Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

DỰ BÁO ĐỊNH LƯỢNG MỘT SỐ KHẢ NĂNG PHÁT TRIỂN CỦA NỀN KINH LÀO GIAI ĐOẠN 2008-2015 (phần 1)

Bài viết cũ của tôi:

DỰ BÁO ĐỊNH LƯỢNG MỘT SỐ KHẢ NĂNG
PHÁT TRIỂN CỦA NỀN KINH LÀO GIAI ĐOẠN 2008-2015

Trong các nghiên cứu trước, chúng ta đã phân tích tiềm năng phát triển dài hạn cũng như thực trạng nền kinh tế Lào trong những năm gần đây. Trong chương này, chúng ta sẽ xây dựng mô hình và thực hiện các dự báo tăng trưởng và các cân đối vĩ mô của nền kinh tế Lào trong giai đoạn từ nay đến năm 2015. Quá trình xây dựng mô hình gồm 2 bước: Bước xây dựng mô hình lý thuyết và bước xây dựng mô hình thực nghiệm.
MỤC 1: MÔ HÌNH LÝ THUYẾT ĐỂ DỰ BÁO CÁC CÂN ĐỐI VĨ MÔ CỦA NỀN KINH TẾ LÀO TRONG GIAI ĐOẠN TỪ NAY ĐẾN NĂM 2015
1. Phương pháp tiếp cận để dự báo tăng trưởng trung và dài hạn cho nền kinh tế Lào
Các phân tích, nghiên cứu trong hai chương đầu đã cho thấy tiềm năng phát triển của Lào còn rất lớn và có nhiều thuận lợi để có thể sớm huy động, đưa vào khai thác, sử dụng. Mặt khác, nền kinh tế Lào đang có xuất phát điểm rất thấp và xu thế đi lên nhanh đang khá rõ. Do đó, khi có một lực đẩy nào đó (ví dụ như điều chỉnh cơ chế, chính sách; khối lượng vốn FDI tăng vọt; đưa vào hoạt động một số cơ sở công nghiệp lớn...), thì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Lào trong quá trình tăng trưởng trung và dài hạn sẽ tăng lên rất nhanh chứ không tiến lên tuần tự do chịu lực cản của quy mô nặng nề của nền kinh tế như trường hợp các nước khác.
Vì vậy, nếu như việc dự báo khả năng phát triển ngắn hạn của nền kinh tế Lào có thể thực hiện bằng các mô hình dự báo theo xu thế thì dự báo khả năng phát triển trung và dài hạn của nền kinh tế Lào không thể dựa trên các mô hình dự báo theo xu thế mà phải dự báo theo các kịch bản với những giả định đầu vào rất khác nhau. Tiếp đến, trên cơ sở dự báo tăng trưởng từ các kịch bản, sẽ xây dựng các cân đối lớn để đảm bảo quá trình tăng trưởng ổn định và dài hạn.
Phương pháp luận tổng quát để nghiên cứu vấn đề tăng trưởng kinh tế trong đề tài này là lý thuyết hệ thống, tức là phân tích, đánh giá và dự báo tiến triển của tăng trưởng của nền kinh tế nước ta dựa trên quan điểm hệ thống, trong đó những chỉ tiêu chủ yếu của nền kinh tế có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau, tạo ra quá trình tăng trưởng. Cụ thể, với cách nhìn chỉ tiêu tăng trưởng trong mối quan hệ tổng thể với các chỉ tiêu vĩ mô liên quan như vốn, hiệu quả đồng vốn, lao động, năng suất lao động..., nhóm nghiên cứu đề tài sẽ kết hợp phân tích định tính với phân tích định lượng thông qua các mô hình để đưa ra các phân tích, đánh giá và dự báo.
Như đã phân tích ở trên, đối với nền kinh tế có xuất phát điểm rất thấp và tiềm năng phát triển còn rất lớn, việc dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế trung và dài hạn đến năm 2015 không thể thực hiện được bằng các mô hình kinh tế lượng chi tiết mà phải xuất phát từ các lý thuyết tăng trưởng kinh tế trung và dài hạn. Cũng căn cứ vào đặc điểm kinh tế Lào và đối chiếu với các lý thuyết kinh tế giải thích hiện tượng tăng trưởng tại các nước đang phát triển có thu nhập thấp, có thể chọn mô hình tăng trưởng tân cổ điển làm công cụ chính để phân tích tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Lào. Điều này hoàn toàn hợp lý vì các nhân tố tạo ra quá trình tăng trưởng trung hạn của nền kinh tế Lào vẫn chủ yếu là các nhân tố cung, tức là đầu vào vẫn là nhân tố chủ yếu quyết định kết quả sản xuất chứ không phải là đầu ra.
Thực vậy, hiện tượng cung không đáp ứng cầu đã thể hiện khá rõ trong hàng thập kỷ vừa qua tại nước CHDCND Lào. Hiện tượng khan hiếm hàng tiêu dùng và các nguồn lực phát triển phổ biến khắp nơi trong cả nước, làm cho đời sống người dân rất thấp, đồng thời tỷ lệ hàng nhập khẩu từ nước ngoài ngày càng cao. Nền kinh tế liên tục trong điều kiện thâm hụt ngoại thương, ngân sách, tiền tệ. Tỷ lệ lạm phát trong nhiều năm liên tiếp khá cao.
Hiện tượng này cũng thể hiện khá rõ trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế  hiện nay như tỷ lệ sử dụng công suất máy móc, thiết bị đang tăng lên rất cao; nhiều ngành, nghề, địa phương đã huy động gần hết công suất nhưng sản lượng vẫn không đáp ứng yêu cầu. Việc tiêu thụ hàng hóa thường rất dễ dàng nếu giá cả hợp lý, chấp nhận được đối với người dân; tuy nhiên trên thực tế, do mất cân đối cung cầu nên giá cả hàng hóa đều rất cao so với khả năng thanh toán của người dân, dẫn tới đời sống nhân dân vẫn rất thấp. Trong những năm gần đây, khối lượng hàng hóa tồn kho giảm nhanh và lượng hàng dự trữ còn rất mỏng trong khi nhu cầu xã hội vẫn tiếp tục tăng cao... Những biểu hiện trên phản ánh tình trạng cung nội địa chưa thể cân đối với cầu.
Do vậy, nếu phân tích sâu hơn, có thể thấy, về trung hạn, các nhân tố cung vẫn đóng vai trò cơ bản. Điều này càng rõ vì trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào của nền kinh tế Lào trong 2 thập kỷ gần đây, việc tăng trưởng nhanh hoặc chậm của nền kinh tế đều phụ thuộc rất lớn vào vốn đầu tư. Ngay trong những năm nền kinh tế tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á, thì một trong những nguyên nhân chủ yếu vẫn là thiếu vốn đầu tư, trong đó có vấn đề nguồn vốn FDI giảm nghiêm trọng...
Đặc biệt, nếu nghiên cứu cho giai đoạn 2008-2015 khi Lào hội nhập sâu hơn và nền kinh tế thế giới, đã trở thành thành viên đầy đủ của nhiều tổ chức kinh tế, thương mại, tài chính quốc tế và thậm chí sẽ sớm trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), thì thị trường của Lào sẽ rộng lớn gấp bội so với thị trường nội địa. Khi đó, vấn đề cơ bản sẽ là sức cạnh tranh của các sản phẩm của nền kinh tế Lào trên thị trường quốc tế, mà điều này lại phụ thuộc chủ yếu vào trình độ lao động, trình độ công nghệ và nguồn vốn đầu tư, tức là những nhân tố cung. Chính vì vậy, mô hình xây dựng để phân tích, dự báo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Lào cho giai đoạn từ nay đến năm 2015 sẽ là mô hình cung.
Vì là mô hình cung và nền kinh tế Lào mới trong giai đoạn đầu phát triển (giống như trường hợp các nước công nghiệp vào thế kỷ 19 với môi trường thương mại thế giới hoàn toàn tự do) nên lô gic của mô hình được phỏng theo lý thuyết tân cổ điển (lý thuyết cung hiện đại), trước hết là mô hình Harrod - Domar.
Để nghiên cứu tính khả thi của các mục tiêu tăng trưởng trung và dài hạn, trước tiên, người ta phải phân tích nhu cầu vốn để đạt được mục tiêu tăng trưởng và khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư để đáp ứng nhu cầu (hoặc nếu dự báo được khả năng nguồn vốn thì có thể xác định được tốc độ tăng trưởng GDP). Mặc dù có những điểm rất khác nhau về các nhân tố tăng trưởng ngắn hạn, nhưng hầu như tất cả các lý thuyết kinh tế đều thống nhất coi vốn đầu tư và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư là nhân tố cơ bản xác định tỷ lệ tăng trưởng dài hạn; trong khi nguồn vốn đầu tư lại phụ thuộc rất lớn vào khả năng tiết kiệm.
Để xác định cầu đầu tư, người ta thường sử dụng hệ số ICOR, trong khi để xác định cung đầu tư, người ta phải xuất phát từ khả năng tích luỹ của khu vực dân cư, của chính phủ, của hệ thống ngân hàng và các nguồn vốn khác, kể cả nguồn vốn huy động từ nước ngoài.
Mô hình tăng trưởng truyền thống phân tích, dự báo quá trình tăng trưởng dài hạn và cân bằng xuất phát từ giả thiết tồn tại cân bằng giữa tiết kiệm và đầu tư trong điều kiện sử dụng hết công suất của bộ máy sản xuất. Mô hình tổng quát gồm 4 phương trình:
            Y* - Y*(t-1)  =  k * I(t-1)                                                          (1)
            Y(t)             =  C(t)  +  I(t)                                               (2)
            I(t)               =  s * Y*(t)                                                   (3)
            C(t)              =  (1-s) * Y*(t)                                             (4)
trong đó: Y* là kết quả sản xuất tương ứng với sử dụng các nhân tố sản xuất theo đúng tiềm năng; Y là kết quả sản xuất thực tế; I là vốn đầu tư; C là tiêu dùng toàn xã hội; k là tỷ lệ xác định quan hệ giữa vốn và kết quả sản xuất, từ công thức xác định k, có thể suy ra hệ số ICOR bằng 1/k; s là tỷ lệ giữa tiết kiệm (đầu tư) và sản xuất. Các hệ số k và s đều dương và nhỏ hơn đơn vị.
Trong mô hình trên, phương trình đầu phản ánh thay đổi khả năng sản xuất phụ thuộc vào đầu tư mới và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số k hay ICOR). Phương trình thứ hai phản ánh kết quả sản xuất thực tế, được xác định theo lý thuyết cầu, tức là sản xuất bằng tổng của tiêu dùng và đầu tư. Phương trình thứ ba giả định cầu đầu tư được xác định từ khả năng sản xuất. Phương trình cuối cùng giả định cầu tiêu dùng là phần còn lại của kết quả sản xuất sau khi đã trừ đi phần được sử dụng để đầu tư.
Về dài hạn, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế sẽ tương ứng với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tiềm năng; do vậy, Y* = Y. Bằng cách nhóm lại các phương trình, có thể giải ra phương trình xác định kết quả sản xuất như sau:
Y(t)     =     (1+k*s) * Y(t-1)                                  (5)
hay                Y(t) / Y(t-1)    =   1 + k*s                                                (6)
Từ đây suy ra tỷ lệ tăng trưởng kinh tế g sẽ được xác định khi k và s được xác định; công thức xác định g như sau:
            g  = DY(t) / Y(t-1)     =   k * s   =    s / ICOR                             (7)
tức là về dài hạn tỷ lệ tăng trưởng kinh tế sẽ bằng tỷ lệ tiết kiệm chia cho hệ số ICOR. Như vậy, theo mô hình, để dự báo khả năng tăng trưởng dài hạn, chỉ cần dự báo tiến triển của các hệ số k và s.
Khi sử dụng hệ số ICOR, cần lưu ý rằng ICOR được tính theo giá cố định để loại bỏ ảnh hưởng của nhân tố giá; đồng thời có thể tính ICOR theo hai phương pháp sau, nhưng đều cho cùng một kết quả:
Theo phương pháp 1:
            ICOR(t)=I(t-1)/DY(t)                                                       (8)
Theo phương pháp 2:
            ICOR(t)=i(t-1)/g(t),                                                          (9)
trong đó I(t) là tổng vốn đầu tư năm t, DY(t)=Y(t)-Y(t-1), i(t-1) là tỷ lệ đầu tư trên GDP năm t-1, và g(t) là tỷ lệ tăng trưởng của Y năm t.
Vì  theo định nghĩa ICOR = I(t-1)/ DY(t) nên ta có:
            ICOR   =  [I(t-1)/Y(t-1)]/[DY(t)/Y(t-1)]  =  i(t-1)/g(t)       (10)
đúng theo công thức (9); như vậy hai phương pháp trên cho cùng một kết quả.
Trong nghiên cứu này, sẽ sử dụng mô hình trên để dự báo tăng trưởng dài hạn đến năm 2015 cho nền kinh tế Lào. Dự báo dài hạn theo mô hình này có ưu điểm lớn là đảm bảo nền kinh tế phát triển ổn định, dài hạn vì đi theo đúng tiềm năng của nó.
Theo mô hình trên, để dự báo khả năng tăng trưởng trung và dài hạn, cần dự báo tỷ lệ đầu tư (s) và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (k), sau đó đưa vào phương trình (7) để xác định tốc độ tăng trưởng kinh tế (g).
2. Mô hình dự báo các cân đối vĩ mô của nền kinh tế Lào trong giai đoạn từ nay đến năm 2015
Tiếp theo bước xây dựng phương pháp luận dự báo (xác định các kịch bản) về khả năng tăng trưởng của nền kinh tế Lào trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, chúng ta chuyển sang xây dựng mô hình lý thuyết để dự báo các cân đối vĩ mô của nền kinh tế Lào trong giai đoạn từ nay đến năm 2015. Vì đặc trưng đầy biến động của kinh tế Lào đồng thời chuỗi số liệu thống kê hiện có quá ngắn (2001-2006) nên phương pháp hợp lý nhất là dựa vào phân tích định tính kết hợp với các quan hệ tỷ lệ để xác định mối quan hệ giữa các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Cũng nhờ phương pháp đơn giản này, mọi tính toán có thể được thực hiện trên phần mềm EXCEL thay vì phải sử dụng các phần mềm kinh tế lượng như thông thường.
Mô hình dự báo các cân đối vĩ mô của nền kinh tế Lào trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 gồm các quan hệ cơ bản sau:
a) Dân số
Dân số được dự báo theo xu thế, thông thường được dự báo theo một trong hai phương pháp:
- Theo tốc độ tăng thêm hàng năm dự báo hoặc mong muốn; ví dụ theo mục tiêu phấn đấu hạ tốc độ tăng trưởng dân số năm 2010 xuống còn 1%...
- Theo phương trình kinh tế lượng.
Nhóm đề tài lựa chọn phương pháp dự báo dân số theo xu thế kết hợp với mong muốn giảm dần tốc độ tăng trưởng dân số. Khi đó, nếu gọi POPU là dân số năm t, POPU(-1) là dân số năm trước và r là tốc độ tăng trưởng dân số năm t, thì phương trình xác định dân số năm t như sau:
                      POPU = POPU(-1) * (100 + r) /100
b) Lao động
(1) Tại các nước đang phát triển, do nguồn lao động luôn luôn dồi dào nên cầu lao động thường được dự báo theo mô hình cầu, có nghĩa là quá trình tăng trưởng kinh tế sẽ tạo ra công ăn việc làm và thu hút lao động, chứ không phải theo mô hình cung, theo đó cung lao động tạo ra quá trình tăng trưởng. Cầu lao động được dự báo theo một trong hai cách:
- Dự báo tổng nhu cầu lao động của nền kinh tế, nhu cầu lao động của hai ngành công nghiệp và dịch vụ; lấy tổng nhu cầu lao động toàn nền kinh tế trừ đi nhu cầu lao động của hai ngành kia, sẽ thu được nhu cầu lao động của khu vực dịch vụ.
- Dự báo nhu cầu lao động của từng khu vực kinh tế; sau đó tổng hợp thành nhu cầu lao động toàn nền kinh tế. Đây là cách tiếp cận của đề tài.
Dự báo nhu cầu lao động của từng khu vực kinh tế căn cứ theo dự báo thay đổi năng suất lao động trong thời gian kế hoạch và giá trị gia tăng của từng khu vực. Ví dụ gọi GDPNN là giá trị gia tăng của khu vực nông nghiệp, NDLDNN là năng suất lao động trong thời gian kế hoạch của khu vực nông nghiệp, khi đó nhu cầu lao động của khu vực nông nghiệp được xác định như sau:
                      LABNN = GDPNN / NSLDNN
Từ đây, có thể xác định được số việc làm mới được tạo ra trong năm t của khu vực nông nghiệp bằng cách lấy số lao động năm t trừ đi số lao động năm t-1.
(2) Cung lao động được dự báo theo xu thế, thông thường sử dụng tương quan hệ hoặc tỷ lệ với dân số. Đây là lựa chọn của đề tài.
(3) Chênh lệch cung – cầu lao động xác định số lao động chưa có việc làm (thất nghiệp).
(4) Từ đây xác định được tỷ lệ thất nghiệp trên tổng số cung lao động; chỉ tiêu này chính là tỷ lệ thất nghiệp.
c) GDP và các chỉ tiêu liên quan:
(1) Xác định tốc độ tăng trưởng của các ngành kinh tế và toàn nền kinh tế:
Phương pháp lựa chọn để xác định tốc độ tăng trưởng của các ngành kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ) là dựa trên phân tích tương quan giữa tốc độ tăng trưởng của từng ngành và toàn nền kinh tế, đồng thời kết hợp với các dự báo kinh tế kinh tế ngành, ý kiến của các chuyên gia, định hướng phát triển ngành nêu trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước Lào. Thực tế, đối với nền kinh tế Lào, rất khó có thể xác định chính xác tốc độ tăng trưởng của các ngành do tính ổn định chưa cao và khả năng khai thác các tiềm năng phát triển rất lớn. Vì vậy, dự báo tốc độ tăng trưởng của các ngành thực chất là đưa ra các kịch bản về tốc độ phát triển của các ngành. Đây là giải pháp lựa chọn của đề tài.
Sau khi đã xác định tốc độ tăng trưởng của các ngành kinh tế, có thể xác định được giá trị gia tăng theo giá cố định của các ngành trong kỳ kế hoạch; từ đó tổng hợp lại thành GDP toàn nền kinh tế theo giá cố định...
Từ GDP toàn nền kinh tế theo giá cố định, sẽ tính được tốc độ tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế theo giá cố định.
(2) Chỉ số giá giá trị gia tăng các ngành kinh tế được xác định ngoài mô hình, theo cách tương tự như xác định tốc độ tăng trưởng của các ngành kinh tế. Từ đây tính được giá trị gia tăng theo giá hiện hành của các ngành và toàn nền kinh tế. Tổng hợp lại, sẽ thu được GDP theo giá hiện hành.
Với kết quả trên, sẽ xác định được cơ cấu GDP theo giá hiện hành.
(3) Từ GDP theo giá hiện hành và GDP theo giá cố định, xác định được chỉ số giá GDP.
(4) Từ chỉ số giá GDP, thông qua quan hệ tương quan, sẽ xác định được chỉ số giá tiêu dùng CPI.
(5) Giả định tốc độ điều chỉnh tỷ giá đã biết, ví dụ đồng kíp Lào giữ vững giá so với đồng USD trong suốt thời kỳ từ nay đến năm 2015, khi đó sẽ xác định được tỷ giá trong thời kỳ từ nay đến năm 2015 vẫn bằng tỷ giá năm 2008.
(6) Từ GDP theo giá hiện hành và tỷ giá Kíp/USD, sẽ xác định được GDP của Lào theo USD.
(7) Chia GDP theo USD cho dân số, sẽ xác định được GDP đầu người theo USD.
d) Đầu tư
(1) Xác định nhu cầu vốn đầu tư để đảm bảo tăng trưởng: Với giả thiết hệ số ICOR đã biết, tỷ lệ đầu tư trên GDP tính cho toàn nền kinh tế được xác định bằng tích của hệ số ICOR với tốc độ tăng trưởng kinh tế đã được xác định ở trên.
(2) Từ tỷ lệ đầu tư trên GDP vừa xác định ở trên và GDP theo giá hiện hành đã biết, sẽ xác định được tổng đầu tư toàn nền kinh tế theo giá hiện hành.
(3) Cơ cấu vốn đầu tư của Lào đang trong giai đoạn không ổn định. Tuy nhiên, căn cứ một số định hướng chính sách của Đảng và Nhà nước Lào và kinh nghiệm phát triển chung của các nước tương tự như Lào, thì có thể dự báo tỷ trọng đầu tư bằng nguồn vốn dân cư sẽ tăng lên rất nhanh do đang ở mức rất thấp, tiếp đến là đầu tư của khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng của nguồn vốn đầu tư nhà nước tăng chậm nhất. Đề tài đã xây dựng kịch bản xác định tỷ lệ đầu tư trên GDP của các khu vực kinh tế trong nước, sau đó lấy tỷ lệ đầu tư trên GDP của toàn nền kinh tế trừ tỷ lệ đầu tư trên GDP của các khu vực kinh tế trong nước để xác định tỷ lệ đầu tư trên GDP của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Kết quả tính toán được trình bày trong bảng dưới đây.

Bảng 1: Tỷ trọng các nguồn vốn đầu tư trong GDP (%)

Tỷ trọng trong GDP
Vốn nhà n­ước
Vốn dân cư­
Vốn khu vực FDI
2001
12.8
2.8
4.4
2002
15.5
3.8
8.5
2003
13.0
2.6
16.1
2004
10.4
1.0
14.0
2005
9.9
0.9
16.9
2006
10.0
2.0
22.9
2007
10.0
2.3
21.3
2008
10.2
2.6
19.7
2009
10.4
2.9
20.1
2010
10.6
3.2
20.4
2011
10.8
3.5
23.3
2012
11.0
3.8
23.9
2013
11.2
4.1
24.4
2014
11.4
4.4
24.9
2015
11.6
4.7
25.5
Trung bình 2001-2005
12.32
2.22
11.98
Trung bình 2006-2010
10.28
2.67
20.72
Trung bình 2011-2015
11.25
4.18
24.54

(4) Từ tỷ trọng trên và GDP theo giá hiện hành đã được xác định ở trên, sẽ tính ra nhu cầu vốn đầu tư cần huy động từ các thành phần kinh tế và tốc độ tăng trưởng của chúng (theo giá hiện hành).
(5) Vốn trong nước được xác định gồm:
- Vốn của dân cư và tư nhân
- Vốn khu vực kinh tế nhà nước có nguồn gốc từ trong nước.
- Vốn đối ứng trong nước tham gia trong khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (30% trên tổng số).
Từ đây xác định được tỷ lệ vốn trong nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tỷ lệ vốn trong nước trong GDP...
(6) Vốn ngoài nước được xác định bằng cách lấy tổng vốn đầu tư toàn xã hội trừ đi vốn trong nước.
Từ đây xác định được tỷ lệ vốn ngoài nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tỷ lệ vốn ngoài nước trong GDP...
(7) Vốn khu vực kinh tế nhà nước gồm vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, tín dụng đầu tư nhà nước, đầu tư của các DNNN.
 Vốn khu vực kinh tế nhà nước có nguồn gốc từ nước ngoài (ODA và các khoản vay chính phủ khác) được xác định bằng tổng vốn khu vực kinh tế nhà nước trừ đi tổng vốn khu vực kinh tế nhà nước có nguồn gốc từ trong nước.
Từ đây xác định được cơ cấu vốn khu vực kinh tế nhà nước.
(8) Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cần huy động từ nước ngoài được xác định bằng cách lấy tổng vốn đầu tư của khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trừ đi vốn đối ứng trong nước tham gia trong khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Chia số vốn này cho tỷ giá Kíp/USD sẽ xác định được số vốn FDI cần giải ngân tính theo USD.
e) Cân đối nguồn – sử dụng GDP
(1) Chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đưa vào cân đối GDP được xác định từ thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế (phần hàng hóa và dịch vụ) tính theo USD quy đổi ra tiền Việt theo tỷ giá.
Tổng nguồn được xác định bằng GDP cộng chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tính theo tiền Việt, giá hiện hành.
(2) Tỷ lệ tích luỹ trên GDP được xác định căn cứ theo tỷ lệ đầu tư trên GDP. Từ đây xác định được tích luỹ của toàn nền kinh tế.
(3) Tiêu dùng xã hội (cá nhân, chính phủ) được xác định bằng hiệu giữa tổng nguồn và tích luỹ của toàn nền kinh tế.
Từ đây xác định được tỷ lệ tiêu dùng trên GDP, cơ cấu tích luỹ, tiêu dùng; tiêu dùng đầu người theo giá hiện hành và giá cố định; tiêu dùng đầu người tính theo USD; tốc độ tăng trưởng tiêu dùng...
(4) Tiết kiệm nội địa được xác định bằng hiệu giữa GDP và tiêu dùng theo giá hiện hành. Từ đây xác định được tỷ lệ tiết kiệm nội địa trên GDP và tỷ lệ huy động tiết kiệm vào đầu tư (bằng vốn trong nước trên tiết kiệm nội địa).
g) Cân đối ngân sách nhà nước
(1) Tổng thu ngân sách nhà nước được xác định căn cứ vào GDP theo giá hiện hành và tỷ lệ thu ngân sách trên GDP dự báo trước (biến chính sách).
(2) Tổng chi ngân sách nhà nước bao gồm chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển và chi trả nợ và viện trợ; trong đó chi thường xuyên được dự báo theo xu thế. Chi trả nợ, viện trợ đã được xác định trên cơ sở các hiệp ước vay nợ, viện trợ. Chi đầu tư phát triển được xác định thông qua quan hệ tỷ lệ với vốn đầu tư nhà nước xác định trong mục đầu tư ở trên.
(3) Bội chi ngân sách được xác định bằng cách lấy tổng thu ngân sách trừ tổng chi ngân sách. Từ đây, cũng sẽ xác định được tỷ lệ bội chi ngân sách trên GDP.
h) Cân đối tiền tệ và giá cả:
(1) Tốc độ giảm phát GDP được tính toán trên cơ sở dự báo tốc độ giảm phát giá trị gia tăng của các ngành kinh tế.
(2) Tốc độ tăng giá tiêu dùng được dự báo theo một kịch bản cố định trên cơ sở mối tương quan với tốc độ giảm phát GDP.
(3) Từ dự báo tốc độ giảm phát GDP, tốc độ tăng giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng GDP theo giá cố định, sẽ xác định được nhu cầu tiền tệ của nền kinh tế.
(4) Để đảm bảo hoạt động bình thường của nền kinh tế, cung tiền tệ cần tương ứng với cầu tiền tệ đã xác định ở trên.
i) Cân đối xuất nhập khẩu
(1) Dự báo xuất khẩu của nền kinh tế Lào rất khó do biến động rất lớn trong suốt thời gian vừa qua. Do vậy, đề tài dự báo căn cứ tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình giai đoạn 2006-2010 và những thông tin về khả năng xuất khẩu một số sản phẩm chính trong thời gian tới.
(2) Tương tự, việc dự báo nhập khẩu của nền kinh tế Lào rất khó do biến động rất lớn trong suốt thời gian vừa qua. Do vậy, đề tài dự báo căn cứ tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình giai đoạn 2006-2010 được điều chỉnh tăng thêm 50% do trong thời gian tới, tốc độ giải ngân các dự án FDI sẽ nhanh hơn.
Ngoài các phương trình dự báo cơ bản trên, để đảm bảo sự khớp nhau của các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, mô hình còn bao gồm một số phương trình dẫn xuất và phương trình xác định các chỉ tiêu trung gian.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét