Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

IMF: 'Khủng hoảng còn kéo dài hết thập kỷ'


Chuyên gia IMF cũng cho rằng Nhật Bản sẽ mất hàng chục năm để giải quyết khoản nợ công khổng lồ, và Đức phải chấp nhận tăng lạm phát để đẩy lùi khủng hoảng ở eurozone.
>Châu Âu nguy cơ rơi vào đợt suy thoái mới
>Công nghiệp Nhật Bản giảm sút vì khủng hoảng Eurozone
Theo nhà kinh tế trưởng Olivier Blanchard từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thế giới vẫn chưa rơi vào thập kỷ mất mát song phải mất ít nhất 10 năm mới có thể phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Và khi mọi sự tập trung đang dồn lên châu Âu, thì chính Mỹ cũng có vấn đề tài chính cần giải quyết.

Nợ công khổng lồ tại Nhật Bản sẽ chỉ được giải quyết sau hàng thập kỷ nữa. Ảnh: CNN
Ông nói: "Phần lớn các nhà phân tích đều tự tin cho rằng đến lúc cần thiết, Mỹ sẽ làm triệt để. Tôi hy vọng là họ đúng".
Ông cũng nhận định khoản nợ công khổng lồ của Nhật Bản sẽ phải mất hàng thập kỷ để giải quyết. Trung Quốc đang tăng trưởng ì ạch và có nguy cơ xuất hiện bong bóng bất động sản. Tuy nhiên, ông cho rằng nước này sẽ không phải "hạ cánh cứng".
Khi nói về châu Âu, Blanchard khuyên các nước cần thống nhất hơn nữa trong vấn đề tài khóa và chính sách kinh tế để tiếp tục phát triển đồng euro. Không chỉ vì tình đoàn kết, mà còn do rắc rối tại một nước có thể nhanh chóng lan ra các quốc gia còn lại trong khu vực.
Blanchard cho rằng để giải quyết khủng hoảng, các nước mắc nợ ở nam Âu phải tìm cách giảm giá hàng hóa. Trong khi đó, các nước vùng lõi lại phải tăng giá. Để Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) có thể duy trì 2% lạm phát cho toàn khối, các nước vùng lõi cần có lạm phát cao hơn mức này. Đặc biệt là Đức khi mà siêu lạm phát năm 1920 vẫn còn ám ảnh các cuộc tranh luận về lãi suất tại đây.
Ông cho biết: "Chúng ta nên nhìn nhận tăng lạm phát ở Đức chỉ đơn giản là một sự điều chỉnh giá cần thiết. Trong bối cảnh nhu cầu thế giới giảm và ECB kiên quyết muốn bình ổn giá như hiện nay, việc này sẽ không gây ra siêu lạm phát".
Nhận định giảm nợ là việc chắc chắn phải làm, nhưng Blanchard cho rằng các nước không nên vì việc này mà hy sinh tăng trưởng. Ông nói: "Nếu giảm nợ quá chậm, cả thế giới sẽ cho là họ không nghiêm túc. Nhưng nếu làm quá nhanh, họ sẽ giết chết cả nền kinh tế. Vì vậy, mỗi quốc gia cần phải tìm biện pháp hợp lý cho riêng mình".
Theo Blanchard, phấn đấu đạt mục tiêu lạm phát có nhiều hạn chế và chỉ dùng lãi suất cơ bản là không đủ. Ông nói: "Việc này có thể duy trì lạm phát thấp và ổn định. Tuy nhiên, nó lại ảnh hưởng đến sản xuất và khiến hệ thống tài chính gặp rủi ro. Tôi cho rằng trong tương lai, các ngân hàng trung ương nên thực hiện đồng thời hai chính sách tiền tệ".
Thùy Linh (theo CNBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét