Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

(2) Ủng hộ Cơm có Thịt: Làm từ thiện không dễ


Trịnh Kim Thuấn
"TNc : Tôi đọc thư của anh Trần Đăng Tuấn mà buồn. Hình như chúng ta không “ Chính chủ” ngay cả trong việc nhân nghĩa". Cái buồn chung là một việc làm từ thiện, được nhiều người ủng hộ (trong và ngoài nước), thế mà đã 5 tháng trôi qua … sao chưa thấy hồi âm .


Đọc đi, đọc lại tôi thấy có 2 vấn đề :
Thứ 1 : “Cũng có một điều nữa là chuyên viên có vẽ không thích cái tên quỹ “Cơm có thịt”.
Thứ 2 : “hay có sự e ngại nào với việc quản lý hoạt động thiện nguyện”.

Việc nầy làm tôi nhớ lại việc ở quê tôi : Đồng Tháp – An Giang.
Xin trích lại 1 đoạn của nhà văn Vũ Ngọc Tiến gởi ông Trần Nhương : Lá Thư Sài Gòn 3 (đêm SG 24/6/2011 ; đêm HN 27/6/2011).. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Ngày 18/5 âm lịch là ngày đại lễ của những người theo đạo Hòa Hảo, tôi có hân hạnh tiếp chuyện với cụ Ba Diên, 87 tuổi ở xã Định Yên, được cụ giãng giải cho nghe một bài học xương máu về sự không tin dân hồi đầu kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954 ), theo lời kể của cụ Ba Diên, sau ngày 23/9/1945 ngày Nam Bộ kháng chiến lực lượng yêu nước của Hòa Hảo đã khá mạnh, gồm 4 đại đội, do 4 đệ tử của thầy Huỳnh Phú Sổ chỉ huy đánh chiếm các địa bàn chiến lược quan trọng : Lâm Thành Nguyên ở Cần Thơ, Lê Quang Vinh (Ba Cụt) ở Châu Đốc, Nguyễn Giác Ngộ ở Sóc Trăng, Trần Văn Soái (Năm Lửa) ở Long Xuyên và Lấp Vò, để thống nhất kháng Pháp, cụ Trần Văn Giàu đã tổ chức họp hiệp thương với Hòa Hảo va thầy Huỳnh Phú Sổ đã nghe theo, khuyên 4 đệ tử của mình sát nhập với Việt Minh cùng kháng Pháp, * không may cụ Trần Văn Giàu bị điều ra Bắc, những người thay cụ lãnh đạo kháng chiến ở Nam bộ đã phạm sai lầm lớn là không tin dân , cho giải tán phong trào “Thanh Niên Tiền Phong “ và bất hợp tác với Hòa Hảo, dẫn đến cái chết bí hiểm của Đức Thầy...

Vụ thảm sát lẫn nhau giữa quân Hòa Hảo và Việt Minh ở Định Yên vào đầu năm 1947 diễn ra thật khủng khiếp, chỉ trong 1 đêm mà có vài ngàn xác người của cả 2 bên phơi đầy khắp miệt vườn hoặc trôi lềnh bềnh trên kinh rạch. Vùng Lấp Vò trở thành Định Yên quốc, suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp và cả Việt Minh không vào được… Điều làm tôi vô cùng xúc động và khâm phục là suốt buổi nói chuyện cụ Ba Diên không hề có ý khơi lại sự thù hận, luôn nhắc nhỡ đám người tuổi con cháu chúng tôi về tình đồng loại, nghĩa đồng bào và sự đoàn kết tôn giáo. Bắng vốn Hán học thâm viễn và sự từng trãi trong đời, cụ chỉ muốn nhắn gửi tới những người có trách nhiệm với quốc gia dân tộc từ trung ương đến địa phương phải nằm lòng hai chữ TIN DÂN. Cuối buổi nói chuyện, cụ bảo : “Đạo là cái lý tồn tại của trời đất, là cái duyên tụ-tán hay ly-hợp của vạn vật trong vũ trụ khôn cùng. Vì thế đạo có trước, người có sau. Phàm cái gì thuận với đạo thì tồn tại phát triển, còn nghịch với đạo thì mai một, diệt vong. Con người ta phải tùy duyên, khế lý. khế cơ mà nương theo đạo để hành sự. Từ ngàn đời nay, các bậc vua sáng, tôi hiền muốn làm nên đại nghiệp đều phải có đủ 4 hạnh : Tin Dân – Yêu Dân – Thân Dân – Dưỡng Dân. Trong 4 cái hạnh ấy thì hạnh Tin Dân là cốt lõi … Nói đến đây cụ ngừng lời, nhấp vài ngụm nước và quay sang tôi bảo :”Bài học đẩm máu về sự không tin dân hồi 9 năm giờ nên cho qua , cùng đồng bào máu chảy, ruột mềm thù hận mà làm gì. Hãy lấy ngay bài học bây giờ để bác nhà văn hiểu thêm cái giá trị của hạnh Tin Dân. Lát nữa, bác nhà văn có xe máy thử đảo một vòng quanh xã Định Yên sẽ thấy nơi đây có hơn chục cây cầu bê tông hoặc bằng gỗ rất rộng và bền chắc. Tất cả đều do chánh quyền ở đây tin dân, dựa vào Ban Trị sự Hòa Hảo vận động dân quyên góp mà nên. Nhiều nơi khác, cán bộ thiếu hạnh Tin Dân, ghẻ lạnh với Ban Trị sự Hòa Hảo thì không được thế đâu, ha … ha …
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Ở miền tây chúng tôi : 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp là nơi có đông tín đồ Hòa Hảo nhất, nhà văn Vũ Ngọc Tiến ở lại Vàm Cống có vài ba ngày, nên ngoài việc cụ Ba Diên cho nhà văn biết là đường xá tốt, cầu kỳ tốt, tôi xin bổ sung : Các nhà tình thương trong địa phương (không phân biệt lương giáo) được cất tặng cột gỗ, lợp tôn hẳn hoi. Trong thôn xóm có người gặp khó khăn thì có sự trợ giúp ngay, trước đây mỗi Xã có 1 chiếc xe từ thiện (4 bánh) đưa rước, chuyển viện bệnh nhân miễn phí, thì nay mỗi Ấp đều có xe từ thiện (có nơi có 2,3 chiếc) miễn phí 100%.

Đặc biệt là các Bệnh viện Tỉnh, Huyện trong địa phương đều có Bếp ăn Từ thiện, Người nghèo vào nằm bệnh đã khổ rồi, lại thêm thân nhân nuôi bệnh nữa, nếu ăn uống bên ngoài thì phải tốn thêm 1 khoản chi phí không nhỏ, thì các Bếp ăn Từ thiện nầy đảm trách và chu toàn cả : Sáng sớm có cháo trắng, trưa. chiều có cơm ngon lành hoàn toàn miễn phí, nước sôi, nước chín đầy đủ (thức ăn chay). Gạo, củi, thực phẩm các tổ chức từ thiện nầy vận động, điều hành rất tốt, không dính líu đến nguồn kinh phí nhà nước, tôi nhớ có năm Bệnh viện Đa khoa tỉnh AnGiang có số gạo tồn kho khá lớn, củ nhưng còn tốt Ban Từ thiện phải điều đi, xé ra phân phối cho các bệnh viện khác, rồi bổ sung nguồn gạo mới. (Còn nhớ năm nào ở Ninh Thuận, Cục Dự trữ quốc gia xuất kho gạo ẩm, mục cứu đói cho dân). Ở tại Thị trấn Lấp Vò (Đồng Tháp) hiện nay có 1 quán cơm chay, ăn ngon, no chỉ có 2.000 đ/phần ăn. Xin mời . . . . .

Đó là gì ? Là Tin Dân theo lời của cụ Ba Diên phải không quí vị.

Trở lại lá thư của nhà báo Trần Đăng Tuấn theo 2 mục tôi vừa nêu là :

Thứ 1 : Đúng rồi “Cơm Có Thịt” mà ông chuyên viên có vẻ không thích, kêu lên có vẻ thô thiển quá, hay ta sửa lại như thế nầy :
- Chương trinh chống suy dinh dưỡng cho học trò nghèo, miền núi.
- Tăng cường thể lực cho học trò nghèo, miền núi (vì ăn cơm có thịt cơ thể phải khác đi chứ !).
- Bổ sung chất dinh dưỡng cho học trò nghèo miền núi.
Ai có câu gì hay hơn xin bổ xung giúp ông Trần Đăng Tuấn.

Thứ 2 : “ hay có sự e ngại nào với việc quản lý hoạt động thiện nguyện”
Cũng có thể, các cuộc biểu tình đòi Hoàng Sa, Trường Sa, đòi đất ở Hưng Yên, Nam Định …. Làm Nhà nước mệt lắm rồi, biết đâu Cơm Có Thịt nầy lại núp dưới cái bóng, cái áo nào đây thì sao ? Rách việc lắm chứ !

Đúng ra việc nầy mới thật là việc Chính Chủ. Chính Phủ đứng ra làm việc nầy mới thật là CHÍNH, vì đây là việc lo miếng cơm , manh áo cho nhân dân (nói chung) cho các học sinh nghèo miền núi (nói riêng) mới phải. Nay có người đứng ra làm thế , mà xem sao cũng không dễ …

Đôi dòng xin chia sẽ âu lo cùng nỗi buồn với ông nhà báo Trần Đăng Tuấn, chúc ông trì chí và đừng nản lòng ông nhé . Đất nước chúng ta là thế mà …

30/11/2012 TRỊNH KIM THUẤN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét