Bữa trưa “níu chân” học sinh miền núi
(Dân Việt) - Nằm trong chương trình chống bỏ học ở trẻ miền núi, từ gần 1 tháng nay, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai thí điểm tổ chức cho học sinh tiểu học miền núi ăn trưa tại trường thay vì phát học bổng bằng tiền...
Hào hứng với bữa ăn tươi
Đúng 10 giờ 30, bữa cơm trưa của học sinh Trường Tiểu học Khánh Nam (xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) bắt đầu. Các cô nhà bếp khiêng lên phòng học 3 nồi cơm to, canh, thịt xào. Sau khi rửa tay, mỗi trò mỗi khay nhựa, háo hức đến nhận từng món ăn rồi tự bưng về lớp. Được hỏi, em nào cũng khen cơm ở trường ngon hơn ở nhà vì cơm có thịt và rất thích đi học!
Học sinh miền núi Khánh Hòa hào hứng với bữa trưa tại trường.
|
Ở Trường Tiểu học Khánh Thành (xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh), học trò được “phục vụ tận miệng”. Các chị nhà bếp chia phần rồi bưng lên dọn sẵn ở “nhà ăn dã chiến” được che bạt ở một góc sân chơi.
Thầy Nguyễn Văn Sỹ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nam, cho biết, trường hiện có 167 học sinh. Các em học sinh dân tộc được “bao cấp” bữa trưa với tiêu chuẩn 200.000đồng/em/tháng. Học sinh rất hào hứng không chỉ vì ăn cùng bạn rất vui mà còn vì cơm có cá, thịt.
Nhờ có bữa trưa tại trường mà các em được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, được bảo đảm giấc ngủ trưa, giờ giấc học hành cũng nền nếp hơn. Các em không còn phải vượt đường xa về nhà mỗi trưa nắng rồi chiều quay lại trường nên sĩ số các lớp luôn ổn định.
Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Khánh Hòa, bà Hoàng Thị Lý cho biết: Chương trình này giúp chống bỏ học, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em miền núi, hơn nữa giúp các em có thêm kỹ năng sống trong môi trường tập thể.
Lo lắng an toàn vệ sinh thực phẩm
Cô Lê Thị Tuyết – Hiệu trưởng Trường Tiều học Khánh Thành, chia sẻ: Hiện nay, cơ sở vật chất như nồi niêu chén bát, chiếu, gối… đều phải tự vận động nguồn xã hội hóa hoặc nhờ sự hỗ trợ của địa phương, trong khi đó Khánh Thành là xã nghèo nên còn đang thiếu thốn mọi bề.
Nhờ có bữa trưa tại trường mà các em được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, được bảo đảm giấc ngủ trưa, giờ giấc học hành cũng nền nếp hơn.
Còn ông Trần Văn Trung – Phó Phòng GDĐT huyện Khánh Vĩnh, cho biết: Huyện đã trích ngân sách hợp đồng thời vụ với 55 cấp dưỡng nấu ăn cho học sinh ở toàn bộ 13 trường tiểu học nhưng chưa trường nào có bếp ăn, nhà ăn đạt chuẩn… “Lo nhất là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)” - ông Trung thành thật chia sẻ.
Bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc Sở GDĐT Khánh Hòa, cho biết: Hiện nay, các trường ở huyện Khánh Vĩnh đều đang phải tự nấu, nhiều trường còn dùng bếp củi, bếp tạm ở khu vực chật hẹp, chưa hợp vệ sinh của nhà công vụ giáo viên…
Tất cả những vấn đề này sẽ được giải quyết trong giai đoạn 2 của đề án. Riêng chế độ cho cán bộ quản lý, giáo viên trực trưa và việc nâng học bổng dành cho bữa trưa cho học sinh miền núi đã được Sở GDĐT tham mưu UBND tỉnh Khánh Hòa sớm phê duyệt trong nay mai.
Mai Khuê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét