Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Nông sản Việt làm cho người khác hưởng

Nông sản Việt làm cho người khác hưởng

Một kg cà phê thu hoạch và bán ra chỉ 15.000 đồng, nhưng khi doanh nghiệp nước ngoài mua về chế biến, giá lên tới 1,5 triệu đồng. Hiện có tới 90% nông sản Việt Nam xuất khẩu phải mang thương hiệu của nước khác.
Hàng trăm loại nông sản Việt Nam xuất khẩu thô để nước ngoài chế biến và lấy thương hiệu. Ảnh minh họa
Hàng trăm loại nông sản Việt Nam xuất khẩu thô để nước ngoài chế biến và lấy thương hiệu. Ảnh minh họa
Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay nước ta đã có các sản phẩm nông sản thương hiệu nổi tiếng như vải Thanh Hà, Lục Ngạn, bưởi Diễn, bưởi Năm Roi, nhãn lồng Hưng Yên, thanh long Bình Thuận, cà phê Buôn Ma Thuột... Nhiều sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa như: bưởi Đoan Hùng, chè Tân Cương, nước mắm Phú Quốc, vải thiều Thanh Hà, cà phê Buôn Ma Thuột...

Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, ông Nguyễn Duy Lượng cho biết: "Trong nhiều năm qua, nước ta luôn dẫn đầu về xuất khẩu các mặt hàng như cà phê, hồ tiêu, hạt điều. Nhiều loại trái cây, nông sản của Việt Nam như chè, nhãn, bưởi, thanh long… luôn được các thị trường nhập khẩu ưa chuộng. Nhưng có thực tế là với phần lớn loại nông sản tiềm năng, chúng ta vẫn chưa xây dựng được thương hiệu". Vì vậy, 90% nông sản xuất khẩu chỉ ở dạng thô, sau khi nhập về các doanh nghiệp nước ngoài chế biến và sử dụng tên, thương hiệu của họ. Ngay cả gạo là sản phẩm xuất khẩu đứng đầu thế giới, nhưng chúng ta cũng chưa xây dựng được thương hiệu gạo riêng.

Đứng ở cương vị sản xuất, ông Vũ Đình Bác, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) khẳng định, thực trạng trên là có thật. "Từ nhiều năm nay, bà con phải xuất khẩu vải tươi nên khi sang một số nước lân cận, họ chỉ cần qua vài công đoạn sơ chế, bóc vỏ, đóng gói, dán nhãn với thương hiệu khác là có thể bán với giá cao hơn nhiều lần". Vì lẽ đó mà sản lượng nông sản xuất khẩu của chúng ta thường rất lớn nhưng giá thành và lợi nhuận lại rất thấp. Ngay trên thị trường nội địa, hơn 80% nông sản cũng không có nhãn hiệu.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, một khi đã xuất khẩu sản phẩm ở dạng tươi (thô) thì khi họ đưa về gia công, chế biến rồi dán nhãn thương hiệu riêng của họ lên sản phẩm là không vi phạm. Chúng ta chỉ có thể tự trách mình vì đã không có khả năng chế biến, dẫn đến đánh mất thương hiệu.
Để tạo và giữ thương hiệu nông sản xuất khẩu, buộc phải quan tâm đầu tư cho khâu chế biến, nâng tầm chất lượng sản phẩm. Đó cũng là cách để nâng cao giá trị xuất khẩu. Theo ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam, việc chưa chú trọng tới khâu chế biến đã tạo ra những thiệt thòi cho nông sản Việt Nam suốt thời gian qua. Chẳng hạn như mặt hàng cà phê xuất khẩu hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam bán với giá trung bình 15.000 đồng một kg, nhưng sau khi qua chế biến, một cốc cà phê đã được nước nhập khẩu bán với giá 7 USD. Trước đây, mặt hàng lúa gạo của chúng ta cũng từng bị Thái Lan nhập thô về để sơ chế và bán ra với giá cao hơn.

Song theo ông Vinh, để giải quyết được bài toán nâng cao giá trị thì phải thực hiện cả một quá trình đồng bộ từ sản xuất tới thu hoạch, chế biến và tiêu thụ… Cũng chung quan điểm như vậy, ông Nguyễn Duy Lượng cho rằng, cần phải có liên kết "4 nhà" để giúp các địa phương, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu nông sản. Trong đó, Nhà nước phải có cơ chế, chính sách, nguồn vốn cụ thể để xây dựng những vùng chuyên canh hàng hóa. Các nhà khoa học hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân về tiến bộ khoa học kỹ thuật...

Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngay cả người tiêu dùng trong nước hiện nay cũng rất coi trọng thương hiệu sản phẩm nông sản khi mua, trong đó 3 sản phẩm mà người mua thường chú trọng là gạo, cà phê và nước mắm. Vì vậy, xây dựng thương hiệu gắn với nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm là rất quan trọng.
(Theo ANTĐ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét