Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011

Các cắt giảm đầu tư công có thật sự hiệu quả?

Các cắt giảm đầu tư công có thật sự hiệu quả?

RFA, 2011-05-08
Trong tình hình lạm phát ngày một nghiêm trọng hiện nay các báo cáo cắt giảm đầu tư công theo nghị quyết 11cho thấy quyết tâm của nhà nước trong vấn đề có tính chiến lược này đang được thực hiện nghiêm túc.
Tuy nhiên sau ba tháng đi vào thực hiện, mặc dù nhiều quan chức chính phủ cho rằng nghị quyết đã tỏ ra đúng đắn vì chí ít cũng đã cắt cơn nghiện lãi suất và kinh tế đang có dấu hiệu ổn định, thế nhưng theo nhiều chuyên gia thì việc cắt giảm đầu tư công đang diễn tiến rất cầm chừng nếu không muốn nói là làm lấy lệ.


RFA PHOTO

Tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam từ tháng 12-2010 đến tháng 3-2011.
Tuy nhiên các báo báo cáo cắt giảm mà Bộ Kế hoạch Đầu tư vừa đưa ra được các chuyên gia kinh tế đánh giá ra sao? Mặc Lâm có bài tường trình sau đây.
Sau khi các hãng xếp hạng về tín nhiệm Fitch, Moody’s và Standard & Poor’s đưa ra đánh giá gần như khá giống nhau đánh tụt hạng thang điểm về mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trong năm 2010, bên cạnh đó các định chế này cũng nêu lên những rủi ro về kinh tế của Việt Nam trái với những kết quả mà nước này đạt được trước đây lúc từng được xem là một vùng đất tiềm năng chưa được khai phá.
Ý kiến của các nhà phân tích cho rằng tình trạng đang từ một nền kinh tế tiềm năng nay chỉ còn là một mớ hỗn độn phát xuất do các lỗi từ chính sách.
Trong thời gian gần đây, cỗ máy kinh tế của Việt Nam liên tục có dấu hiệu bất ổn trên nhiều mặt. Từ lạm phát đạt mức gần 14% vào tháng Ba so với cùng kỳ năm ngoái, đến thâm hụt thương mại ước tính lên đến 12,4 tỷ đô la trong năm 2010 và quan trọng hơn cả là đồng tiền Việt Nam bị suy yếu do các chính sách tiền tệ đưa ra. Kể từ cuối năm 2009 đến nay đồng bạc Việt Nam đã bị phá giá bốn lần.

Khả năng quản lý

vinashin-hoa-sen-250.jpg
Tàu Hoa Sen, một trong những dự án thua lỗ của Vinashin. Photo courtesy of VietNamNet.
Những hệ lụy của con tàu Vinashin làm cho kinh tế Việt Nam trượt dốc khiến chính phủ lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Nếu cho phép phá sản thì nền kinh tế do những tập đoàn nhà nước thống trị trên thị trường hiện nay sẽ không tài nào kiểm soát sự phá sản hàng loạt. Nhưng tiếp tục cưu mang con tàu còm cõi này thì gánh nặng còn tiếp tục đè nặng nền kinh tế Việt Nam và là một lực cản khó giải tỏa.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên chuyên gia tư vấn cho Bộ Kế hoạch Đầu tư nhận định sự thả nổi cho Vinashin cũng như Công ty cho thuê tài chánh hồi gần đây vỡ nợ đang là dấu hỏi lớn cho các Tập đoàn nhà nước mà hoạt động của họ ngày càng lộ rõ những khiếm khuyết quan trọng dẫn tới hệ lụy không thể tránh khỏi ông nói:
“Thêm những vụ việc sau Vinashin gây ra sự xúc động và quan tâm lớn trong công luận Việt Nam. Trong tình hình lạm phát gia tăng, đời sống của những người thu nhập thấp đang gặp rất nhiều khó khăn thì việc công ty cho thuê tài chính của Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp đã bị thua lỗ đến 3000 tỷ đồng đã làm cho công luận hết sức bất bình.
Điều đó đã phơi bày thực tế là việc quản lý trên giấy tờ và quản lý thực tế đối với các doanh nghiệp nhà nước có một khoảng cách rất là xa.
Điều đó đã phơi bày thực tế là việc quản lý trên giấy tờ và quản lý thực tế đối với các doanh nghiệp nhà nước có một khoảng cách rất là xa.
TS  Lê Đăng Doanh
Những thiếu sót của công ty thuê mua tài chính là những thiếu sót nhỡn tiền. Không được huy động vốn vẫn huy động vốn. Huy động vốn với lãi suất vượt lãi suất trần rồi sau đó cho thuê mà không biết quản lý tài sản cho thuê và không biết thu hồi không biết đánh giá. Tất cả các việc đó đã diễn ra trong nhiều năm mà cơ quan chủ đầu tư và cơ quan quản lý chính là Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp cũng tìm cách bao che chứ không phát hiện ra.”
Sau nhiều tháng lưỡng lự, nhà nước đã nhận ra việc chống lạm phát nếu vì Vinashin mà còn kéo dài thì kinh tế Việt Nam có cơ khủng hoảng trầm trọng hơn nữa. Ngày 24 tháng 2 năm 2011 Thủ tướng chính phủ ra nghị quyết số 11 nhằm đưa ra các biện pháp kềm chế lạm phát.
Nội dung đáng chú ý nhất của nghị quyết này là thực hiện chính sách tiền tệ, thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước. Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, và điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với hỗ trợ hộ nghèo.
Chính sách tài khóa thắt chặt có lẽ là xương sống của nghị quyết 11 vì căn bản của lạm phát vẫn là tài khóa. Điều 2 của nghị quyết về “Thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước có ghi rõ: Kiểm tra, rà soát lại đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các biện pháp xử lý, loại bỏ các dự án đầu tư kém hiệu quả, đầu tư dàn trải, kể cả các dự án đầu tư ra nước ngoài.”

Thói chơi sang, bệnh hình thức

000_Hkg4794220-200.jpg
Một người nhập cư nằm nghỉ bên cạnh một poster công bố dự án phát triển ở trung tâm TP HCM hôm 12/4/2011. AFP photo
Tuy nhiên sau ba tháng đi vào thực hiện, mặc dù nhiều quan chức chính phủ cho rằng nghị quyết đã tỏ ra đúng đắn vì chí ít cũng đã cắt cơn nghiện lãi suất và kinh tế đang có dấu hiệu ổn định, thế nhưng theo nhiều chuyên gia thì việc cắt giảm đầu tư công đang diễn tiến rất cầm chừng nếu không muốn nói là làm lấy lệ.
Cụ thể theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Thủ tướng Chính phủ, thì mức cắt giảm đầu tư công là gần 98 ngàn tỷ, tương đương với 10% của tổng vốn đầu tư công mà chính phủ yêu cầu cắt giảm. Con số 98 ngàn tỷ xem to lớn như vậy nhưng thực chất thì sao?
Theo Bộ trưởng Kế Hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc thì phần lớn các dự án đình hoãn này là đầu tư vào trụ sở, văn phòng, mua sắm trang thiết bị đắt tiền không trực tiếp phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh chính, khởi công trong năm 2011 nhưng chưa đủ điều kiện đầu tư!
Kết quả này đã cho thấy phần nào mặt chìm của vấn đề.Thì ra 10% ngân sách nhà nước được bỏ vào những hình thức xa xỉ và không cần thiết nhưng vẫn ăn vào ngân sách hàng năm.

Cần có tiêu chí

Riêng về vấn đề cắt giảm các dự án kém hiệu quả trong đầu tư công thì ngay lập tức nghị quyết 11 vấp phải một lực cản không dễ gì vượt qua.
Các tỉnh thành có dự án đầu tư công không ai chịu chấp nhận bất cứ dự án nào của mình là không hiệu quả. Để được duyệt một dự án lấy ngân sách nhà nước thì dự án đó phải qua một quá trình dài. Nào là đề xuất dự án, xây dựng dự án, thẩm định dự án và do vậy rất nhiều người tham gia vào đó.
Vậy làm cách nào để phán xét rằng dự án này hay dự án kia là không hiệu quả? Hơn nữa nghị quyết lại giao cho đơn vị tự rà soát chính mình để cắt giảm thì quả là điều khó thực hiện nếu không muốn nói là không tưởng.
Bây giờ phải có một tiêu chí để giảm hoặc hoãn cái gì là kém hiệu quả và cái gì có hiệu quả nhưng ngày nay chưa thể đầu tư được!
Ông Vũ Quốc Tuấn
Ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên một thành viên cố vấn cho văn phòng thủ tướng chính phủ cho biết nhận xét của ông về vấn đề này:
“Hiện nay tôi đề nghị chính phủ cũng như đang có suy nghĩ là phải có tiêu chí. Trong tình hình hiện nay thế nào là không cần thiết mà phải đình hoặc hoãn? Bởi vì trong tình hình đất nước đang còn nghèo cần phát triển thì đương nhiên phải cần đầu tư nhưng đầu tư cái gì trước cái gì sau, bao nhiêu là vừa phải thì phải cân nhắc rất kỹ lưỡng.
Bởi vì nhà nghèo mà! Cái gì mà cần chi trả thì phải tính toán rất cẩn thận cho nên đúng như ông nói, đó là trước khi người ta đầu tư thì bao giờ người ta cũng nói rằng như thế thì rất là hay là hiệu quả... Bây giờ phải có một tiêu chí để giảm hoặc hoãn cái gì là kém hiệu quả và cái gì có hiệu quả nhưng ngày nay chưa thể đầu tư được!”

Nói một đàng làm một nẻo

xe-250.jpg
Một nơi trưng bày và bán xe hơi ở SG. RFA photo.
Một hình ảnh khác cho thấy nghị quyết của chính phủ không được tuân thủ mà cách gọi hiện nay là “quyết liệt” khi bản tin mới nhất của Báo Khoa Học Đời Sống Online loan tải một văn bản có nội dung cho biết “quan chức Bộ Tài chính được mua xe công giá đắt”.
Theo tờ báo cho biết thì Bộ Tài Chính đang xây dựng dự thảo quy chế quản lý và sử dụng xe ô tô phục vụ công tác trong các cơ quan, doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính.
Theo đó, Bộ trưởng và các chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 9,7 trở lên, được sử dụng một xe ô tô đưa đón đi làm và công tác với giá mua tối đa là 1,1 tỷ đồng, thay vì mức 800 triệu đồng như hiện nay.
Tương tự, các chức danh khác đều được nâng mức giá trị xe đi công tác như: xe phục vụ thứ trưởng được nâng từ 700 triệu đồng lên 920 triệu đồng/xe; các lãnh đạo được nâng từ mức 550 triệu đồng lên 720 triệu đồng/xe; xe ô tô của các công ty do Nhà nước nắm giữ vốn điều lệ 100% được nâng từ mức 650 triệu đồng lên 840 triệu đồng/xe.
Các con số mà Bộ Tài Chánh đề nghị thực ra không cao so với những hoang phí mà các Bộ khác làm từ xưa tới nay nhưng ý nghĩa của dự thảo này lại rất quan trọng. Nó cho thấy chính Bộ Tài Chánh là đơn vị dẫn đầu trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch chống lạm phát nhưng lại cho phép mình làm một việc đi ngược lại với nghị quyết 11 của Thủ tướng chính phủ thì hỏi còn cơ quan nào tuân theo nghị quyết này một cách quyết liệt như cách nói của báo chí hiện nay?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét