Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN

 
 I.  ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG :
        Người tham gia là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi đến đủ 60 tuổi với nam và đủ 15 tuổi đến đủ 55 tuổi đối với nữ và không thuộc điện áp dụng của pháp luật về bảo hiểm xã hội bắt buộc. 
II. MỨC ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN :
        Mức đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng tỷ lệ % đóng bảo hiểm xã hội  tự nguyện theo quy định nhân với mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn.
       Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội:
            - Từ tháng 1 năm 2008 đến tháng 12 năm 2009 bằng 16 %;
            - Từ tháng 1 năm 2010 đến tháng 12 năm 2011 bằng 18 %;
            - Từ tháng 1 năm 2012 đến tháng 12 năm 2013 bằng 20 %;
            - Từ tháng 1 năm 2014 trở đi bằng 22 %.
        Mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung, cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung, được xác định bằng công thức:
         Mức thu nhập tháng = Lmin + m x 50.000(đồng/tháng)
         Trong đó:
                   Lmin: là mức lương tối thiểu chung.
       m: là mức người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được lựa chọn để đăng ký đóng bảo hiểm xã hội, là số nguyên lớn hơn hoặc bằng không (ví dụ: 0, 1, 2, 3, 4…..)
         Mức thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm được hưởng lương hưu hàng tháng, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, trợ cấp tử tuất một lần. 
III. PHƯƠNG THỨC ĐÓNG :
            - Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được lựa chọn phương thức đóng hàng tháng hoặc hàng quý hoặc 6 tháng một lần cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
            - Thời điểm đóng:
            + 15 ngày đầu đối với phương thức đóng hàng tháng;
            + 45 ngày đầu quý đối với phương thức đóng hàng quý;
            + 3 tháng đầu đối với phương thức đóng 6 tháng một lần.
IV. QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN : Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất khi có đủ điều kiện theo quy định. Lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội được miễn thuế. Các chế độ cụ thể : 
CHẾ ĐỘ HƯU TRÍ 
            1. Lương hưu hàng tháng: 
            1.1. Điều kiện hưởng:
       Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng lương hưu do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả khi có một trong các điều kiện sau:
       - Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên;
       - Nam từ đủ 55 tuổi trở lên, nữ từ đủ 50 tuổi trở lên mà trước đó có đủ 20 năm trở lên đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc nơi có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên.
        Người lao động trước khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đã có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61%  trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
      - Nam đủ 50 tuổi trở lên, nữ đủ 45 tuổi trở lên;
      - Có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trở lên.
        Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 đối với nữ nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 5 năm so với thời gian quy định như trên, kể cả những người đã có từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên mà chưa nhận bảo hiểm xã hội một lần, có nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì được đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đến khi đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí.
 
         1.2. Mức hưởng: Mức lương hưu hàng tháng của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính bằng tỷ lệ % lương hưu được hưởng nhân với mức bình quân thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Trong đó:
       - Tỷ lệ % lương hưu được hưởng tính bằng 45% mức bình quân thu nhập hàng tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho 15 năm đóng bảo hiểm xã hội đầu tiên, từ năm thứ 16 trở đi, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam, 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%. Đối với người nghỉ hưu trước tuổi do bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên mà trước đó đã có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên thì tỷ lệ % hưởng lương hưu sau khi tính như trên sẽ bị giảm đi 1% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.
      - Mức bình quân thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là bình quân các mức thu nhập tháng của toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Đối với người vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian.
      - Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mà trước đó có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên, nếu lương hưu hàng tháng thấp hơn mức lương tối thiểu chung, thì được quỹ bảo hiểm xã hội bù bằng mức lương tối thiểu chung.
     - Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế theo quy định của Chính phủ.
- Người hưởng lương hưu được cấp thẻ bảo hiểm y tế do quỹ bảo hiểm xã hội đảm bảo.
       2. Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu:
      2.1. Điều kiện hưởng: Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đóng bảo hiểm xã hội trên 30 năm đối với nam, trên 25 năm đối với nữ, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng mức trợ cấp một lần.
     2.2. Mức hưởng: Mức trợ cấp được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội kể từ năm thứ 31 trở đi đối với nam và năm thứ 26 trở đi đối với nữ. Cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội. 
     3.  Trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần:
     3.1. Điều kiện hưởng:Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần khi có một trong các điều kiện sau:
      - Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi có dưới 15 năm đóng bảo hiểm xã hội;
      - Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội mà không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội ;
      - Chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội mà không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội  và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần;
     - Ra nước ngoài định cư.
    3.2. Mức hưởng: Mức trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội; trường hợp chỉ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 1 năm thì mức trợ cấp bằng số tiền đã đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, nhưng không quá 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.  
      4.  Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội:
        Người lao động dừng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để làm cơ sở cộng nối thời gian đóng bảo hiểm xã hội sau này (nếu có) hoặc để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi đủ điều kiện.
CHẾ ĐỘ TỬ TUẤT  
            1. Trợ cấp mai táng:
            1.1. Điều kiện hưởng: Người lo mai táng cho một trong những đối tượng nêu dưới đây chết:
           - Người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 5 năm trở lên;
           - Người vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện;
           - Người đang hưởng lương hưu.
         1.2. Mức trợ cấp mai táng: Người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả bằng 10 tháng lương tối thiểu chung.
         2.  Trợ cấp tuất hàng tháng:  
         2.1. Điều kiện hưởng:
       - Điều kiện về đối tượng: Các đối tượng dưới đây khi chết thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả:
            + Người vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội  bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên;
+ Người đang hưởng lương hưu mà trước đó có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 15 năm trở lên. 
        - Điều kiện về thân nhân:
            + Con chưa đủ 15 tuổi; con chưa đủ 18 tuổi nếu còn đi học; con từ đủ 15 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên;
            + Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi,  chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
           + Cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng, người khác mà đối tượng này trước khi chết có trách nhiệm nuôi dưỡng nếu đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ hoặc dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi  đối với nữ mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
            - Những thân nêu trên (trừ thân nhân là con) phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hàng tháng nhưng thấp hơn mức lương tối thiểu chung. 
            2.2. Mức hưởng:
            - Mỗi thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng bằng 50% mức lương tối thiểu chung; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hàng tháng bằng 70% mức lương tối thiểu chung.
            - Trường hợp một người chết thì số thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng không quá 4 người; trường hợp có từ 2 người chết trở lên thì thân nhân của những người này được hưởng 2 lần mức trợ cấp theo quy định trên.
           - Thời điểm hưởng trợ cấp tuất hàng tháng của thân nhân được tính từ tháng liền kề sau tháng đối tượng chết. 
            3. Trợ cấp tuất một lần:
           3.1. Điều kiện hưởng: Thân nhân của những đối tượng nêu dưới đây chết, được hưởng trợ cấp tuất một lần do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả:
         - Người đang đóng bảo hiểm xã hội;
         - Người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội;
         - Người đang hưởng lương hưu;
         - Người đang đóng bảo hiểm xã hội, đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc đang hưởng lương hưu mà trước đó vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa đủ 15 năm hoặc đã đủ 15 năm trở lên nhưng không có thân nhân hưởng trợ cấp tuất hàng tháng. 
          3.2. Mức hưởng:
       - Người đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi chết thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội; Trường hợp đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 1 năm thì mức trợ cấp bằng số tiền đã đóng nhưng không quá 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
      - Người đang hưởng lương hưu chết thì thân nhân được hưởng mức trợ cấp tuất một lần tính theo thời gian đã hưởng lương hưu: bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng nếu chết trong 2 tháng đầu hưởng lương hưu; nếu chết vào những tháng sau đó, cứ thêm 1 tháng hưởng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu.
        Đối với người vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì mức trợ cấp tuất một lần cũng được tính tương tự như trên nhưng mức trợ cấp thấp nhất bằng 3 tháng bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội hoặc 3 tháng lương hưu trước khi chết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét