Các nước châu Á và bài học
từ cuộc khủng hoảng tài chính
Đã 10 năm trôi qua kể từ ngày nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á (1997 - 1998). Có hai bài học hoàn toàn trái ngược nhau được rút ra từ cuộc khủng hoảng kinh hoàng này: một bài học mà phần lớn các nhà kinh tế học phương Tây đều nghĩ là châu Á nên học, và bài học kia chính là những gì mà thực tế châu Á đang áp dụng.
Các chuyên gia kinh tế phương Tây cho rằng, những nền kinh tế đang nổi nên áp dụng chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt [1], đồng thời xây dựng một thị trường tài chính hiện đại, được kiểm soát chặt chẽ và có khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, các nước châu Á lại quyết định lựa chọn chế độ tỷ giá hối đoái cạnh tranh, mô hình tăng trưởng hướng tới xuất khẩu và thực hiện dự trữ ngoại tệ với quy mô lớn. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu các quốc gia châu Á có nên thay đổi quyết định của mình không. Câu trả lời, theo nhiều chuyên gia kinh tế hiện nay, là “có”.
10 năm trước, năm 1997, khi xuất hiện sức ép đẩy đồng bạt (baht) của Thái Lan đi xuống, không ai có thể ngờ được diễn biến tiếp theo vào đầu tháng 7 năm đó, đồng bạt Thái mất giá. Một sự kiện tưởng chừng như rất nhỏ này lại nhanh chóng bùng lên thành một cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng, được hình dung như một cơn sóng thần nhiệt đới hung hăng nhận chìm hầu hết các nền kinh tế khu vực Đông Á, "chôn vùi" toàn bộ Indonesia, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan. Tiền tệ mất giá, hệ thống tài chính suy sụp, chính phủ các nước chao đảo bên bờ vực phá sản, các nền kinh tế gần như tê liệt. Nhân viên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tất tả ngược xuôi giữa các khu vực chịu khủng hoảng. Cuối cùng, cơn bão kinh tế này lan tràn khắp toàn cầu, tấn công sang Nga năm 1998 và Brazil đầu năm 1999.
Cũng giống như khi bùng phát, hậu quả của cơn khủng hoảng vượt xa khả năng dự đoán của mọi người. Xét về mức độ tàn phá và giới hạn địa lý, cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998 được xem là cuộc khủng hoảng cuối cùng trong hàng chuỗi các cơn khủng hoảng càn quét các nền kinh tế mới trong những năm 80, 90 của thế kỷ 20 (không kể đến hai cuộc khủng hoảng kinh tế của Argentina và Thổ Nhĩ Kì).
Ngày hôm nay, vẫn không gì có thể cưỡng nổi tham vọng của các nhà đầu tư nước ngoài đang ồ ạt đổ tiền vào những nền kinh tế mới nổi hòng kiếm lời; điều này có thể thấy qua sức mạnh của những thị trường tài chính, mức chênh lệch lãi suất giữa các đồng tiền thấp và quy mô của các dòng vốn cá nhân. Chẳng hạn như trong năm 2006, dòng vốn đầu tư cá nhân ròng (net private capital) đổ vào các nước có nền kinh tế đang lên là 256 tỷ đô la Mỹ. Trong hoàn cảnh này, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) gần như đã không còn phát huy tác dụng.
Vậy thì có thể giải thích như thế nào về tình trạng ổn định mới hiện nay? Ông Nouriel Roubini thuộc Học viện Kinh doanh Stern của Trường đại học New York, nói: Các nước châu Á không hề tiếp thu cái mà các nhà kinh tế phương Tây cho rằng họ nên nghiệm ra từ cuộc khủng hoảng tài chính. Đây hoàn toàn không có nghĩa là phủ nhận những cải thiện đáng kể mang tính cơ cấu mà các nền kinh tế châu Á đã làm được, đặc biệt ở phương diện điều tiết và tư bản hóa hệ thống tài chính.
Tuy nhiên, điều đáng đề cập ở đây lại nằm ở một phương diện khác, đó là những nước này đang mắc phải một sự sai lầm lớn khi các nhà hoạch định chính sách lại tổng kết rằng, sai lầm lớn nhất mà họ mắc phải trong cuộc khủng hoảng này không phải nằm ở sự chi phối tỷ giá hối đoái, mà là việc định giá nó quá cao. Đây cũng là nguyên do khiến Mỹ tức giận và tìm cách khống chế các chuyên viên của IMF, biến họ trở thành những con rối vô dụng khi những người này được phân công đến giúp các nền kinh tế châu Á.
Giờ đây, các nền kinh tế mới nổi Đông Á hầu như đã trở thành những nước chủ nợ. Hơn nữa, phần lớn các tài sản nước ngoài tích lũy được đều tập trung trong tay các quan chức chính phủ. Tính đến tháng 2 năm nay, dự trữ ngoại tệ của các nước Đông Á và Nam Á đã lên tới 3.280 tỷ USD, tăng 2.490 tỷ USD so với năm 1999. Chỉ riêng Trung Quốc, dự trữ ngoại hối của nước này đã đạt 1.160 tỷ USD, tăng 1.010 tỷ USD so với năm 1999. Mặc dù sau khủng hoảng, dự trữ ngoại hối quốc gia [2] quy mô lớn được coi là biện pháp tự bảo hiểm cho nền kinh tế đất nước(cho dù giá của nó khá đắt), tuy nhiên mức độ dự trữ như hiện nay có vẻ như đã đi quá xa. Tỷ lệ giữa dự trữ ngoại tệ và nợ nước ngoài ngắn hạn [3] của các nước này đang là 4:1 hay 5:1.
Quy mô dự trữ ngoại tệ cho thấy một sự thực hiển nhiên là: các quốc gia này đã từ chối áp dụng tỷ giá ngoại hối dao động tự do mà nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất. Thay vào đó, họ ghìm tỉ giá trao đổi ngoại tệ xuống thấp. Điều này dẫn đến thặng dư tài khoản vãng lai [4]. Để duy trì mức thặng dư này cần phải có nguồn dự trữ lớn hơn các khoản đầu tư trong nước. Biện pháp mà các quốc gia này thường áp dụng là chính sách vô hiệu hóa (sterilization policy) những tác động của việc dự trữ ngoại tệ lên cung tiền nội tệ, nhằm ngăn chặn sự phát triển thông thường của tiền tệ và tín dụng cũng như tình trạng kinh tế tăng trưởng nóng, lạm phát và sự mất khả năng cạnh tranh với bên ngoài.
Nếu một khu vực trọng yếu nào đó của nền kinh tế thế giới xuất hiện thặng dư tài khoản vãng lai trên quy mô lớn, thì đổi lại, ở một khu vực khác sẽ xảy ra tình trạng thâm hụt tài chính với kim ngạch tương đương. Lý luận này càng trở nên có tính thuyết phục cao hơn vào thời điểm giá dầu thế giới đột ngột tăng mạnh. Bởi giá dầu lên cao sẽ khiến cho các nguồn thu nhập chuyển dịch sang các quốc gia xuất khẩu dầu, và những bài học kinh tế đau thương trong quá khứ đã khiến họ có đủ khôn ngoan và kinh nghiệm để hiểu được là không nên tiêu dùng quá nhanh nguồn thu gia tăng từ bên ngoài này.
Trong một thế giới tiền tệ đầy biến động như hiện nay, những nước có thể dùng đồng nội tệ của mình vay tiền trực tiếp là những nước dễ có nợ ròng nước ngoài nhất. Nguyên nhân rất đơn giản: chỉ những quốc gia này mới có thể mượn tiền với số lượng lớn, mà không gây nên tình trạng mất kiểm soát nghiêm trọng tỉ giá hối đoái trong nội bộ hệ thống tài chính. Do vậy, cũng chẳng có gì là bất ngờ khi Mỹ trở thành nước có mức thâm hụt ngân sách cao nhất thế giới. Chỉ Mỹ mới có đủ khả năng trở thành con nợ lớn nhất thế giới mà vẫn không ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thống tài chính trong nước.
Vậy thì, cái mà một số nhà kinh tế học gọi là “Bretton Woods Two” (tỷ giá hối đoái cố định [5] được neo vào đồng đô la Mỹ) liệu có thể hóa giải được tình trạng tài chính bất ổn, cũng như làm chỗ dựa vững chắc cho mô hình tăng trưởng theo hướng xuất khẩu của các nền kinh tế đang lên này không?
Roubini phủ nhận luận thuyết trên. Chính sách này sẽ dẫn đến hậu quả là quỹ dự trữ ngoại tệ đến một lúc nào đó không thể tăng thêm, từ đó khiến cho lượng cung tiền tăng quá nhanh, xuất hiện bong bóng giá cả tài sản trong nước, kinh tế tăng trưởng quá nóng, lạm phát và thất bại trong cạnh tranh với bên ngoài. Chính phủ cố gắng đối phó với các vấn đề trên bằng cách dìm tỷ giá hối đoái danh nghĩa xuống. Chính sách duy trì tỷ lệ lãi suất thấp dưới mức cân bằng làm méo mó nền kinh tế. Việc tích lũy ngoại tệ và chứng từ có giá nước ngoài với lợi tức thấp làm lãng phí nguồn lực quốc gia và có thể gây tổn thất vốn lớn. Chính sách này đang làm cho các nền kinh tế châu Á phụ thuộc quá nhiều vào nhu cầu bên ngoài. Nó đồng thời cũng chọc giận Mỹ khiến nước này gia tăng các biện pháp bảo hộ chủ nghĩa, và buộc cơ quan quản lý tiền tệ Mỹ đối phó bằng bằng cách thi hành một chính sách tiền tệ dễ dãi [6]nhằm để bù đắp cho sự rò rỉ nhu cầu trong nước do thâm hụt lớn tài khoản vãng lai.
Hệ thống chính sách của châu Á thời kỳ sau khủng hoảng có vẻ bền lâu hơn nhiều người tưởng. Tâm điểm gây chú ý ở đây là Trung Quốc. Tuy không phải là quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á, nhưng Trung Quốc chính là một trong những nước tiếp thu bài học từ khủng hoảng theo cái cách mà các nước châu Á kia đang áp dụng. Kết quả là Trung Quốc – được ví như con mãnh thú khổng lồ, trong 4 tháng đầu năm tăng trưởng dự trữ ngoại tệ đạt 50 tỷ đô la Mỹ/tháng; trong khi IMF dự báo, thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc có thể lên đến 10% tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Theo nhiều nhà quan sát thì thực tế, xu hướng gây kinh ngạc này không hề lý tưởng và cũng không nên duy trì. Những bài học từ các cuộc khủng hoảng vẫn còn chờ phía trước…
H.Vân
[1] Chế độ tỷ giá hối đoái là cách thức một đất nước quản lý đồng tiền của mình trong quan hệ với các đồng tiền nước ngoài và quản lý thị trường ngoại hối. Chế độ tỷ giá hối đoái ở mỗi nước và mỗi thời kỳ có thể khác nhau, song về cơ bản, có ba hình thức sau: chế độ tỷ giá "thả nổi" theo đó thị trường quy định những biến động của tỷ giá hối đoái; hoặc ngược lại hoàn toàn là chế độ tỷ giá hối đoái "cố định" theo đó nhà nước sẽ can thiệp để tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền của nước mình với đồng tiền (các) nước khác không đổi; hoặc là một chế độ nằm giữa hai hình thức trên là chế độ “thả nổi” tỷ giá có sự điều tiết của nhà nước.
[2] Dự trữ ngoại hối nhà nước (Foreign currency reserves), thường gọi tắt là dự trữ ngoại hối hoặc dự trữ ngoại tệ là lượng ngoại tệ mà ngân hàng trung ương hoặc cơ quan hữu trách tiền tệ của một quốc gia hay lãnh thổ nắm giữ. Đây là một loại tài sản của Nhà nước được cất giữ dưới dạng ngoại tệ (thường là các ngoại tệ mạnh như: Dollar Mỹ, Euro, Yên Nhật, v.v...) nhằm mục đích thanh toán quốc tế hoặc hỗ trợ giá trị đồng tiền quốc gia. Ngoại hối có thể được dự trữ dưới hình thức: tiền mặt, số dư của tài khoản tiền gửi bằng ngoại tệ ở nước ngoài, hối phiếu, trái phiếu, giấy tờ ghi nợ khác của chính phủ nước ngoài, ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế, vàng và các loại khác. (Theo wikipedia).
[3] Tỷ lệ giữa dự trữ ngoại hối và nợ ngắn hạn nước ngoài (the ratio of reserves to short-term foreign currency debt): là tiêu chí thấy khả năng đối phó của quốc gia khi có hiện tượng tấn công ngoại tệ hoặc rút tiền ra nước ngoài. (Theo wikipedia).
[4] Tài khoản vãng lai (current account): còn gọi là cán cân vãng lai, trong cán cân thanh toán của một quốc gia ghi chép những giao dịch về hàng hóa và dịch vụ giữa người cư trú trong nước với người cư trú ngoài nước. Những giao dịch dẫn tới sự thanh toán của người cư trú trong nước cho người cư trú ngoài nước được ghi vào bên "nợ" (theo truyền thống kế toán sẽ được ghi bằng mực đỏ). Còn những giao dịch dẫn tới sự thanh toán của người cư trú ngoài nước cho người cư trú trong nước được ghi vào bên "có" (ghi bằng mực đen). Thặng dư tài khoản vãng lai (current account surpluses) xảy ra khi bên có lớn hơn bên nợ. (Theo wikipedia).
[5] Tỷ giá hối đoái cố định, đôi khi còn được gọi là tỷ giá hối đoái neo, là một kiểu chế độ tỷ giá hối đoái trong đó giá trị của một đồng tiền được gắn với giá trị của một đồng tiền khác hay với một rổ các đồng tiền khác, hay với một thước đo giá trị khác, như vàng chẳng hạn. Khi giá trị tham khảo tăng hoặc giảm, thì giá trị của đồng tiền neo vào cũng tăng hoặc giảm. Đồng tiền sử dụng chế độ tỷ giá hối đoái cố định gọi là đồng tiền cố định. Tỷ giá hối đoái cố định là một lựa chọn chế độ tỷ giá ngược hoàn toàn với tỷ giá hối đoái thả nổi. Trong bài, chỉ tỷ giá hối đoái cố định neo vào đồng đô la Mỹ (a fixed exchange rate system anchored on the US dollar).
[6] Chính sách tiền tệ dễ dãi (Easy monetary policy): để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, ngân hàng Trung ương của một nước hạ thấp lãi suất tiền gửi ngắn hạn, kích thích các nhà đầu tư đổ tiền vào các dự án thay vì gửi tiền vào nhà băng để nhận những khoản lãi ít ỏi. Ngược lại với nó là chính sách tiền tệ thắt chặt (Tight monetary policy).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét