Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

ĐỔI MỚI ĐẦU TƯ NHÀ NƯỚC THEO HƯỚNG NÀO ĐỂ TĂNG HIỆU QUẢ ?

Bài viết cũ của tôi:

ĐỔI MỚI ĐẦU TƯ  NHÀ NƯỚC

THEO HƯỚNG NÀO ĐỂ TĂNG HIỆU QUẢ ?

          Trong những năm gần đây, nguồn vốn nhà nước (gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng nhà nước và vốn đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp nhà nước) có khuynh hướng tăng lên rất nhanh do chính sách kích cầu đầu tư của nhà nước được triển khai ngày càng mạnh; tỷ trọng của đầu tư nhà nước trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đến nay đã lên gần 60% trong khi đầu tư của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh chỉ chiếm khoảng 24% và đầu tư của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm khoảng 17%. Trong những năm tới đây, dù tỷ trọng vốn nhà nước sẽ tăng lên hay giảm đi thì vai trò của nó vẫn rất quan trọng; vì vậy việc nghiên cứu phương hướng sử dụng nó nhằm đạt hiệu quả cao nhất là cực kỳ cần thiết và cấp bách.

Hiệu quả vốn đầu tư nhà nước thấp kém và có xu hướng giảm dần

          Trong nhiều bài viết trước, chúng tôi đã phân tích kỹ tình trạng thấp kém về hiệu quả đầu tư của nền kinh tế, trong đó có nhận xét về hiệu quả thấp kém của đầu tư trong khu vực nhà nước. Đồ thị dưới đây cũng khảng định lại nhận xét đó. Một là, hệ số ICOR của khu vực kinh tế nhà nước đã tăng lên rất mạnh trong những năm sau khủng hoảng châu á và đạt tới những đỉnh cao chưa từng thấy: Từ trung bình 3,26 trong giai đoạn 1991-1995 lên 4,33 năm 1997, 8,24 năm 1998 và tới 19,59 năm 1999. Trong những năm gần đây, mặc dù hệ số ICOR đã thấp hơn kỷ lục năm 1999 nhưng vẫn đang ở mức rất cao và có xu hướng tăng lên, trung bình 3 năm 2000-2002 là 8,0. Đến nay, ICOR của khu vực kinh tế nhà nước đã cao gấp khoảng 3 lần so với mức vào đầu thập kỷ 90.
Hai là, nếu như trong giai đoạn 1991-1995, hệ số ICOR của khu vực kinh tế nhà nước tương đương với hệ số ICOR của toàn nền kinh tế (3,26), tiếp đến lại thấp hơn trung bình của toàn nền kinh vào năm 1996, thì từ năm 1997 khoảng cách giữa hệ số ICOR của khu vực này với toàn nền kinh tế đã doãng ra rất nhau theo hướng khu vực kinh tế nhà nước sử dụng vốn ngày càng kém hiệu quả hơn. Đến nay, hệ số ICOR của khu vực nhà nước cao hơn hệ số ICOR của toàn nền kinh tế khoảng 31%, tức là hiệu quả đầu tư của khu vực này kém hiệu quả chung của toàn nền kinh tế trên 30%.

Đồ thị: So sánh hệ số ICOR của các khu vực và toàn nền kinh tế



          Tình hình càng đặc biệt nghiêm trọng nếu chúng ta so sánh hiệu quả sử dụng vốn trong khu vực nhà nước với sử dụng vốn trong khu vực ngoài quốc doanh trong nước (về nguyên tắc, 2 khu vực này có môi trường phát triển như nhau). Nếu như hệ số ICOR của khu vực kinh tế nhà nước có xu hướng liên tục tăng lên thì ICOR của khu vực ngoài quốc doanh khá ổn định. Hệ số ICOR của khu vực này trong 2 năm 1990-1991 là 3,43, đến 2 năm 2001-2002 vẫn chỉ ở mức tương tự: 3,40; kể cả trong những năm xảy ra khủng hoảng châu á 1997-1999, hệ số ICOR vẫn ổn định, trung bình chỉ là 4 so với hệ số ICOR trung bình của khu vực nhà nước trong giai đoạn này là 10,7. Đến nay, hệ số ICOR của khu vực nhà nước cao hơn hệ số ICOR của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh khoảng 2,34 lần, tức là hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của khu vực này đã kém quá xa so với hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh.
          Ba là, tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế nhà nước vào GDP không tương xứng với vai trò của đầu tư nhà nước trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội. Số liệu trong bảng dưới đây cho thấy trong giai đoạn 1990-1995, tỷ trọng của khu vực nhà nước trong GDP toàn nền kinh tế chỉ là 35,9%, thấp hơn khoảng 4% so với tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực này trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Thậm chí khoảng cách giữa 2 tỷ trọng này có xu hướng giảm dần, đến năm 1994, đóng góp của khu vực nhà nước vào GDP còn cao hơn cả tỷ trọng vốn đầu tư của nó trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội. Điều này cũng khảng định sự cần thiết của đầu tư nhà nước trong giai đoạn đầu đổi mới kinh tế.
Tuy nhiên, từ năm 1995 đến nay khoảng cách này đã doãng ra rất nhanh như các số liệu trong cột 6 của bảng 1 đã minh chứng. Hiện nay, đầu tư nhà nước chiếm tới gần 60% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tăng gấp 1,5 lần so với năm 1994-1995; nhưng tỷ trọng của khu vực này trong GDP lại giảm so với năm 1994-1995, chỉ còn khoảng 39%. Ngược lại, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh hiện chỉ chiếm chưa đến 24% vốn đầu tư toàn xã hội, nhưng lại tạo ra gần 50% giá trị gia tăng của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy hiệu quả kinh tế trực tiếp của kinh tế nhà nước rất thấp và đã giảm rất mạnh so với thành phần kinh tế ngoài quốc doanh.
Bảng: So sánh tỷ trọng đầu tư và GDP của khu vực kinh tế nhà nước với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh (% của tổng số, giá hiện hành)
Năm
Tỷ trọng vốn ĐT của Nhà nước trong tổng ĐT toàn XH
Tỷ trọng GDP khu vực KT nhà nước trong GDP toàn nền kinh tế
Tỷ trọng vốn ĐT của khu vực ngoài QD trong tổng ĐT toàn XH
Tỷ trọng GDP của khu vực ngoài QD trong GDP toàn nền kinh tế
Chênh lệch giữa các tỷ trọng GDP và đầu tư đối với khu vực nhà nước
Chênh lệch giữa các tỷ trọng GDP và đầu tư đối với khu vực ngoài QD
(1)
(2)
(3)
(4)
(5)
(6)=(3)-(2)
(7)=(5)-(4)
1990
40,2
31,76
46,7
68,24
-8,44
21,54
1991
38,0
31,07
47,7
68,93
-6,93
21,23
1992
35,1
34,29
43,9
65,70
-0,81
21,8
1993
44,0
38,21
30,8
58,27
-5,79
27,47
1994
38,3
40,12
31,3
53,47
1,82
22,17
1995
42,0
40,18
27,6
53,52
-1,82
25,92
1996
49,1
39,93
24,9
52,68
-9,17
27,78
1997
49,4
40,48
22,6
50,45
-8,92
27,85
1998
55,5
40,00
23,7
49,97
-15,5
26,27
1999
58,7
38,74
24,0
49,02
-19,96
25,02
2000
57,5
38,98
23,8
47,76
-18,52
23,96
2001
58,1
39,00
23,5
48,00
-19,1
24,5
2002
59,0

24,0



Nguồn: Niên giám Thống kê 2001 (số liệu 1995-2001), Số liệu thống kê 1975-2000 (số liệu 1990-1994)
Việc so sánh hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước với các khu vực kinh tế khác thường gặp nhiều khó khăn do những đặc trưng của nó, ví dụ đầu tư của nhà nước thường được tập trung vào phát triển các lĩnh vực mà khu vực tư nhân không muốn làm như cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội và các ngành công nghiệp then chốt nên hiệu quả kinh tế có thể thấp, thời hạn thu hồi vốn lâu. Vì phát triển những lĩnh vực trên rất cần thiết để phát triển kinh tế và phát triển xã hội nên mặc dù hiệu quả kinh tế trực tiếp của nó có thể thấp nhưng hiệu quả kinh tế xã hội chung của đầu tư nhà nước có thể sẽ cao.
Tuy nhiên, cũng có thể phân tích qua so sánh các mặt tích cực và bất lợi. Việc vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước phải phục vụ các mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội và y tế giáo dục đương nhiên là nhân tố làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư trong khu vực này. Ngược lại, khu vực kinh tế nhà nước lại được hưởng những thuận lợi rất lớn mà không khu vực kinh tế nào khác có được; đó là sự bảo hộ, nâng đỡ của nhà nước, được ưu tiên phát triển trong nhiều lĩnh vực độc quyền hoặc có tỷ suất lợi nhuận cao.
Thực tế, trong suốt giai đoạn 1991-1997, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước trung bình đã cao hơn hiệu quả sử dụng vốn đầu tư chung của toàn nền kinh tế khoảng 4%; do đó, có thể giả sử mặt tích cực và mặt bất lợi trong việc sử dụng vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước ngang nhau, tạo nên hệ số ICOR của khu vực kinh tế nhà nước xấp xỉ ngang bằng với hệ số ICOR của toàn nền kinh tế trong giai đoạn 1991-1997.
Nếu vậy thì rõ ràng trong giai đoạn từ năm 1998 đến nay, hiệu quả vốn đầu tư khu vực nhà nước đã giảm quá nhanh so với tốc độ giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư trong các khu vực khác của nền kinh tế; do đó, có thể nhận định rằng đầu tư nhà nước đã hoàn thành một bước quan trọng sứ mệnh lịch sử của mình là phát triển cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp cơ bản, từ nay, cần phải rút dần phạm vi hoạt động của đầu tư nhà nước trong nền kinh tế, đến mức đưa  hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của khu vực nhà nước lên ngang bằng hiệu quả vốn đầu tư của các khu vực khác trong nền kinh tế như đã xảy ra trong giai đoạn trước. Vì đầu tư vào cơ sở hạ tầng rất cần thiết và có hiệu quả nên việc giảm đầu tư nhà nước cần bắt đầu từ việc nhà nước rút dần khỏi các ngành công nghiệp cơ bản và các ngành sản xuất kinh doanh trực tiếp.
Ảnh hưởng của đầu tư nhà nước tới đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh
Có lẽ không ai có thể bác bỏ vai trò tích cực của đầu tư nhà nước tới phát triển khu vực kinh tế ngoài quốc doanh nước ta trong những năm đầu đổi mới. Tuy nhiên, quá trình đổi mới càng tiến xa thì càng có nhiều ý kiến cho rằng việc tăng nhanh đầu tư nhà nước có thể đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng đầu tư ngoài quốc doanh vì nó làm giảm nguồn tín dụng và làm tăng chi phí huy động vốn của khu vực này. Hơn nữa, trong những năm gần đây, đầu tư nhà nước đã lấn sân của khu vực đầu tư nước ngoài; nhiều dự án không thu hút được đầu tư nước ngoài thì được thực hiện bằng nguồn vốn nhà nước. Thậm chí, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khá dồi dào mấy năm qua, nhiều ngành, địa phương đã không tích cực huy động vốn nước ngoài mà chủ trương dùng vốn ngân sách thay thế. Như vậy, bên cạnh một số mặt tích cực, đầu tư nhà nước đã phát sinh tiêu cực là làm giảm đầu tư của thành phần kinh tế ngoài nhà nước, trong khi đây lại là khu vực sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả nhất và tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế nhất.
Về mặt lý thuyết, đã có một số quan điểm cho rằng tăng chi tiêu công cộng, bất kể cho đầu tư hay tiêu dùng, đều dẫn đến tăng thuế và giảm chi tiêu của khu vực tư nhân. Ảnh hưởng tiêu cực của đầu tư công cộng tới đầu tư tư nhân dường như còn rõ hơn nữa. Quan hệ này được gọi là hiệu ứng loại trừ. Hơn nữa, nhiều nhà kinh tế còn cho rằng hiệu ứng loại trừ có thể diễn ra không phụ thuộc vào trình độ tự do hoá tài chính hay phương thức bù đắp thâm hụt ngân sách. Thậm chí việc phát hành tiền tệ để bù đắp thâm hụt ngân sách cũng không ảnh hưởng đáng kể tới quan hệ trên, vì phát hành tiền sẽ dẫn tới cơ cấu lại thu nhập xã hội theo hướng tăng thu nhập của nhà nước và giảm thu nhập của dân cư; đồng thời làm tăng tỷ lệ lạm phát và lãi suất thực, từ đó làm giảm thu nhập thực tế và khả năng chi tiêu của khu vực tư nhân. Trong trường hợp bù đắp bằng vay trong nước, lãi suất thực sẽ tăng, nhất là tại các nước có thị trường tài chính kém phát triển, và làm giảm tiền tiết kiệm để đầu tư trong dân, kéo theo giảm tiêu dùng và đầu tư của khu vực tư nhân.
Tuy nhiên, nhiều lý thuyết khác cũng như kinh nghiệm tại nhiều nước trên thế giới lại cho thấy mối quan hệ trên không chắc chắn như vậy. Với một tổng tín dụng có sẵn, ảnh hưởng của đầu tư nhà nước tới đầu tư tư nhân phụ thuộc vào việc đầu tư nhà nước có tác dụng thay thế hay bổ sung cho đầu tư và tiêu dùng tư nhân. Nếu đầu tư nhà nước có tác dụng bổ sung cho đầu tư tư nhân thì ảnh hưởng của nó là tích cực. Trong trường hợp ngược lại, cần hạn chế phạm vi của đầu tư nhà nước, trước hết hạn chế những loại đầu tư có liên quan trực tiếp tới sản xuất; nếu đã làm như vậy mà đầu tư nhà nước vẫn tiếp tục có tác dụng thay thế đầu tư tư nhân thì cần giảm cả vai trò của nó trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Thực tế cho thấy, nếu đầu tư nhà nước tăng thêm được sử dụng vào phát triển cơ sở hạ tầng như xây dựng các tuyến đường giao thông (thuỷ, bộ, hàng không, đường sắt...), bến cảng, điện nước, thông tin liên lạc và phát triển con người thì ảnh hưởng của nó là tích cực. Cơ sở hạ tầng tốt hơn, năng lực, trình độ của người lao động tăng lên... sẽ làm cho năng suất lao động cận biên của khu vực tư nhân tăng lên, từ đó kích thích các nhà đầu tư tư nhân tăng thêm đầu tư phát triển. Các nghiên cứu thực nghiệm cũng cho thấy chỉ khi đầu tư nhà nước được hướng vào các lĩnh vực sản xuất trực tiếp, liên quan mật thiết tới lợi nhuận của khu vực khu vực tư nhân như công nghiệp chế biến, nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ và xuất khẩu thì nó mới làm giảm đầu tư tư nhân.
          Ở Việt nam, đầu tư nhà nước chủ yếu được dành để phát triển cơ sở hạ tầng và một số ngành công nghiệp cơ bản, cả hai đều rất cần cho sự phát triển của toàn nền kinh tế nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng. Nhiều nghiên cứu cho thấy đầu tư nhà nước, nhất là đầu tư công cộng, ở nước ta đã có tác dụng bổ sung, tạo thuận lợi cho đầu tư tư nhân, làm giảm chi phí đầu tư và tăng năng suất vốn cho các nhà đầu tư tư nhân. Vì vậy, ở nước ta, tăng trưởng đầu tư nhà nước có nhiều khả năng đã phát huy tác dụng tích cực tới đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh.
Một số kết quả nghiên cứu định lượng
Để đánh giá ảnh hưởng của đầu tư nhà nước tới đầu tư tư nhân và đầu tư của toàn nền kinh tế, chúng tôi đã sử dụng một số kỹ thuật kinh tế lượng. Kiểm định nhân quả theo phương pháp Granger-Sim cho thấy đầu tư nhà nước cũng như các thành phần của nó đều có tác động mạnh tới tới đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh; chỉ trừ vốn tín dụng nhà nước có ảnh hưởng tương đối thấp, chứng tỏ khu vực ngoài quốc doanh vừa khó tiếp cận với nguồn vốn này, vừa ít chịu ảnh hưởng của nó. Vì giữa hai loại vốn đầu tư nhà nước và ngoài quốc doanh có quan hệ nhân quả với nhau nên có thể xây dựng các mô hình kinh tế lượng xác định ảnh hưởng của đầu tư nhà nước và các thành phần của nó tới vốn đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh.
Kết quả nghiên cứu kinh tế lượng cho thấy: Thứ nhất, đầu tư nhà nước có ảnh hưởng bất lợi tới đầu tư ngoài quốc doanh, nhưng mức độ bất lợi không lớn. Khi vốn nhà nước tăng thêm 1000 tỷ thì vốn tư nhân sẽ giảm 88 tỷ đồng ngay trong năm đó và tiếp tục giảm thêm trong những năm tiếp theo. Về dài hạn, tăng 1000 tỷ đồng vốn nhà nước có ảnh hưởng tích luỹ làm giảm 158 tỷ đồng vốn đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh. Vì trong năm 2001 vốn nhà nước tăng thêm 11.500 tỷ đồng, nên đã gây tác động làm vốn khu vực ngoài quốc doanh giảm khoảng 1000 tỷ đồng ngay trong năm 2001, đồng thời làm giảm đầu tư của khu vực tư nhân thêm hơn 800 tỷ đồng trong những năm từ năm 2002 trở đi.
Thứ hai, đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách có ảnh hưởng rất tích cực tới đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh với độ trễ là 1 năm. Khi đầu tư ngân sách tăng thêm 1000 tỷ đồng thì đầu tư ngoài quốc doanh năm tiếp sau sẽ tăng thêm 172 tỷ đồng. Không những thế, ảnh hưởng của nó còn kéo dài trong nhiều năm tiếp theo với mức độ ngày càng lớn. Nhìn tổng thể, khi vốn ngân sách tăng thêm 1000 tỷ đồng thì vốn đầu tư khu vực ngoài quốc doanh sẽ tăng thêm 1117 nghìn tỷ đồng, tức là cao hơn nhiều so với ảnh hưởng trực tiếp trong năm đầu tiên. Kết luận này cũng dễ hiểu vì vốn ngân sách nhà nước thường được đầu tư vào cơ sở hạ tầng và một số ngành công nghiệp cơ bản nên ảnh hưởng của nó mang tính dài hạn.
Vì trong năm 2001 vốn ngân sách tăng thêm 5.900 tỷ đồng so với năm 2000 nên đã phát huy tác dụng làm vốn ngoài quốc doanh năm 2002 tăng thêm hơn 1000 tỷ đồng. Không những thế, trong những năm sau 2002, vốn ngân sách tăng thêm năm 2001 còn làm vốn ngoài quốc doanh tăng thêm khoảng 5.600 tỷ đồng nữa. Như vậy ảnh hưởng của vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước tới đầu tư của khu vực tư nhân là rất lớn.
Thứ ba, đầu tư tín dụng nhà nước có ảnh hưởng rất tích cực tới đầu tư khu vực ngoài quốc doanh với độ trễ 1 năm và tiếp tục phát huy tác động dài hạn hơn. Khi đầu tư tín dụng tăng thêm 1000 tỷ đồng thì đầu tư ngoài quốc doanh sẽ tăng thêm 732 tỷ đồng ngay trong năm tiếp sau và tiếp tục tăng thêm 830 tỷ đồng nữa trong những năm tiếp theo; ảnh hưởng tích luỹ của tăng 1000 tỷ đồng vốn tín dụng lên tới trên 1562 tỷ đồng. Như vậy, so với vốn ngân sách trực tiếp, vốn tín dụng có tác động ngắn hạn, dài hạn và tích luỹ đều cao hơn, trong đó tác động ngắn hạn cao hơn rất nhiều. Nếu thừa nhận quan điểm này, trong thời gian tới, nhà nước nên chuyển dần vốn ngân sách thành vốn tín dụng nhà nước.
          Vì trong năm 2001 vốn tín dụng nhà nước tăng thêm 1066 tỷ đồng nên đã phát huy tác dụng làm vốn ngoài quốc doanh tăng thêm 780 tỷ đồng trong năm 2002 và tăng tiếp thêm 885 tỷ đồng sau năm 2002. Như vậy, việc tăng vốn tín dụng nhà nước năm 2001 sẽ làm vốn ngoài quốc doanh tăng tổng cộng khoảng 1665 tỷ đồng.
Thứ tư, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước có ảnh hưởng rất tiêu cực tới đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh với thời gian trễ là 1 năm. Khi đầu tư của khu vực DNNN tăng thêm 1000 tỷ đồng thì đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh giảm tới 470 tỷ đồng ngay trong năm tiếp theo, một mức độ ảnh hưởng trực tiếp rất cao. Tuy nhiên, về dài hạn, khi vốn tự đầu tư của các DNNN tăng thêm 1000 tỷ đồng, tác động tích luỹ của nó chỉ làm đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh giảm tổng cộng 639 tỷ đồng.
Như vậy, rõ ràng đã có sự cạnh tranh về đầu tư giữa kinh tế quốc doanh và kinh tế ngoài quốc doanh trong nước, theo nghĩa khi tăng đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước thì sẽ ảnh hưởng làm giảm đầu tư của khu vực tư nhân. Đây là một biểu hiện của hiệu ứng loại trừ theo kinh tế học Keynes.  Nếu nhận định trên là đúng thì việc giảm dần vai trò của khu vực doanh nghiệp nhà nước là rất cần thiết để có thể phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trong nước.
          Vì trong năm 2001, đầu tư của khu vực DNNN tăng thêm 4470 tỷ đồng so với năm 2000 nên sẽ làm giảm vốn đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh năm 2002 khoảng 2100 tỷ đồng, và làm nguồn vốn này giảm thêm 755 tỷ đồng trong các năm sau 2002.
          Ngoài ảnh hưởng của đầu tư ngân sách nhà nước, nghiên cứu kinh tế lượng còn cho thấy ảnh hưởng của lãi suất thực tới đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh: Khi lãi suất thực tăng thêm 1% thì tỷ lệ đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh giảm 0,012%. Đây là mức giảm thấp, chứng tỏ vai trò của lãi suất còn rất khiêm tốn trong nền kinh tế nước ta. Đặc biệt, nếu so sánh qua các giai đoạn khác nhau thì thấy trong giai đoạn đầu đổi mới, vai trò của vốn ngân sách rất cao trong khi vai trò của lãi suất rất thấp so với những năm gần đây; điều này cũng có nghĩa là tính thị trường của nền kinh tế nước ta tiếp tục tăng lên.

Phương hướng đổi mới đầu tư nhà nước: giảm dần về tỷ trọng đồng thời điều chỉnh mạnh về cơ cấu

          Những phân tích nêu trên đã dẫn đến hai giải pháp chính sách để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư toàn xã hội và vốn đầu tư nhà nước. Một là, cần giảm mạnh tỷ trọng đầu tư nhà nước đồng thời tăng nhanh tỷ trọng đầu tư ngoài quốc doanh. Hai là, điều chỉnh mạnh cơ cấu đầu tư trong nội bộ đầu tư nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng vốn đầu tư do ngân sách trực tiếp quản lý và giảm tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước.
          Về giải pháp thứ nhất, một mặt, chúng ta đã thấy rất rõ hiệu quả thấp kém của đầu tư nhà nước trong khi khu vực ngoài quốc doanh sử dụng vốn có hiệu quả rất cao. Mặt khác, phân tích kinh tế lượng cũng khảng định đầu tư nhà nước có ảnh hưởng bất lợi tới đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh dù mức độ bất lợi không thật lớn.
Ngoài ra, phải thấy rằng so với các nước trên thế giới, tỷ lệ đầu tư từ ngân sách nhà nước và tín dụng nhà nước so với tổng chi ngân sách của nước ta đã quá cao; ví dụ năm 2001 tỷ lệ này đã lên tới 66,4% tổng chi ngân sách nhà nước, trong khi tại Inđônêxia, chi ngân sách cho đầu tư  chỉ chiếm 25,1% tổng chi ngân sách, tại Hàn Quốc là 17,5%, Malaixia 22,4%, Singapo 19,3%, Thái lan 30%, Philipin 15,9%, Ấn độ 9,4%, Pakistan 10,3%, Mỹ 3%, Anh 4%, Pháp 4,3%... (số liệu năm 1996-1998). Đành rằng điều kiện kinh tế xã hội của mỗi nước có khác nhau, nhưng nếu như tất cả các nước quanh ta đều không để tỷ lệ đầu tư nhà nước chiếm tỷ trọng quá cao trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội và trong tổng chi ngân sách thì nước ta cũng không nên làm khác.
Trong thời gian gần đây, với sự gia tăng quá nhanh của đầu tư nhà nước, khu vực kinh tế nhà nước, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước, đã trở thành một thế lực cực lớn, có tác động rất mạnh và rất tiêu cực tới sự phát triển của các thành phần kinh tế khác. Sự độc quyền nhà nước tăng lên không phải nhờ tăng hiệu quả của khu vực này mà nhờ vào bao cấp và bảo hộ. Dường như nền kinh tế nước ta đang có xu hướng quay trở lại thời kỳ kinh tế chỉ huy với cơ chế quản lý hành chính quan liêu bao cấp như những năm 80. Có thể nói chưa khi nào trong thập kỷ 90, tình trạng bao cấp và bảo hộ phát triển tràn lan như hiện nay: đầu tư phát triển và tiêu dùng chủ yếu bằng nguồn vốn ngân sách; phát triển mạnh các loại hình bao cấp bù lỗ, từ đầu vào đến đầu ra; phát triển đủ các loại quỹ hỗ trợ của Nhà nước; cho phép các ngân hàng thương mại quốc doanh cho vay tràn lan không dựa trên các chuẩn mực của kinh tế thị trường; cấp vốn lưu động bổ sung rộng rãi cho các DNNN...
Cũng trong khoảng 2 năm gần đây, tình trạng họp hành triền miên xảy ra ở tất cả các bộ, ngành và cơ quan quản lý nhà nước địa phương. Đủ các loại đề án, kế hoạch, chương trình hành động từ trung ương tới cơ sở được xây dựng mà phần lớn mang tính quan liêu duy ý chí do cán bộ không nắm được tình hình. Rồi lại có phong trào đua nhau triển khai các đề án, chương trình hành động đó thông qua các DNNN bằng nguồn vốn nhà nước hoặc các ưu đãi mang tính bao cấp và bảo hộ. Cách làm này chỉ có tác dụng làm tăng xu hướng xin bao cấp và bảo hộ của các doanh nghiệp, phát triển thêm tình trạng tham nhũng và làm giảm nhanh hơn hiệu quả vốn đầu tư nhà nước.
          Về giải pháp thứ hai, những phân tích nêu trên đã cho thấy đầu tư công cộng (gồm đầu tư ngân sách và đầu tư tín dụng nhà nước) có tác dụng tích cực tới đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh, từ đó làm tăng tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội và tăng hiệu quả vốn đầu tư toàn nền kinh tế; ngược lại, đầu tư của khu vực DNNN có ảnh hưởng rất tiêu cực tới đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh. Do đó cần điều chỉnh nhanh cơ cấu đầu tư nhà nước theo hướng tăng nhanh tỷ trọng đầu tư công cộng và giảm mạnh tỷ trọng đầu tư của khu vực DNNN. Điều này cũng có nghĩa là nhà nước không nên làm kinh tế trực tiếp mà chỉ nên giới hạn phạm vi hoạt động của mình trong lĩnh vực công cộng như xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sự nghiệp y tế, giáo dục và đào tạo...
          Để nâng cao hiệu quả sử dụng số vốn nhà nước còn giữ lại cho khu vực DNNN, cần khẩn trương đổi mới một cách triệt để và cương quyết phương thức hoạt động của loại hình doanh nghiệp này theo hướng chuyển mạnh các hoạt động của chúng sang cơ chế kinh tế thị trường, lấy hiệu quả và chất lượng làm nhiệm vụ trung tâm. Cần đổi mới phương thức kế hoạch hoá cấp DNNN, chỉ xem xét, đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN theo tiêu chuẩn lợi nhuận so với tổng vốn đầu tư, đặt chỉ tiêu giá trị sản lượng và doanh thu xuống hàng thứ yếu. Mặt khác, cần giảm nhanh, tiến tới xoá bỏ hoàn toàn các loại bao cấp, ưu đãi đối với các DNNN, trước hết là ưu đãi về sử dụng đất đai, tín dụng dài hạn, bảo hộ qua thuế và các khoản trợ cấp trực tiếp từ ngân sách. Cũng cần phải đánh giá lại tài sản của khu vực DNNN một cách đúng và đủ theo giá thị trường để có bức tranh tài chính thực sự về DNNN và có căn cứ để cơ cấu lại khu vực này...
          Cuối cùng, cũng theo các phân tích trên, cả hai thành phần của đầu tư công cộng là đầu tư ngân sách và đầu tư tín dụng nhà nước đều có tác dụng tích cực tới đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh, do đó cần khuyến khích cả hai loại đầu tư này. Tuy nhiên, ảnh hưởng tích cực của vốn tín dụng nhà nước cao hơn nhiều so với ảnh hưởng của vốn ngân sách nên về mặt cơ cấu, cần ưu tiên tăng vốn tín dụng so với tăng vốn ngân sách. Điều này cũng có nghĩa là nhà nước nên chuyển dần vốn ngân sách thành vốn tín dụng đầu tư.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét