Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

TỔNG QUAN VỀ CHUYỂN ĐỔI KINH TẾ Ở VIỆT NAM (phần 2)

Bài viết cũ của tôi:

TỔNG QUAN VỀ CHUYỂN ĐỔI KINH TẾ

Ở VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ TIẾN TRIỂN

TRONG NỬA CUỐI THẬP KỶ 90

4.1.4  Tỷ lệ tăng giá  rất thấp, thậm chí có thể nói nền kinh tế Việt Nam đang ở trong tình trạng thiểu phát:
          Cũng do cung vượt cầu, giá trị các hàng hoá không bán được đã và đang trở nên rất đáng kể. Đa số các ngành công nghiệp đã và đang phải hoạt động dưới công suất. Tỷ lệ các bất động sản không được sử dụng rất cao, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, du lịch, khách sạn và chế tạo tư liệu sản xuất... Hậu quả chung là áp lực thiểu phát ngày càng mạnh.

          Tỷ lệ tăng giá ở Việt nam đã giảm mạnh trong ba năm gần đây. Nếu như tỷ lệ tăng giá năm 1995 là 12,7% thì nó chỉ còn khoảng 4% trong hai năm 1996-97, lên nhanh 9,2% năm 1998 và tụt xuống mạnh còn 0,1% trong năm 1999. Theo đồ thị 3, từ năm 1992 đến nay, giá hàng tiêu dùng hàng tháng chỉ tăng mạnh trong dịp tết nguyên đán, còn trong năm, tăng rất nhẹ hoặc ổn định. Từ năm 1996, giá cả đã giảm trong nhiều tháng liên tiếp. Đặc biệt, giá cả đã giảm gần như liên tiếp từ quý 2 năm 1999 đến cuối năm 2000. Đây là một trong những dấu hiệu quan trọng của hiện tượng thiểu phát.
               Đồ thị 3: Tỷ lệ biến động giá cả hàng tháng thời kỳ 1991-1999, (%)
    
          Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, Việt nam nên chấp nhận một tỷ lệ tăng giá hay lạm phát tự nhiên. Thực vậy, một mặt, chất lượng hàng hoá của Việt nam tăng lên khá nhanh trong những năm cải cách, ít nhất cũng 5-7% mỗi năm. Chúng ta biết rằng khoảng 1/3 đến 1/2 tỷ lệ tăng trưởng của Việt nam có nguồn gốc từ vốn đầu tư nước ngoài, trong khi chất lượng sản phẩm của khu vực này tăng lên rất nhanh trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt kể từ khi thực hiện các cải cách năm 1989. Để tăng chất lượng sản phẩm, rõ ràng các doanh nghiệp trong nước đã phải tăng chi phí sản xuất và đầu tư nên việc giá cả tăng thêm 5-7%/ năm là hoàn toàn hợp lý.
          Mặt khác, chỉ số giá tiêu dùng được tính toán dựa trên cơ cấu hàng tiêu dùng năm 1989 (từ 4/98 được tính theo cơ cấu hàng tiêu dùng năm 1994), phụ thuộc nặng nề vào hàng lương thực thực phẩm (chiếm tới 45%), trong khi những hàng này hiện không còn chiếm tỷ trọng cao như trước trong giỏ hàng hoá tiêu dùng. Tuy nhiên chính sự tăng giá của chúng lại là nhân tố quyết định trong việc tăng chỉ số giá chung những năm gần đây.
          Ngoài ra, cần phải có một tỷ lệ lạm phát nhất định để kích thích tiêu dùng. Tỷ lệ này khoảng 2-3% hàng năm đối với các nước tương tự như Việt nam. Cuối cùng, chúng ta còn phải kể đến việc tiếp tục chương trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường ở Việt nam trong lĩnh vực giá cả và điều chỉnh tỷ giá. Tính chung, một tỷ lệ tăng giá 8-10% trong giai đoạn phát triển bình thường và khoảng 10-15% trong giai đoạn tăng trưởng cao là hợp lý cho trường hợp Việt nam. Theo lập luận này, tỷ lệ tăng giá của Việt nam trong ba năm gần đây là quá thấp, gây ảnh hưởng tiêu cực tới cầu và cung sản phẩm của nền kinh tế. Đây là hậu quả của chính sách tài chính, tiền tệ giáo điều, tập trung quá nhiều cho mục tiêu chống lạm phát, bỏ qua mục tiêu tăng trưởng và việc làm.
4.1.5  Hệ thống ngân hàng đang ở trong tình trạng rất khó khăn
     Đứng đơn thuần trên góc độ kỹ thuật, có thể nói hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có lúc rơi vào tình trạng cực kỳ nguy hiểm do tỷ lệ nợ quá hạn và tỷ lệ nợ không thể thu hồi được đã lên mức rất cao. Tình hình hệ thống ngân hàng mấy năm qua có những lúc không khác bao nhiêu so với tình hình trước cuộc khủng hoảng ngân hàng năm 1990, nhưng hệ thống ngân hàng, kể cả các ngân hàng cổ phần và quỹ tín dụng nông thôn, tồn tại được là nhờ sự bảo trợ tích cực của nhà nước. Tình hình của hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng không khác bao nhiêu so với hệ thống ngân hàng của nhiều nước Đông á trước khủng hoảng tài chính tiền tệ. Thậm chí theo phân tích của một số công ty nước ngoài chuyên đánh giá sức khoẻ của một hệ thống tài chính ngân hàng, hệ thống ngân hàng Việt nam còn bị đánh giá là yếu kém nhất so với các hệ thống ngân hàng của các nước xung quanh, chỉ hơn Nga và Ukraina, dẫn tới môi trường đầu tư của Việt Nam rất kém hấp dẫn. Theo báo cáo cuối năm 1998 của bộ tài chính, chỉ khoảng 3/5 các doanh nghiệp nhà nước đang làm ăn không có lãi, do đó đủ hiểu về khó khăn của hệ thống ngân hàng cho vay ở Việt nam[1].
          Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, chúng ta thấy hệ thống ngân hàng Việt Nam, cũng tương tự như trường hợp các nước Châu á đang khủng hoảng khác, đã cho vay quá nhiều trong khi hiệu quả của vốn cho vay quá thấp do nhiều nguyên nhân, đáng kể nhất là chọn lựa khách hàng sai, cơ cấu đầu tư tồi và không tôn trọng các tiêu chuẩn thương mại và ngân hàng của kinh tế thị trường. Ở đây, chúng ta nhận thấy có một quan hệ chặt chẽ giữa các áp lực chính trị và hành chính, các quyết định sai lầm của các cấp chỉ huy trong hệ thống ngân hàng cho vay, và sự phát triển của tham nhũng ở cấp kinh doanh trực tiếp... Hậu quả là tổng dư nợ ngân hàng tăng lên nhanh trong khi khả năng sản xuất tăng chậm hoặc không tăng, và chi phí sản xuất kể từ 4-5 năm nay đã tăng lên đáng kể. Một nguyên nhân khác của hiện tượng tăng nhanh giá thành sản phẩm là chiến lược phát triển thay thế nhập khẩu đang lấn át chiến lược phát triển hướng về xuất khẩu.
          Ngoài ra, một tỷ lệ quan trọng các doanh nghiệp đã sử dụng vốn vay ngân hàng để kinh doanh bất động sản hoặc để sản xuất các mặt hàng mà nhu cầu nội địa và thế giới đã bão hoà mà không có sự kiểm tra giám sát của các ngân hàng cho vay. Hậu quả là hàng loạt các doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng thâm hụt tài chính hoặc phá sản, kéo theo việc các doanh nghiệp này không thể trả nợ vay ngân hàng, đặt hệ thống ngân hàng vào tình trạng khó khăn.
          Những yếu kém của hệ thống ngân hàng đang làm trầm trọng thêm những khó khăn của nền kinh tế, cả khu vực tài chính lẫn khu vực sản xuất vật chất:
          - Vì có quá nhiều khoản nợ không thu hồi được, đã có những ngân hàng tư nhân phải tuyên bố phá sản và được ngân hàng trung ương chấp nhận. Một vài ngân hàng cổ phần khác được sát nhập vào ngân hàng quốc doanh. Loại thứ ba đang tồn tại nhờ nguồn tài chính hỗ trợ của ngân hàng nhà nước.
          - Trong bối cảnh của công cuộc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, các ngân hàng thương mại có khuynh hướng giảm cho vay, chỉ tập trung cho các doanh nghiệp nhà nước vay để có độ an toàn cao vì các doanh nghiệp này có nhà nước đứng ra bảo lãnh, đồng thời tăng cường sức ép với các doanh nghiệp để nhanh chóng thu hồi nợ. Hậu quả là tỷ lệ tăng trưởng tín dụng giảm. Tốc độ tăng trưởng tín dụng giảm liên tiếp trong các năm 1997-1999, và thường xuyên thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tăng dư nợ tiền gửi.
          Như vậy, những khó khăn của hệ thống ngân hàng đang làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế hiện nay. Ở tầm trung hạn, những cải cách trong khu vực ngân hàng sẽ dẫn đến phá sản một số doanh nghiệp, góp phần vào giảm bớt những khả năng sản xuất dư thừa vô ích và làm giảm giá các tài sản hiện nay cho đến mức người đầu tư dự đoán tỷ suất lợi nhuận đầu tư sẽ tăng trở lại trong tương lai. Chính việc phục hồi tỷ suất lợi nhuận của vốn đầu tư sẽ kích thích tăng trưởng trở lại của đầu tư, và đầu tư, đến lượt mình, sẽ mở ra một chu kỳ tăng trưởng mới với bùng nổ việc làm.
          Tóm lại, sau một giai đoạn tăng trưởng kinh tế nhanh, nền kinh tế Việt Nam đã đi vào một giai đoạn hết sức khó khăn từ năm 1997, thể hiện trên nhiều khía cạnh: Tỷ lệ tăng trưởng GDP giảm rất nhanh và rơi xuống dưới mức báo động, tỷ lệ tăng trưởng của tất cả các ngành kinh tế đều giảm. Tiêu dùng nội địa và tiêu dùng tư nhân đều giảm. Áp lực thiểu phát rất lớn. Các thị trường hàng hoá và lao động đều trì trệ. Đầu tư thực tế của khu vực tư nhân và nhà nước đều giảm hoặc chậm dần. Đầu tư nước ngoài trực tiếp giảm rất nhanh và giảm liên tục. Tích luỹ hàng hoá không bán được tăng nhanh và lên mức báo động. Tỷ lệ các bất động sản không sử dụng rất lớn, tỷ lệ sử dụng khả năng sản xuất trong phần lớn các ngành công nghiệp đều thấp. Các hoạt động thương mại với nước ngoài bị thu hẹp nhanh. Chênh lệch giầu và người nghèo có xu hướng gia tăng. Tính quan liêu của bộ máy hành chính, tệ tham nhũng tiếp tục phát triển. Thất nghiệp và bất ổn xã hội tăng lên.
4.2  Nguyên nhân cơ bản của những khó khăn hiện nay
Đã có nhiều bài viết liệt kê nguyên nhân của những diễn biến kinh tế nêu trên, do đó ở đây chúng tôi chỉ đi sâu phân tích những nguyên nhân kinh tế cơ bản nhất, gồm nguyên nhân bên trong và bên ngoài.
4.2.1  Mô hình phát triển không hợp lý là nguyên nhân cơ bản dẫn đến những khó khăn hiện nay.
Những dẫn chứng dưới đây sẽ cho thấy nguyên nhân cơ bản dẫn đến những khó khăn trên là Việt Nam đã phát triển theo mô hình dựa quá nhiều vào vốn đầu tư mà không coi trọng hiệu quả kinh tế.
Mô hình phát triển dựa quá nhiều vào đầu tư
Đồ thị dưới đây cho thấy những tỷ lệ tăng trưởng kinh tế rất cao của Việt Nam trong nửa đầu thập kỷ 90 gắn liền với việc gia tăng mạnh mẽ của tỷ lệ đầu tư và tiết kiệm nội địa trên GDP. Nếu như trong thời kỳ 1986-90, tỷ lệ đầu tư và tiết kiệm nội địa thấp, chỉ lần lượt là là 12,6% và 2,4% thì tỷ lệ tăng trưởng GDP chỉ đạt 4,3%. Ngược lại, trong thời kỳ 1991-95, tỷ lệ đầu tư và tiết kiệm lên tới 22,3% và 14,7% thì tỷ lệ tăng trưởng GDP cũng tăng mạnh, tới 8,2%. Trong các năm 1996-98, tỷ lệ đầu tư và tiết kiệm tiếp tục tăng lên tới 28,7% và 19,6%, nhưng tỷ lệ tăng trưởng GDP giảm nhẹ xuống còn 7,8%. Sự giảm sút của tỷ lệ tăng trưởng GDP trong những năm gần đây là do cơ chế chính sách càng ngày càng không theo kịp với tình hình mới và ảnh hưởng của cuộc khủng khoảng tài chính tiền tệ Châu á làm cho hiệu quả của vốn đầu tư giảm sút nhanh, dẫn tới tỷ lệ vốn đầu tư trên GDP tiếp tục tăng lên, nhưng tỷ lệ tăng trưởng GDP giảm sút.
 
Đồ thị 4: Tỷ lệ tăng trưởng GDP, tỷ lệ đầu tư và tỷ lệ tích luỹ nội địa so GDP (%)












Vai trò quyết định của đầu tư còn thể hiện rõ hơn ở quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng vốn đầu tư như được chỉ ra trong đồ thị 5. Tỷ lệ tăng trưởng vốn đầu tư thời kỳ 1991-1995 là 30,3%/ năm là mức rất cao, đã tạo ra tỷ lệ tăng trưởng GDP tới 8,2%/ năm. Đồ thị và các phân tích tương quan cũng cho thấy đầu tư có độ trễ khoảng 1 đến 2 năm so với tăng trưởng. Vì đầu tư là động lực của quá trình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, nên khi tỷ lệ đầu tư trên GDP và tỷ lệ tăng trưởng đầu tư tăng chậm, thậm chí giảm, thì có thể dự báo tỷ lệ tăng trưởng GDP sẽ giảm nếu như không có những đột biến về chính sách làm tăng hiệu quả vốn đầu tư.
   Đồ thị 5: Quan hệ giữa tăng trưởng GDP và tăng trưởng vốn đầu tư (%)


 
 












Cơ cấu nguồn vốn đầu tư không hợp lý
Bảng 3 cho thấy vốn nước ngoài đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với đầu tư ở nước ta. Chênh lệch giữa tỷ lệ đầu tư và tỷ lệ tiết kiệm nội địa trên GDP rất cao trong giai đoạn 1986-90 và 1993-97, chỉ giảm mạnh trong các năm 1991-92 khi hệ thống Liên xô sụp đổ và 1998-99 khi diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế Châu á. Điều đó có nghĩa là Việt Nam đã quá trông cậy vào vốn nước ngoài trong phát triển kinh tế. So sánh với các nước xung quanh, rõ ràng tỷ lệ huy động vốn nước ngoài đặc biệt cao ở Việt Nam. Đành rằng điều kiện kinh tế chính trị và xã hội của mỗi nước có khác nhau, nhưng nếu như tất cả các nước xung quanh ta đều không để chênh lệch này vượt quá 4-5% GDP thì có lẽ Việt Nam cũng cần xét lại chiến lược này. Thực tế, các nước Đông nam á và Hàn quốc tăng nhanh huy động tiết kiệm nước ngoài để đầu tư từ năm 1993-1995, tạo ra được những tỷ lệ tăng trưởng rất nhanh, nhưng đồng thời cũng dẫn đến khủng hoảng tài chính từ năm 1997.
Bảng 3: Chênh lệch giữa tỷ lệ tiết kiệm nội địa và tỷ lệ đầu tư trên GDP (%)
Nước
81-90
1991
1992
1993
1994
1995
1996
1997
1998
Việt nam
-10,2*
-5,0
-3,8
-10,4
-8,4
-10,2
-12,0
-10,8
-4,7
Hồng Kông
6,3
6,6
5,3
7
1,2
-4,3
-1,4
-3,6
0,3
Hàn quốc
-0,9
-3,2
-2,1
0,3
-1,1
-1,8
-4,7
-1,9
13,3
Singapo
0,6
11,6
11,2
8,6
16,1
17,8
15,9
14,4
18,2
Đài loan
11,4
6,5
3,7
1,8
1,9
1,9
3,9
2,8
2,4
Trung quốc
1
4,6
3,9
-1,6
0,6
0,3
0,9
3,3
2,5
Inđônêxia
1,4
-3,1
-1,6
-1,9
-2
-3,4
-3,4
-1,4
1,1
Malaixia
-3,3
-9,4
-3
-0,1
-1,6
-4
1,1
1,8
14,8
Philippin
-
-1,7
-1,4
-8,4
-6,5
-4,8
-4,6
-3,5
0,7
Thái lan
-4,9
-8
-6,3
-5
-5,6
-8
-8
-2,1
11,5
  Bangladesh
-11
-1,3
0,7
0,1
2,3
0,3
-2,7
-2,5
-1,5
  Ấn độ
-1,4
-0,7
-1,6
-1,3
-2,1
-1,4
-1,1
-1,5
-1,7
* : Việt nam: 1986-90. Nguồn số liệu: Asian Development Outlook 1999, Asian Development Bank.
Bảng 4 là một ví dụ khác về huy động nguồn vốn đầu tư không hợp lý. Một mặt, tỷ trọng vốn FDI đã tăng lên rất nhanh trong thời kỳ 1990-96, có lúc chiếm tới 1/3 tổng nguồn vốn đầu tư của nền kinh tế. Mặc dù chỉ chiếm 1/3 vốn đầu tư, các doanh nghiệp FDI lại đóng vai trò quyết định làm tăng tỷ lệ tăng trưởng GDP. Điều này chứng tỏ luồng vốn nội địa tăng không tương xứng và nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào vốn bên ngoài. Mặt khác, tỷ trọng vốn của khu vực tư nhân và dân cư giảm mạnh và liên tục trong suốt thập kỷ 90 trong khi đây chính là nguồn vốn có hiệu quả kinh tế cao nhất và là nguồn vốn nội lực quan trọng nhất của Việt Nam. Thực tế khu vực ngoài quốc doanh kể cả nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 20% vốn đầu tư, nhưng lại làm ra trên 30% GDP và sử dụng trên 70% lực lượng lao động xã hội.
Bảng 4: Cơ cấu nguồn vốn đầu tư (%)
Năm
Từ Ngân sách NN
Doanh nghiệp NN
Tư nhân và dân cư
Vốn FDI
1990
26,0
11,3
49,0
13,7
1991
29,8
14,5
47,0
9,7
1992
35,3
5,2
44,6
15,0
1993
38,5
7,5
31,6
21,4
1994
24,1
12,5
34,1
29,4
1995
25,6
9,7
30,8
33,9
1996
28,2
10,7
26,9
34,1
1997
31,7
14,0
22,8
31,5
1998
36,9
16,7
21,3
25,1

Cơ cấu sử dụng vốn đầu tư kém hiệu quả
          Cơ cấu sử dụng vốn đầu tư kém hiệu quá không chỉ ở cấp toàn nền kinh tế mà còn ở cấp ngành và cấp từng sản phẩm. Ở cấp kinh tế quốc dân, hệ số ICOR[2] của Việt Nam tăng lên rất nhanh trong thập kỷ 90. Nếu như ICOR năm 1992 là 1,76 thì đến năm 1998, đã lên tới 5,3, tức là gấp 3 lần, nhanh nhất khu vực Châu á (xem bảng 4). Mức ICOR năm 1998 ở Việt Nam cao hơn mức trung bình thời kỳ 1991-97 của các nước so sánh trong khi trình độ phát triển kinh tế của mình còn thua xa. Điều này cũng nói lên rằng nguồn gốc của tăng trưởng kinh tế nhanh ở Việt Nam chủ yếu là tăng vốn đầu tư.
Bảng 4: So sánh hệ số ICOR của Việt nam và một số nước châu á
Nước
1991
1992
1993
1994
1995
1996
1997
1998
Việt nam
2,4
1,76
2,20
2,83
2,68
3,05
3,56
5,30
Hồng K“ng
5,33
4,32
4,67
5,11
8,18
7,73
6,06
-6,94
Hàn quốc
3,45
7,69
6,34
4,08
4,06
5,21
6,98
-6,36
Singapo
5,73
5,52
3,39
3,59
3,72
4,80
4,53
24,93
Đài loan
3,00
3,35
3,89
3,88
3,98
4,16
3,12
4,58
Trung quốc
3,58
2,44
2,66
3,43
3,90
4,25
4,55
4,90
Inđ“nêxia
3,42
4,65
4,64
3,93
3,79
4,09
6,27
-2,28
Malaixia
3,72
4,91
4,47
4,11
4,30
5,06
5,39
-6,77
Philippin


9,90
5,36
5,00
3,72
4,44
-47,60
Thái lan
3,66
5,36
4,86
4,48
4,58
7,56
-104,25
-4,38
Bangladesh
3,85
2,67
2,60
3,36
3,14
3,07
2,88
3,04
Ấn độ
28,50
4,53
3,49
2,67
3,01
3,31
5,14
4,28
Nguồn số liệu: Tính từ các số liệu của Asian Development Outlook 1999, Asian Development Bank.
          Ở cấp ngành, vốn đầu tư được phân bổ kém hợp lý nên hiệu quá không cao. Theo bảng 5, tỷ trọng vốn đầu tư cho nông nghiệp đã giảm mạnh trong suốt thời kỳ 1991-95, trong khi đây là ngành có hệ số ICOR thấp nhất và tạo ra được nhiều lao động nhất. Đầu tư cho nông nghiệp bếp bênh, lúc tăng, lúc giảm trong các năm từ 1995 đến nay. Mặt khác, tỷ trọng vốn đầu tư cho công nghiệp giảm đi nhanh chóng từ năm 1994 đến nay trong khi tỷ trọng vốn cho dịch vụ và hạ tầng xã hội tăng lên rất cao. Đây là quá trình dịch chuyển cơ cấu đầu tư bất hợp lý vì các nhà đầu tư đã chuyển vốn từ lĩnh vực sản xuất sang kinh doanh dịch vụ hoặc phát triển các công trình mang tính tiêu dùng.
                           Bảng 5: Cơ cấu sử dụng vốn đầu tư (%)
Ngành
1990
1991
1992
1993
1994
1995
1996
1997
Công nghiệp và xây xựng
38,4
44,0
48,9
55,3
39,0
33,0
41,1
31,5
 Nông lâm ngư nghiệp
17,1
15,7
12,7
8,9
9,4
12,0
8,5
15,4
 Dịch vụ và hạ tầng xã hội
44,5
40,3
38,4
35,8
51,6
55,0
50,4
53,1
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
          Ở cấp sản phẩm, một mặt, do dự báo cầu không chính xác nên đã đầu tư ồ ạt vào một số ngành, dẫn tới cung vượt quá xa so với cầu, lãng phí cao và hiệu quả kinh tế kém. Ví dụ điển hình là sản xuất xi măng, sắt thép, than, mía đường, cao su, rau và thịt lợn. Mặt khác, Việt Nam cũng đã sai lầm trong chọn lựa các ngành kinh tế mũi nhọn không phù hợp với trình độ phát triển hiện tại của nền kinh tế như cơ khí cao cấp, điện tử, sinh học và vật liệu mới. Các ngành này có tỷ suất lợi nhuận rất thấp trong khi nhu cầu vốn đầu tư rất cao. Đầu tư chỉ tập trung vào mua sắm dây truyền thiết bị lắp ráp từ nước ngoài và xây dựng nhà xưởng, dẫn tới chi phí sản xuất rất cao và kinh tế phát triển hướng nội là chính. Hậu quả là nguy cơ mất lợi thế so sánh rất rõ. Hiện nay, các doanh gia đang đổ xô vào kinh doanh trong các ngành đang được bảo hộ mạnh và các ngành còn lợi thế so sánh cao như dệt may, nước giải khát, giày dép, làm cho giá thành sản phẩm sẽ tăng nhanh và các ngành này có nguy cơ mất nốt lợi thế so sánh.
Nguyên nhân của quá trình tự phát phát triển theo mô hình dựa quá nhiều vào vốn đầu tư nêu trên sẽ được phân tích chi tiết trong bài "Công nghiệp Việt nam trong chặng đường 15 năm đổi mới: Thành tựu và Thách thức", và ‘‘Việt nam đang cần một chính sách tiền tệ mềm dẻo hơn’’ trong cùng sách này.
4.3  Cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực Đông á và ảnh hưởng
Trong bài này, chúng tôi chỉ tóm tắt hai kênh chính qua đó cuộc khủng hoảng kinh tế Châu á đã tác động tiêu cực tới lĩnh vực tăng trưởng, cụ thể là đẩy nhanh quá trình suy giảm kinh tế Việt Nam từ mùa đông năm 1997: làm giảm đầu tư nước ngoài trực tiếp và thu hẹp thị trường xuất khẩu.
          Đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI)
          Từ năm 1996-97, vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (số dự án và tổng giá trị các dự án) đổ vào Việt nam bắt đầu giảm và ngày càng giảm với tốc độ nhanh như các số liệu trong bảng 6 dưới đây đã chỉ ra. Đặc biệt, vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp đăng ký năm 1998 đã giảm 11,3% so với năm 1997. Về các khoản vốn cam kết trước năm 1998, mặc dù chúng vẫn tiếp tục được triển khai trong các năm 1998, 1999, nhưng số dự án và tổng số vốn bị giải thể tăng lên rất nhanh chứng tỏ các nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu giảm nhịp độ đầu tư và rút bớt vốn ra khỏi Việt nam kể từ năm 1997. Hậu quả là vốn đầu tư thực hiện năm 1998 giảm tới 40% so với năm 1997 và tiếp tục giảm nhanh trong hai năm 1999-2000.
          Bảng 6: Vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) ở Việt nam (triệu USD)

1991
1992
1993
1994
1995
1996
1997
1998
Số dự án
153
195
273
371
412
368
331
275
Vốn cam kết:-
1417
2321
3661
4167
6566
8633
4397
3899
- Vốn cho các dự án mới
1274
2027
2588
3746
6607
8640
4514
3899
- Vốn bổ xung cho các dự án cũ
7.7
49
222
504
1247
684
1133
772
Vốn thực hiện:
206
380
1112
1936
2672
2607
3250
1960
- Vốn nước ngoài đưa vào
164
316
939
1658
2240
2294
2847
1831
- Vốn đóng góp của phía VN
42
64
173
278
432
313
403
129
Nguồn số liệu: Tổng hợp từ Vietnam Investment Review và Báo Đầu tư.
          Trong quá khứ, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp luôn luôn là khu vực năng động nhất của nền kinh tế Việt nam, với một tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 20%. Việc giảm nhanh vốn đầu tư của khu vực này trong những năm qua đã kéo theo giảm sút tỷ lệ tăng trưởng của nó và của toàn nền kinh tế. Hậu quả là quá trình suy giảm kinh tế bị đẩy nhanh. Hơn nữa, giảm sút thặng dư cán cân vốn cũng gây ảnh hưởng tiêu cực tới cân bằng cán cân thanh toán tổng thể, và làm giảm dự trữ ngoại tệ, tác động bất lợi tới quá trình ổn định và tăng trưởng kinh tế dài hạn.
          Thương mại quốc tế
          Cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực Đông á đã tạo ra những áp lực mạnh mẽ tới hoạt động xuất nhập khẩu và cán cân thanh toán vãng lai của Việt nam. Về xuất khẩu, một mặt, khủng hoảng Châu á làm giảm cầu nội địa của các nước liên quan, dẫn tới giảm cầu nhập khẩu hàng Việt nam của các nước này. Mặt khác, vì các đồng tiền Châu á đã bị phá giá mạnh trong khi tỷ giá đồng Việt nam thay đổi ít, sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt nam đã giảm đáng kể. Hơn nữa, cuộc khủng hoảng còn làm giảm giá nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt nam. Ba nhân tố chính kể trên đã có ảnh hưởng làm giảm rất nhanh tỷ lệ tăng trưởng giá trị xuất khẩu của Việt nam từ năm 1998.
          Về nhập khẩu, khủng hoảng Châu á đã hạ giá nhập khẩu của Việt nam, do đó kích thích nhập khẩu. Hàng nhập đang cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm Việt nam ngay trên thị trường nội địa, gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vốn đang ở trong giai đoạn đầy khó khăn.  Để đấu tranh chống sự bành trướng của hàng nhập, cổ vũ xuất khẩu và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, chính phủ Việt nam đã phải phá giá nội tệ bốn lần kể từ mùa thu năm 1997 đến cuối năm 1999. Chính phủ cũng đã quay trở lại áp dụng nhiều biện pháp truyền thống trong kiểm tra nhập khẩu như tăng thuế đánh vào hàng nhập, mở rộng chế độ quota, thậm chí cấm nhập một số loại hàng hoá mà trong nước đã tự sản xuất được, và đòi hỏi các doanh nghiệp phải bán ngoại tệ cho ngân hàng. Kết quả là nhập khẩu năm 1998 giảm -1,1% và nhập khẩu năm 1999 chỉ tăng 0,9%.
          Việc giảm đột ngột các tỷ lệ tăng trưởng xuất nhập khẩu đã kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt nam. Mặc dù thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai đã giảm đáng kể kể từ đầu năm 1997, cán cân thanh toán quốc tế chung đã rơi vào thâm hụt, lần đẩu tiên kể từ ba năm trước. Hậu quả là dự trữ quốc tế, sau một thời kỳ tăng liên tục 1995-1997, đã bắt đầu giảm từ tháng 10 năm 1997. Tuy nhiên sau đó, nhờ một số chính sách kiểm soát nhập khẩu và quản lý ngoại hối, dự trữ quốc tế đi vào thế ổn định. Dù vậy, nguy cơ mất ngoại tệ dự trữ cũng đã gây sức ép rất mạnh làm chính phủ phải điều chỉnh chính sách tỷ giá trong thời gian vừa qua.
          5. Kết luận:
Cùng với mô hình phát triển hướng nội và dựa quá nhiều vào vốn đầu tư, cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực đã có tác động tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam trong hai năm gần đây, làm nhân lên những khó khăn nội tại của nền kinh tế và giảm nhanh tỷ lệ tăng trưởng GDP. Điều nghịch lý là một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của Việt Nam là cung lớn hơn cầu trong khi mức sống của người dân còn rất thấp, do đó càng đòi hỏi phải nhanh chóng tìm ra những chính sách kinh tế hiệu quả hơn nhằm sớm thoát khỏi tình trạng này. Môi trường phát triển của Việt nam trong vài năm tới sẽ không thể thuận lợi như nửa đầu thập kỷ 90. Cạnh tranh thị trường xuất khẩu, thu hút vốn FDI, ODA sẽ gay go hơn. Do đó, ở tầm ngắn hạn, Việt nam cần tìm một nhân tố khác thay thế xuất khẩu để làm động lực phát triển; đó là tăng cầu nội địa. Ở tầm dài hạn, cải cách căn bản công tác ngoại thương là điều sống còn để Việt nam có thể phát triển nhanh và bền vững. Bài về “Tiếp Tục Lộ Trình Kinh Tế Thị Trường: Ngã Rẽ Năm 2000” trong cùng sách này sẽ đề cập đến các chính sách ngắn và dài hạn đó.
         
Phụ lục số liệu để vẽ lại đồ thị: (chú ý có số 86-90 ỏ bảng dưới)
Đồ thị 1: số dòng 1 và 2 - Đồ thị 2: số dòng 3 và 4
đồ thị 3: lấy số dòng 1 cũng được vì số liệu tháng khá dài.
đồ thị 4: tỷ lệ tăng trưởng gdp: xem bảng 1, dòng 5 và 6
đồ thị 5: bảng 1 và dòng 7

1991
1992
1993
1994
1995
1996
1997
1998
1999
2000
1 Tỷ lệ lạm phát
67,5
17,5
5,2
14,4
12,7
4,5
3,6
9,2
0,1
1,0
2. tiêu dùng tư nhân thực
1,5
18,4
13,8
14,4
13,7
13,4
6,5
3,2
2,7
5,4
3. đầu tư của dân cư
20,5
42
7,1
17,1
4,6
-1,1
-4,4
-9,8
1,4
38,1
4. Đầu tư FDI (tăng
trưởng tính theo usd)
-11,1
131,4
116,5
49,7
34,5
14,7
3,5
-24
-23,2
-11,2
5. đầu tư / gdp
15
17,9
25
24,1
29,7
29,2
30,9
26,7
26
28
6. tiết kiêm / gdp
10,1
13,8
14,5
17,1
18,2
17,2
20,1
21,5
24,6
25
7. tốc độ tăng trưởng
 vốn đầu tư
25,6
49,8
51,2
9,1
15,7
13,3
12,5
-3,4
7,8
18,5


1986
1987
1988
1989
1990
5. đầu tư / gdp
11,7
10,9
14,4
11,6
14,4
6. tiết kiêm / gdp
1,2
1,4
3,2
3,5
2,9
7. tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư
-8,6
-4,7
5,6
2,6
11,8





[1] Thời báo Ngân hàng 11/12/98

[2] ICOR được tính theo giá so sánh 1995, theo hai phương pháp sau: 1) ICOR(t)=I(t-1)/DGDP(t); và 2) ICOR(t)=i(t-1)/gGDP(t), trong đó I(t) là tổng vốn đầu tư năm t, DGDP(t)=GDP(t)-GDP(t-1), i(t-1) là tỷ lệ đầu tư trên GDP năm t-1, và gGDP(t) là tỷ lệ tăng trưởng GDP năm t. Vì I(t-1)/ DGDP(t) = [I(t-1)/GDP(t-1)]/[DGDP(t)/GDP(t-1)] = i(t-1)/gGDP(t) nên hai phương pháp trên đều cho cùng một kết quả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét