TTXVN (Angiê 25/11)
Khi bàn về mối quan hệ giữa một bên là các nước ASEAN và Trung Quốc và bên kia là các nước này với Mỹ, tạp chí “Địa chính trị” nhận xét các cuộc cãi vã giữa con người với con người – dù họ thuộc nền văn minh nào, nền văn hóa nào, dù về phương diện chiến lược hay chỉ đơn thuần có tính chất kinh tế và thương mại – nhằm mục đích tìm kiếm ảnh hưởng thường để phục vụ cho nguyện vọng bá quyền của mình, đôi khi được thể hiện bằng các vụ đụng độ rất bình thường nhưng trái ngược hẳn với quy mô của các kế hoạch có liên quan.
Tại Phnôm Pênh vừa kết thúc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 21 với những dấu hiệu kín đáo và được kiềm chế, nhưng không kém phần xác thực về tình trạng đối địch giữa Bắc Kinh và Oasinhtơn. Cuộc tranh giành ảnh hưởng ở Đông Nam Á giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng rõ ràng hơn trong các vấn đề nhân quyền, quyền tự do hàng hải ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Ngay sau đó, ngày 20/11/2012, Bộ trưởng Thông tin Campuchia, Khieu Kanharith, tung lên mạng Facebook một lời bình luận lạ lùng, trong đó có đoạn viết: “Phái đoàn Trung Quốc và Mỹ khi rời Phnôm Pênh lại xảy ra bất đồng khi máy bay của họ cất cánh khỏi sân bay Phnôm Pênh vì người Mỹ cho máy bay của mình chặn đường máy bay của Trung Quốc. Sự việc này khiến Campuchia phải đau đầu”.
Vụ việc có thể chỉ là đáng buồn cười nếu không thể hiện đây là một cuộc ganh đua ngày càng quyết liệt giữa Oasinhtơn và Bắc Kinh khiến các nước ASEAN lâm vào thế kẹt, đồng thời nếu không cho thấy sự yếu kém của nhà chức trách tại sân bay Phnôm Pênh không có khả năng buộc các phi công phải tôn trọng kỷ luật và trật tự xuất phát. Theo chỉ huy lực lượng biên phòng tại Phnôm Pênh, máy bay nào sẵn sàng trước sẽ được xuất phát trước. Chiếc chuyên cơ Air Force One của Tổng thống Mỹ, Barack Obama, vì kết thúc thủ tục trước chiếc chuyên cơ của Thủ tướng Trung Quốc, Ôn Gia Bảo, nên đã sẵn sàng cất cánh, trong khi máy bay của hang Southern có thể tưởng mình có quyền bỏ qua luật lệ ở đất nước tràn ngập các món quà được Trung Quốc tặng, di chuyển để vượt lên đầu. Nhưng tổ lái chiếc B747 của Mỹ dường như không muốn thế. Từ đó xảy ra vụ việc gây ra không ít lời bình luận giễu cợt ở Phnôm Pênh và khó có thể tưởng tượng ra một biểu tượng kình địch nào hay hơn xảy ra trong vùng.
Campuchia nằm trong quỹ đạo của Trung Quốc, nhưng cũng là mục tiêu của Chính quyền Obama. Từ Thái Lan và Mianma đến Campuchia để tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Tổng thống Obama hoan nghênh các nhà lãnh đạo Mianma đã từ bỏ chế độ độc tài và nồng nhiệt ôm hôn bà Aung San Suu Kyi trước đông đảo các nhà báo tỏ thái độ thích thú. Cần phải nói rằng đất nước này vừa xa lánh Bắc Kinh sau hơn 20 năm duy trì mối quan hệ ưu đãi do Mỹ và châu Âu áp dụng chính sách loại trừ đối với chế độ Rănggun vì vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Tại Phnôm Pênh, bầu không khí lại trái ngược, căng thẳng lên đến cao độ. Thủ tướng nước chủ nhà, Hun Sen, dưới ảnh hưởng chính trị nặng nề của Trung Quốc, nước vừa tặng Campuchia một món quà 50 triệu USD và đảm nhận toàn bộ chi phí lễ tang cựu vương Sihanouk qua đời ngày 14/11 tại Bắc Kinh, nằm trong tầm ngắm của Nghị viện châu Âu, Quốc hội Mỹ, Thượng viện Ôxtrâylia và nhiều tổ chức phi chính phủ, vì liên tiếp vi phạm nhân quyền. Đồng thời, Đảng nhân dân Campuchia (CPP), vừa là người nối nghiệp Khơme Đỏ vì tách khỏi đây, vừa là người nối nghiệp Việt Nam là nước đưa họ lên nắm quyền ở Phnôm Pênh hồi tháng 1/1979 và vẫn cầm quyền liên tục cho đến nay – trừ một thời kỳ ngắn từ năm 1992 đến năm 1997, trở thành mục tiêu của Chính quyền Obama.
Từ nay, Oasinhtơn muốn mối quan hệ của mình với Phnôm Pênh phụ thuộc vào việc tái lập một số nguyên tắc dân chủ, như quyền tự do ngôn luận, quyền tự do bầu cử và tính độc lập của ngành tư pháp, vốn là những vấn đề đang bị Phnôm Pênh chà đạp. Trong khi đó, đảng CPP từ năm 1992 tiến hành hơn 300 vụ ám sát chính trị bị tổ chức phi chính phủ Human Right Watch (To chức Theo dõi nhân quyền) tố cáo trong một bản cáo cáo. Một trong số các nhà lãnh đạo tổ chức này gây áp lực với Nhà Trắng để Tổng thống Obama không đến Phnôm Pênh.
Điều đó giải thích tại sao Mỹ có kế hoạch phản công ở Đông Nam Á. Thái độ cứng rắn rõ ràng của Mỹ được thể hiện tại Campuchia, nước từ thời Chính quyền Bush được coi là một đồng minh chống khủng bố, trong khuôn khổ phản ứng rộng rãi của Oasinhtơn tại các khu sân sau của Trung Quốc là các nước Đông Nam Á. Từ cuối năm 2011, Nhà Trắng quả thực đã bắt đầu chống lại các chính sách của Trung Quốc trong vùng. Trong khi đó, trong suốt năm 2011, các chính sách này được hỗ trợ bởi sự đồng lõa hoàn toàn của Phnôm Pênh, nước là chủ tịch luân phiên của ASEAN, nhằm mở rộng nhãn quan của Bắc Kinh trong việc giải quyết bất đồng ở Biển Nam Trung Hoa.
Trong khi Manilla, Hà Nội và Oasinhtơn chủ trương tiến hành thương lượng nhân danh ASEAN, Bắc Kinh, với chiến lược được Chính quyền Hun Sen bảo vệ một cách có hệ thống trong thời kỳ làm chủ tịch íổ chức này, xoay quanh ỉuận điệu lên án chính sách can thiệp có hệ thong của Mỹ và coi nước này là kẻ thâm nhập, đồng thời chủ trương thương lượng từng điểm một. Nhưng tính chất phi đối xứng giữa người mạnh và kẻ yếu là quá rõ ràng do chênh lệnh về sức mạnh và khả năng gây sức ép kinh tế, thương mại và quân sự mà Trung Quốc có khả năng tiến hành đối với mồi nước bị tách riêng ra.
Trong thời gian ngắn ngủi lưu lại Phnôm Pênh, Tổng thống Obama thận trọng giữ khoảng cách với Thủ tướng Hun Sen và không cười khi chụp ảnh chung với ông này, trái ngược hẳn với những cử chỉ ôm hôn nồng nhiệt mà ông thể hiện đối với bà Aung San Suu Kyi trước đó mấy ngày và hình ảnh đó được lan truyền trên toàn thế giới. Bầu không khí lạnh nhạt còn thể hiện rõ ràng hơn trong cuộc nói chuyện giữa Tổng thống Obama và Thủ tướng Hun Sen, tuy phải được giữ bí mật, song được ông Ben Rhodes, Phó cố vấn Nhà Trắng về truyền thông, tiết lộ một cách có chủ ý cho báo chí. Rõ ràng là trong con mắt của Chính phủ Mỹ, Campuchia trở thành kẻ gây vướng víu cho ASEAN và đi ngược lại hẳn với tiến trình của Mianma. Campuchia đi theo chính sách cứng rắn về chính trị khép kín vì được Bắc Kinh đối xử hậu hĩ, còn Mianma xa lánh người bảo trợ Trung Quốc cũ và bắt đầu mở cửa chính trị – điều này vẫn còn cần phải được khẳng định- được Tổng thống Obama đến tận nơi khích lệ.
Thái độ khó chịu rõ ràng của Chính phủ Mỹ đối với Phnôm Pênh có thể càng tăng thêm khi một lần nữa và là lần thứ hai trong vòng 5 tháng, Chính phủ Campuchia định tác động vào các cuộc thảo luận theo hướng có lợi cho Bắc Kinh, khi ông khẳng định rằng ASEAN đã đạt được đồng thuận về “phi quốc tế hóa” vấn đề Biển Nam Trung Hoa. Nhưng Manilla đã phủ nhận tin này. Tuy nhiên, việc xác định bất đồng lại không rõ ràng. Trung Quốc muốn tham gia các cuộc thảo luận của ASEAN để hoạch định một lập trường chung, thận trọng giữ Mỹ ở khoảng cách, trong khi một số nước như Philíppin, Việt Nam muốn tổ chức khu vực này quyết định mà không có Trung Quốc tham dự.
Philíppin, nước phản kháng Trung Quốc về chủ quyền đối với bãi đá ngầm Scarborough – Hoàng Nham theo tiếng Trung Quốc – nằm cách đảo Hải Nam 500 hải lý về phía Đông và cách đảo Luzon 130 hải lý về phía Tây, từ chối thương lượng trực tiếp với Trung Quốc và muốn đưa các nước ASEAN tham gia. Nhưng Việt Nam, tuy cũng rất tức giận trước Trung Quốc, song lại im lặng một cách khó hiểu – Việt Nam bày tỏ bất đồng một cách kín đáo khi nói chuyện riêng, trong khi Ngoại trưởng Philíppin Rosario định kéo Việt Nam vào cuộc tranh cãi chung nhưng không thành công.
Tại Phnôm Pênh, bà Phó Oánh, Thú trưởng Ngoại giao, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Luân Đôn, trình bày lý lẽ của Trung Quốc, biện hộ cho sự hòa dịu theo phương cách quen thuộc của Trung Quốc, lẩn tránh các cuộc tranh luận công khai về các điểm khó gây tranh cãi. Sau khi tái khẳng định bãi đá ngầm Huangyan là lãnh thổ Trung Quốc, bà nói Bắc Kinh không muốn đưa cuộc tranh cãi này ra trước một tổ chức quốc tế và nói thêm – chính là để phê phán trực tiếp Oasinhtơn – rằng “gây căng thẳng trong vùng không phải là ý hay”. Nhưng trong tháng 4/2012, cũng chính bà Phó Oánh khẳng định lập trường của Trung Quốc một cách ít ngoại giao hơn vì cũng nói theo lời đe dọa của “Global Times”, một tờ báo theo khuynh hướng rất dân túy, hồi tháng 9/2011 khuyến cáo Bắc Kinh nên “trừng phạt Hà nội và Manila”. Khi đó, bà nói rằng Trung Quốc đã “sẵn sàng cho mọi khả năng”.
Còn Mỹ, từ ngày 17 đến ngày 30/4/2012, đã tiến hành tập trận chung ớ đảo Palawan với Philíppin với chủ đề “chiếm lại một hòn đảo bị lực lượng thù địch chiếm giữ”. Lần này, Mỹ tránh xa các cuộc tranh cãi về vấn đề chủ quyền vì biết các cuộc tranh cãi về lãnh thổ chứa đựng nguy cơ can dự quân sự cao đến mức nào. Nhưng cuộc tranh đua giữa Mỹ và Trung Quốc ở Đông Nam Á không chỉ dừng lại ở vấn đề Biển Nam Trung Hoa. Oasinhtơn hiểu được mối nguy hiểm chỉ bày tỏ thái độ bằng đe dọa quân sự nên, từ mùa Xuân vừa rồi, đưa ra một chiến lược thương mại đồ sộ.
Đáp lại khu vực trao đổi mậu dịch tự do rộng lớn Trung Quốc-ASEAN, trong đó một phần đã có hiệu lực từ tháng 1/2010 với sáu nước đi trước (Xinhgapo, Brunây, Malaixia, Thái Lan, Inđônêxia và Philíppin) trong khi chờ bốn nước khác (Việt Nam, Lào, Campuchia và Mianma) vào tháng 1/2015, Chính phủ Mỹ đưa ra dự án Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương bao gồm nhiều hiệp định trao đổi mậu dịch tự do giữa các nước nằm cạnh Trung Quốc và một mạng lưới các đối tác bao gồm Mỹ và nhiều nước vùng Thái Bình Dương và hai miền châu Mỹ.
Thái Lan thể hiện mối quan tâm đến dự án này trong chuyến thăm của Tổng thống Obama, trong khi các quan chức Việt Nam, Malaixia, Xinhgapo thảo luận vấn đề này với phía Mỹ tại Phnôm Pênh. Mêhicô, Canađa, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đồng ý tham gia. Vì Oasinhtơn đã có các hiệp định trao đổi mậu dịch tự do với nhiều nước ở hai bờ Thái Bình Dương – trong đó có Xinhgapo, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, Canada, Chilê, Côlômbia, Mêhicô, Pêru và nhiều nước Trung Mỹ khác – nên hành động này rõ ràng là nhằm đáp lại các chiến lược thương mại quy mô của Trung Quốc. Dự án này là mệnh lệnh đối với Nhà Trắng và áp lực đối với các doanh nhân, còn Bắc Kinh phải tuân thủ quy định của thị trường, không được thao túng đồng tiền của mình, hay phải tôn trọng quyền sở hữu. Các vấn đề này được Tổng thống Obama nói rõ trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh APEC tại Hawai hồi tháng 11/2011.
Nhưng khung cảnh bây ,giờ lộn xộn hơn và các sáng kiến đối chọi nhau nhiều hơn. Trong vấn đề tự do trao đổi thương mại, không rõ tất cả các kế hoạch đối chọi nhau làm thế nào để có thể gắn kết được với nhau. Thêm vào đó, tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Thủ tướng Campuchia, Hun Sen, cho biết các nước thành viên tổ chức này từ năm 2013 sẽ thương lượng với Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Niu Dilân và ôxtrâylia, một kế hoạch cạnh tranh với dự án Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương của Mỹ. Ngay lập tức, Canbơrơ hoan nghênh sáng kiến này.
Hiện đã bắt đầu xuất hiện các triệu chứng căng thẳng nghiêm trọng hơn, về cả chiến lược lẫn thương mại, và lại càng căng thẳng hơn khi Đảng Cộng sản Trung Quốc vì phải đối mặt với cuộc khủng hoảng ở trong nước nên không có khả năng đối kháng với chủ nghĩa dân tộc trong dư luận nếu từ bỏ các yêu sách chủ quyền của mình. Trong bối cảnh đó, không biết Oasinhtơn có thành công trong việc huy động một cộng đồng các nước khác biệt nhau về văn hóa, chính trị và kinh tế không, về cơ bản, các nước này vẫn lưỡng lự khi phải quyết định theo hẳn bên này hay bên kia vì họ muốn giữ được cả hai: với Trung Quốc để buôn bán và làm giàu, với Mỹ để bảo đảm an ninh trong trường hợp ảnh hưởng của Bắc Kinh trở thành mối đe dọa.
Ngoài ra còn có một thực tế khác nữa. Khó có thể cân bằng được với ảnh hưởng của Bắc Kinh trong vùng vốn tồn tại trên cơ sở sự có mặt từ ngàn đời của các mạng lưới người Trung Quốc hải ngoại, cho dù xu hướng tích lũy về lượng – vốn gắn chặt với các chiến lược thương mại của thương nhân Trung Quốc – quả thực có nguy cơ gây ra ở đâu đó phản ứng khó chịu của người địa phương, một vấn đề xảy ra nhiều trong lịch sử của vùng này, như ở Việt Nam, Inđônêxia và Malaixia. Vùng này cũng có đặc điểm là sự đan xen kỳ lạ giữa các nền văn hóa đôi khi đối chọi nhau, mà các ban lãnh đạo chính trị phải thích ứng. Điều này không thuận lợi cho chiến lược của Oasinhtơn vốn rất rành mạch giữa cái tốt và cái xấu.
Tại vùng đất rộng tới 5 triệu cây số vuông này, với 610 triệu dân, nằm vắt ngang giữa lục địa Á-Âu và Biển Nam Trung Hoa, bao gồm các vùng lãnh thổ nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ, và với các quần đảo rộng lớn khó có thể kiểm soát được, những chiếc nôi văn hóa ngàn đời của đạo Hinđu, đạo Phật và của Trung Quốc bị cạnh tranh bởi tỷ lệ rất lớn người theo đạo Hồi cải đạo từ thế kỷ 8. Những khẳng định mang tính chất tôn giáo của các cộng đồng Hồi giáo – đôi khi kình địch giữa họ với nhau nhưng thường khá độ lượng đối với các thiểu số tôn giáo khác – có lúc là động lực dẫn đến các phong trào ly khai, là các yếu tố gây bất ổn tiềm tàng ở Inđônêxia, Philíppin và Thái Lan. Trong khi đó, ở Mianma, sắc tộc Rohingya theo đạo Hồi hiện đang là nạn nhân của tâm lý phân biệt chủng tộc gần giống vói thanh lọc sắc tộc và diễn ra thường xuyên đến mức làm tổn hại tới hình ảnh của bà Aung San Suu Kyi.
Ở phần lớn các nước, dân chủ và tôn trọng nhân quyền – vốn là những chuẩn mực để Chính quyền Obama ủng hộ về chính trị – chỉ được tôn trọng một cách không đều đặn và ở đâu đâu cũng vẫn còn tình trạng mập mờ chính trị núp sau vẻ bề ngoài luật pháp tạo điều kiện cho các mạng lưới của Trung Quốc thâm nhập. Trong khi đó, chiếc hố ngăn cách ngày càng sâu giữa những người giàu nhất và những người nghèo nhất, gây nguy cơ bất ổn chính trị tiềm tàng. Tỷ lệ người sống ngoài lề xã hội quả thực rất cao ở nhiều nước trong vùng (tại Inđônêxia, mục tiêu chiến lược của Nhà Trắng để tạo đối trọng với Trung Quốc, hơn 100 triệu người sống với chưa đến 60 USD/tháng, trong khi ở Việt Nam, số này là hơn 30 triệu người). Trong bối cảnh đó, có thể thấy được khó khăn trong việc huy động một liên minh xoay quanh chuẩn mực quy định của pháp luật để thay thế chiến lược gây ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Cuối cùng, vùng này vẫn còn hai đảng cộng sản cầm quyền ở Lào và Việt Nam, khuynh hướng độc đảng ở Xinhgapo, Malaixia và Campuchia và, trên tất cả là việc quân đội nắm chắc quyền lực ở Inđônêxia, Philíppin và Thái Lan, những nước lợi dụng chủ nghĩa đại dân tộc chính trị hay tôn giáo để tăng cường quyền lực của mình, trong tình hình tồn tại tình trạng gần như tự chủ chính trị so với chính phủ trung ương.
Khó khăn trong việc quy tụ toàn vùng đằng sau Mỹ hay thậm chí tạo ra sự gắn kết trong ASEAN, trong bối cảnh kình địch chiến lược sâu sắc giữa Trung Quốc và Mỹ, bộc lộ theo cách gần như khôi hài ở Thái Lan. Nước này vừa đón tiếp, trong một quãng thời gian không cách xa nhau lắm, cả Tổng thống Mỹ – nước mà Băng Cốc là một trong những đồng minh quân sự lâu đời nhất – lẫn Thủ tướng Trung Quốc – nước vừa kết thúc một chương trình xây dựng hạ tầng ở Thái Lan và một dự án Trung Quốc-Thái Lan cùng hỗ trợ Mianma.
TTXVN (Hồng Công 28/11)
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi Sáng (Hồng Công) số ra ngày 22/11, ngay cả khi có một nước “chư hầu” là Campuchia làm Chủ tịch luân phiên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc cũng khó có thể kiềm chế các nước thành viên ASEAN trong vấn đề giải quyết những tranh chấp lãnh hải giữa Bắc Kinh với một số nước thành viên hiệp hội này.
Sự thất vọng và mỉa mai là điều rõ ràng, khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nêu ra “bài toán” chưa có lời giải đằng sau những mối quan hệ phức tạp của Trung Quốc với ASEAN.
Đầu tiên, ông Tần Cương nói về một bài toán phải tính đến hội nghị cấp cao Đông Á của ASEAN – cơ chế “10+8” – 10 nước ASEAN và 8 cường quốc khác, trong đó có Trung Quốc và Mỹ. Sau đó, ông Tần Cương nói rằng có “một bài toán khác” bên trong bản thân ASEAN. “Đó là bài toán 10+2,” ông Tần Cương nhấn mạnh, một ám chỉ rõ ràng nhằm vào Philíppin và Việt Nam, hai quốc gia ASEAN mà Bắc Kinh lo ngại đang thực hiện chiến dịch quốc tế hóa những tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc. “Và cái nào lớn hơn?” Ông Tần Cương tự đặt câu hỏi tu từ bên lề Hội nghị cấp cao Đông Á vừa diễn ra tại Phnôm Pênh.
Thật không may, các nước ASEAN đang cảnh báo rằng những cách “cách giải toán chính trị” đang tiến hành hiện nay không đơn giản như vậy, khi khu vực Đông Nam Á phát hiện ra rằng họ bị lôi kéo vào sự đối địch chiến lược mở rộng giữa Trung Quốc và Mỹ.
Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức đang ngày càng gia tăng từ ASEAN xung quanh tranh chấp Biển Đông khi một năm đầy tranh cãi của Campuchia trên cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN chấm dứt. Mặc dù đã gặp nhiều khó khăn, ít nhất thì trong ngắn hạn, thời gian 1 năm Campuchia làm Chủ tịch ASEAN là điều tốt cho Bắc Kinh.
Campuchia, một nước nhận viện trợ của Trung Quốc trong thời gian dài, đã bị cáo buộc thực hiện những mệnh lệnh của Trung Quốc trong những tháng gần đây nhằm trì hoãn sự tập trung đang được tăng cường của ASEAN trong việc giải quyết những tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông, cần phải nhớ rằng, mục đích cuối cùng của Trung Quốc là muốn dàn xếp việc giải quyết những tranh chấp cụ thể với từng nước có tuyên bố chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông – điều mà hầu hết các chuyên gia phân tích tin rằng sẽ có lợi rõ ràng cho Bắc Kinh.
Đầu tiên, Campuchia đã gây ra sự đổ vỡ lịch sử của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 (AMM-45) hồi tháng 7 vừa qua, khi những tranh cãi về việc giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông như thế nào đã gây ra những hiềm khích chưa từng có tiền lệ giữa các nước thành viên ASEAN. Trong nhiều thập kỷ, ASEAN luôn đặt sự đồng thuận lên trên tất cả. Thế nhưng, lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm tồn tại của hiệp hội này, các Ngoại trưởng ASEAN đã không thể đưa ra được một thông cáo chung.
Sau thất bại đó, các nhà lãnh đạo đã đến Phnôm Pênh với quyết tâm thúc đẩy tiến triển về một Bộ quy tắc ứng xử mang tính chất ràng buộc với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông nhằm quản lý tốt hơn những căng thẳng trong vấn đề này. Đến nay, tất cả vẫn dừng ở mức quyết tâm không để vấn đề này làm sa lầy các vấn đề khác như kinh tế, thương mại và hội nhập.
Hôm 17/11 vừa qua, Campuchia, nước chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 7, đã tuyên bố rằng các nhà lãnh đạo ASEAN đã chính thức nhất trí từ nay trở đi không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Campuchia Kao Kim Hourn nói thêm rằng các cuộc đàm phán giữa ASEAN với Trung Quốc sẽ là diễn đàn duy nhất cho việc giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông. Tuy nhiên, tuyên bố mà Campuchia đưa ra đã làm dấy lên nhiều nghi vấn, và thỏa thuận mà Campuchia nói đến trên thực tế không tồn tại.
Với việc các nhà lãnh đạo, bao gồm Tổng thống Mỹ Barack Obama và các đồng minh đến từ Nhật Bản, ôxtrâylia, tập trung tại Phnôm Pênh với quyết tâm nêu lên sự cần thiết phải giảm bớt những va chạm trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, thì đó là một thỏa thuận đáng chú ý, và là một chiến thắng dành cho nỗ lực vận động hậu trường của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, sự đồng thuận mà Campuchia rêu rao chỉ kéo dài chưa đầy một ngày. Phái đoàn Philíppin do Tổng thống Benigno Aquino dẫn đầu, đã lên tiếng phản đối, tố cáo Campuchia xuyên tạc và cảnh báo rằng không có một thỏa thuận nào như vậy, đồng thời khẳng định quyền tìm kiếm sự quốc tế hóa vấn đề Biển Đông nếu như Manila cảm thấy rằng chủ quyền quốc gia của họ bị đe dọa.
Sự đoàn kết của ASEAN lại bị phá vỡ và Biển Đông dường như đã quay trở lại chương trình nghị sự toàn cầu mở rộng, bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh , Các phái viên ASEAN đã xác nhận rằng không có thỏa thuận chính thức nào về việc hạn chế các cuộc thảo luận liên quan vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Cuối cùng, một số người trong cuộc đã bị ngạc nhiên bởi sự đổi hướng của những sự kiện, Trên hết, Thủ tướng Hun Sen của Campuchia, một cựu chỉ huy Khơme Đỏ giờ đây được coi là nhân vật lãnh đạo cuối cùng thiên về bạo lực chính trị tại Đông Á – không chỉ nổi tiếng về sự xảo quyệt ngoại giao của ông ta. Khi các phái viên được đưa đến Cung điện Hòa bình của Hun Sen do Trung Quốc xây dựng, họ phát hiện trên những bức tường giăng đầy những băng rôn ca ngợi mối quan hệ “trường tồn” của Campuchia với Trung Quốc và Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Những băng rôn đó sẽ được giữ lại cả tuần, ngay cả khi các nhà lãnh đạo 16 quốc gia khác có những phát biểu tại Cung điện Hòa Bình.
Những người quan sát kỹ hơn sẽ thấy những hàng binh sĩ vây quanh các con phố với những khẩu súng trường kiểu 097 và xe môtô do Trung Quốc sản xuất.
Báo chí địa phương thì tràn ngập thông tin trong cuộc gặp với Thủ tướng Hun Sen, Ôn Gia Bảo đã cam kết thực hiện thỏa thuận viện trợ 50 triệu USD cho Campuchia, một cam kết giá trị nhất trong số những thỏa thuận tổng trị giá 500 triệu USD mà Trung Quốc đã đưa ra hồi tháng 9 trong tất cả các lĩnh vực quan hệ giữa hai nước, từ phát triển mở rộng, đến kinh tế và thương mại. Những thỏa thuận này đã đưa Trung Quốc trở thành đối tác quốc tế quan trọng nhất của Campuchia.
Một phái viên ASEAN tuyên bố: “Chắc chắn Hun Sen đã thực hiện nhiệm vụ mà Trung Quốc giao cho trong năm nay. Tuy nhiên, điều đó chỉ giúp Bắc Kinh trì hoãn, chứ không phải là thành công hoàn toàn. Nó cũng dẫn đến một quyết tâm đã được làm mới để đưa các cuộc đàm phán quay trở lại đúng hướng và có thể tiến triển hơn. Mọi người đều muốn nhặt những mảnh vỡ lên và tiến về phía trước”.
Trong khi mối quan hệ với Campuchia vẫn mang ý nghĩa chiến lược sâu sắc, các quan chức và học giả Trung Quốc cũng đã nhấn mạnh những thách thức phía trước khi chức Chủ tịch luân phiên ASEAN được chuyển cho Brunây.
Vương quốc giàu dầu mỏ này – chế độ quân chủ hoàn toàn cuối cùng ở Đông Nam Á – sẽ là một “cục than nóng” đầy khó khăn đối với Trung Quốc. Dù là một nước khá lặng lẽ trong ASEAN, nhưng Brunây là một trong 4 đối thủ tuyên bố chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, bên cạnh Philippin, Việt Nam và Malaixia.
Xinhgapo – nước muốn thấy tiến triển trong năm tới về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông – và các quốc gia khác đã kín đáo giúp đỡ Brunây để nước này sẵn sàng quay trở lại ánh đèn sân khấu ngoại giao.
Một sự phức tạp tiềm tàng là việc xoay vòng chức Tổng Thư ký ASEAN – một vị trí ít quyền lực nhưng có ảnh hưởng đáng kể. Cựu Ngoại trưởng Thái Lan Surin Pitsuwan đã trao lại chức vụ này cho nhà ngoại giao Việt Nam Lê Lương Minh, người sẽ nắm giữ chức vụ này trong 5 năm.
Ông Lê Lương Minh, một người có nhiều kinh nghiệm làm việc tại Liên hợp quốc, dự kiến sẽ duy trì mạnh mẽ sự thúc đẩy của ASEAN đối với Bộ quy tắc ứng xử về vấn đề Biển Đông trong chương trình nghị sự của tổ chức này.
Cựu Tổng Thư ký Surin Pitsuwan đã có những lúc có vẻ như miễn cưỡng đi vào những chi tiết về căng thẳng Biển Đông, ngoài những lời kêu gọi nhẹ nhàng về sự đoàn kết. Khi bầu không khí “tăng nhiệt”, ông Surin đã lẩn tránh báo chí.
Tuy nhiên, tân Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh sẽ có nguy cơ bị chỉ trích nếu như ông này quá thẳng thắn trons việc thể hiện lập trường của Hà Nội chống Trung Quốc.
Vị trí Tổng Thư ký ASEAN vẫn là một điều gì đó cho thấy một công việc có tiến triển và là một cơ hội cho ông Lê Lương Minh biến điều đó trở nên quan trọng hơn. Như một số học giả đã nhấn mạnh, ASEAN cần nhiều hơn ở một vị tướng, thay vì chỉ là một thư ký.
Những vấn đề mà ông Lê Lương Minh sẽ phải đối mặt ít nhất không là gì khác ngoài một cuộc chiến vì tinh thần của ASEAN. Lại một lần nữa ASEAN thấy mình đứng ở trung tâm của các đổi thủ hùng mạnh như thời kỳ cao trào của thời Chiến tranh Lạnh. Và dĩ nhiên là không ai muốn thấy lại kỷ nguyên đẫm máu đó.
Theo cách nói khoa trương của Oasinhtơn, việc Mỹ tái can dự khắp Đông Nam Á là một phần của nỗ lực nhằm định hình sự trỗi dậycủa Trung Quốc, buộc Trung Quốc phải tuân theo các quy chuẩn quốc tế. Với sự thận trọng đáng kể, Mỹ đã củng cố những nỗ lực của các nước ASEAN trong việc phối hợp và tổ chức những phản ứng ngoại giao đối với những thách thức từ phía Trung Quốc. Ví dụ, trong khi Philíppin công khai đứng ra phản đối, những nước khác đang giúp đỡ ở hậu trường.
Về phía Trung Quốc, các quan chức và học giả nước này đã cho thấy rõ ràng rằng ở hướng ngược lại, họ quyết tâm định hình sự trỗi dậy của ASEAN. Trung Quốc cần phải không bị đe dọa, kiềm chế hay thách thức tại sân sau hàng hải của riêng họ, và những tranh chấp song phương phải không trở thành chủ đề để nước ngoài can thiệp.
Như Giáo sư Tra Đạo Quýnh của Đại học Bắc Kinh (Hồng Công) đã nóigần đây, Trung Quốc không quan tâm đến một ASEAN bị chia rẽ, nhưng Trung Quốc phải cẩn thận, trong thời gian dài ASEAN không phát triển giống như một Liên đoàn Arập ngày càng quyết đoán và theo chủ nghĩa can thiệp. Giáo sư Tra Đạo Quýnh nói rằng Trung Quốc có một lợi ích chiến lược ở trong khối ASEAN vững mạnh, đoàn kết và có khả năng dẫn dắt các cuộc họp của khu vực mà không có các cường quốc bên ngoài, nhưng Trung Quốc phải duy trì được chương trình nghị sự lâu dài là kiến tạo hòa bình và tránh xung đột, thay vì làm bất kỳ điều gì quyết liệt hơn. Theo Giáo sư Tra Đạo Quýnh, Trung Quốc sẽ không bao giờ muốn thấy việc hình thành một nhóm các nước “đấu tranh bằng hành động quân sự bên trong bản thân nhóm đó hoặc chống lại các nước khác ở bên ngoài”.
Một số nước ASEAN rõ ràng muốn Trung Quốc nhận thức rõ hơn về sức mạnh của nước này, và từ bỏ những hành động gần đây vì những mối quan hệ tốt đẹp.
Theo hãng tin Bloomberg, khi Tổng thống Philíppin Aquino trở về Manila sau khi đưa ra một lời kêu gọi quốc tế hành động khẩn cấp, nhà lãnh đạo này đã khẳng định rằng chính phủ của ông vẫn muốn Trung Quốc “trở thành ví dụ về sự khôn ngoan và đi đầu trong việc tìm kiếm hòa bình”. Tổng thống Aquino nói: “Khu vực của chúng ta có nhiều nơi rất khác nhau và sự hài hòa của khu vực có thể dễ dàng bị phá vỡ bởi việc làm chệch hướng chính trị, quân sự hoặc sức mạnh kinh tế”.
Chỉ cách đây 4 năm, Trung Quốc đã thành công trong việc giữ cho các nước ASEAN chính thức yên lặng trong vấn đề Biển Đông. Những sự kiện gần đây đã chứng tỏ rằng bất chấp những nồ lực đáng kể, những tính toán giờ đây đã trở nên phức tạp hơn nhiều./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét