Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

Nợ lương, tăng giá: Công nhân đói lòng

Chuyện như đùa sau gần 4 thập kỷ xây dựng chủ nghĩa xã hội trên toàn cõi VN ta:

Nợ lương, tăng giá: Công nhân đói lòng

- DN khó khăn, nhiều nơi không thể tăng lương mà còn phải cắt giảm, nợ lương công nhân. Thu nhập eo hẹp, giá cả tăng cao khiến cho công nhân rơi vào thảm cảnh đói ăn.
Mười năm trước, lương công nhân hơn 1,5 triệu đồng thì rau muống chỉ 2.000 đồng/kg. Nay lương công nhân lên đến 3 triệu đồng, rau muống đã ở mức 15.000 đồng/kg. Giá tăng 10 đồng trong khi đó lương vẫn giậm chân tại chỗ hoặc hoạ may công ty cũng tăng thêm cho công nhân 1 đồng để công nhân “đuổi” theo giá cả”. 

Định mức ‘bóp mồm, bóp miệng’
Khoảng 5 giờ chiều, công nhân tại khu chế xuất Tân Thuận ùn ùn đổ về chợ chợ tạm Bùi Văn Ba để mua thức ăn trong ngày. Đây cũng chính là thời gian cao điểm trong ngày đối với chợ công nhân.
Dạo quanh chợ một vòng để chị em Trần Thanh Huệ (công nhân công ty Nidec Copal, khu chế xuất Tân Thuận, quận 7) dừng lại trước sạp cá và có ý định mua cá điêu hồng. Sau khi hỏi giá cả, chủ sạp cá cho biết, 42.000 đồng/kg cá điêu hồng. Với mức giá đó, Huệ không dám mua cá, thay vào đó là một quả bầu nhỏ cùng 4 miếng đậu hũ về ăn đỡ.




Tại căn nhà thuê (phường Tân Thuận), họ ăn bữa cơm tối rất đạm bạc. “Dạo này hai chị em chủ yếu ăn rau và đậu và trứng. Chiều nay làm tính mua con cá điêu hồng về chiên nhưng đắt quá. Giá càng tăng cao bao nhiêu, công nhân càng khổ bấy nhiêu. Giá tăng 10 đồng trong khi đó lương vẫn giậm chân tại chỗ hoặc hoạ may công ty cũng tăng thêm cho công nhân 1 đồng để công nhân “đuổi” theo giá cả”. 

Huệ tâm sự: “Làm tăng ca chóng mặt và làm việc cật lực mức lương của tụi em cũng chỉ ở mức 2,5 - 3 triệu đồng mà giá cả ngày càng tăng cao”.

Sau một ngày làm việc đến chiều tối khu nhà trọ trở vẫn yên ắng hơn mặc dù phòng nào cũng đang chuẩn bị bữa cơm tối. Cầm rổ rau muống trên tay chị Hà Thị Hồng (quê ở Bình Định) công nhân may khu chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức) ngồi xuống bờ gạch buồn bã phân bua: “Chiều nay sau nhiều lần “cân - đo – đong – đếm” tại chợ, tôi chỉ dám cầm tiền mua nửa ký rau muống và 3 quả trứng để chuẩn bị bữa ăn cho 4 người trong phòng”. 

Với giá cả tăng đặc biệt là thực phẩm nên món thịt, cá được xem là những món ăn xa xỉ của công nhân. Với mức giá như hiện tại buộc lòng công nhân phải “liệu cơm gắp mắm”.

Dù ít nhưng những công nhân này còn có tiền mà sống. Rất nhiều công nhân trong khu vực này đang bị tạm nghỉ, mất việc do DN phá sản, thậm chí có người bị nợ lương nhiều tháng.

Hồng kể, bạn của cô ở một DN cơ khí 3 tháng nay tạm nghỉ việc, lại còn bị công ty nợ 2 tháng lương. Không có tiền ăn, tiền nhà, muốn về quê cũng không dám. Trong khi đó, nhiều người làm xây dựng cũng không có việc, có lương… sống vật vờ, chờ việc nên đói ăn là chuyện thường ngày

Không dám bật điện vì tốn tiền

Trong khi đời sống công nhân nghèo tại các khu chế xuất, khu công nghiệp của TP.HCM đang bị đảo lộn vì đợt tăng giá “chóng mặt” đối với hàng tiêu dùng thiết yếu, công nhân lại phải “đau đầu” vì giá tiền phòng và tiền điện tiếp tục tăng.

Nhiều công nhân cho rằng, chủ nhà cho thuê phòng cập nhật giá cả sít sao lắm vì theo họ giá điện, xăng dầu cao thì lẽ dĩ nhiên tiền phòng không thể “giậm chân tại chỗ”. Ngoài ra, theo các chủ nhà trọ cuối năm giá cả tăng nên buộc phải tăng tiền phòng. Tính đến thời điểm này, tất cả các khu nhà trọ đều đã có bảng giá thông báo tăng giá phòng, giá điện sinh hoạt.

6 giờ chiều mà nhiều khu phòng trọ vẫn tối om. Thắc mắc về tình trạng “chạng vạng” của những khu nhà trọ nhiều công nhân bày tỏ, muốn tiết kiệm điện nên hầu hết công nhân đều hy vọng tìm những ánh sáng le lói cuối ngày để chiếu sáng căn phòng nhỏ bé. Thậm chí, nhiều phòng thực hiện phương châm tiết kiệm bằng cách dùng ti vi thì thôi không bật bóng đèn và ngược lại.

Trong căn phòng bé chừng 10m2, 3 công nhân công ty PungKook SG (quận 7) nhủ lòng “niêm phong” cái ti vi – giải trí duy nhất trong ngày. Chiếc quạt máy cũng chỉ dùng phòng hờ khi thời tiết cực nóng nực.

Chị Hà Thị Hồng rầu rĩ nói: “Thường thì gần cuối năm chủ nhà trọ sẽ lên giá tiền phòng. Hiện nay căn phòng tôi đang ở là 1,2 triệu đồng cuối năm chủ nhà sẽ tăng lên thành 1,4 triệu đồng”.

Đồng cảnh ngộ với nhiều khu nhà trọ khác anh Minh (công nhân, ngụ trên đường Trương Minh Giảng, phường 7, quận Gò Vấp) “phát hoả” khi nhận được “hung tin” chủ nhà lên giá tiền phòng từ 1,6 triệu đồng lên thành 1,8 triệu đồng, tiền điện cũng tăng từ 3.500 đồng lên 4.000 đồng/kw. Được biết, với tổng thu nhập trung bình của hai vợ chồng anh chỉ nằm ở mức 7 triệu đồng/tháng, trong đó bao gồm các khoản cần phải trang trải như: tiền phòng 1,8 triệu đồng, 4.000 đồng/kw điện, 17.000 đồng/khối nước, 10.000 đồng phí nước thải…khiến vợ chồng anh Minh “xanh mặt” và rầu rĩ than phiền: “Chỗ nào giá nhà trọ cũng tăng cả. Đúng là chạy trời cũng không khỏi nắng!” .
Nếu như trước đây, công nhân có thu nhập từ 3 – 4 triệu đồng sẽ sống vừa đủ hoặc có dư chút đỉnh song với tình hình giá cả như hiện nay thì với khoảng tiền đó công nhân chỉ mong làm sao cho... không bị thiếu trước hụt sau.

Nam Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét