Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2012

"Thời chúng tôi, không ai hỗn hào, hư hỏng"

GS. Nguyễn Lân Dũng:

"Thời chúng tôi, không ai hỗn hào, hư hỏng"


(GDVN) - "Đòn roi không có tác dụng, thậm chí là có tác dụng ngược lại, giáo dục phải bằng tấm gương, bằng nỗ lực, bằng sự thương yêu, chăm sóc con trẻ".
LTS: Sau khi Báo Giáo dục Việt Nam đăng tải những bài viết và clip về việc thầy giáo của Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cấp 2 ở TP. Thái Nguyên “tra tấn” học sinh, GS - NGND Nguyễn Lân Dũng đã có những bày tỏ quan điểm xung quanh sự việc này.
Chúng ta đang hiểu nhầm “yêu cho roi cho vọt”
- Trong lần chia sẻ với báo GDVN về cách dạy con, GS nói rằng: Chưa bao giờ bố tôi đánh mắng con cái mà dù chỉ là cái tát. Và bản thân GS cũng cho rằng, đánh mắng con cái, học sinh là hạ sách và rất ít tác dụng. GS nghĩ sao về việc người thầy vung roi đánh vào mông học sinh khi bị điểm kém?




GS - NGND Nguyễn Lân Dũng cho rằng dùng roi vọt 
với học sinh là phản khoa học, không có tác dụng.
 

GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Tôi cho rằng điểu đó là phi lý bởi họ không hiểu đòn roi là không có tác dụng, thậm chí là phản tác dụng. Vì nếu bị đòn nhiều, trẻ tức giận bố mẹ, thầy cô, sẽ bị nhờn đòn và lúc đó giáo dục không còn ý nghĩa gì nữa. Việc sử dụng đòn roi trong giáo dục cả ở nhà lẫn ở trường không chỉ phản khoa học mà còn đi ngược lại những nguyên tắc của Luật Giáo dục và Công ước về Quyền trẻ em. Bố mẹ tôi chưa bao giờ đánh mắng con cái nhưng chúng tôi đều thành đạt. Các cụ chỉ khuyên bảo khi chúng tôi có lỗi lầm.
 - Như thế người thầy này có đáng lên án không, thưa GS?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Không những ở trung tâm này mà mọi phụ huynh đánh con đều đáng bị lên án, chứ đừng nói đến thầy cô giáo. Vì dùng đòn roi là sai, ít tác dụng, thậm chí là khiến học sinh chán học, dẫn đến học sinh không yêu quý, kính trọng thầy cô nữa. Thế hệ của chúng tôi không bị đòn roi nhưng hầu hết đều thành đạt...
- Nhưng có những phụ huynh có con học tại đây lại tin và ủng hộ cách dạy học bằng đòn roi. GS giải thích sao về điều này?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Đó là những phụ huynh thường dùng roi để dạy con ở nhà. Dân gian có câu: “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Tinh thần của câu này phải hiểu là thương con thì đừng chiều chuộng quá, mà phải nghiêm khắc với con, chứ không phải là cần cho ăn kẹo khi ngoan và dùng roi vọt khi hư (!).
Chúng ta hiểu nhầm câu đó, nên nhiều người đã áp dụng điều này bằng cách thường xuyên dùng roi vọt để dạy con. Nguyên nhân có thể là do họ quá bận rộn trong cuộc sống, trong cơ chế thị trường, khiến họ lao vào kiếm tiền, dành ít thời giờ cho con. Họ thường phó mặc cho người giúp việc, thậm chí cho người giúp việc có cả quyền đánh mắng con mình (!). Điều đó quá nguy hiểm! Con trai tôi hồi nhỏ học tại Trường thực nghiệm Giảng Võ. Ở đó, thầy cô không bao giờ dùng đến roi, vậy mà lớp ấy về sau đều thành đạt trên nhiều cương vị khác nhau.
- Đã bao giờ GS chứng kiến thầy giáo đánh học trò chưa?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Chưa bao giờ tôi nhìn thấy thầy giáo nào đánh học sinh cả. Bởi những người thầy của chúng tôi đều rất gương mẫu, lương tâm người thầy không cho phép họ làm những điều sai trái. Học sinh thời chúng tôi ít khi bị điểm kém, không ai hỗn láo, hư hỏng. Tôi thường nghĩ, khi thầy cô giáo tận tình dạy dỗ và gương mẫu trong cuộc sống thì học sinh sẽ noi gương và cố gắng giữ gìn tư cách. Bản thân tôi chưa bao giờ phải nhắc nhở hai con học hành vì các cháu đều rất tự giác và đến giờ chúng đã giỏi hơn cả vợ chồng tôi nhiều rồi.
Giáo dục phải bằng tấm gương, sự yêu thương
- Có nhiều học sinh ngỗ ngược, thách thức giáo viên đánh mình vì học sinh biết giáo viên không được quyền làm điều đó. Nếu có một học trò như vậy, GS sẽ xử lý tình huống đó thế nào?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Học sinh hư tại ai, con hư tại ai? Dân gian có câu: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Người thầy tận tụy, gương mẫu thì học sinh sẽ phải chăm ngoan. Chúng tôi (lớp 7E năm 1951 ở Khu học xá trung ương) thật may mắn vì được học từ những người thầy thật sự giỏi giang và mẫu mực, như thầy Hoàng Tụy dạy Toán; thầy Hoàng Như Mai dạy Văn, thầy Lê Bá Thảo dạy Địa lý, thầy Trần Văn Khang dạy Sử, thầy Trần Văn Giáp dạy Trung văn, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu dạy Nhạc, họa sĩ Nguyễn Khang dạy vẽ…
Thầy giỏi thì học trò đều chăm ngoan, và nay đã có rất nhiều bạn thành danh như các GS Hồ Ngọc Đại, Tương Lai, Nguyễn Quốc Hùng, Trần Phúc Phong, GS.TS Kiều Thu Hoạch, Đạo diễn Long Vân, Phó chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ VN Vương Thị Hanh... Sau 60 năm mà nay chúng tôi vẫn thường xuyên tụ họp, thân thiết nhau như thuở xưa.
Khi học trò đã yêu quý thầy cô thì không bao giờ muốn làm cho thầy cô buồn. Nếu học sinh ghét thì sẽ có đầy đủ thứ chuyện, thậm chí là có đứa dám đánh lén cả thầy cô. Làm giáo viên mà không được học sinh yêu là đã thất bại. Theo tôi, sự tận tụy, gương mẫu và năng lực giảng dạy của người thầy là những yếu tố quyết định sự yêu quý, kính trọng của học sinh.
Bản thân tôi rất cảm phục, kính trọng những thầy cô giáo của mình từ hồi rất nhỏ, như cô Xuân, thầy Ngạn từ chỗ là giáo viên cấp I (ở Phú Thọ) nhưng đều phấn đấu và về sau đã trở thành những giảng viên đại học giỏi giang. Đó là những tấm gương lớn cho chúng tôi noi theo.
- Kỷ niệm nào về người thầy mà GS nhớ nhất?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Thầy Nguyễn Thương là thầy dạy Toán trước đây của tôi và cũng là thầy của con gái tôi sau này. Thầy thích dạy thêm vì lòng yêu nghề chứ không phải vì tiền, các con thầy đều thành đạt và giàu có. Một điều kỳ lạ là thầy dạy một lúc 5 cháu ở nhiều lớp khác nhau ngay tại nhà tôi. Bọn trẻ rất hiếu động, nhưng khi nghe thầy nói: “Các cháu yên lặng nào” là các cháu im phăng phắc ngay. Thầy hỏi từng đứa học đến đâu rồi và thầy giảng lại kỹ càng phần lý thuyết rồi ra ngay bài tập cho từng cháu. Thầy đi tay không, trong tay không có quyển sách nào, nhưng thầy dạy rất hay và bài tập rất phù hợp với chương trình. Rất tiếc những người như thầy lại không hề được mời tham gia biên soạn chương trình và sách giáo khoa.

Vụ việc thầy giáo dùng roi mây đánh học sinh ở Thái Nguyên khiến dư luận bức xúc.
- Còn trong gia đình GS, con cái được giáo dục như thế nào?
GS. NGND Nguyễn Lân Dũng: Chính bố tôi là tấm gương làm việc hết mình và thật sự nghiêm túc trong cuộc sống nên chúng tôi không thể không tự giác noi theo. Ít ai ngờ rằng, trong kháng chiến chống Pháp, bố tôi dù là Giám đốc Giáo dục Liên khu Việt Bắc nhưng không có lương mà chỉ có mỗi tháng 53 kg gạo. Bố tôi phải giữ 20 kg để đi kinh lý thường xuyên các tỉnh trên...chiếc xe đạp Sterling. Phần còn lại mẹ tôi và chị Chỉnh tôi đã tìm cách nuôi cả gia đình (anh Tuất tôi đi bộ đội xa nhà).
Mẹ và chị tôi mua quần áo rét của những người tản cư từ Hà Nội ra, sau đó gánh đến các bản trong sát núi để đổi lấy thóc, đem về xay giã, lấy công làm lãi. Nhờ tận tụy với sự nghiệp giáo dục mà bố tôi đã nhận được thư khen và một bộ quần áo lụa do Bác Hồ gửi tặng. Những hình ảnh rất cảm động ấy làm sao không tác động đến chúng tôi trong thái độ học tập (dù phải dùng đèn làm lấy từ dầu sở và bấc là ruột cây guột). Rõ ràng là việc giáo dục con cái, học sinh phải bằng chính tấm gương, bằng sự nỗ lực, bằng tình thương yêu chăm sóc chứ đâu cần phải dùng đến đòn roi.
- Suy rộng ra, liệu có phải chất lượng người thầy đang đi xuống? Không còn nhiều người thầy còn tâm huyết với nghề nữa, thưa GS?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Thứ nhất, số lượng giáo viên hiện nay quá đông (trên 1 triệu thầy cô giáo các cấp), khó có thể đòi hỏi tất cả đều là những thầy cô giỏi giang, gương mẫu. Thực tế là đã có không ít những người thầy thiếu trách nhiệm và yếu kém về trình độ giảng dạy. Có lần tôi hỏi một học sinh lớp 12 về kiến thức Sinh học lớp 12, em nói không hiểu gì, vì thầy chỉ đọc cho chép đúng như trong sách giáo khoa chứ không giảng gì cả. Vậy làm sao học sinh có thể hiểu được và nhớ được? Đấy là chưa nói đến việc dùng tiền để xây dựng mối quan hệ giữa thầy và trò... Tôi cho rằng dạy thêm không phải là chuyện xấu. Nhưng vấn đề là ở cái tâm của người thầy. Nhiều thầy bắt học sinh bảo bố mẹ làm đơn xin học. Thậm chí là còn phân biệt đối xử giữa những em học thêm và những em không đăng ký học. Có khi thầy còn dành phần khó để chỉ dạy trong buổi dạy thêm.
Điều đó làm mất đi gần hết sự tôn nghiêm đáng kính của người thầy. Khi học sinh đã không muốn học hoặc tỏ ra thiếu tôn trọng thầy thì thầy lại phải dùng đến đòn roi. Đó là những hiện tượng không thể chấp nhận được dưới mái trường của xã hội chúng ta ngày nay…
Xin cảm ơn Giáo sư!
Kim Ngân (Thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét