Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

Mất trắng vì làm ăn với doanh nghiệp Trung Quốc

Lại một cái tít gây sốc:

Mất trắng vì làm ăn với doanh nghiệp Trung Quốc

(VEF.VN) - Doanh nghiệp Việt Nam hay mắc bệnh "tin người" và không ít trường hợp, đã phải cắn răng chịu mất trắng trước các mánh khóe của doanh nghiệp Trung Quốc.
Giao thương với Trung Quốc chiếm tới 14,7% tổng giá trị giao thương của Việt Nam. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, chỉ sau Mỹ và Nhật Bản. Đây lại là thị trường có mức độ phức tạp bậc nhất, thượng vàng hạ cám đối với tất cả các loại nguyên nhiên vật liệu là đầu vào của sản xuất. Có lẽ vì thế, làm ăn đối tác doanh nghiệp Trung Quốc, các va vấp xảy ra cho doanh nghiệp Việt Nam là nhiều.

Chết vì bệnh cả tin
Bên lề buổi giới thiệu về thị trường Trung Quốc mới đây của Bộ Công Thương, chị Thanh Hoa, chuyên viên làm việc cho một doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến thương mại ở Việt Nam kể : "Chuyện dính phốt với các doanh nghiệp nước này thì nhiều lắm. Gần đây nhất, công ty chị mình đặt mua Inox của một công ty ở Quảng Đông, Trung Quốc. Trực tiếp Tổng giám đốc sang tận nơi để xem hàng và đây là mối qua người bạn giới thiệu. Thấy hàng ổn nên đặt cọc ký hợp đồng. Không ngờ hàng về đến Việt Nam lại không đúng chủng loại đã đặt mua, khi gửi emai, điện thoại cho bên kia thì không thấy hồi âm. Rõ ràng, họ cố tình giao hàng sai chủng loại để ăn thêm phần chênh lệch giá loại hàng".
"Do làm việc ở ngay doanh nghiệp Trung Quốc, mình nhờ được mối liên hệ với đối tác kia, gây áp lực, dọa kiện cáo, điện thoại email cả tháng trời mới đòi lại được tiền", chị kể. Qua 7 năm chuyên về xúc tiến thương mại với thị trường Trung Quốc, chị Hoa khẳng định: "Nhiều khi, người mình sang tận bên kia, xem nhà máy nhưng không biết tiếng Trung hoặc gặp phải phiên dịch thông đồng với đối tác thì rất dễ bị lừa". Tuy nhiên, chuyện cố tình giao sai hàng là va vấp cấp độ sơ đẳng nhất.

Giao thương với Trung Quốc chiếm tới 14,7% tổng giá trị giao thương của Việt Nam.

Chia sẻ với PV Diễn đàn kinh tế Việt Nam, ông Đào Ngọc Chương, Vụ Phó Vụ Thị trường châu Á- Thái Bình Dương kể: "Có những doanh nghiệp Trung Quốc mà chúng ta gặp ở hội chợ tỏ ra làm ăn rất bài bản, gian hàng rất hoành tráng, sản phẩm mẫu mã giới thiệu tại đây rất chuẩn. Doanh nghiệp Việt Nam của ta rất mê, tiến hành thương thảo ngay. Sau khi ký hợp đồng sơ bộ, đoàn của doanh nghiệp ta cũng đi thẩm tra cơ sở sản xuất của họ. Đến nơi, thấy văn phòng của họ rất to, kho tàng hàng hóa lộn xộn, sản xuất rất nhộn nhịp, thế là về, đặt bút ký roẹt một cái, xong là mở ngay L/C thanh toán".
"Nhưng sau đó, hàng của đối tác này đến cảng Sài Gòn, mở ra phát hiện không đúng hàng mình đặt. Liên lạc với họ theo mọi địa chỉ giao dịch trước đây thì... mọi cái im bặt. Lúc đó, doanh nghiệp tá hoả gọi đến thương vụ Việt Nam thì bản thân thương vụ cũng không thể liên hệ được nữa. Bay tới tận nơi kiểm tra lại cơ sở sản xuất ấy là như thế nào thì hóa ra,  tất cả đều là đi thuê mượn, nguy trang và đối tác chỉ là doanh nghiệp ma, không có trụ sở, kho tàng gì".
Theo ông Chương, đã có ít nhất 3 vụ việc xảy ra như vậy, đều rơi vào các doanh nghiệp hóa chất Việt Nam. Trong giao dịch ký kết cũng thế, ông Chương nói: "Doanh nghiệp của ta có một bệnh là hay tin bạn. Khi bạn đưa hợp đồng mẫu tiếng Anh- Trung mà thường, có lợi cho họ như điều khoản giải quyết tranh chấp tại Trung Quốc chẳng hạn..., doanh nghiệp ta cũng đồng ý, ký vào. Đến khi dính vào tranh chấp, mới thấy đau".
Bởi lẽ, "một là vốn doanh nghiệp của ta nhỏ, hai là phí tham gia tranh chấp ở Trung Quốc rất lớn, ba là rào cản ngôn ngữ, bốn là thuê luật sư Trung Quốc, rất tốn kém. Có những doanh nghiệp Việt dù đúng, dù thương vụ động viên rất nhiều nhưng vì khả năng tài chính, buộc phải bỏ kiện", ông Chương cho hay. Tốt nhất, các doanh nghiệp Việt nên đề nghị điều khoản này phải giải quyết ở nước thứ 3, hoặc là hội đồng trọng tài thương mại ở Việt Nam (VCCI).
Hãy hỏi giấy phép kinh doanh như hỏi chứng minh thư
Theo khuyến nghị của ông Chương, việc cơ bản nhất nên làm với doanh nghiệp Trung Quốc là thẩm tra năng lực tài chính, kinh doanh hoặc ít nhất là tư cách pháp nhân của đối tác.
Ông cho biết, theo qui định của Bộ Thương mại Trung Quốc, chỉ có một số doanh nghiệp đặc biệt do Bộ này chỉ định và cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực thẩm tra doanh nghiệp. Các công ty Việt Nam muốn thẩm tra đối tác phải thông qua các doanh nghiệp này song, mức phí không phải là nhỏ. Tùy yêu cầu của công ty Việt Nam, ví dụ đơn giản như thẩm tra khả năng tài chính, kinh doanh, tính khả thi trong hợp tác thì doanh nghiệp sẽ mất khoảng 8.000 - 1 vạn tệ. còn yêu cầu cao hơn, muốn biết vốn, tổng tài sản trị giá bao nhiêu thì phí còn lớn hơn.
Theo ông Chương, với hợp đồng xuất khẩu lớn, các doanh nghiệp Việt Nam nên đầu tư khoản phí này để giải quyết vấn đề mức độ tin cậy của đối tác, đảm bảo an toàn cho chính mình. Dù đối tác là nhập khẩu hay xuất khẩu thì trước khi ký hợp đồng thương mại, chúng ta vẫn nên cử 1 đoàn 2-3 người gọn nhẹ sang thẩm định năng lực sản xuất của công ty Trung Quốc, ông nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, một cách thẩm tra đơn giản nhất và không mất phí mà các doanh nghiệp Việt nên làm là yêu cầu đối tác cho xem giấy phép kinh doanh. Nhất là trường hợp đối tác gặp lần đầu tiên tiếp xúc qua hội chợ, triển lãm, các kênh hội thảo diễn đàn. "Nếu đối tác đứng đắn, làm ăn nghiêm túc, lâu dài thì chắc chắn, sẽ không thoái thác yêu cầu này của ta", ông Chương nói.
Tuy nhiên, phải lưu ý rằng, giấy phép kinh doanh của công ty Trung Quốc là do Cục quản lý hành chính công thương tại tỉnh, thành phố cấp và phải là nếu là bản sao thì phải có công chứng là loại có giá trị như bản gốc. Tuyệt đối không tin vào giấy phép kinh doanh chỉ có in hàng chữ "Chỉ có giá trị tham khảo". Trong đó, các công ty Việt Nam cần lưu ý kiểm tra tên, địa chỉ công ty, ngày cấp phép, thời hạn, pham vị kinh doanh và vốn đăng ký. Ông cho biết, trung bình thời hạn giấy phép là khoảng 5 năm.
Điều lưu ý cuối cùng là các điều khoản thanh toán, làm sao chọn phương thức L/C hợp lý hoặc yêu cầu đặc cọc để chí ít, không bị rơi vào cảnh "cầm đằng lưỡi". Vì không ít doanh nghiệp, thỏa thuận không khôn khéo nên đã bị kẹt khi đối tác không trả tiền, còn mình thì đã mua nguyên vật liệu sản xuất hoặc bị ép giá...
Đáng tiếc rằng, các doanh nghiệp Việt Nam dường như chưa chú trọng điều này. Theo phân tích của ông Chương, có 3 lý do lớn, thứ nhất là do doanh nghiệp Việt đa phần là nhỏ, vừa, vốn ít, thứ hai là thói quen buôn bán nhỏ lẻ, qua biên giới đã ăn sâu trong tác phong từ hàng chục năm nay và thứ ba là chiến lược phát triển cho thị trường Trung Quốc hạn chế. Chúng ta cũng chưa có những Tập đoàn xuyên quốc gia, có hợp đồng lớn nên tâm lý chung là bỏ qua hoặc ngại làm những thao tác thẩm tra đối tác.
Chính vì nặng tư tương buôn bán biên mậu trên nên đã tạo ra sức ỳ lớn cho doanh nghiệp Việt Nam trong cách làm, cách nghĩ khi hợp tác kinh doanh với nước bạn. Vì thế, có những va vấp, khó khăn không phải do phía Trung Quốc dựng rào cản kỹ thuật mà do chính bản thân phía doanh nghiệp Việt Nam còn yến kém. Vấn đề là làm sao để 2 bên hiểu lẫn nhau, các qui định được phổ biến công khai minh bạch thì sẽ hạn chế rủi ro, ông Chương nhấn mạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét