Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

Chào hỏi bằng cả tấm lòng

Đến trường tiểu học của các con tháng này, tôi nhìn thấy trang trọng ở cửa lớp “khẩu hiệu” của tháng là: Hãy chào hỏi bằng cả tấm lòng( tạm dịch). Thầy giáo chủ nhiệm còn đưa ra hướng dẫn cụ thể hơn: Hãy nhìn vào mắt ( người đối diện) mà chào hỏi.
Thật ra không phải lần đầu tiên tôi nhìn thấy những mục tiêu ứng xử được cụ thể hóa bằng những hành vi cụ thể cho trẻ áp dụng hàng ngày, và mỗi tháng đều có những thay đổi thích hợp với độ tuổi, niên học. Hồi tháng 4 khi năm học mới bắt đầu, các lớp có sự luân chuyển học sinh( mỗi năm học sinh sẽ thay đổi lớp, thay đổi bạn bè một lần) thì khẩu hiệu của tháng đó là: Hãy thân thiện với bạn bè: đối xử tốt lành với bất kỳ ai; khấu hiệu tháng 5 là: Hãy giữ lời hứa:chú ý về thời gian; khẩu hiệu tháng 7 là: hãy giữ sạch đẹp xung quanh mình….
Hãy chào hỏi bằng cả tấm lòng- một việc có vẻ nhỏ mà không nhỏ chút nào. Đó là thể hiện sự tôn trọng với người khác, sự chân thành và tình người. Tôi cho rằng chỉ một câu ngắn thế thôi, một hành động nhỏ thế thôi nhưng thể hiện tính nhân văn trong giáo dục rất cao. Phải chăng đó cũng chính là ý nghĩa của câu” Tiên học Lễ, hậu học Văn” mà ta hay thấy ở cồng trường, treo trang trọng trong các văn phòng trường học ở Việt Nam.Hay cha ông ta có câu:” Lời chào cao hơn mâm cỗ”.

Ở đâu thì các bậc phụ huynh cũng mong muốn con mình trước khi học giỏi, thành đạt hay không thì phải là người biết cách xử sự khiêm tốn và trọng thị, nhà trường nào cũng mong muốn học sinh của mình không những học tốt mà còn ngoan ngoãn. Thế nhưng vấn đề là làm sao để biến ước nguyện thành hiện thực mà không phải là những lời nói suông?
Hãy nhìn vào mắt( người đối diện) mà chào hỏi: đó là hướng dẫn cụ thể và dễ hiểu cho học sinh và thể hiện sinh động của việc:” Hãy chào hỏi bằng cả tấm lòng”. Ai cũng có thể hiểu, khi nhìn vào mắt người đối diện để chào, để nói chuyện là lúc con người trực diện với người khác và truyền cho nhau sự thân ái, chân thành, mỗi người đều nhận được sự tôn trọng của nhau. Và khi có những khúc mắc, hay thiếu tôn trọng thì khó mà thực hiện được điều đó cho nên để có thể “nhìn vào mắt người đối diện” được đòi hỏi chính bản thân người cất tiếng chào phải bỏ qua những khúc mắc, tự tin để chào hỏi. Chả phải “đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn” ? Khi mà ta muốn nắm vững bí quyết thành công trong nghệ thuật giao tiếp hằng ngày, từ học đường đến công sở, việc sơ đẳng nhất phải là nắm vững các nghệ thuật giao tiếp củng như đàm thoại. Mà có ai trong chúng ta không khỏi bực bội khi phải đối thoại với một người mà không hề nhìn mặt ta khi trò chuyện ! Đôi khi, chỉ với cái bắt tay và nhìn mặt với nhau thì chúng ta củng có thể đoán được diễn biến (thậm chí cả kết quả) sắp đến của buỗi gặp gỡ rồi !
Các giáo viên rất chú trọng uốn nắn cho học sinh của mình từ việc nhỏ trong ứng xử như vậy. Tôi tham gia trợ giảng cho môn Tiếng Anh,  học sinh được thực tập hội thoại, giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở ngay lập tức:” Em hãy nhìn vào mắt bạn mà trả lời” khi một em học sinh ngượng ngịu nói câu tiếng Anh với bạn mình nhưng xấu hổ cúi xuống.
Việc chào hỏi ở nhà trường Nhật được tiến hành cụ thể mỗi ngày, mỗi sáng đều có sinh hoạt đầu buổi sáng, thầy cô giáo và các em học sinh chào buổi sáng với nhau, đây chính là lúc học sinh học cách chào hỏi sao cho vừa đúng lễ nghi, vừa thể hiện tình cảm của mình qua ứng xử của thầy cô giáo. Khi kết thúc một ngày học tập, cũng có chương trình nhỏ để thầy cô giáo và học sinh tổng kết một ngày, cảm ơn và chào nhau.Các bạn học sinh mỗi khi đến lớp hay ra về đều chào nhau vui vẻ.
Mỗi khi vào một tiết học hay kết thúc mỗi tiết học cũng thế, bằng cách này hay cách khác các em học sinh đều được học cách đón chào và cảm tạ giáo viên, ngược lại người giáo viên cũng đáp lễ theo như là một nghi thức bắt buộc. Nếu người không quen thì sẽ nghĩ tại sao lại hình thức và nhiêu khê đến thế? Tôi thì nghĩ những mục tiêu lớn lao có lẽ cần được bắt đầu bằng những việc cụ thể thực hiện hàng ngày, hàng giờ chứ không phải là những khẩu hiệu sáo rỗng chung chung.
Tôi không phải là nhà tâm lý, cũng chẳng phải là chuyên gia nghiên cứu về giao tiếp, nhưng là một người mẹ bình thường thì tôi nghĩ đó là cách giáo dục ứng xử thật thực tế và nhiều ý nghĩa. Những việc nhỏ được tiến hành kiên trì đưa đến những kết quả lớn lao, như trăm dòng nước nhỏ kết thành suối, trăm dòng suối thành sông, trăm sông dồn chảy góp phần làm nên biển lớn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét