Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2011

Tóm tắt kết quả nghiên cứu phân tích và dự báo một số khả năng phát triển kinh tế đến năm 2010 (phần 1)

Bài viết cũ của tôi năm 2004:

Tóm tắt kết quả nghiên cứu phân tích và dự báo
một số khả năng phát triển kinh tế đến năm 2010

MỞ ĐẦU
 Phân tích và dự báo tiến triển trung hạn (5 năm) của nền kinh tế quốc dân là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Chính thông qua công tác này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể có những thông tin cần thiết làm cơ sở ban đầu để xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm trình Chính phủ và Quốc hội thông qua. Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cần thường xuyên thực hiện các dự báo trung hạn để kịp thời có những điều chỉnh chính sách kinh tế cần thiết nhằm liên tục duy trì ổn định vĩ mô và đảm bảo thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.

Theo sự phân công của Trung ương Đảng và Chính phủ, trong năm 2005, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải hoàn thành các báo cáo tổng kết 20 năm đổi mới kinh tế (1986-2005) và xây dựng xong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 báo cáo Chính phủ để Chính phủ trình Đại hội Đảng và Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, vì những nghiên cứu thực hiện 2 nhiệm vụ chính trị trên vừa mới được bắt đầu nên những thông tin phục vụ cho việc nghiên cứu đến nay còn rất thiếu, đặc biệt là các thông tin rút ra từ các nghiên cứu dựa trên các công cụ phân tích và dự báo định lượng. Chính vì vậy, việc triển khai một đề tài sử dụng mô hình kinh tế lượng để phân tích tình hình phát triển kinh tế giai đoạn từ năm 1986 đến nay và dự báo một số khả năng phát triển kinh tế cho giai đoạn từ nay đến năm 2010 là rất cần thiết và có ý nghĩa rất thiết thực đối với công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Mô hình kinh tế lượng được xây dựng trong khuôn khổ đề tài này là một kế thừa và phát triển những kết quả của công tác mô hình hoá đã có từ nhiều năm qua ở nước ta. Mục tiêu chính của đề tài là nghiên cứu thử nghiệm xây dựng một mô hình với số liệu năm và sử dụng mô hình trong phân tích kinh tế và dự báo trung hạn. Phạm vi nghiên cứu kinh tế vĩ mô được thể hiện trong mô hình của báo cáo này là những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tổng hợp chính phục vụ trực tiếp công tác phân tích và dự báo 5 năm 2006-2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Mô hình trong báo cáo này sẽ tập trung phân tích, dự báo khoảng 30 chỉ tiêu kinh tế vĩ mô chính trên cơ sở khai thác tối đa những nguồn thông tin tin cậy nhất có thể thu thập được.
Mô hình kinh tế lượng Việt Nam được giới thiệu trong báo cáo này (gọi tắt là VMEM 2004 - Vietnam MacroEconometric Model) sẽ mô tả nền kinh tế chủ yếu theo tiếp cận cung, nhưng trong đó vẫn có một số khu vực được xác định kết hợp theo tiếp cận cung với theo tiếp cận cầu (nửa cung nửa cầu). Điều này cũng hoàn toàn tự nhiên vì nền kinh tế nước ta đang trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế cung sang nền kinh tế cầu, tính hỗn hợp nửa cung, nửa cầu còn mang tính phổ biến.
Vì cơ bản là mô hình cung và nền kinh tế nước ta mới trong giai đoạn đầu phát triển nên lô gic của mô hình phỏng được theo lý thuyết tân cổ điển  hiện đại. Quan điểm cơ bản của lý thuyết tân cổ điển hiện đại là mô tả quá trình sản xuất bằng các hàm sản xuất gộp, bao gồm nhiều nhân tố giải thích không chỉ duy nhất có nhân tố vốn vật chất. Sự gia tăng của bất kỳ nhân tố nào cũng đều kéo theo sự tăng thêm của sản xuất phù hợp với năng suất cận biên của nhân tố đó.
Đồng thời với những nhà kinh tế tân cổ điển, những nhà kinh tế hậu Keynes (tân Keynes) đã phân tích quá trình tăng trưởng với cách nhìn rộng hơn Keynes để kết hợp các nhân tố cung với các nhân tố cầu trong mô hình tăng trưởng hiện đại. Các nhà kinh tế hậu Keynes cho rằng các nhân tố xác định tăng trưởng dài hạn bao gồm các nhân tố như của thuyết tân cổ điển và những nhân tố về cơ cấu như phân bố lại các nguồn lực từ khu vực năng suất thấp sang khu vực năng suất cao, vai trò quan trọng của kinh tế quy mô và kiến thức kỹ năng, và giảm các trở ngại, khâu hẹp bên trong và ngoài. Giải thích cơ bản của thuyết này dựa trên mô hình tăng trưởng phi cân bằng.
Căn cứ vào lập luận của các lý thuyết kinh tế trên và dựa theo kinh nghiệm xây dựng các mô hình kinh tế lượng của các nước khác, trong mô hình thực nghiệm cho nền kinh tế Việt Nam, đề tài đã kết hợp sử dụng các nguyên tắc của mô hình cung với những phát triển tiếp theo lý thuyết tân cổ điển có bổ sung một số nhân tố cầu của thuyết cơ cấu.
Mô hình bao gồm 3 khối: khối thực, khối tài chính tiền tệ và khối ngoại  thương, với tổng cộng 75 phương trình, trong đó có 32 nhận dạng và 43 phương trình hành vi, với 75 biến nội sinh và khoảng 35 biến ngoại sinh. Để đơn giản quá trình tính toán, các phương trình của mô hình đều được ước lượng theo phương pháp bình phương cực tiểu. Thực tế, một số thử nghiệm ước lượng lại bằng phương pháp bình phương cực tiểu hai bước đều không tạo ra những thay đổi đáng kể về các hệ số ước lượng từ phương pháp bình phương cực tiểu. Mặt khác, hầu hết các phương trình trong mô hình đều là các hàm logarit hoặc hàm quan hệ tỷ lệ (ví dụ tỷ lệ lạm phát phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng GDP...) trong khi các biến thuộc loại này thường thoả mãn tiêu chuẩn dừng, tức là có thể mô hình hoá trực tiếp bằng phương pháp bình phương cực tiểu.
          Báo cáo này chỉ giới thiệu mô hình gốc, các phiên bản khác phục vụ nhiều mục tiêu dự báo khác nhau được lưu tại ban chủ nhiệm đề tài. Tiếp theo mô hình này, trong quá trình phân tích dự báo đến năm 2010 thực hiện trong năm 2005 tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ phải liên tục cải tiến lại các phương trình để mô hình bám sát tính hình, cập nhật được những thông tin mới nhất, từ đó đảm bảo chất lượng dự báo. Các số liệu để xây dựng mô hình chủ yếu được lấy từ các Niên giám thống kê hàng năm của Tổng cục thống kê, từ nguồn số liệu của Vụ Tổng hợp Kinh tế Quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và từ những thông tin đã tích luỹ được trong giai đoạn xây dựng các mô hình trước.
 
CHƯƠNG I
PHÂN TÍCH MỘT SỐ TIẾN TRIỂN CHÍNH CỦA
NỀN KINH TẾ NƯỚC TA TRONG 20 NĂM ĐẦU
ĐỔI MỚI (1986-2004) THEO TIẾP CẬN MÔ HÌNH HOÁ
Mục tiêu của đề tài nghiên cứu này là dự báo một số khả năng phát triển của nền kinh tế nước ta từ nay đến năm 2010 phục vụ cho công tác xây dựng kế hoạch 5 năm tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Phương pháp dự báo là sử dụng mô hình kinh tế lượng. Do khoảng thời gian dự báo dài tới 6 năm (từ năm 2005 đến 2010) nên cần nhìn lại tiến triển của nền kinh tế nước ta trong quá khứ ít nhất cũng từ khoảng 20 năm về trước. Mặt khác, vì sử dụng phương pháp mô hình hóa kinh tế lượng nên cần xây dựng mô hình với các chuỗi số liệu phản ánh giai đoạn tăng trưởng và phát triển diễn ra tương đối ổn định qua các năm. Có thể nói khoảng thời gian từ năm 1986, nhất là từ năm 1989-1990, đến nay được xem là một giai đoạn như vậy.
MỤC I: TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA KHU VỰC THỰC CỦA NỀN KINH TẾ NƯỚC TA TỪ KHI BẮT ĐẦU CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI NĂM 1986 ĐẾN NAY
   1) Tăng trưởng kinh tế: Trong những năm đầu đổi mới, tốc độ tăng trưởng GDP của nước ta đạt rất thấp, mặc dù nó đã có xu hướng liên tục tăng lên. Từ năm 1991 đến năm 1995, nền kinh tế Việt Nam đã thực sự đi vào quỹ đạo phát triển theo kinh tế thị trường và đạt được những tốc độ tăng trưởng ngày càng cao. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân thời kỳ 1991-1995 đạt 8,2%/năm, cao nhất kể từ trước tới nay. Đáng tiếc là sau đỉnh cao 1995, từ năm 1996, tốc độ tăng trưởng GDP đã liên tục giảm sút đến tận năm 1999. Trong giai đoạn tiếp theo từ năm 2000 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã phục hồi đồng thời đã liên tục tăng lên mặc dù tốc độ tăng lên chưa cao.
Điều đặc biệt là trong mỗi thời kỳ, xu hướng tăng, giảm tốc độ tăng trưởng GDP đều kéo dài nhiều năm và rất rõ rệt, không có độ dao động lớn so với xu thế. Do quá trình phát triển trong mỗi thời kỳ đều theo một xu thế khá ổn định nên có thể đưa ra giả thuyết là quá trình tăng trưởng kinh tế nước ta trong khoảng 2 thập kỷ gần đây có tính chất cơ cấu chứ không phải là tình thế. Điều này cũng có nghĩa là những quan hệ trong giai đoạn vừa quan mang tính trung hạn và tương đối ổn định nên rất thuận lợi khi xây dựng các mô hình phân tích và dự báo trung hạn.
          2) Thay đổi cơ cấu kinh tế: Quá trình tăng trưởng nêu trên có quan hệ chặt chẽ với những thay đổi đáng kể về mặt cơ cấu kinh tế và thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá đất nước. Tỷ trọng giá trị gia tăng khu vực công nghiệp và xây dựng trong GDP sau khi giảm sút từ 28,9% năm 1986 xuống 22,7% năm 1990 đã tăng trở lại 28,8% năm 1995, 36,7% năm 2000 và lên đến 41,1% năm 2004. Ngược lại, tỷ trọng nông nghiệp đã tăng từ 38,1% năm 1986 lên tới 46,3% năm 1988, rồi giảm liên tục trong thời kỳ từ năm 1989 đến nay, và chỉ còn 20,4% năm 2004. Trong thời kỳ 1986-95, biến động tỷ trọng khu vực dịch vụ đi ngược chiều so với khu vực nông nghiệp; đặc biệt tỷ trọng khu vực dịch vụ đã liên tục tăng lên rất nhanh trong giai đoạn 1989-1995. Tuy nhiên, đáng tiếc là từ năm 1996, tỷ trọng khu vực dịch vụ đã liên tục giảm sút, chỉ còn khoảng 38,5% vào năm 2004 so với mức cao nhất là 44,1% năm 1995. Như vậy, nếu như trong nửa cuối thập kỷ 80 đã diễn ra quá trình giảm tỷ trọng công nghiệp (ngành sử dụng nhiều vốn, ít lao động) và tăng tỷ trọng các ngành nông nghiệp và dịch vụ (sử dụng ít vốn, nhiều lao động) để khai thác mạnh mẽ thế mạnh về nguồn nhân lực của đất nước, thì trong nửa đầu thập kỷ 90 đã có một quá trình công nghiệp hoá khá mạnh đi kèm với bùng nổ khu vực dịch vụ; và đặc biệt trong nửa cuối thập kỷ 90 và những năm đầu thế kỷ XXI, quá trình công nghiệp hoá được thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong khi khu vực dịch vụ đã tăng trưởng chậm lại.
3) Đầu tư: Những số liệu thống kê cho thấy nguồn gốc chính của những tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của nước ta trong hai thập niên đổi mới vừa qua gắn liền với việc gia tăng mạnh mẽ tỷ lệ đầu tư và tiết kiệm nội địa trên GDP. Nếu như trong thời kỳ 1986-90, tỷ lệ đầu tư và tiết kiệm nội địa trên GDP rất thấp làm cho tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 4,4%/năm, thì ngược lại, trong thời kỳ 1991-95, tỷ lệ đầu tư và tiết kiệm nội địa tăng lên tới  làm cho tốc độ tăng trưởng GDP cũng tăng lên mạnh, đạt trung bình tới 8,2%/năm. Trong các năm 1996-1999, mặc dù tỷ lệ đầu tư và tiết kiệm tiếp tục tăng lên nhưng tốc độ tăng trưởng GDP lại liên tục giảm xuống, trung bình còn khoảng 7,0%/năm. Phân tích chi tiết hơn cho thấy trong giai đoạn này, ngoài nhân tố đầu tư, còn có những nhân tố khác đã ảnh hưởng khá mạnh tới tăng trưởng kinh tế, nhất là ảnh hưởng của cuộc khủng khoảng tài chính tiền tệ châu Á và những yếu kém trong công tác quản lý kinh tế. Từ năm 2000, xu hướng tăng dần về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nước ta mới được phục hồi tuy vẫn thấp xa so với trong giai đoạn 1992-1997.
4) Lao động: Các số liệu tăng trưởng kinh tế và sử dụng lao động từ khi đổi mới đến nay đã khảng định nguồn nhân lực có ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước. Trong những năm nền kinh tế nước ta tăng trưởng nhanh, tốc độ tăng trưởng việc làm trong nền kinh tế quốc dân và tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn cũng tăng nhanh trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đã giảm khá mạnh. Ngược lại, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, tốc độ tăng trưởng việc làm trong nền kinh tế quốc dân và tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lại giảm xuống trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đã tăng lên. Vì quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và sử dụng lao động, vốn đầu tư, đất đai và các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có ở nước ta trong thời gian qua khá chặt nên có thể tin rằng quá trình phát triển của kinh tế nước ta trong 2 thập kỷ gần đây đã chủ yếu dựa trên các nhân tố tăng trưởng theo chiều rộng.
5) Hoạt động xuất nhập khẩu: Cũng như đầu tư, xuất khẩu là một trong những nhân tố quan trọng nhất tạo ra bước phát triển kinh tế nhanh trong thời kỳ đổi mới. Xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên rất nhanh từ khi đất nước thực hiện chính sách mở cửa và hội nhập quốc tế. Số liệu thống kê cho thấy có một quan hệ tỷ lệ thuận giữa tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế: trong những năm nền kinh tế tăng trưởng nhanh thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cũng rất cao và ngược lại. Các số liệu cũng cho thấy có quan hệ khá chặt giữa tăng trưởng xuất khẩu, tăng trưởng nhập khẩu và tăng trưởng GDP.
6) Tiêu dùng: Ở nước ta, tiêu dùng là thành phần quan trọng nhất trong tổng cầu vì nó luôn luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng cầu. Do đó, ảnh hưởng của nó tới tăng trưởng kinh tế rất lớn, nhất là khi xuất hiện tình trạng cung lớn hơn cầu. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng vai trò của tiêu dùng cuối cũng đã giảm dần trong giai đoạn đổi mới trong khi vai trò của xuất khẩu đã tăng vọt. Số liệu cũng cho thấy có một quan hệ khá chặt giữa tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng tiêu dùng trong suốt 20 năm qua. Về mặt kinh tế lượng, kiểm định quan hệ nhân quả theo phương pháp Granger cho thấy chiều quan hệ đi từ tăng trưởng đến tiêu dùng xã hội nói chung và tiêu dùng cá nhân nói riêng rất mạnh trong khi chiều ngược lại rất yếu.
7) Đóng góp của các nhân tố vào quá trình tăng trưởng:
a) Đóng góp của các khu vực kinh tế: Phân tích đóng góp của các khu vực tới quá trình tăng trưởng chung của nền kinh tế trong gần 20 năm qua cho thấy có 3 giai đoạn phát triển rõ rệt. Giai đoạn 1 kéo dài từ năm 1987-1988 đến năm 1990-1992, trong đó hai khu vực có xu hướng phát triển nhanh, đóng góp nhiều vào tăng trưởng GDP là nông nghiệp và dịch vụ. Giai đoạn 2 kéo dài từ năm 1991-1992 đến 1999-2000 trong đó vai trò của khu vực nông nghiệp và dịch vụ giảm mạnh; ngược lại, vai trò của khu vực công nghiệp tăng lên tương đối nhanh. Trong giai đoạn 3 từ năm 2000 đến nay, vai trò của khu vực nông nghiệp tiếp tục giảm mạnh trong khi vai trò của khu vực công nghiệp và dịch vụ tiếp tục tăng lên. Ba giai đoạn trên thể hiện các bước phát triển đi từ nông nghiệp và dịch vụ (nhờ tự do hoá kinh tế, chuyển sang sản xuất hàng hoá theo cơ chế kinh té thị trường và nhờ những khoản ngoại tệ dồi dào thu từ bên ngoài) sang công nghiệp hoá mức độ thấp kèm theo sự trì trệ của khu vực dịch vụ, rồi sang tiếp tục công nghịêp hoá nhưng có kèm theo phát triển mạnh khu vực dịch vụ.
b) Đóng góp của các nhân tố đầu vào (lao động, vốn): Nguồn nhân lực có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế nước ta nhưng đóng góp của nhân tố năng suất lao động trong tăng trưởng còn rất khiêm tốn. Phân tích số liệu cho thấy nhân tố tăng trưởng lực lượng lao động đóng góp tới 32,4% (2,33/7,2) vào tốc độ tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế; nhân tố tăng năng suất lao động đóng góp tới 66,1% (4,76/7,2). Sai số tính toán của mô hình là 1,5%. Kết quả này cho thấy, trong trường hợp nước ta, đóng góp của lao động tới tăng trưởng kinh tế vẫn chiếm tỷ trọng cao so với các nước khác trên thế giới, chứng tỏ tăng trưởng nguồn lao động vẫn là nhân tố quan trọng đối với tăng trưởng. Mặt khác, đóng góp của nhân tố năng suất lao động chiếm 2/3 tốc độ tăng trưởng GDP chứng tỏ năng suất đã là nhân tố quan trọng nhất quyết định quá trình tăng trưởng  Tương tự có thể thấy nguồn vốn có vai trò quyết định đối với tăng trưởng kinh tế nước ta trong khi đóng góp của nhân tố hiệu suất vốn không những không tăng trưởng mà còn giảm sút, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng.
          c) Đóng góp của các nhân tố cầu (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu...): Nếu như trong giai đoạn đầu cải cách (1988-1992), tiêu dùng nội địa (gồm tiêu dùng tư nhân và tiêu dùng chính phủ) và khu vực kinh tế đối ngoại (xuất khẩu ròng) đều đóng vai trò quan trọng đối với quá trình tăng trưởng thì trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế cao (1993-1998), nhân tố cơ bản tạo ra quá trình tăng trưởng lại là cầu nội địa, chủ yếu là đầu tư (trong đó vai trò của vốn đầu tư từ nước ngoài rất lớn) và tiêu dùng tư nhân; ngược lại khu vực kinh tế đối ngoại đã có đóng góp âm tới tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn này. Từ năm 1999 đến năm 2001, vai trò của khu vực kinh tế đối ngoại tăng lên rõ rệt trong khi vai trò của cầu nội địa (tiêu dùng và tích luỹ) giảm mạnh. Đáng tiếc là những thành tựu quan trọng về chuyển hướng phát triển đạt được trong 3 năm 1999-2001 không được duy trì trong những năm gần đây.
MỤC II: KHU VỰC TÀI CHÍNH, TIỀN TỆ CỦA NỀN KINH TẾ
          1) Lãi suất thực và đầu tư: Trong kinh tế thị trường, tiến triển của lãi suất thực được xem như một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tới đầu tư, từ đó thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế. Ở Việt Nam trước năm 1992, khi lãi suất thực thoát ly thực tế (cao quá hoặc thấp quá), thì tỷ lệ đầu tư trên GDP cực kỳ thấp. Ngược lại, từ năm 1992, khi lãi suất thực được đưa dần về mức phù hợp với một nền kinh tế đang chuyển đổi, tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư trên đã GDP tăng lên rất nhanh. Mặt khác, như đã phân tích trong phần trên, đầu tư là nhân tố quyết định tạo ra quá trình tăng trưởng trong thập kỷ 90 nên ở nước ta, bên cạnh nhiều nhân tố khác, lãi suất là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng gián tiếp với tăng trưởng.
2) Tăng trưởng tiền tệ, lạm phát và tăng trưởng GDP: Quan hệ giữa tăng trưởng tiền tệ và lạm phát được thể hiện khá rõ trong nền kinh tế nước ta thời kỳ cải cách; nhất là vào nửa cuối thập kỷ 80, khi những tỷ lệ lạm phát rất cao đi liền với những tốc độ tăng trưởng tiền tệ rất cao. Số liệu trước năm 1999 cho thấy lạm phát tiến triển gần như song song với tăng trưởng tiền tệ; điều này cho thấy có một quan hệ tỷ lệ thuận giữa hai chỉ tiêu này. Phân tích quan hệ nhân quả theo phương pháp Granger cho giai đoạn 1990-2004 cho thấy quan hệ hai chiều giữa tiền tệ và lạm phát đi từ tăng trưởng tiền tệ đến lạm phát hoặc từ lạm phát tới tăng trưởng tiền tệ đều rất mạnh trong đó đặc biệt là chiều đi từ tăng trưởng tiền tệ đến lạm phát. Như vậy, tăng trưởng tiền tệ có tác động mạnh tới tỷ lệ lạm phát.
          Lý thuyết và kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng tăng trưởng tiền tệ luôn luôn có quan hệ chặt chẽ với tăng trưởng kinh tế. Ở nước ta, tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa tiến triển xấp xỉ ngang nhau, tức là toàn bộ cung tiền tệ đã được chuyển thẳng vào tăng trưởng GDP cộng với tăng giá GDP theo đúng quan điểm của thuyết trọng tiền. Kiểm tra quan hệ nhân quả theo phương pháp Granger - Sim với chuỗi số liệu từ năm 1987 đến 2004 cho thấy tồn tại các mối quan hệ nhân quả hai chiều rất mạnh đi từ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP tính theo giá hiện hành) đến tăng trưởng tiền tệ và ngược lại.
Mặt khác, nhìn một khoảng dài kể từ nửa sau thập kỷ 80 đến nay thì có thể thấy một quan hệ âm giữa tăng trưởng và lạm phát ở Việt Nam. Quan hệ này được xác nhận là quan hệ nhân quả theo kiểm định Granger nhưng chỉ theo chiều từ tăng trưởng tới lạm phát chứ không có chiều ngược lại.
          3) Chính sách tài khoá và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm quá khứ ở nước ta cho thấy chính sách tài khoá có ảnh hưởng rất mạnh tới tăng trưởng kinh tế. Khi so sánh tiến triển của hai chỉ tiêu tỷ lệ thu và chi ngân sách trên GDP với tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm, chúng ta thấy tồn tại một quan hệ trực tiếp giữa ba chỉ tiêu này. Kiểm tra quan hệ nhân quả theo phương pháp Granger cho thấy có tồn tại quan hệ hai chiều giữa ba chỉ tiêu, tuy nhiên chiều từ tăng trưởng kinh tế đến hoạt động thu chi ngân sách mạnh hơn. Tăng trưởng kinh tế cao cho phép tăng tỷ lệ thu và chi ngân sách là hiện tượng phổ biến trong kinh tế thế giới và được giải thích cụ thể trong các lý thuyết kinh tế. Ngược lại giảm thuế và tăng chi tiêu ngân sách chính phủ thường kéo theo hiện tượng tăng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế với thời gian trễ khoảng 6 tháng đến 1 năm; tức là chính sách tài khoá có ảnh hưởng tích cực tới tăng trưởng kinh tế.
          4) Quan hệ tỷ giá, lạm phát và xuất nhập khẩu: Phân tích số liệu quá khứ cho thấy tỷ giá có ảnh hưởng mạnh tới cơ cấu giá tương đối và quan hệ giá trong nước và giá quốc tế, từ đó ảnh hưởng tới hoạt động ngoại thương và cán cân thanh toán quốc tế. Mặt khác. kinh nghiệm ở nước ta từ khi đổi mới cho thấy tồn tại một quan hệ đáng tin cậy giữa tỷ giá và tăng trưởng xuất khẩu. Khi tỷ giá thực lên giá mạnh, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thường giảm xuống; ngược lại khi tỷ giá thực bị phá giá, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu không kể dầu thô đã tăng lên ngay trong năm. Vai trò của tỷ giá tới xuất khẩu thời kỳ 1986-2004 được khảng định về mặt kinh tế lượng: Chiều quan hệ nhân quả đi từ phá giá tới tăng trưởng xuất khẩu rất mạnh. Ngòai ra, giữa tỷ giá thực và nhập khẩu cũng có quan hệ qua lại khá chặt.

CHƯƠNG II
CÁC PHƯƠNG TRÌNH CƠ BẢN CỦA MÔ HÌNH KINH TẾ LƯỢNG VĨ MÔ VMEM-2004 MÔ TẢ CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA NỀN KINH TẾ NƯỚC TA TRONG THỜI KỲ TỪ KHI BẮT ĐẦU CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI ĐẾN NAY (1986-2004)
MỤC 1: MÔ HÌNH KINH TẾ LƯỢNG LÝ THUYẾT VĨ MÔ MÔ TẢ HOẠT ĐỘNG TRUNG HẠN CỦA NỀN KINH TẾ QUỐC DÂN
          Mô hình VMEM-2004 gồm các khối lớn sau:
          - Khối thực để xác định các chỉ tiêu vĩ mô của khu vực thực;
          - Khối tài chính, tiền tệ và giá cả để xác định các chỉ tiêu của khu vực tài chính;
         - Khối ngoại thương để xác định các chỉ tiêu xuất nhập khẩu và quan hệ kinh tế quốc tế.
          Quan hệ giữa các khối cũng như giữa các biến trong từng phương trình của mô hình về cơ bản được xác định trên cơ sở những phân tích vĩ mô nêu trong chương I. Tuy nhiên những quan hệ vĩ mô trong chương I chỉ là những quan hệ đơn giữa hai biến kinh tế trong khi đối với cùng một hiện tượng kinh tế xảy ra, có thể còn nhiều biến khác tác động tới và giải thích quá trình diễn ra của nó. Do vậy, khi xây dựng các phương trình trong mô hình dưới đây, bên cạnh biến giải thích chính, sẽ có nhiều biến khác cũng được tham gia vào giải thích biến động của biến cần được giải thích trong mỗi phương trình.
          I- KHỐI THỰC
          1) Dân số vào lao động:
          (1) Dân số POPU được dự báo theo xu thế hình thành trong quá khứ. Phương trình được sử dụng trong mô hình VMEM-2004 như sau:
          POPU = f (POPU(-1))
(2) Cung lao động (số người trong độ tuổi lao động) LABOS được dự báo theo dân số:
LABOS = f (POPU, POPU(-1))
          (3) Cầu lao động toàn nền kinh tế LABOD:
Dự báo nhu cầu lao động của nền kinh tế quốc dân và của các ngành thường được xây dựng dựa trên 2 yếu tố: (i) Quy mô và cơ cấu của nền kinh tế theo phương án đã được dự báo và lựa chọn cho thời kỳ kế hoạch; (ii) Năng suất lao động và khả năng tăng năng suất lao động đã được dự báo và lựa chọn cho thời kỳ kế hoạch. Do vậy, phương trình kinh tế lượng cơ bản sẽ được sử dụng trong mô hình là:
          log (LABOD/GGDP) = a + b * t
trong đó t là biến thời gian, b là tham số với b < 0 phản ánh xu hướng tiết kiệm lao động. Xem thêm tên các biến trong phần phụ lục.
          (4) Cầu lao động khu vực công nghiệp và xây dựng LABIN: Phương pháp dự báo nhu cầu lao động của khu vực công nghiệp và xây dựng cũng tương tự như đối với toàn nền kinh tế; cụ thể phương trình sử dụng như sau:
          log (LABIN/GGDPIN) = a + b * t
trong đó b < 0.
          (5) Cầu lao động khu vực dịch vụ LABSE:
          log (LABSE/GGDPSE) = a + b * t
trong đó b < 0.
          (6) Cầu lao động khu vực nông nghiệp LABAG:
          Do sức ép giải quyết việc làm cho xã hội rất lớn nên khu vực nông nghiệp tiếp tục phải chịu giải quyết việc làm cho những người trong độ tuổi lao động nhưng các khu vực công nghiệp và dịch vụ không thể sử dụng được. Điều này xuất phát từ đặc điểm cơ bản của khu vực nông nghiệp là lao động giản đơn, trình độ kỹ thuật rất thấp, nhu cầu đầu tư giải quyết việc làm cho 1 đơn vị lao động thấp... Do vậy, sau khi xác định được nhu cầu sử dụng lao động của  các khu vực công nghiệp và dịch vụ, có thể xác định được số lao động mà khu vực nông nghiệp phải giải quyết việc làm như sau:
          LABAG = LABOD - LABIN - LABSE
          (7) Số người trong độ tuổi lao động nhưng chưa có việc làm UNLAB:
          UNLAB = LABOS  - LABOD
          (8) Tỷ lệ chưa có việc làm so với nguồn lao động UNRAT:
          UNRAT  =  UNLAB *100 / LABOS
          2) Đầu tư phát triển:
          2.1) Tín dụng cho nền kinh tế:
(9) Tổng vốn tín dụng nội địa CREDO:
          Kết hợp hai cách tiếp cận cung và cầu trong mô hình hỗn hợp, chúng tôi đã lựa chọn phương trình tín dụng cho nền kinh tế nước ta như sau:
          CREDO = f (GDP, PRICE, CAMOBI)
          (10) Tín dụng cho khu vực Nhà nước CREPU:
          CREPU = alfa * CREDO
trong đó alfa là tỷ trong vốn tín dụng dành cho khu vực ngoài quốc doanh. Việc sử dụng hệ số alfa trong phương trình trên sẽ cho phép đánh giá hiệu quả của chính sách can thiệp thông qua tín dụng ngân hàng cũng như ảnh hưởng của việc thay đổi cơ cấu tín dụng giữa các thành phần kinh tế tới các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.
          (11) Tín dụng cho khu vực ngoài quốc doanh CREPRI:
          Tín dụng ngân hàng cho khu vực ngoài quốc doanh được xác định là phần còn lại sau khi đã bố trí cho khu vực nhà nước:
          CREPRI = (1-alfa) * CREDO
          2.2) Hình thành vốn đầu tư:
          (12) Tổng vốn đầu tư toàn nền kinh tế (đầu tư xã hội, giá cố định) INVES theo mô hình cung thường được xác định từ các nhân tố hình thành nên nó. Phương trình xác định tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn nền kinh tế như sau:
          INVES = f (CREDO / PRICE, ACCUM, INTOUT)
          (13) Đầu tư của khu vực tư nhân IP: Kết hợp với phân tích 2 mặt cung và cầu nêu trên, phương trình đầu tư dự kiến như sau:
          IP = f (GDP, INTOUT, CREPRI, IP(-1))
          (14) Đầu tư của Nhà nước IG:
          Ở nước ta, đầu tư nhà nước phụ thuộc rất lớn vào chi ngân sách của chính phủ cho đầu tư. Do vậy, chúng tôi sử dụng phương trình sau để dự báo:
          IG = f (INVGO/PRICE, INTEOUT, CREPU/PRICE)
          (15) Đầu tư của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDICU:
Trong mô hình này, chúng ta sẽ xác định nhu cầu vốn đầu tư của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để có chính sách huy động:
          FDI = INVES - IP - IG
          2.3) Sử dụng vốn đầu tư:
          Vốn đầu tư được sử dụng cho các khu vực được xác định theo cơ cấu, thể hiện khả năng can thiệp của chính phủ vào bố trí cơ cấu đầu tư toàn nền kinh tê do đầu tư chính phủ thường chiếm tới 55-60% tổng vốn đầu tư toàn nền kinh tế. Cụ thể đầu tư của các khu vực được xác định như sau:
          (16) Vốn đầu tư cho khu vực nông nghiệp:
          IAG = alfa1 * INVES
          (17) Vốn đầu tư cho khu vực công nghiệp:
          IIN = alfa2 * INVES
          (18) Vốn đầu tư cho khu vực dịch vụ:
          ISE = alfa3 * INVES  = INVES  -  IAG  - IIN
          3) Sản xuất:
          (19) Giá trị gia tăng của sản xuất công nghiệp GDPIN:
          Theo kinh nghiệm thế giới đối với mô hình cung trong điều kiện số liệu về tài sản cố định chưa thu thập được, chỉ tiêu tổng cộng dồn vốn đầu tư cho các khu vực kinh tế từ năm bắt đầu có số liệu quan sát đến năm tính toán thường được chọn để đại diện cho chỉ tiêu tài sản cố định. Vận dụng vào điều kiện Việt Nam, chúng ta có phương trình lựa chọn sau đối với khu vực công nghiệp:
          GDPIN = f (LABIN, TIIN, IMUS)
          (20) Giá trị gia tăng của khu vực dịch vụ GDPSE:
          Tương tự như đối với công nghiệp, giá trị gia tăng của khu vực dịch vụ phụ thuộc vào vốn đầu tư và lao động làm việc trong khu vực này. Ngoài ra trong một số thời kỳ, nhân tố tieu dùng cũng ảnh hưởng mạnh tới sản xuất của khu vực dịch vụ. Do vậy, chúng ta sử dụng phương trình:
          GDPSE = f (LABSE, TISE, GDP)
          (21) Giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp GDPAG:
          Giá trị gia tăng của khu vực nông nghiệp cũng được tính toán từ vốn và lao động. Tuy nhiên, có nhiều khả năng là khu vực này bị ép phải sử dụng lực lượng dư thừa của nền kinh tế nên nhân tố lao động không đóng vai trò quan trọng. Một chỉ tiêu quan trọng khác thường ảnh hưởng đến kết quả sản xuất nông nghiệp là thời tiết, ví dụ như lượng mưa trong năm. Phương trình như sau:
          GDPAG = f(LABAG, TIAG, RAIN)
trong đó tại năm t, TIAG là tổng vốn đầu tư cho khu vực nông nghiệp từ khi bắt đầu đổi mới đến năm t; RAIN là chỉ số phản ánh lượng mưa trong năm.
          (22) Tổng sản phẩm trong nước theo giá so sánh GDP:
          Tổng sản phẩm theo giá so sánh (cố định) được xác định bằng tổng của tổng giá trị gia tăng của tất cả các khu vực trong nền kinh tế:
          GDP = GDPIN + GDPAG + GDPSE
          (23) Tốc độ tăng trưởng kinh tế (tăng trưởng GDP) so với cùng kỳ năm trước GGDP:
GGDP = (GDP / GDP(-1) -1) * 100
          4) Tiêu dùng cuối cùng:
          (24) Tiêu dùng cuối cùng cá nhân: Trong các mô hình kinh tế lượng vĩ mô ở các nước đang phát triển, do việc xác định chỉ tiêu thu nhập sẵn có của khu vực cá nhân rất khó khăn nên người ta thay thế chỉ tiêu này bằng chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước với hàm ý rằng thu nhập sẵn có của khu vực cá nhân có quan hệ tỷ lệ thuận với tổng sản phẩm trong nước. Do đó, chúng ta sử dụng phương trình sau để dự báo:
          CONPRI = f (GDP - REVGO/PRICE*100; CONPRI(-1))
          (25) Tổng quỹ tiêu dùng cuối cùng: Vì tiêu dùng chính phủ là biến ngoại sinh, quỹ tiêu dùng cuối cùng toàn xã hội sẽ được xác định trực tiếp từ tính tổng tiêu dùng cuối cùng cá nhân và tiêu dùng cuối cùng  của chính phủ:
          CONSO = CONPRI + CONGO
          5) Các cân bằng vĩ mô:
5.1) Cân bằng về mặt hiện vật (cân bằng theo giá cố định):
          (26) Quỹ tích luỹ ACCUM:
Cân bằng theo giá cố định là cân bằng nguồn - sử dụng tổng sản phẩm quốc dân theo phương trình cân bằng tổng quát:
          GDP + IMCON = ACCUM + CONSO + EXCON
          Từ các phương trình trong các khối trên, chúng ta đã xác định được các chỉ tiêu GDP, CONSO; mặt khác trong các khối xuất nhập khẩu phía sau, chúng ta sẽ xác định được IMCON và EXCON. Do vậy, phương trình cân bằng theo giá cố định thực chất là phương trình xác định quỹ tích luỹ:
          ACCUM  = (GDP + IMCON)  - (CONSO + EXCON) - SAI
5.2) Cân bằng về mặt giá trị (cân bằng theo giá hiện hành):
Cân bằng về mặt giá trị bao gồm tính toán các chỉ tiêu trong phương trình cân bằng tổng quát theo giá hiện hành và đảm bảo cân bằng tổng quát theo giá hiện hành. Theo cân đối tài khoản quốc gia, phương trình cân bằng tổng quát theo giá hiện hành là:
          GDPCU + IMCU  =   CONCU + ACCU + EXCU
 Các chỉ tiêu này đều được tính theo giá hiện hành. Phương trình trên phản ánh điều kiện cân bằng trên thị trường: Tổng cung hàng hoá và dịch vụ do nền kinh tế sản xuất ra phải cân đối với tổng cầu. Dưới đây sẽ lần lượt xác định các thành phần trong phương trình trên.
(27) Tổng sản phẩm trong nước theo giá hiện hành GDPCU:
Tổng sản phẩm theo giá hiện hành được xác định bằng cách nhân tổng sản phẩm theo giá so sánh với chỉ số giá GDP (GDP deflator):
          GDPCU = GDP * PGDP / 100
          (28) Tiêu dùng xã hội theo giá hiện hành CONCU:
          Tiêu dùng xã hội theo giá hiện hành được tính bằng cách nhân tiêu dùng xã hội theo giá cố định với chỉ số giá tiêu dùng xã hội:
          CONCU = CONSO * PCONSO / 100
          (29) Tích luỹ xã hội theo giá hiện hành ACCU:
          Tích luỹ toàn xã hội theo giá hiện hành được tính bằng cách nhân tích luỹ theo giá cố định với chỉ số giá tích luỹ; phương trình như sau:
          ACCU = ACCUM * PACCUM / 100
          (30) Xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ theo giá hiện hành EXCU:
          Xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ theo giá hiện hành được tính bằng cách nhân xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ theo giá cố định với chỉ số giá xuất tương ứng; phương trình như sau:
          EXCU = EXCON * PEXCON / 100
          (31) Nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ theo giá hiện hành IMCU:
          Nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ theo giá hiện hành được tính bằng cách nhân nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ theo giá cố định với chỉ số giá nhập tương ứng; phương trình như sau:
          IMCU = IMCON * PIMCON / 100
          (32) Phương trình cân đối chung
          Do tất cả các biến trong phương trình cân bằng tổng quát theo giá hiện hành đã được xác định nên cân đối chung là tính sai số theo giá hiện hành:
          SAICU = (GDPCU + IMCU) - (CONCU + ACCU + EXCU)
          II- KHỐI GIÁ TRỊ (TÀI CHÍNH, TIỀN TỆ, GIÁ CẢ):
          1) Tài chính công (thu chi ngân sách):
(33) Thu nội địa REVDO: Thông thường thu nội địa được xác định căn cứ vào kết quả sản xuất trong nước, được thể hiện qua một số chỉ tiêu như tổng sản phẩm trong nước, tổng thu nhập quốc gia... Để phù hợp với điều kiện nước ta, chúng ta sẽ coi tổng sản phẩm trong nước là cơ sở thu thuế nội theo như nhận định của hầu hết các lý thuyết kinh tế. Khi đó, tổng thu nội địa là hàm số của tổng sản phẩm trong nước, tức là:
          REVDO = f (GDPCU)
(34) Thu từ thuế xuất nhập khẩu REXIM: Cơ sở thu thuế xuất nhập khẩu thường là giá trị và khối lượng xuất nhập khẩu tính bằng tiền quốc gia. Căn cứ vào tình hình nước ta, chúng tôi ước lượng thuế ngoại thương theo giá trị nhập khẩu tính theo nội tệ, cụ thể là:
REXIM = f (IMCU)
(35) Thu từ dầu thô ROIL: Cơ sở thu ngân sách từ dầu thô là đơn giá và khối lượng xuất khẩu dầu thô. Phương trình xác định thu ngân sách từ dầu thô như sau:
ROIL = f (TOIL * OILVO * POILUS * NER / 1000)
          Tuy nhiên, do việc tính toán các mức thuế suất trung bình đối với xuất khẩu dầu thô qua các năm gặp nhiều khó khăn nên trong phạm vi đề tài này, chúng ta chỉ xem xét ảnh hưởng của 3 biến cuối trong phương trình tới thu ngân sách từ dầu thô, phương trình cụ thể như sau:
ROIL = f (OILVO * POILUS * NER / 1000)
          (36) Tổng thu ngân sách REVGO:
Tổng thu ngân sách là tổng của bốn thành phần thu ngân sách gồm thu nội địa, thu từ thuế xuất nhập khẩu, thu từ dầu thô và thu từ viện trợ không hoàn lại. Vì thu từ viện trợ không hoàn lại chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng thu ngân sách (dưới 2%) nên có thể coi là biến ngoại sinh. Do vậy, tổng thu ngân sách được xác định như sau:
REVGO = REVDO + REXIM + ROIL + ROTH
          (37) Tổng chi ngân sách nhà nước EXPGO: Nếu như thu ngân sách phụ thuộc rất mạnh vào kết quả sản xuất kinh doanh của nền kinh tế thì chi ngân sách có độ độc lập tương đối cao; tức là chi ngân sách phụ thuộc nhiều vào ý muốn chủ quan của các chính phủ. Tính độc lập tương đối của tổng ngân sách Nhà nước so với kết quả sản xuất được xuất phát từ nhiều nhân tố chủ quan của Chính phủ trong mỗi thời kỳ, trong đó đáng kể nhất là chi cho đầu tư phát triển, chi quốc phòng an ninh, chi điều chỉnh tiền lương... Ngoài những khoản chi ngân sách nêu trên, còn có những khoản chi khác mà chính phủ không có quyền hoặc rất khó can thiệp, ví dụ như những khoản chi đã được ghi trong Luật Ngân sách hoặc những cam kết đã có, như chi phí cho y tế, giáo dục, người về hưu, trả nợ trong nước và nước ngoài... Chi trả nợ nước ngoài có liên quan chặt chẽ tới cán cân thanh toán quốc tế và vay nợ trong quá khứ; thông thường, các chính phủ đều biết tổng số nợ đến hạn phải trả và số lãi kèm theo, do đó số chi ngân sách cho trả nợ nước ngoài coi như đã được xác định. Tình hình tương tự đối với trả nợ trong nước. Tính độc lập tương đối của tổng ngân sách Nhà nước còn được thể hiện ở việc các chính phủ chấp nhận những mức, tỷ lệ thâm hụt ngân sách nào đó để bù đắp cho những khoản chi bắt buộc trong điều kiện thu ngân sách có hạn. Ở nước ta, trong những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân khách quan, nhất là kinh tế thế giới và trong nước gặp khó khăn, chính phủ đã chủ động ấn định những tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP cao và dùng toàn bộ số thâm hụt này để đầu tư phát triển và hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế. Như vậy, nếu như tổng thu ngân sách được xác định căn cứ vào kết quả sản xuất thì tổng chi ngân sách được xác định theo quan hệ sau:
          EXPGO = REVGO + DEFBU
          (38) Chi ngân sách thường xuyên EXPPM:
          Theo kinh nghiệm của các mô hình kinh tế lượng đã có, quan hệ giữa chi thường xuyên và tổng thu ngân sách nói chung đã diễn ra khá chặt. Do đó phương trình xác định chi ngân sách thường xuyên trong mô hình lý thuyết như sau:
          EXPPM = f (REVGO)
          (39) Chi ngân sách cho đầu tư phát triển INVGO:
          Ngược với chi ngân sách thường xuyên, chi ngân sách cho đầu tư phát triển phụ thuộc vào mục tiêu phát triển kinh tế của chính phủ trong mỗi thời kỳ. Ở nước ta, như đã nói ở trên, trong những năm gần đây, chính phủ đã chủ động ấn định những tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP cao và dùng toàn bộ số thâm hụt này để đầu tư phát triển và hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế. Vì vậy, nếu gọi DEFRA là tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP thì tổng giá trị thâm hụt ngân sách được tính theo công thức:
          DEFBU = DEFRA * GDPCU
          Khi đó chi ngân sách cho đầu tư phát triển được xác định như sau:
          INVGO = EXPGO - (EXPPM + PAYIN)
          2) Tiền tệ:
(40) Tổng cầu tiền tệ M2: Phương trình xác định tổng cung tiền tệ như sau:
          M2 = f(CREDO, DEFBU, RESDONG, INTEOUT)
trong đó RESDONG là cung tiền Việt để mua ngoại tệ.
3) Giá cả
          (41) Tốc độ tăng giá tiêu dùng (tỷ lệ lạm phát) INFLA:
          Trong thực tế, lạm phát ở một nước đang phát triển như nước ta có thể xảy ra do sự tồn tại đồng thời của nhiều nhân tố cung, cầu, cơ cấu, tiền tệ... mà việc phân tích trực quan khó có thể cho những nguyên nhân chính xác. Do đó, kinh nghiệm thực tế cho thấy nên đưa tất cả các biến của các mô hình có khả năng nhất vào cùng một mô hình gộp và ước lượng; từ đó lựa chọn những biến có khả năng giải thích tốt nhất hiện tượng lạm phát. Đối với mô hình VMEM-2004, phương trình xác định lạm phát được dự kiến như sau:
INFLA = f (GM2, DEVAL, INPIM, GRESA, GGDP, INTIN, DEFRA)
          (42) Chỉ số giá tiêu dùng
          Khi đã xác định được tỷ lệ lạm phát INFLA, chỉ số giá tiêu dùng phản ánh mặt bằng giá so với một năm gốc, sẽ được tính theo công thức:
          PRICE = PRICE(-1) * (100 + INFLA) / 100
          (43) Lạm phát giá GDP (GDP deflator) PGDP:
          PGDP = f(PRICE, EXRAT, PIM, GGDP(-1))
          (44) Chỉ số giá quỹ tiêu dùng tư nhân PCONPRI:
          PCONPRI = f (PRICE)
          (45) Chỉ số giá quỹ tiêu dùng nhà nước PCONGO:
          PCONGO = f (PRICE)
          (46) Chỉ số giá quỹ tích luỹ PACCUM:
          PACCUM = f (PRICE)
III- KHỐI XUẤT NHẬP KHẨU:
(48) Xuất khẩu khu vực nông nghiệp EXAG:
Kim ngạch xuất khẩu của khu vực nông nghiệp EXAG được xác định chủ yếu căn cứ vào nguồn cung trong nước vì thị trường xuất khẩu hàng nông sản thường không bị hạn chế do đặc điểm của loại hàng hoá này. Các nhân tố chính ảnh hưởng tới xuất khẩu nông sản là kết quả sản xuất nông nghiệp, nhập khẩu vật tư đầu vào phục vụ sản xuất, khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu thông qua biến động giá tương đối. Phương trình xác định xuất khẩu nông sản như sau:
          EXAG = f (EXRAT*PEX/PRICE, IMUS, GDPAG)
(49) Xuất khẩu khu vực công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp EXLIN:
Khác với khu vực nông nghiệp, xuất khẩu khu vực công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào thị trường quốc tế, điều này càng đúng trong trường hợp nước ta. Do vậy những nhân tố chính xác định kim ngạch xuất khẩu của khu vực này đều là nhân tố cầu, gồm tăng trưởng kinh tế của các nước bạn hàng, cạnh tranh về giá và tỷ giá, xuất khẩu năm trước... Phương trình dự kiến như sau:
EXLIN =  f (QE, EXRAT*PEX/PRICE, EXLIN(-1))
(50) Xuất khẩu khu vực công nghiệp nặng và khoáng sản EXHIN:
Tương tự như đối với xuất khẩu nông sản, xuất khẩu hàng công nghiệp nặng và khoáng sản phụ thuộc ít vào thị trường nước ngoài mà chủ yếu vào khả năng cung của ngành công nghiệp nặng và khai thác khoáng trong nước và vào cạnh tranh qua giá cả. Đó là do xuất khẩu dầu mỏ chiếm tỷ trọng chủ yếu trong kim ngạch xuất khẩu của khu vực này. Do vậy, dự kiến phương trình xác định xuất khẩu hàng công nghiệp nặng và khoáng sản như sau:
EXHIN =  f (EXRAT*PEX/PRICE, GDPIN)
(51) Tổng xuất khẩu toàn nền kinh tế tính theo đô la Mỹ EXCON:
Xuất khẩu toàn nền kinh tế là tổng xuất khẩu của cả 3 khu vực nêu trên, do đó được xác định theo phương trình kế toán sau:
EXUS = EXAG + EXLIN + EXHIN
(52) Xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ tính theo nội tệ, giá cố định EXCON:
Theo kinh nghiệm của các mô hình trước, chúng tôi xây dựng một phương trình chuyển đổi như sau:
          EXCON = f (EXUS * NER/10/PRICE)
          (53) Nhập khẩu:
          Theo lý thuyết kinh tế, các biến chính giải thích tiến triển của khối lượng nhập khẩu hàng hoá (và dịch vụ) của một nước là mức độ cầu của nước nhập khẩu, thể hiện ở mức độ hoạt động kinh tế hay thu nhập, và mức độ giá tương đối, tức là quan hệ giữa giá trong nước và giá quốc tế. Vì vậy, kết hợp các lý thuyết cung và cầu, có thể sử dụng phương trình lý thuyết chung nêu trên làm phương trình xác định nhập khẩu của nước ta, cụ thể như sau:
          IMUS = f(EXUS, CONSO+ACCUM, EXRAT*PIM/PRICE)
(54) Nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ tính theo nội tệ, giá cố định IMCON
IMCON = f (IMUS*NER/10/PRICE)
Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét