Thứ Năm, 12 tháng 5, 2011

Đầu tư nước ngoài của Trung Quốc: Động cơ và hệ lụy

Đầu tư nước ngoài của Trung Quốc:

Động cơ và hệ lụy

Theo báo cáo này, cường độ đầu tư ra nước ngoài được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt sức ép đối với lượng dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Trung Quốc, hiện đạt gần 2.900 tỷ USD. Báo cáo dự đoán có thể đầu tư ra nước ngoài sẽ đạt hoặc vượt đầu tư trực tiếp trong nước và sẽ gấp đôi trong vòng 3-5 năm tới.
Dù đầu tư ra nước ngoài tăng vọt, nhưng tổng đầu tư vẫn rất thấp so với các nước khác. Theo Ủy ban LHQ về Thương mại và Phát triển UNCTAD, Mỹ đứng đầu về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2009, với 249 tỷ USD, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng toàn cầu tồi tệ nhất từ sau cuộc Đại Suy thoái những năm 1930. Theo UNCTAD, dòng vốn đầu tư của Mỹ tăng 31% trong năm 2010.
Trong một số trường hợp, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đã vấp phải thái độ bài ngoại của nước được đầu tư. Năm 2004, ý định của Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) mua công ty năng lượng Unocal của Mỹ đã bị Quốc hội Mỹ bác bỏ. Cả dự án của nhà sản xuất đồ gia dụng Haier mua thương hiệu Maytag của Mỹ đã phải hoãn lại do bị dư luận phản đối, khiến Haier phải giảm bớt các thương vụ với nước ngoài. Chính giới Australia cũng lo ngại về các thương vụ năng lượng lớn.


Các tham vọng của Trung Quốc đầu tư ra thế giới cũng đã bắt đầu dạy cho nước này một bài học lớn - rằng điều đó có thể nguy hiểm và kéo theo nhiều vấn đề chính trị nghiêm trọng. Chẳng hạn cuộc chiến ở Libya đã gây ra các vụ tấn công và phá hoại 27 cơ sở xây dựng và nhà máy của Trung Quốc tại đây. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, từ năm 2009 nước này đã là đối tác hàng đầu của Libya với tổng kim ngạch đạt 6,6 tỷ USD. Nhưng đã có tới 1.000 công nhân đã buộc phải rời Libya về Trung Quốc do cuộc chiến tại quốc gia Bắc Phi này.
Tháng 2/2010, các công nhân Trung Quốc đã bị sát hại tại Ethiopia. Họ cũng phải đối mặt với nguy hiểm ở nhiều nước khác, và một vài trong số đó là do họ tự gây ra. Ví dụ tháng 10/2010, các giám sát viên Trung Quốc đã bắn bị thương 11 công nhân tại một mỏ than đá ở Zambia. Năm 2006, nhân viên an ninh đã sát hại 5 công nhân biểu tình ở mỏ đồng Chirambishi, sau một cuộc đụng độ lớn làm 49 người thiệt mạng hồi năm 2005, khiến Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào phải lên tiếng kêu gọi các doanh nhân của mình tôn trọng luật pháp nước bản địa.
Theo HSBC, dù gặp vấn đề nhưng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc đã tăng ngoạn mục, đặc biệt từ năm 2002, khi Chính phủ Trung Quốc khởi động kế hoạch chiến lược nhằm khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc tỏa ra toàn cầu. Lượng vốn đầu tư này đã tăng gấp 30 lần trong vòng 8 năm. Năm 2008, hơn 12.000 công ty và thể chế của Trung Quốc đầu tư vào hơn 13.000 công ty nước ngoài tại 177 quốc gia và khu vực.
Các doanh nghiệp nhà nước đóng góp 67,6% vốn đầu tư ra nước ngoài, trong khi các công ty tư nhân đóng góp một lượng rất khiêm tốn là 0,6%. Phần còn lại là của các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty chứng khoán...
Khác với số tiền đầu tư khổng lồ của Nhật Bản dành để mua các công ty nước ngoài trong những năm 1980, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc không dựa trên tham vọng mua các doanh nghiệp nổi tiếng như các công ty điện ảnh hay sân golf. Hầu hết lượng đầu tư này nhằm lấp đầy chiếc dạ dày khát tài nguyên của nền sản xuất Trung Quốc, nước hồi năm ngoái đã vượt Mỹ trở thành nền kinh tế sản xuất lớn nhất thế giới.
Theo báo cáo trên, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc tập trung vào 5 lĩnh vực - các dịch vụ cho thuê và thương mại, khai mỏ, bán sỉ và bán lẻ, sản xuất và vận tải. Năm lĩnh vực này chiếm 90% tổng đầu tư, tăng gần 5% so với cách đây 5 năm.
Các động cơ chính của đầu tư ra nước ngoài suy cho cùng trước tiên là nhằm đảm bảo an ninh tài nguyên. Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ dầu mỏ nhiều thứ hai thế giới, chiếm khoảng 10% tổng lượng tiêu thụ toàn cầu.
Thứ hai là mua được công nghệ và nhãn mác lớn nhằm tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu. Hai trong các thương vụ này là hợp đồng của Lenovo mua thương hiệu máy tính xách tay thương mại IMB, và vụ Geely mua Volvo. Nhiều hợp đồng khác cũng khá suôn sẻ, như thương vụ công ty Công nghiệp nặng Sichuan Tengzhong mua thương hiệu Hummer của General Motors.
Thứ ba là tạo lập các kênh marketing trong các thị trường mới, lập các mạng lưới phân phối trực tiếp nhằm tạo điều kiện cho xuất khẩu hoặc xây dựng các xưởng sản xuất ở nước ngoài nhằm tránh các hàng rào thuế quan.

 Ảnh GettyImages

Các thị trường mới nổi vẫn là điểm đến hấp dẫn nhất đối với nguồn vốn của Trung Quốc. Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc tại các thị trường phát triển chỉ chiếm 7,4%. Châu Á thu hút 75%, sau đó là Mỹ Latinh 12,5%, châu Phi 3,8%, châu Âu 3,5% và Mỹ chỉ 2,1%. Đây là điểm khác biệt lớn so với đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản những năm 1980. Tuy nhiên, đầu tư của Trung Quốc tại châu Âu đã tăng mạnh 280% trong năm 2009, và tăng 320% tại Mỹ, 100% tại Mỹ Latinh.
Hong Kong nhận lượng đầu tư lớn từ Trung Quốc đại lục - 63% trong năm 2009 - chủ yếu do vị trí có một không hai của hòn đảo này, như một cửa ngõ để vào khu vực Thái Bình Dương và ra thế giới.
Tại Mỹ Latinh, quần đảo Virgin và quần đảo Cayman là hai điểm đến hàng đầu, chiếm 11,6% tổng đầu tư ra nước ngoài và hơn 93% tổng đầu tư vào khu vực Mỹ Latinh của Trung Quốc. Hai quần đảo này cũng là hai thiên đường thuế lớn trên đại dương.
Báo cáo viết: "Điều mà Trung Quốc cần làm tiếp theo là mua công nghệ nhiều hơn nữa và xây dựng một mạng lưới phân phối toàn cầu cho các sản phẩm của mình, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi. Các ngân hàng của Trung Quốc sẽ tích cực vươn ra nước ngoài nhằm tạo điều kiện mở rộng khách hàng của mình trên toàn cầu, từ đó tăng đầu tư tài chính trong những năm tới".
Dịch theo Asia Sentinel

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét