(Petrotimes) - Đoàn công tác của 35 cán bộ Công đoàn
Dầu khí Việt Nam và các Công đoàn cơ sở vừa có chuyến đi thực tế để lại
nhiều xúc động tại Vương quốc Cam-pu-chia.
Đoàn đã tới thắp hương tại Đài tưởng niệm quân tình nguyện Việt Nam ở
thủ đô Phnom Penh; đã được chia sẻ những năm tháng chiến đấu gian khổ,
sự hy sinh anh dũng của hơn 25.000 quân tình nguyện Việt Nam; thấm thía
tình nghĩa sâu đậm của hai đất nước Việt - Cam qua lời kể của những cán
bộ Công đoàn Dầu khí Việt Nam từng là cựu chiến binh tại chiến trường K
và qua những tàn tích, đổi thay của nước bạn từ sau khi chế độ diệt
chủng Pol Pot tàn khốc bị tiêu diệt.
Đặc biệt, đoàn công tác không khỏi bàng hoàng khi nghe những lời xin ăn
thống thiết bằng tiếng Việt và cuộc sống khốn khổ của cộng đồng người
Việt, nhất là những em bé tại khu vực Biển Hồ. Cảm giác đau xót lặng
người bao trùm cả đoàn như có một khúc ruột của đồng bào Việt Nam đang
vật lộn với cuộc sống rất nghiệt ngã nơi đất khách quê người. Trái ngược
hoàn toàn với niềm tự hào trước đó của đoàn về nhiều Việt kiều tại Siem
Reap và Phnom Penh khá thành đạt, chỉ cách đó không xa, cuộc sống của
người Việt trên Biển Hồ dường như lâm vào cảnh khốn cùng.
Họ vì nhiều lý do khác nhau trong chiến tranh đã trôi dạt về Biển Hồ và
trở thành dân vô gia cư. Họ không thể lên bờ dựng nhà và phải sống trôi
dạt trên thuyền bằng nghề đánh bắt cá, làm thuê mướn vào mùa nước cạn
và mất việc, gia đình đứt bữa vào mùa nước lên. Những đứa trẻ lần lượt
sinh ra được đặt tên Việt, nói tiếng Việt nhưng không có giấy khai sinh,
không quốc tịch, không biết đọc biết viết… và hằng ngày phải theo cha
mẹ xin ăn trên Biển Hồ. Cuộc sống hiện tại tuy rất khắc nghiệt, vất vả
nhưng chính cái đói nghèo, thất học đã khiến những người Việt ở đây
không có đường về quê nhà.
Đau xót trước cuộc sống khốn khó của người Việt trên Biển Hồ, với
truyền thống nhân đạo luôn hành động “Vì cộng đồng, Vì người nghèo” của
những cán bộ nhân viên Petrovietnam, bà Nghiêm Thùy Lan, Phó Chủ tịch
Công đoàn Dầu khí Việt Nam, Trưởng đoàn công tác tại Campuchia đã nhanh
chóng vận động các thành viên trong đoàn quyên góp tại chỗ được số tiền
nhỏ (hơn 10 triệu đồng) để trao cho một Trường học nhân đạo do thấy Trần
Văn Tư làm Hiệu trưởng – nơi đang nhận nuôi dạy 314 học sinh nghèo và
50 cụ già neo đơn trên Biển Hồ. Bà Nghiêm Thùy Lan và các thành viên
trong đoàn cũng tâm niệm khi về Việt Nam sẽ tìm cách vận động giúp đỡ bà
con. Có thành viên trong đoàn đã chia sẻ tới đồng tiền cuối cùng để
giúp đỡ bà con người Việt…
Cộng đồng người Việt, nhất là các em nhỏ trên Biển Hồ đang cần rất
nhiều sự giúp đỡ về cả vật chất và các thủ tục pháp lý để có được những
điều kiện rất thiết yếu của quyền con người: được khai sinh, đi học,
chăm sóc sức khỏe, có nhà ở… và được hiểu biết về dân tộc sinh ra mình.
Cận cảnh cuộc sống khó khăn của cộng đồng người Việt trên Biển Hồ:
Những căn nhà lụp xụp, lênh đênh “nay đây mai đó” của người Việt trên Biển Hồ
Mọi sinh hoạt thường ngày, kiếm sống đều diễn ra trên thuyền
Một dòng chữ Việt thân thương giữa khu dân cư đói nghèo
Cuộc mưu sinh xin ăn bất chấp nguy hiểm của những
phận người khốn khổ giữa Biển Hồ mênh mông
Không quần áo, không áo phao, thân thể luôn ướt nhẹp vì sóng, nhiều em
bé,
kể cả bé sơ sinh cả ngày phơi nắng, mưa theo cha mẹ kiếm ăn
Người phụ nữ 3 con này rất muốn 1 lần được về quê hương nhưng không có tiền.
Bà Nghiêm Thùy Lan trao tiền quyên góp tại chỗ của
đoàn công tác Công đoàn Dầu khí Việt Nam cho thầy giáo Trần Văn Tư.
Một thành viên trong đoàn chia sẻ đến đồng tiền cuối cùng cho đồng bào
Việt.
Họ vẫn cần nhiều hơn nữa những tấm lòng hảo tâm của bạn đọc gần
xa.
Thanh Loan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét