Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

Giảm đầu tư công: Chi tiêu ít và cắt đều

Giảm đầu tư công: Chi tiêu ít và cắt đều


(VEF.VN) - Một gia đình phải cắt bớt các khoản chi thế nào trong thời buổi giá cả leo thang được ông Huỳnh Thế Du đưa ra làm ví dụ sinh động về việc cắt giảm đầu tư công tại Việt Nam. Theo chuyên gia này, để việc cắt giảm chi tiêu công khả thi, trước mắt, Việt Nam nên áp dụng hai tiêu chí: giới hạn chi tiêu và cắt đều.
Phụ thuộc vào người có quyền "cắt"
Tham gia trả lời trực tuyến trên VnEconomy về "Lạm phát 2011: Nhận diện và giải pháp", ông Huỳnh Thế Du (Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright) khẳng định, ngoài các nguyên nhân khác thuộc về chính sách tiền tệ, đầu tư công không hiệu quả chính là nguyên nhân xâu xa gây ra lạm phát.
Ông Du cho rằng, một trong những chìa khóa then chốt hiện nay để xử lý mất cân bằng kép của nền kinh tế hiện nay là cắt giảm chi tiêu công. Về mặt nguyên lý, những khoảng chi tiêu kém hiệu quả sẽ được cắt giảm. Tuy nhiên, tiêu chí cắt giảm và mối quan hệ là hai trở ngại rất lớn cho vấn đề này.
Thứ nhất, đối với tiêu chí cắt giảm, phân tích lợi ích - chi phí là công cụ cơ bản nhất để đưa ra quyết định. Tuy nhiên, vấn đề phức tạp ở chỗ là hầu như không ai có thể lượng hóa được chính xác các lợi ích và chi phí nên rất khó để có thể tính ra được một con số thuyết phục về lợi ích ròng của dự án. Điều này dẫn đến những lập luận vì mục tiêu an sinh, an ninh quốc phòng, ổn định xã hội trở nên phổ biến. Lúc này, quyền nằm trong tay người ra quyết định và những áp lực liên quan.
Thứ hai, cắt của người thân hay cắt của người sơ, người có tiếng nói hay không có tiếng nói là điều không hề đơn giản.
Về sự việc này, ông mượn câu chuyện về việc cắt giảm chi tiêu trong một gia đình để phân tích vấn đề.


Chi tiêu đầu tư công: Cắt giảm mạnh để kiềm chế lạm phát (ảnh minh họa)

"Thử tưởng tượng như một gia đình, nếu cần cắt giảm chi tiêu thì những khoản cần được nghĩ đến đầu tiên chính là phần trà thuốc của bố và trang điểm của mẹ chứ không phải là phần sữa cho con. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc cắt giảm những khoản như vậy là rất khó khăn vì bố mẹ là người có quyền lực lớn nhất trong gia đình và có vô số lý do để duy trì các khoản chi tiêu của mình.
Người bố có thể lấy lý do rằng đây là các khoản chi tiêu mang tính ngoại giao, tôi không thể mất mặt với bạn bè được nên cần phải có các khoản tiêu này trong khi bản chất là người bố đang nghiện rượu. Người mẹ có thể lý luận rằng tôi đẹp thì làm cho ông hãnh diện chứ tôi được gì đâu. Ai cũng cần cả sao mà bỏ được.
Do sự nhạy cảm trong quan hệ trong gia đình, nếu ông bố không tự nguyện bỏ rượu hay người mẹ không tự giảm bớt một vài loại mỹ phẩm đắt tiền thì việc cắt giảm dường như không thể vì hai người nể nang nhau nên chẳng ai nói ra trong khi con cái thì ai mà dám. Kết quả là rất có thể phần sữa của con bị cắt", ông phân tích.
Do vậy, để việc cắt giảm chi tiêu công khả thi, theo chuyên gia Huỳnh Thế Du, Việt Nam nên áp dụng hai tiêu chí là giới hạn chi tiêu và cắt đều ở bối cảnh trước mắt.
Đối với việc giới hạn chi tiêu công, Nhà nước nên đưa ra đưa ra mục tiêu trong 5 năm tới, tổng chi tiêu công (cả đầu tư và chi tiêu thường xuyên) chỉ là 30% GDP thay vì từ 35-40% GDP như hiện nay. Với giới hạn này thì tất cả các bên sẽ ngồi lại với nhau để chia cái bánh đã được giới hạn.
Đối với việc cắt giảm trước mắt, cắt đều có lẽ là biện pháp có thể khả thi vì trong trường hợp này tất cả các khoản chi tiêu đều được cắt một tỷ lệ như nhau. Thoạt nhìn thì có vẻ phi lý và phản khoa học, nhưng do không có tiêu chí rõ ràng, nên nếu áp dụng các tiêu chí có thể sẽ dẫn đến tình trạng khoản cần thiết nhất (sữa của con) bị cắt như phân tích ở trên. Thôi thì cứ cắt đều.
Sau một thời gian, nếu thấy những chỗ nào bất hợp lý thì có những biện pháp bổ sung thêm trong giới hạn cứng của chi tiêu 30% nêu trên.
Đổi mới cơ chế quản lý đầu tư nhà nước
Về lâu dài, TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế TƯ (Bộ KH-ĐT), cho rằng, đồng thời với việc rà soát, cắt giảm đầu tư như hiện nay đang làm trong khuôn khổ thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội thì cần phải nghiên cứu và đổi mới cơ chế quản lý đầu tư nhà nước.
Cơ chế quản lý mới, theo ông Cung, ít nhất phải đáp ứng được một số nội dung:
Một là, ban hành tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế đối với đầu tư nhà nước để mức độ hiệu quả kinh tế đối với từng dự án phải đo lường được một cách cụ thể trong đề xuất, thẩm định, quyết định, kiểm tra, giám sát và đánh giá đầu tư.
Trên cơ sở đó, các dự án đầu tư có hiệu quả cao nhất sẽ được lựa chọn, từ đó đầu tư sẽ được phân bổ và sử dụng một cách tập trung hơn; kiểm tra và giám sát đầu tư cũng sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn.
Hai là, thay đổi cơ chế phân cấp quản lý đầu tư. Các địa phương, các bộ vẫn có quyền chủ động xây dựng và đề xuất dự án đầu tư nhưng lựa chọn dự án đầu tư cần được thực hiện theo nguyên tắc đấu thầu công khai theo cơ chế thị trường.
Qua đó sẽ lựa chọn được các dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế cao nhất.
Trong phân cấp, cần tính đến phát triển cơ cấu kinh tế vùng trong thẩm định lựa chọn và quyết định đầu tư để các dự án đầu tư trong cùng một vùng không cạnh tranh nhau, loại trừ lẫn nhau mà phải phối hợp và bổ sung lẫn nhau.
Ba là, tăng cường thẩm quyền và năng lực của cơ quan chuyên trách quản lý đầu tư nhà nước.
Bốn là, thiết lập hệ thống thông tin toàn quốc về đầu tư nhà nước, trên cơ sở đó thực hiện công khai hóa thông tin về toàn bộ đầu tư nhà nước nói chung và từng dự án đầu tư nhà nước nói riêng. Về việc này, theo tôi các thông tin sau đây cần phải được công khai hóa:
- Thông tin về dự án đầu tư như: tên dự án; mục tiêu dự án; quy mô; ngành nghề; tổng vốn, tiến độ phân bổ vốn và tiến độ thực hiện, thời hạn bắt đầu và kết thúc...
- Đơn vị hoặc cá nhân đề xuất dự án, đơn vị và cá nhân xây dựng dự án, những cơ quan và cá nhân tham gia thẩm định dự án, những lập luận ủng hộ và phản biện về dự án, báo cáo đánh giá tác động kinh tế - xã hội của dự án.
- Chủ đầu tư thực hiện dự án, những lý do hay tiêu chuẩn lựa chọn chủ đầu tư.
- Danh sách ứng viên nhà thầu và đơn vị được chọn thực hiện dự án, những tiêu chí đã được sử dụng để chọn nhà thầu thực hiện dự án.
- Tiến độ thực hiện dự án, những khó khăn mới phát sinh, chênh lệch (nếu có) giữa tiến độ thực hiện và kế hoạch, nguyên nhân, cá nhân và cơ quan chịu trách nhiệm về nhưng sai sót hay chênh lệch so với kế hoạch.
Việc rà soát, cắt giảm, bố trí cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả đầu tư nhà nước không phải là việc giản đơn và chỉ thực hiện trong năm nay, mà là một công việc thưng xuyên và lâu dài trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Cơ chế mới về quản lý đầu tư nhà nước không chỉ áp dụng cho việc lựa chọn và quyết định đầu tư đối với những dự án đầu tư mới mà còn áp dụng để rà soát, cắt giảm và cơ cấu lại danh mục các dự án đầu tư hiện có.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét