NGUY CƠ TĂNG TRƯỞNG CHẬM DẦN
NHÌN TỪ GÓC ĐỘ NGUỒN NHÂN LỰC
Lý thuyết và kinh nghiệm thực tế tại các nước đang phát triển đều khảng định vai trò to lớn của nguồn nhân lực trong quá trình đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế và công nghiệp hoá. Trong giai đoạn đầu phát triển, khi nguồn vốn còn khan hiếm, nguồn nhân lực thường đóng vai trò rất quan trọng, như là một nhân tố tăng trưởng theo chiều rộng chủ yếu của nền kinh tế. Trong giai đoạn phát triển cao hơn, vai trò của vốn đầu tư tăng lên nhưng không vì thế mà vị trí của nguồn nhân lực bị xem nhẹ vì nó trở thành nhân tố cơ bản tạo ra công nghệ và kỹ thuật mới làm tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Đặc biệt, trong giai đoạn phát triển cao như giai đoạn hiện nay và những năm tới đây, khi hội nhập kinh tế thế giới phát triển mạnh và khoa học kỹ thuật và công nghệ thực sự trở thành động lực chủ yếu của quá trình tăng trưởng và công nghiệp hoá ở mọi nước trên thế giới thì vai trò nhân tố tăng trưởng theo chiều sâu của nguồn nhân lực lại càng cực kỳ quan trọng.
Theo tổng thuật các nghiên cứu của Crafts (1998) và Felipe (1999), tại các nền kinh tế đang phát triển chủ chốt ở Đông á giai đoạn 1960-1994, trong khi vốn tạo ra 47,8% tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thì nguồn nhân lực tạo ra 52,2% tỷ lệ tăng trưởng này, trong đó lao động cơ bắp tạo ra 31,7% và lao động trí tuệ tạo ra 20,5%[1]. Ở các nước công nghiệp, vai trò của nguồn nhân lực còn quan trọng hơn; cũng theo nghiên cứu tổng thuật trên, ngay trong giai đoạn 1950-1973, vốn đầu tư chỉ tạo ra 35,8% tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trong khi nguồn nhân lực đã tạo ra 64,2% tỷ lệ tăng trưởng này, trong đó lao động cơ bắp tạo ra 13,1% và lao động trí tuệ tạo ra 51,1%. Ngân hàng Thế giới trong báo cáo thường niên cũng công nhận vai trò to lớn của nguồn nhân lực đối với quá trình phát triển kinh tế[2]. Thực tế cho thấy, hiện nay, trái với truyền thống trong quá khứ, người giầu nhất thế giới Bill Gates và những đồng sự thân cận nhất của ông lại không sở hữu giá trị vật chất, đất đai, vàng bạc, nhà xưởng, dầu mỏ hay quân đội... Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, những người giầu nhất hành tinh chỉ sở hữu duy nhất có tri thức, tức là nguồn vốn con người.
Vai trò quan trọng của nguồn nhân lực đối với tăng trưởng kinh tế nước ta
Ở nước ta, tình hình cũng không phải là ngoại lệ. Các số liệu tăng trưởng kinh tế và sử dụng lao động từ khi đổi mới đến nay đã khảng định nguồn nhân lực có ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước. Trong những năm nền kinh tế nước ta tăng trưởng nhanh 1991-1995, tốc độ tăng trưởng việc làm trong nền kinh tế quốc dân và tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn cũng tăng nhanh trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đã giảm khá mạnh. Ngược lại, từ năm 1996 đến 1999, khi tỷ lệ tăng trưởng kinh tế chậm lại, tốc độ tăng trưởng việc làm trong nền kinh tế quốc dân và tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lại giảm xuống trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đã tăng lên[3]. Từ năm 2000 đến nay, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế có xu hướng tăng dần, từ 4,77% năm 1999 lên 6,79% năm 2000, 6,84% năm 2001 và ước đạt 7% năm 2002, tương ứng với nó là tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm từ 7,4% năm 1999 xuống còn 6,44% năm 2000, 6,28% năm 2001 và ước 6% năm 2002. Đồ thị dưới đây minh hoạ quan hệ tỷ lệ nghịch giữa tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp thành thị trong hơn 1 thập kỷ qua.
Đồ thị 1: Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp thành thị (%)
Có thể nói, đã tồn tạo một quan hệ khá chặt giữa tăng trưởng kinh tế và sử dụng nguồn nhân lực trong nền kinh tế nước ta từ năm 1989 đến nay. Rõ ràng ở nước ta, khi nền kinh tế tăng trưởng nhanh, nhu cầu sử dụng lao động tăng lên và qua đó lao động đã đóng góp tích cực vào quá trình tăng trưởng kinh tế đất nước. Vì quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và sử dụng lao động, vốn đầu tư, đất đai và các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có ở nước ta trong thời gian qua khá chặt nên có thể khảng định quá trình phát triển kinh tế nước ta đã chủ yếu dựa trên các nhân tố tăng trưởng theo chiều rộng.
Tình hình tương tự nếu phân tích quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và sử dụng lao động trong các khu vực kinh tế. Trong khu vực nông lâm ngư nghiệp, đồ thị dưới đây cho thấy trong suốt thập kỷ 90, tỷ lệ tăng trưởng giá trị gia tăng của khu vực này (GDP, trục trái) biến động gắn liền với tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn (trục phải); khi tỷ lệ sử dụng thời gian lao động tăng lên thì tỷ lệ tăng trưởng giá trị gia tăng của nông nghiệp cũng tăng lên và ngược lại; khi tỷ lệ sử dụng thời gian lao động giảm xuống thì tỷ lệ tăng trưởng giá trị gia tăng của nông nghiệp cũng giảm xuống.
Đồ thị 2: Quan hệ giữa tỷ lệ tăng trưởng nông nghiệp và tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn
Tuy nhiên, đồ thị cũng cho thấy chênh lệch giữa hai tỷ lệ này có xu hướng tăng lên. Nếu như trong giai đoạn 1991-1995, hai đường biểu diễn trên hầu như trùng nhau thì trong giai đoạn sau, 1996-1999, tương quan giữa hai chỉ tiêu rất chặt, nhưng khoảng cách giữa hai đường đã tăng lên đáng kể. Đặc biệt, từ năm 2000 đến nay, khoảng cách này ngày càng mạnh; thậm chí đã xuất hiện một xu hướng mới là tỷ lệ sử dụng thời gian lao động tiếp tục tăng nhanh nhưng tỷ lệ tăng trưởng giá trị gia tăng nông nghiệp đã tăng chậm lại.
Để giải thích hiện tượng mới xuất hiện gần đây, chúng ta hãy nhìn tiếp đường thứ 3 trên đồ thị 2. Rõ ràng tỷ lệ tăng trưởng lực lượng lao động sử dụng trong nông nghiệp (trục trái) đã liên tục giảm đi trong suốt giai đoạn cải cách từ năm 1990 đến nay. Điều này có nghĩa là mặc dù tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn liên tục tăng lên trong những năm gần đây, nhưng tỷ lệ tăng trưởng giá trị gia tăng nông nghiệp đã giảm mạnh do tốc độ tăng trưởng nguồn nhân lực tăng lên không tương xứng để đảm bảo duy trì tỷ lệ tăng trưởng nông nghiệp theo cơ chế tăng trưởng theo chiều rộng. Đồ thị cho thấy trong giai đoạn đầu, việc suy giảm tỷ lệ tăng trưởng nguồn nhân lực cho nông nghiệp chưa ảnh hưởng lớn đến sản xuất, nhưng quá trình suy giảm càng kéo dài thì ảnh hưởng của nó càng mạnh.
Trong khu vực công nghiệp và dịch vụ, tình hình cũng diễn ra tương tự. Như vậy, có thể nói tăng trưởng kinh tế nước ta gắn liền với tăng trưởng nguồn nhân lực, bao gồm số lượng lao động và thời gian sử dụng lao động. Điều này cũng có nghĩa là tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng; vai trò của các yếu tố tăng trưởng theo chiều sâu rất thấp.
Tuy nhiên hiệu quả sử dụng lực lượng lao động đang thấp kém
Để đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực nước ta, ở đây chúng tôi dùng hệ số ILOR (incremental labor - output ratio) tương tự như hệ số ICOR đối với vốn đầu tư. Hệ số này được tính theo công thức:
ILOR = (Lt - Lt-1) / (GDPt - GDPt-1)
trong đó Lt là lao động năm t; GDPt là tổng sản phẩm trong nước năm t, được tính theo giá cố định 1994. Hệ số ILOR theo định nghĩa trên sẽ là số lượng lao động cần tăng thêm để tạo ra thêm 1 triệu đồng tổng sản phẩm trong nước GDP. Đồ thị dưới đây minh hoạ kết quả tính toán.
Đồ thị 3: Hệ số lao động - sản phẩm ILOR
Theo kết quả nêu trong đồ thị, hệ số ILOR của ta có xu hướng giảm dần, tức là để làm tăng thêm 1 đơn vị GDP, lượng lao động bổ sung cần thấp hơn so với trước. Ví dụ nếu như trong các năm 1992-1993, để GDP tăng thêm 1 triệu đồng, cần phải sử dụng tăng thêm khoảng 59 lao động thì hiện nay chỉ cần tăng thêm khoảng 36 lao động. Như vậy, nhờ nhiều nhân tố khác nhau, trong thời kỳ đổi mới, nền kinh tế đã sử dụng lao động có hiệu quả hơn trong quá trình sản xuất.
Tuy nhiên, đồ thị trên cũng cho thấy hiệu quả lao động đã tăng lên rõ rệt trong giai đoạn 1991-1996, nhưng lại giảm mạnh trong ba năm 1997-1999 và chỉ tăng trở lại trong các năm 2000-2002. Hiệu quả sử dụng lao động bình quân 3 năm 2000-2002 chỉ cao hơn chút ít so với trung bình của ba năm 1995-1997, tức là không có tiến bộ đáng kể. Đáng nói thêm là cũng trong khoảng thời gian trên, đã có một lượng vốn đầu tư rất lớn đổ vào nền kinh tế để tăng cường tiềm lực vật chất, khoa học và công nghệ... nhằm làm tăng nhanh năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Mặt khác, hiệu quả sử dụng lao động ở nước ta đến nay vẫn rất thấp so với các nước trên thế giới. Nếu quy đổi ra ngoại tệ (tỷ giá 1 USD = 11045 đồng VN năm 1994, theo TCTK) thì 36 lao động tăng thêm trong năm 2002 chỉ làm GDP tăng khoảng 90 USD hay 1 lao động tăng thêm chỉ làm GDP tăng thêm 2,5 USD, một mức rất thấp so với thế giới. Trong công nghiệp, bảng dưới cho thấy năng suất lao động của Việt Nam năm 1997 trong ngành chế biến thực phẩm chỉ bằng 70% của Trung quốc, 51% của Inđônêxia, 11,4% của Malaixia, 4,2% của Hàn quốc và 6,4% của Đài loan. Trong những năm gần đây, trong khi hiệu quả sử dụng lao động và sức cạnh tranh của các nước trong khu vực tăng lên đáng kể nhờ phá giá cao và cơ cấu lại nền kinh tế thì tình hình diễn ra ở nước ta có xu hướng ngược lại.
Bảng 1: Năng suất lao động tính theo giá trị gia tăng, ngành chế biến thực phẩm (giá cố định) USD / người
Năm
|
Việt Nam
|
Trung quốc
|
Inđônêxia
|
Malaixia
|
Hàn quốc
|
Đài loan
|
1992
|
590
|
1550
|
5670
|
14750
|
43560
|
31010
|
1993
|
920
|
3280
|
5560
|
15390
|
47770
|
30240
|
1994
|
1290
|
2460
|
4550
|
16640
|
50820
|
30130
|
1995
|
1710
|
2230
|
4940
|
18230
|
60290
|
31430
|
1996
|
2150
|
2890
|
5500
|
19300
|
60580
|
34530
|
1997
|
2250
|
3200
|
4400
|
19740
|
53990
|
35090
|
Và đóng góp của nhân tố chất lượng lao động trong tăng trưởng còn rất khiêm tốn
Ngoài phương pháp phân tích truyền thống nêu trên, có thể phân tích đóng góp của lao động theo chiều rộng và theo chiều sâu tới quá trình tăng trưởng kinh tế theo tiếp cận kế toán. Tiếp cận này xuất phát từ phương trình:
GDP = LLLĐ * TGLĐ * NSLĐ (1)
trong đó LLLĐ là lực lượng lao động (nghìn người); TGLĐ là tỷ lệ thời gian sử dụng lao động; NSLĐ là năng suất lao động (triệu đồng GDP / 1 lao động). Để thuận lợi cho việc phân tích, chúng ta tập trung xem xét vai trò của các nhân tố trên trong khu vực nông nghiệp. Các số liệu được trình bày trong bảng dưới đây:
Bảng 2: Các chỉ tiêu phản ảnh vai trò của lao động trong nông nghiệp
Giá trị gia tăng NN (tỷ đồng, giá 94)
|
Số lao động NN (nghìn người)
|
Tỷ lệ sử dụng thời gian lao động (%)
|
Năng suất lao động (nghìn đ/người)
| |
1990
|
42003
|
21476.3
| ||
1991
|
42917
|
21907.6
|
63.91
|
3065.4
|
1992
|
45869
|
22339.9
|
68.89
|
2980.5
|
1993
|
47373
|
22756
|
66.04
|
3152.4
|
1994
|
48968
|
23155.3
|
66.07
|
3200.8
|
1995
|
51319
|
23534.9
|
70.17
|
3107.5
|
1996
|
53577
|
23874.8
|
72.11
|
3112.0
|
1997
|
55895
|
24196.4
|
71.36
|
3237.2
|
1998
|
57866
|
24504.4
|
71.13
|
3319.9
|
1999
|
60895
|
24792.2
|
73.49
|
3342.2
|
2000
|
63717
|
25045.4
|
73.86
|
3444.4
|
2001
|
65497
|
25275.82
|
74.37
|
3484.3
|
2002
|
67698
|
25479.29
|
75.6
|
3514.5
|
Nguồn: Niên giám thống kê 2001 (số 1996-2001), và các báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH.
Số liệu cho thấy tốc độ tăng trưởng năng suất lao động (nhân tố tăng trưởng theo chiều sâu) trong nông nghiệp tăng rất chậm so với tốc độ tăng trưởng nguồn lao động và tỷ lệ sử dụng thời gian lao động (các nhân tố tăng trưởng theo chiều rộng). Từ năm 1991 đến 2002, trong khi nguồn lao động tăng thêm 1,16 lần; tỷ lệ sử dụng thời gian lao động tăng thêm 1,18 lần thì năng suất lao động nông nghiệp chỉ tăng thêm 1,146 lần, thấp nhất trong ba nhân tố. Hơn nữa, năng suất lao động trong nông nghiệp chỉ tăng nhanh trong những năm gần đây, khi tốc độ tăng trưởng lao động nông nghiệp chậm lại.
Gọi RGDP là tỷ lệ tăng trưởng trung bình của GDP trong thời kỳ cải cách 1991-2002; RLĐ, RTG và RNS lần lượt là tỷ lệ tăng trưởng trung bình của lực lượng lao động, thời gian sử dụng lao động và năng suất lao động. Khi đó, chúng ta có phương trình:
(1 + RGDP) = (1 + RLĐ) * (1 + RTG) * (1 + RNS) (2)
hay: RGDP = RLĐ + RTG + RNS + A (3)
vì cụm cuối cùng gồm tích của các tỷ lệ RLĐ, RTG, và RNS rất nhỏ, có thể coi xấp xỉ bằng 0 nên chúng ta có mối quan hệ sau giữa các tỷ lệ tăng trưởng trên:
RGDP = RLĐ + RTG + RNS (4)
Mặt khác, theo định nghĩa thì tỷ lệ tăng trưởng trung bình R được xác định như sau:
Yt = Y0 * (1 + R)t (5)
Lấy logarit hai vế, chúng ta có:
Log(Yt) = Log(Y0) + t * Log(1 + R) (6)
hay: Qt = Q0 + t * Log(1 + R) (7)
Với chuỗi số liệu trong bảng trên, tính Qt = Log(Yt), rồi ước lượng phương trình sau:
Qt = c + t * b (8)
chúng ta sẽ xác định được tham số b có giá trị bằng Log(1 + R); tức là:
b = Log(1 + R) (9)
hay: R = exp (b) - 1 (10)
Trong trường hợp của Việt Nam, chúng ta sẽ tách giá trị gia tăng của khu vực nông nghiệp làm 3 nhân tố lực lượng lao động (LD), thời gian sử dụng lao động (TG) và năng suất lao động (NS). Theo mô hình trên, với chuỗi số liệu thời kỳ 1991-2002, chúng ta xác định được RGDP = 4,21%/năm; RLĐ = 1,38%/năm; RTG = 1,37%/năm; RNS = 1,40%/năm.
Như vậy, đóng góp của các nhân tố trên vào trong tăng trưởng GDP nông nghiệp tương đối đồng đều nhau; trong đó đóng góp của tăng trưởng lực lượng lao động chiếm 32,8% (1,38/4,21), của tăng thời gian sử dụng lao lên chiếm 32,5% và của tăng năng suất lao động chiếm 33,3%. Sai số tính toán của mô hình là 1,4%. Tuy nhiên, nếu gộp chung 2 nhân tố đầu được coi là đóng góp của số lượng lao động thì đóng góp chung của số lượng lao động tới tăng trưởng chiếm tới 65,3%, tức là lao động tạo ra khoảng 2/3 tỷ lệ tăng trưởng giá trị GDP nông nghiệp; đây là một tỷ lệ rất cao đối với sản xuất nông nghiệp. Ngược lại đóng góp của nhân tố năng suất lao động chỉ chiếm khoảng 1/3 tỷ lệ tăng trưởng giá trị GDP nông nghiệp; trong đó việc tăng năng suất lao động lại chủ yếu xuất phát từ tăng vốn đầu tư (vào thuỷ lợi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...) chứ không phải chủ yếu từ nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghiệp vào nông nghiệp.
Nguy cơ tăng trưởng chậm dần nhìn từ góc độ nguồn nhân lực
Nhiều phân tích khác nhau đã cho thấy tăng trưởng kinh tế nước ta những năm vừa qua phụ thuộc chủ yếu vào các nhân tố tăng trưởng theo chiều rộng gồm vốn, lao động, đất đai và các tài nguyên thiên nhiên khác, tức là theo phương thức phát triển của giai đoạn tư bản chủ nghĩa sơ khai thế kỷ 18 thời Adam Smith. Như vậy, vai trò của lực lượng lao động rất quan trọng trong nền kinh tế nước ta. Các phân tích trên còn làm rõ trong nhân tố lao động thì đóng góp của số lượng lao động chiếm vai trò áp đảo; năng suất lao động chỉ chiếm vai trò thứ yếu. Phương thức phát triển như vậy trái ngược với xu hướng phát triển kinh tế thế giới trong thời đại cách mạng khoa học và công nghệ thông tin mạnh mẽ cũng như hội nhập cấp bách hiện nay.
Đáng lo ngại là tình hình trên diễn ra trong bối cảnh các nhân tố tăng trưởng theo chiều rộng có dấu hiệu cạn kiệt dần và nước ta vẫn đang rất nghèo so với thế giới. Tổng sản phẩm trong nước đầu người rất thấp, khoảng 440 USD. Như vậy, khoảng cách thu nhập giữa nước ta và thế giới còn rất lớn và có xu hướng tăng lên, đẩy nước ta vào thế càng ngày càng tụt hậu. Một khi trình độ phát triển càng thấp thì càng bất lợi trong hội nhập quốc tế.
Dấu hiệu cạn kiệt các nhân tố tăng trưởng đã thể hiện tương đối rõ đối với vốn, đất đai, tài nguyên thiên nhiên. Vốn là nhân tố luôn luôn căng thẳng; tất cả các ngành, địa phương và doanh nghiệp đều đang thiếu vốn nghiêm trọng để đổi mới trang thiết bị đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đất đai cũng trở lên thiếu thốn nên giá đất đai, nhà xưởng đã tăng lên rất nhanh và trở lên quá đắt đối với các nhà đầu tư; nhiều đô thị có nguy cơ không còn đất để phát triển cơ sở hạ tầng; ở những vùng nông thôn còn quy đất lớn thì chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng rất cao nên không dễ gì đưa vào khai thác sớm được. Việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu khí, than đá, nguyên liệu quặng... bắt đầu khó khăn hơn nhiều so với trước và đòi hỏi chi phí đầu tư lớn; nhiều mỏ đá và kim loại quý đã cạn kiệt.
Như vậy, tăng trưởng ở nước ta chủ yếu dựa trên các yếu tố chiều rộng, khi các nhân tố tăng trưởng theo chiều rộng cạn kiệt dần thì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế sẽ phải chậm lại. Hiện nay, nền kinh tế mới có thu nhập đầu người 440 USD mà đã không còn nguồn lực như vậy thì làm sao có thể đạt được 1000 USD/người hay 10.000 USD/người như các nước khác ? Nguy cơ tăng trưởng chậm dần đã rất rõ nếu như không có những thay đổi mạnh mẽ để chuyển sang tăng trưởng theo chiều sâu.
Riêng đối với nhân tố lao động, tình trạng căng thẳng đã xuất hiện tại một số địa phương hoặc một số ngành. Các địa phương có nhiều khu công nghiệp lớn hay các ngành sử dụng nhiều lao động có đào tạo như dệt may, da giầy đã có dấu hiệu thiếu lao động. Hậu quả là tiền lương tăng nhanh, nguồn lao động ở các địa phương, ngành này thường xuyên biến động do lao động bỏ đi làm cho doanh nghiệp khác trả lương cao hơn. Một số địa phương phải kêu gọi lao động nơi khác đến nhưng vẫn không đủ so với nhu cầu và không ổn định vì khi đến vụ sản xuất, lao động nơi khác đến đã bỏ làm để về quê cũ sản xuất...
Theo TCTK, hiện nay cả nước có khoảng 50? triệu người có khả năng lao động, trong đó lao động trẻ chiếm tỷ lệ khá cao. Bên cạnh đó, tiền lương trả cho người lao động ở Việt Nam còn tương đối thấp so với thế giới. Đây là những lợi thế rất lớn của nước ta. Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển với yêu cầu rất cao của hội nhập quốc tế hiện nay, lợi thế đó không đủ bù đắp cho thực trạng đáng buồn về chất lượng lao động.
Kết quả điều tra của Bộ Lao động, thương binh và xã hội đối với gần 5,3 triệu lao động vừa qua cho thấy tỷ lệ lao động có trình độ đại học và cao đẳng trở lên chỉ có 4,2%, trình độ trung cấp 4,3%, công nhân kỹ thuật 9,4%...; trong khi tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo chiếm trên 82%. Hơn nữa, cơ cấu nguồn nhân lực được đào tạo rất bất hợp lý, không phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế. Số sinh viên cao đẳng và đại học đang tăng nhanh trong khi số học sinh trung học chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật tăng rất chậm và rất thất thường. Hậu quả là ở nước ta, 1 thầy chỉ có 0,95 thợ trong khi tại các nước khác 1 thầy có tới 10 thợ. Như vậy, lao động đã qua đào tạo và có trình độ chuyên môn, tay nghề cao đang thiếu nghiêm trọng. Ngoài ra, lao động Việt Nam còn rất yếu kém về tác phong công nghiệp, kỷ luật và kỹ năng lao động thực hành và thể lực thấp.
Chất lượng lao động không những rất thấp kém mà việc sử dụng cũng bất hợp lý. Tỷ lệ lao động có tay nghề cao được phân bố rất không đồng đều trên toàn quốc, giữa các ngành, vùng và thành phần kinh tế. ở nông thôn và các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, lao động giản đơn đang rất dư thừa trong khi lao động có tay nghề lại thiếu nghiêm trọng. Khu vực nông nghiệp và nông thôn đang sử dụng khoảng 27 triệu lao động, chiếm 73% lực lượng lao động xã hội, nhưng số có trình độ đại học và cao đẳng chỉ chiếm ...%, số lao động kỹ thuật chỉ chiếm khoảng 8% trong khi số lao động chưa qua đào tạo chiếm tới 87,5%.
Thực tế trên cho thấy chất lượng lao động Việt Nam còn thấp xa so với nhu cầu phát triển kinh tế. Chính vì vậy đang phổ biến tình trạng lao động dư thừa khắp nơi xảy ra đồng thời với thiếu hụt lao động kỹ thuật trầm trọng. Đặc biệt, quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đang đặt ra những nhu cầu rất lớn về lao động có trình độ cao nhưng tốc độ đào tạo lao động giảm đơn thành lao động có chuyên môn cao còn rất chậm. Đây chính là một lý do quan trọng để khảng định nguy cơ tăng trưởng kinh tế nước ta sẽ chậm dần nếu không có những khoản đầu tư lớn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Cần phải làm gì để tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế
Để tăng trưởng nhanh và bền vững, đáp ứng nhu cầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế hiện nay, ở tầm quốc gia, cần nhanh chóng chuyển từ mô hình phát triển theo chiều rộng sang mô hình phát triển theo chiều sâu, lấy năng suất, chất lượng và hiệu quả làm tiêu chuẩn chính để phát triển. Trên góc độ nguồn nhân lực, cần tập trung nâng cao chất lượng lao động và phát huy được tiềm năng sáng tạo của người lao động.
[1] Crafts Nicolas (1998) "East Asian Growth Before and After the Crisis", IMF Staff Papers 46(2), pp 139-66. Felipe Jesus (1999) "Total Factor Productivity Growth in East Asia: A Critical Survey", Journal of Development Studies 35(Avril), pp 1-41. Các nước đang phát triển chủ chốt ở Đông á là Trung Quốc, Hồng Kông, Singapo, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaixia, Thái Lan, Inđônêxia và Philipin. Các nước công nghiệp là Italia, Anh, Đức, Pháp và Nhật Bản.
[2] World Bank (1991), World Development Report 1991, p.43
[3] Tốc độ tăng trưởng việc làm trong nền kinh tế quốc dân là 2,35%/năm giai đoạn 1991-1995, 2,13%/năm giai đoạn 1996-2000, khoảng 2,1% trong các năm 2001-2002.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét