|
Thiệt hại về ngoại tệ của Nga có thể
sẽ ít hơn nếu như trong những năm 2003-2004, Ngân hàng trung ương (CB)
của Nga không nâng tỷ lệ đồng euro trong dự trữ ngoại tệ của mình. Trong
những năm đồng euro được củng cố và các chủ nhà băng bị cám dỗ tăng các
nguồn dự trữ do các xu hướng tỷ giá. Tuy vậy, hiện nay rõ ràng là sự
đầu cơ dài hạn này đã không thành công. Các chuyên gia kinh tế độc lập
nhận định rằng CB đã bỏ lỡ thời điểm để giảm từ từ tỷ lệ đồng euro trong
các nguồn dự trữ của mình.
Năm 2011, đồng euro đã mất giá đáng kể so với đồng USD. Kể từ mùa Hè năm 2011, tỷ giá đồng euro so với USD đã giảm từ 1,42 xuống 1,22. Điều này có nghĩa một phần đáng kể dự trữ ngoại tệ của Nga bằng đồng euro cũng mất giá. Theo số liệu của CB, tỷ trọng đồng euro trong dự trữ ngoại tệ là 41%, đồng USD là 47%. Không khó khăn để tính rằng kể từ tháng 7/2011, dự trữ ngoại tệ của Nga đã mất giá hơn 30 tỷ USD.
Số tiền này không rải trên đường. Bởi tính sang đồng rúp, 30 tỷ USD ngang với số thâm hụt mỗi năm của hệ thống lương hưu của Nga và nhiều hơn toàn bộ số tiền trợ cấp của liên bang dự định dành cho ngành nông nghiệp trong 5 năm tới.
Thoạt nhìn, có thể quy việc mất 30 tỷ USD cho tình thế bất khả kháng và không thể kiểm soát được. Một năm trước đây, ai có thể nghĩ rằng đồng euro sẽ mất giá hơn 15%. Tuy nhiên, không thể giải thích những tổn thất bằng lý do là do những hoàn cảnh không lường trước được. Thực tế, đối với nhiều chuyên gia, từ lâu đồng euro đã có vấn đề. Do đó, nhiều ngân hàng trung ương thậm chí đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ của mình bằng đồng euro. Ngoài ra, tất cả các ngân hàng trung ương trên thế giới đều tự lựa chọn cơ cấu dự trữ ngoại tệ của mình, và tỷ lệ euro 41% hay 23% là sự lựa chọn của các quan chức phụ trách về lĩnh vực tiền tệ của mỗi nước và họ phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn này.
Dù thế nào đi chăng nữa, CB Nga cũng phải chịu trách nhiệm về tổn thất 30 tỷ USD. Thật ra, không loại trừ, tỷ lệ đồng euro cao trong dự trữ của Nga - đó là giải pháp chính trị có chủ ý. Nhưng không thể loại trừ rằng CB đang phải trả giá cho ý định đầu cơ dài hạn vào đầu những năm 2000, khi tỷ lệ đồng euro trong dự trữ của Nga tăng từ 25 % lên 40%, sau đó còn cao hơn.
Bà Marina Rizvanova, Tổng Giám đốc Nhóm kiểm toán “Liên minh Ural”, nhận xét: "Tỷ lệ đồng euro trong dự trữ vàng - ngoại tệ được hình thành từ lâu trước khi xảy ra khủng hoảng năm 2008, khi vị thế của đồng tiền này không phải là tốt nhất. Còn thời điểm để giảm tỷ lệ đồng euro trong dự trữ, dường như đã bị bỏ qua. CB chịu trách nhiệm về dự trữ vàng - ngoại tệ, lúc đầu hoàn toàn không tính đến các rủi do về chính trị ở các nước có vấn đề thuộc khu vực đồng euro, còn sau đó việc thoát ra khỏi đồng euro đã quá đắt đối với CB. Hiện nay dự đoán về tình thế của đồng euro trong triển vọng dài hạn là rất khó. Tuy nhiên, kiên quyết liệt kê ra những tổn thất về ngoại tệ là còn sớm, đối với các dự trữ của chúng ta, tình hình có thể sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt nhất”.
Nhiều chuyên gia biện minh cho tỷ lệ dự trữ đồng euro trong dự trữ của Nga bằng những những đặc thù của ngành ngoại thương. Ông Sergei Karyhalin, chuyên gia phân tích thuộc công ty TKB Capital nhận định: “Liên minh châu Âu (EU) - là đối tác thương mại chính của Nga. Một nửa thương mại của Nga là với EU, vì vậy tỷ lệ euro trong dự trữ ngoại tệ cao, bởi các nguồn dự trữ được tạo ra không phải để kiếm lời, mà là để bảo đảm cho đồng nội tệ và hỗ trợ nhập khẩu”. Theo ông Karyhalin, “không thể vì những thay đổi ngắn hạn của tình hình thị trường mà thay đổi cấu trúc dự trữ”. Ông Karyhalin tin tưởng: "Hiện nay đồng euro đang mất giá, sau đó nó sẽ tăng lên, đây là chuyện bình thường. Cơ cấu dự trữ ngoại tệ được lên kế hoạch cho triển vọng dài hạn - nhiều năm và hàng chục năm - ở đây những dao động ngắn hạn không có vai trò gì”. Ông Valery Piven, Giám đốc bộ phận phân tích thông tin của Công ty Life Kapital, nhận định: "Những dao động của thị trường tiền tệ hiện nay không làm thay đổi cơ cấu ngoại tệ của các dòng tiền giữa Nga và các nước khác. Các mối quan hệ kinh tế, sẽ được bảo đảm bởi các tài sản tính bằng ngoại tệ của Nga, hiện không thay đổi do ảnh hưởng của sự mất giá của đồng euro. Vì vậy, sự cần phải thay đổi cơ cấu dự trữ tiền tệ là không rõ ràng”.
Một vài chuyên gia gắn tỷ lệ đồng euro cao trong dự trữ ngoại tệ với cơ cấu giỏ tiền tệ (45% euro và 55% USD), mà CB cũng quyết định như vậy. Ông Vladimir Tsibanov, nhà quản lý cấp cao của bộ phận nghiên cứu và phân tích của Ngân hàng Nga (Rosbank), giải thích: "Cơ cấu dự trữ vàng - ngoại tệ phần nhiều được xác định bởi giỏ cấu trúc tiền tệ - định hướng hoạt động cho Ngân hàng Nga trên thị trường ngoại tệ. Việc phù hợp cao cho phép giảm thiểu sự ảnh hưởng của những dao động của cặp tiền tệ euro – USD tới lợi nhuận của nhà điều hành, mà lợi nhuận đó do đồng nội tệ quyết định, bằng cách đó làm giảm thiểu những rủi ro tiền tệ”.
Nhưng có những người phản đối quan điểm này. Bởi đối với Trung Quốc, EU là đối tác thương mại quan trọng nhất, nhưng khác với Mátxcơva, Bắc Kinh chỉ dự trữ đồng euro chỉ có khoảng 25% dự trữ ngoại tệ của mình. Tuy vậy, một số chuyên gia đề cập đến những thiệt hại về ngoại tệ theo cách triết học: những rủi ro đối với kinh tế Mỹ có thể không so sánh được với những tổn thất của châu Âu. Alexei Kozlov, chuyên gia phân tích hàng đầu của Công ty đầu tư UFS, nhận định: "Mỹ cũng như khu vực đồng euro, có mức nợ công cao, trong năm nay vượt quá mức 100% GDP. Trong thời gian tới, chiến dịch bầu cử tổng thống ở Mỹ bắt đầu, có thể thay đổi sự chú ý của các nhà đầu tư tới các vấn đề của Mỹ - nước cũng như trong khu vực đồng euro, có mức thất nghiệp cao. Trong tình huống này, đồng euro có thể nhanh chóng phục hồi các vị trí đã mất của mình và trở lại mức 1,3 USD/euro và cao hơn”.
Lê Chân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét