Trong
tuần qua, một câu chuyện nổi lên trong lĩnh vực kinh tế là việc xuất
khẩu hàng hóa của nhiều doanh nghiệp sang Trung Quốc đang có dấu hiệu bị
gây khó khăn, đình trệ. Những thông tin từ hải quan các cửa khẩu ở các
tỉnh có đường biên giới giáp Trung Quốc như Lào Cai, Lạng Sơn, Hà
Giang…đều cho thấy có sự hạn chế, suy giảm rõ rệt về lượng hàng, kim
ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc mà không phải do nguyên nhân từ phía
Việt Nam .
Những
con số thống kê mới nhất đều chứng minh rõ xu hướng này. Tại Móng Cái
(Quảng Ninh), tính đến nay, khu vực cửa khẩu này còn tồn hơn 3.800
container hàng hóa các loại, trên 1.300 container hàng để lâu ngày phải
cắm điện bảo quản chờ xuất. Ở Lạng Sơn, như tại cửa khẩu Tân Thanh nếu
như đầu năm bình quân mỗi ngày có khoảng 300-400 xe vận chuyển hàng hóa
qua thì đến thời điểm này, theo Cục Hải quan Lạng Sơn, chỉ còn khoảng
100-200 xe/ngày. Khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cũng vậy, thông tin
cho biết từ tháng 6 đến nay, hoạt động xuất khẩu đã giảm đáng kể…
Một
ví dụ đáng suy nghĩ nhất là mới đây, một đoàn xe 6 chiếc chở 8 lô hàng
của công ty TNHH Thương mại dịch vụ tổng hợp Hà Thành của Việt Nam chở
hàng sang cho một đối tác Trung Quốc tại Pò Chài (Bằng Tường-Trung Quốc)
đã bị Hải quan Trung Quốc giữ lại toàn bộ mà không nêu rõ lý do. Trong
khi đó, theo kiểm tra hồ sơ của Cục Hải quan Lạng Sơn thì 8 lô hàng này
đầy đủ giấy tờ, hóa đơn và không có gì vi phạm. Điều này cho thấy, việc
hạn chế hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể không chỉ nhằm vào hàng tiểu
ngạch mà cả ở hàng hóa xuất khẩu chính ngạch. Vụ bắt giữ hàng vô cớ này
đang khiến cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam cảm thấy, việc làm ăn với các
đối tác Trung Quốc đang trở lên bất an hơn bao giờ hết.
Nguyên
nhân chính hiện được cơ quan quản lý Việt Nam xác định là do phía Trung
Quốc tăng cường giám sát, chống buôn lậu, tăng cường kiểm tra, kiểm
dịch…mà theo ngôn ngữ của các doanh nghiệp thường xuyên xuất,
nhập khẩu hàng sang Trung Quốc gọi là “cấm biên”. Thường mỗi năm phía
Trung Quốc có 1-2 đợt tăng cường, mỗi đợt 1-2 tháng nhưng năm nay, đợt
“tăng cường” này đã kéo dài bất thường từ tháng 4 đến nay và dự kiến sẽ
còn kéo dài thêm vài tháng nữa.
Chưa
thể khẳng định là những bất đồng trong quan điểm về chủ quyền lãnh thổ
tại Biển Đông là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc tăng cường kiểm tra,
kiểm soát…dẫn đến hạn chế, làm giảm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào
Trung Quốc. Nhưng những động thái tương tự mà cơ quan quản lý phía Trung
Quốc áp đặt, hạn chế lên mặt hàng chuối vả một số hàng nông sản khác mà
Philipines xuất khẩu sang nước này sau sự kiện tranh chấp ở bãi cạn
Scarborought của Philippines cũng là điều khiến doanh nghiệp, cơ quan
quản lý ngoại thương của Việt Nam lưu tâm. Bởi với Trung Quốc, từ những
khúc mắc trong quan hệ ngoại giao dẫn đến những cản trở trong quan hệ
thương mại, làm ăn với nước khác đã không còn là chuyện lạ.
Trên
một phạm vi rộng hơn, cũng đã đến lúc cần nhìn lại quan hệ hợp tác kinh
tế về nhiều mặt với người láng giềng Trung Quốc để có những điều chỉnh
cho phù hợp. Hợp tác kinh tế với Trung Quốc tất nhiên, do sự gần gũi về
địa lý, sự tương đồng về cơ cấu kinh tế, những sự thiếu hụt hay dư thừa
về một số chủng loại nguyên, nhiên vật liệu, hàng hóa ở cả 2 nước cần có giao
thương, trao đổi để bù đắp là rất cần thiết và có thể nói, cũng đã đem
đến những hiệu quả nhất định. Nhưng quan sát trong nhiều năm gần đây,
điều rõ ràng là Việt Nam đang chịu thiệt hơn rất nhiều trong quan hệ
kinh tế, thương mại, đầu tư với Trung Quốc và đã có những cảnh báo cần
sớm có điều chỉnh để tránh một sự lệ thuộc, mất cân bằng trong quan hệ
kinh tế với quốc gia này.
Nhìn
vào thực tế quan hệ thương mại với Trung Quốc, hơn 10 năm qua, Việt Nam
không khi nào được lợi. Theo các con số thống kê của Tổng cục Hải quan,
Bộ Công thương, từ chỗ xuất siêu sang Trung Quốc 135 triệu USD năm
2000, Việt Nam đã bắt đầu chịu thâm hụt với Trung Quốc vào năm 2001, và
mức thâm hụt này đã tăng liên tục, đặc biệt là từ năm 2006 đến nay. Năm
2007, nhập siêu từ Trung Quốc của Việt Nam là 9,145 tỷ USD. Năm 2008
tăng vọt lên con số 11,16 tỷ USD. Năm 2009, con số này đã tăng tiếp lên
11,532 tỷ USD. Năm 2010, nhập siêu từ Trung Quốc đã
nâng lên mức báo động đỏ: ước 12,6 tỷ USD, bằng 105% mức nhập siêu cả
năm (12 tỷ USD) của Việt Nam. Năm 2011, nhập siêu từ Trung Quốc đã lên
đến 13,5 tỷ USD-một con số có thể nói: kinh hoàng !.
Sự
bất tương xứng trong quan hệ thương mại 2 bên như vậy có thế nói là
nghiêm trọng và nó chính là một nguyên nhân gây bất ổn cho điều hành
kinh tế vĩ mô của Việt Nam . Bộ Công thương vẫn
lý giải là do ngành công nghiệp phụ trợ trong nước yếu kém, Việt Nam
phải nhập khẩu các nguyên liệu vật liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất
trong nước và cho xuất khẩu; Trung Quốc có những loại đầu vào phù hợp
với nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước, nên nhập khẩu từ thị trường
này tăng…Nhưng dù nói thế nào, con số nhập siêu chênh lệch một cách
nguy hiểm như vậy là khó có thể chấp nhận được. Và đáng lo ngại là những
giải pháp để nhằm làm giảm bớt sự mất cân bằng về thương mại rõ ràng
đang chưa đỉ đến đâu khi 7 tháng đầu năm nay, theo con số của Bộ Công
thương đưa ra, nhập siêu từ Trung Quốc đã lên tới 8 tỷ USD.
Nhìn
vào nhiều quan hệ hợp tác đầu tư, kinh doanh khác, đều có những cơ sở
để những người có trách nhiệm phải xem lại, điều chỉnh các quan hệ đó để
đảm bảo lợi ích cho Việt Nam . Việc phải tiếp tục mua điện từ Trung
Quốc với giá không còn rẻ qua các tỉnh giáp biên như Lào Cai, Hà
Giang…trong khi nhiều nhà máy điện trong nước phải kêu gào EVN mua điện
cho họ, với giá rẻ là điều khó chấp nhận. Thêm nữa, hàng loạt nhà máy
điện do các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu, khiến Việt Nam phải nhập
khẩu lượng máy móc, thiết bị có giá trị rất lớn, lên đến hàng tỷ USD cho
mỗi công trình…góp phần quan trọng làm nghiêng lệch cán cân thương mại
về phía Trung Quốc, trong khi phần lớn các công trình này chậm tiến độ
nghiêm trọng. Đây là những vấn đề đáng đặt câu
hỏi lớn về trách nhiệm của những người có thẩm quyền khi không sớm nhìn
nhận ra vấn đề trên, để cho nền kinh tế không khỏi bị những ảnh hưởng
nhất định, không chỉ bây giờ mà có thể lâu dài về về sau do để xảy ra
tình trạng lệ thuộc về năng lượng, về những nguồn năng lượng bị chậm
tiến độ ấy…
Do
đó, hơn lúc nào hết, vào thời điểm này, tuy cũng đã là khá muộn, rõ
ràng cần phải xem xét lại toàn diện quan hệ hợp tác thương mại, kinh tế,
đầu tư Việt-Trung. Đành rằng, nhìn tổng thể, nhiều hoạt động hợp tác đó
xuất phát từ những nhu cầu hợp lý, khách quan giữa 2 nền kinh tế, của
cộng đồng doanh nghiệp 2 nước. Nhưng nhìn thực tế kết quả trao đổi, hợp
tác 2 bên thì Việt Nam đã chịu thiệt hại, ở thế bất lợi rất nhiều năm và
đến nay, cần phải có những sự nghiên cứu, điều chỉnh mạnh để giảm bớt,
càng nhanh càng tốt mức độ bất tương xứng trong quan hệ thương mại 2
bên. Việc vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa ra các giải pháp hạn
chế nhập khẩu máy móc, công nghệ lạc hậu do Trung Quốc thải loại từ hơn
1800 nhà máy lạc hậu, ô nhiễm là một bước đi đúng. Nhưng ở nhiều lĩnh
vực khác như xuất, nhập khẩu hàng tiêu dùng, cơ khí, điện năng, khai
khoáng…cần phải có sự vào cuộc, xem xét và điều chỉnh mạnh mẽ để Việt
Nam không bị thiệt thòi, ở chiếu dưới trong mọi quan hệ hợp tác về kinh
tế, thương mại và đầu tư với người láng giềng đặc biệt khôn khéo, khó
chơi này.
Mạnh Quân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét