tình cảm và cảm thông với bạn Lào. Tôi
cũng đi Lào dăm ba chục lần (chuyên gia giúp bạn mà, có năm tháng nào
cũng phải sang) thấy thương bạn lắm và cũng xấu hổ vì cách cư xử của ta
với bạn lắm. Chuyện thủy điện Xayabury cũng vậy, tôi bị giằng xé giữa
một nước Lào quá nghèo, quá hiền lành cần phát triển mà tài nguyên chủ
yếu lại là thủy điện, với số phận của 20 triệu bà con mình ở đồng bằng
sông Cửu Long. Trong khi ta tàn phá tài nguyên rừng, nước không thương
tiếc, TQ ở đầu nguồn sông Mê Kong cũng vậy, thì ta lại cấm bạn không
được làm. Tôi phải đưa các cháu ra sân bay về Geneve đây nên không viết
được nữa. Một lần nữa cám ơn anh có bài thân thiện về đất nước tôi rất
yêu này.
Lai Tran Mai