Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

Nguồn gốc lạm phát tại Việt Nam

Nguồn gốc lạm phát tại Việt Nam

Vũ Hoàng, phóng viên RFA 
2011-05-06
Có thể nhiều người cho rằng lạm phát tại Việt Nam gây ra bởi những nguyên nhân như thâm hụt ngân sách, đồng tiền mất giá hay các yếu tố khách quan như “nhập khẩu lạm phát” nhưng các chuyên gia đầu ngành về kinh tế khá thống nhất với nhau về nguồn gốc là do mức đầu tư, chi tiêu quá lớn của Chính phủ vào các tập đoàn kinh tế hay các doanh nghiệp Nhà nước, hiện đang vẫn là nòng cốt của nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời kèm theo đó, làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát là những chính sách điều chỉnh các mặt hàng thiết yếu trong một thời gian ngắn một cách giật cục, thiếu đồng bộ và mang tính chất “chữa cháy” của Chính phủ.
Đấu tranh chống lạm phát vẫn là vấn đề trọng tâm trong chính sách kinh tế vĩ mô Việt Nam hiện nay.
AFP photo
Một phụ nữ mua bán ve chai hôm 26/04/2011

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng gốc rễ lạm phát tại Việt Nam là do chính sách tài khoá mở rộng, đi kèm theo đó là hàng loạt những điều chỉnh giá cả một cách giật cục, thiếu bài bản, trong một thời gian ngắn đã khuếch đại thêm tình trạng lạm phát tại Việt Nam.
Có một nghịch lý về lạm phát đang xảy ra tại Việt Nam là thông thường, tháng 4 là tháng có mức lạm phát thấp nhất trong năm, thì ngược lại, năm nay, tháng 4 lại là tháng có chỉ số giá tiêu dùng tăng cao nhất. Theo ghi nhận của Tổng cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng tư tăng ở mức 3,32%, cao gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, đang khiến giới chuyên gia lo ngại, liệu các chính sách vĩ mô kiềm chế lạm phát gồm tiền tệ và tài khóa có thực sự hiệu quả không?
Về mặt lý thuyết, lạm phát là sự tăng lên theo thời gian của mức giá chung trong nền kinh tế. Lạm phát được hiểu là sự mất giá trị thị trường hay giảm sức mua của đồng tiền. Cụ thể ở đây, ví dụ, nếu tháng tư năm ngoái, người dân trả 100,000 đồng cho 1 kg thịt heo, thì đến tháng tư năm nay, người dân phải trả 118,000 đồng. Nghĩa là, sau một năm, vẫn một kg thịt heo, nhưng người dân phải trả thêm 18,000 đồng (hay 18%) so với năm trước. Đây chỉ là một thí dụ thật đơn giản về lạm phát và đồng tiền mất giá trị. Nhưng về nguồn gốc sâu xa, vì sao mà mức giá trong tiêu dùng lại cứ tiếp tục tăng mà không dừng lại, hoặc không giảm đi, là câu hỏi mà nhiều người dân đang bức xúc.
Một cách khái quát về lạm phát, T.S Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương giải thích:
"Lạm phát trước hết là sản phẩm của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, bởi vì so với các nước trong khu vực thì lạm phát của Việt Nam cao nhất và cung tín dụng, cung tiền của Việt Nam cũng là cao nhất, và bội chi ngân sách của Việt Nam cũng là cao nhất."

Vấn đề chi tiêu công ... 

Trong khi đó thì Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung trả lời báo VNEconomy cho rằng, lạm phát tại Việt Nam bắt nguồn từ chính sách tài khoá, tức là những khoản đầu tư và chi tiêu của Chính phủ thông qua các doanh nghiệp nhà nước. Những doanh nghiệp này được phép sử dụng vốn ngân sách Nhà nước hoặc được Nhà nước trợ giúp thông qua các hoạt động tín dụng. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này luôn trong tình trạng “đói vốn” và vẫn được Chính phủ ưu đãi tiếp tục bơm tiền cho họ.

Song song với đó là mô hình tăng trưởng của Việt Nam một thời gian dài vừa qua, quá nhấn mạnh vào số lượng đầu tư, coi đó là động lực tăng trưởng.
Vì thế, chính sách tiền tệ mở rộng, dẫn đến tổng phương tiện thanh toán xấp xỉ 130 % GDP, nghĩa rằng Chính phủ đưa tiền quá nhiều vào lưu thông, và tiền nhiều hơn hàng, gây ra lạm phát.
Cùng với quan điểm đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước còn ở mức cao, hay cụ thể là vấn đề chi tiêu công, thông qua chính sách tài khoá mở rộng, bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam cho biết:
"Chi tiêu công của Việt Nam trong suốt mấy năm vừa qua ở một tỷ lệ khá cao và là một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát. Chính vì vậy, trong 6 nhóm giải pháp cơ bản để chống lạm phát ở Việt Nam, thì Chính phủ đề ra việc cắt giảm chi tiêu công và hạn chế chi tiêu công xuống. Trên thực tế, sở dĩ trong thời gian vừa qua nó chưa có tác động gì được là bởi vì việc chi tiêu công chưa thực sự được cắt giảm với yêu cầu cần thiết của nó."
Chi tiêu công của Việt Nam trong suốt mấy năm vừa qua ở một tỷ lệ khá cao và là một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát.
Bà Phạm Chi Lan
Liên quan đến nguồn gốc của lạm phát, thời điểm vừa qua Chính phủ tập trung quá nhiều nguồn vốn, cũng như mở rộng tín dụng ưu đãi vay mượn cho sự phát triển khu vực kinh tế Nhà nước, khu vực đem lại hiệu quả thấp nhất (chỉ đóng góp được khoảng 10% cho ngân sách Nhà nước) nhưng cần nguồn vốn nhiều nhất. T.S Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính Quốc gia nhận định về chi tiêu công tại Việt Nam như sau:
"Vấn đề chi tiêu công, một khối lượng lớn chi tiêu công từ Ngân hàng sang ngân hàng thương mại mua trái phiếu của Chính phủ, rồi các ngân hàng lại cho vay vào các khu vực công tức là khu vực có hiệu quả rất là thấp cho nên nó dẫn đến tình trạng chỉ cần nhích 1% GDP lên thì nó đòi hỏi lượng cung về tiền rất là lớn, và khi tiền lớn thì lạm phát tăng thôi."
Như vậy, với một thời gian tương đối dài, sau khi tập trung vào mục tiêu tăng trưởng và sự bơm tiền ồ ạt của Chính phủ vào hệ thống DNNN, hệ luỵ kéo theo lạm phát, là điều khó tránh khỏi.

... và khả năng điều hành

Mặt khác, nhiều chuyên gia cho rằng, xét cho đến cùng, để gây ra lạm phát cao như vậy, nhất là trong những tháng gần đây, chủ yếu trách nhiệm thuộc về Chính phủ và khả năng điều hành nền kinh tế. 
sicxh1236490385-250.jpg 

Theo nhận xét của T.S Nguyễn Quang A (nguyên Viện trưởng IDS), được báo Sài Gòn Giải Phóng trích dẫn, do độ mở của nền kinh tế Việt Nam khá cao nên, sự tăng lên của giá cả thế giới làm tăng giá trong nước. Song khi so sánh với CPI của các nước lân cận có độ mở tương tự như Việt nam, thì CPI của Việt Nam tăng hơn họ cỡ 10 hoặc hơn 10%. Vì thế, phần chênh lệch này hoàn toàn do nguyên nhân bên trong của chính Việt Nam.
Theo bà Lê Thị Thu Ba, chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội nhận xét về gốc rễ lạm phát “đúng là có nguyên nhân từ khách quan, nhưng có vấn đề về điều hành của Chính phủ khi đồng loạt cho tăng giá nhiều thứ quá.” Những điều chỉnh giá liên tục, giật cục và thiếu đồng bộ gần đây của xăng dầu, điện và việc phá giá đồng nội tệ lên mức cao kỷ lục, tất cả những điều chỉnh ấy diễn ra trong một thời gian ngắn, khiến CPI tháng 4 tăng lên một cách bất thường.
Ông Nguyễn Quang A chỉ ra rằng, tăng giá điện và xăng dầu bắt nguồn từ điều chỉnh theo thị trường là sai lầm vì hiện nay, điện vẫn độc quyền hoàn toàn, còn xăng thì chưa có cạnh tranh thật sự vì Petrolimex còn khống chế thị trường. Vì thế cần có sự can thiệp của Chính phủ, tuy nhiên, thời điểm tăng và mức độ ra sao lại là trách nhiệm của Chính phủ và Chính phủ chưa làm được điều đó. 
Đúng là có nguyên nhân từ khách quan, nhưng có vấn đề về điều hành của Chính phủ khi đồng loạt cho tăng giá nhiều thứ quá.
Bà Lê Thị Thu Ba
Có thể nhiều người cho rằng lạm phát tại Việt Nam gây ra bởi những nguyên nhân như thâm hụt ngân sách, đồng tiền mất giá hay các yếu tố khách quan như “nhập khẩu lạm phát” nhưng các chuyên gia đầu ngành về kinh tế khá thống nhất với nhau về nguồn gốc là do mức đầu tư, chi tiêu quá lớn của Chính phủ vào các tập đoàn kinh tế hay các doanh nghiệp Nhà nước, hiện đang vẫn là nòng cốt của nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời kèm theo đó, làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát là những chính sách điều chỉnh các mặt hàng thiết yếu trong một thời gian ngắn một cách giật cục, thiếu đồng bộ và mang tính chất “chữa cháy” của Chính phủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét