Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

(3) Hướng tới một nền giáo dục thực sự đổi mới : Tài chính Giáo dục - Vấn đề xã hội hóa và thu hút đầu tư

Hướng tới một nền giáo dục thực sự đổi mới 

Phần 3 - Tài chính Giáo dục - Vấn đề xã hội hóa và thu hút đầu tư

Thứ bảy, 13 Tháng 10 2012 09:47  Lê Trường Tùng

Giáo dục là lĩnh vực mang tính xã hội – nhân văn. Mô hình đầu tư giáo dục lý tưởng nhất là nhà nước dùng ngân sách đầu tư toàn bộ để xây dựng một nền giáo dục chất lượng cao, học tập miễn phí ở tất cả các cấp học. Đây là mong muốn của mọi nhà nước do dân, vì dân. Việc gắn giáo dục với yếu tố thị trường bao giờ cũng có những mặt trái không ai mong muốn.

Trong đề án đổi mới giáo dục, Việt nam cần đặt mục tiêu phổ cập giáo dục phổ thông bắt buộc và phải là giáo dục phổ thông có chất lượng (hệ 9 năm – cùng các năm nhà trẻ mẫu giáo), học sinh đi học không phải đóng bất cứ khoản phí nào. Đây cũng là ưu việt XHCN cần hướng tới và thực hiện sớm. Hy vọng rằng có thể tính toán để có ngân sách đủ chi cho việc này.
Cần nói thẳng luôn – dù rất muốn thì nhà nước cũng không đủ tiền chi cho giáo dục sau phổ thông miễn phí, kể cả chấp nhận chất lượng thấp.
50 năm trở lại đây, bức tranh giáo dục đã có sự thay đổi lớn ở quy mô toàn cầu, trong đó một trào lưu mà không quốc gia nào cưỡng nổi là hiện tượng đại chúng hóa giáo dục sau phổ thông. Số liệu thống kê của hầu hết các quốc gia cho thấy rõ điều này. Mỹ là quốc gia đầu tiên có tỷ lệ học vấn sau phổ thông (post-secondary education) vượt ngưỡng 40% dân số vào đầu những năm 60, tiếp theo là Canada. Tây Âu và Nhật bản gia nhập trào lưu này vào những năm 80 và sau đó là các quốc gia khác, trong đó có cả các nước đông dân như Trung quốc, Ấn độ cũng bị cuốn theo trào lưu này. Điều này được dẫn dằt bởi nhu cầu nhân lực của nền kinh tế hiện đại cần lao động qua đào tạo sau phổ thông, và nhu cầu có học vấn của người dân ngày càng cao.

Hiện tượng này cũng dễ dàng quan sát ở Việt nam qua các con số thống kê về việc tăng trưởng sinh viên. Nếu 50 năm như trước đây – ai đó ở Việt nam có học vấn tiểu học, trung học đã là tinh hoa xã hội – thì giờ đây có bằng đại học  - thậm chí trên đại học - chưa chứng tỏ điều gì.
Có đủ kinh phí cho hệ thống giáo dục sau phổ thông trở thành nhiệm vụ không thể kham nổi của ngân sách quốc gia.  Các nước giàu có ở Tây Âu cố gắng tối đa, và cuối cùng phải chấp nhận thu và tăng học phí đại học công, dẫn đến biểu tình, xung đột giữa sinh viên với chính quyền những năm gần đây (Anh, Pháp…). 
Việt nam không nằm ngoài quy luật này: số sinh viên bùng nổ, tăng nhanh chóng, từ lâu ngân sách nhà nước – dù co kéo để dành tối đa cho giáo dục, dù cố tăng hàng năm (hiện là 20% chi ngân sách và đến ngưỡng không tăng them được nữa vì còn chi cho y tế, quốc phòng an ninh, phúc lợi xã hội khác…) – đã không đáp ứng được nhu cầu khi số lượng sinh viên tăng và đòi hỏi về chất lượng đào tạo cao của xã hội cũng như của người học.
Chúng ta muốn ai cũng được học hành như Bác Hồ từng mong. Chúng ta muốn chất lượng đào tạo tốt – thậm chí xem đây là mục tiêu số một, mục tiêu không được phép thỏa hiệp, cả xã hội đồng thanh nói không với chất lượng giáo dục chất lượng thấp.
Nhưng nhà nước không đủ nguồn tài chính cần thiết thực hiện việc này. Đây là một thực tế không được phép né tránh, cần phải đối mặt và nhìn nhận rõ ràng trong đề án đổi mới giáo dục Việt nam.
Giải quyết mối quan hệ giữa 3 yếu tố:
- Chất lượng đào tạo (sau phổ thông) yêu cầu ngày càng cao
- Nguồn lực đầu tư giáo dục (từ nhà nước) hạn chế
- Số lượng sinh viên bùng nổ
là một nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt, nếu không làm rõ vấn đề này thì những gì nêu trong đề án đổi mới giáo dục chỉ là khẩu hiệu và duy ý chí.
Nếu chỉ nhấn mạnh một khía cạnh – chẳng hạn xem chất lượng giáo dục lên hàng đầu – thì ở khía cạnh mô hình lý thuyết, lời giải khá rõ: chỉ cần giảm số sinh viên đi 10 lần (hạn chế chỉ tiêu) – thì suất đầu tư cho mỗi sinh viên cũng tăng lên 10 lần, đủ tiền đề để nâng cao chất lượng.
Bài toán Ba yếu tố giáo dục (3G) trong bối cảnh Việt nam cần thiết phải có nguồn nhân lực đông về số lượng, tinh về kỹ năng nghiệp vụ để phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế cần được phát biếu chính xác là:  với nguồn ngân sách hạn chế, với yêu cầu chất lượng cao, cần xây dựng một hệ thống giáo dục để đào tạo càng nhiều càng tốt.
Bài toán 3G:  
                            Mục tiêu:
[Số lượng đào tạo] -> MAX
                            Ràng buộc:
[Ngân sách giáo dục] < NS
[Chất lượng giáo dục] > CL
Lời giải ở đây là: Với giáo dục phổ thông (9 năm), nhà nước đầu tư tối đa để phổ cập với chất lượng tốt. Với giáo dục sau phổ thông thì [1 tập trung 2 tăng cường]:
- Tập trung ngân sách nhà nước vào a) đào tạo các ngành thiết yếu (xã hội, khoa học, văn hóa…); b) đào tạo nhân tài; c) hỗ trợ sinh viên nghèo – và thu hẹp số lượng sinh viên trường công để duy trì suất đầu tư/sinh viên cao đủ để đảm bảo chất lượng.
- Tăng cường xã hội hóa giáo dục, có chính sách để thu hút mạnh mẽ đầu tư đa thành phần vào lĩnh vực này như một dạng dịch vụ.
- Tăng cường kiểm soát chất lượng 
Thực tiễn hiện nay là so với các nước khác, phần trăm ngân sách chi cho giáo dục Việt nam đang ở dạng cao nhất, và tỷ lệ [sinh viên tư]/[sinh viên công] thấp nhất. Việt nam đã chi tối đa ngân sách cho giáo dục (20% ngân sách), và ôm đồm quá nhiều sinh viên trường công (86 sinh viên trường công/14 sinh viên trường tư) – bức tranh ngược hẳn mô hình phát triển bình thường của các nước trong khu vực. Suất đầu tư ngân sách/sinh viên thấp – dẫn đến chất lượng thấp là điều không tránh khỏi.

Quốc gia
 % công (sau phổ thông)
% ngoài công lập
Brunei
33
67
Cambodia
41
59
Indonesia
3
97
Laos
31
69
Malaysia
12
88
Myanmar
100
Philippines
11
89
Singapore
56
44
Thailand
57
43
Vietnam
86
14
Tỷ lệ sinh viên công lập/ngoài công lập (theo Dr. Zianxin Zhang)
Quốc gia
% ngân sách chi cho giáo dục
Số liệu năm (theo World Bank)
Thailand
22.3%
2011
Vietnam
19.8%
2008
Malaysia
18.9%
2009
Indonesia
17.1%
2009
Korea
15.8%
2008
Phillipine
15.0%
2009
Laos
13.2%
2010
Cambodia
12.0%
2007
Singapore
10.2%
2010
Japan
9.4%
2008
Tỷ lệ học sinh công/tư: lẽ ra cấp học càng cao thì mức độ xã hội hóa càng nhiều, thì bức tranh giáo dục Việt nam đang hoàn toàn ngược lại: tỷ lệ xã hội hóa giáo dục mầm non mẫu giáo là cao nhất, sau đó đến trung học, và thấp nhất là xã hội hóa giáo dục sau phổ thông.

Năm học 2008-2009
Tỷ lệ ngoài công lập
Nhà trẻ
63.93%
Mẫu giáo
44.53%
Trung học
15.78%
Cao đẳng đại học
14.43%

Cũng cần phát triển một mô hình đầu tư giáo dục mới là các Khu đào tạo tập trung – mô hình thế hệ tiếp theo của Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao - nhằm thu hút đầu tư giáo dục chất lượng cao, cho phép triển khai một dự giáo dục nhanh chóng, tiết kiệm nhờ sử dụng hạ tầng và các tiện ích giáo dục dùng chung. Một số quốc gia trong khu vực như Qatar (Qatar Education city), Tiểu vương Ả rập Thống nhất (Dubai Academic City), Malaysia đã và đang triển khai thành công mô hình này. Nếu cần thiết khuyến khích chuyển đổi một số khu công nghiệp thành Khu đào tạo tập trung và hình thành các Khu đào tạo trong Khu công nghệ cao.
  

Các khu đào tạo tập trung quốc tế (2010)
Đây cũng là lời giải cho Câu hỏi suy ngẫm đặt ra ở phần 1. Để biến dân số đông từ một gánh nặng kinh tế xã hội thành ưu thế cạnh tranh cho địa phương đông dân hiếu học -  cần nhanh chóng thành lập Khu đào tạo đại học tập trung tại đây, lôi kéo các trường đại học chất lượng cao về đầu tư triển khai hoạt động đào tạo – để vừa hình thành một dịch vụ mới cho địa phương, vừa từng bước giữ người học sau phổ thông giảm bớt nạn chảy máu chất xám về các đô thị lớn như Hà nội, HCM, vừa là tiền đề thu hút đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế khi có sẵn nguồn nhân lực được đào tạo tại chỗ. 
CNTT & đổi mới giáo dục
Để đổi mới cơ bản – toàn diện giáo dục – chắc chắn phải đưa CNTT vào hệ thống giáo dục – đưa một cách cơ bản – toàn diện, từ việc quản lý đào tạo, phương pháp đào tạo đến tài nguyên phục vụ đào tạo,  khảo thí.
Nhiều nhiệm vụ đặt ra trong đổi mới giáo dục như tái cấu trúc, trao đổi tài nguyên đào tạo xuyên biên giới, hội nhập quốc tế, dạy và học tiếng Anh trong môi trường sinh ngữ, triển khai mô hình khu đào tạo tập trung gắn với mô hình đa cơ sở (một trường nhiều cơ sở) chỉ có thể thực hiện được hiệu quả khi sử dụng CNTT và dựa trên hạ tầng CNTT. 
CNTT cũng đang nhanh chóng thay đổi bộ mặt của giáo dục đào tạo. Giáo dục đào tạo thế kỷ 21 sẽ dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, và nền giáo dục đào tạo nhân lực cho kinh tế hướng tri thức & hội nhập – sẽ hoàn toàn khác nền giáo dục hình thành trong lòng xã hội công nghiệp. Cần có khảo sát nghiên cứu mang tính nền tảng để những gì đổi mới không lạc hậu với thời đại.
Kết luận
Chúng tôi hy vọng những đổi mới lớn lao sẽ diễn trong giáo dục đào tạo trong thời gian tới, chứ không chỉ đơn thuần là các thay đổi mang tính xử lý tình huống. Chúng tôi hy vọng nhận thức cần thay đổi ngay trong quá trình xây dựng đề án đổi mới giáo dục, để khi triển khai đề án là bắt đầu từ các chương trình hành động rất cụ thể.
Các giải pháp đề xuất trong bài viết này hướng tới mục tiêu chung là nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, nhằm tạo ra lực lượng lao động cạnh tranh toàn cầu, làm bệ phóng đưa Việt Nam vượt ngưỡng thu nhập trung bình đến kinh tế tri thức – xã hội thông tin, sánh vai với các nước tiền tiến trên thế giới, thực hiện mục tiêu: Dân giàu – Nước mạnh – Xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Các giải pháp đề xuất cũng nhằm giải quyết một số khía cạnh trong các vấn đề  then chốt:
- Đảm bảo định hướng XHCN: phổ cập giáo dục phổ thông; nhà nước đầu tư phát triển các ngành chuyên biệt và phát triển nhân tài, hỗ trợ sinh viên nghèo khó. Tạo điều kiện để ai cũng có cơ hội hưởng thụ nền giáo dục chất lượng cao.
- Vận dụng quy luật kinh tế thị trường thông qua việc giải quyết bài toán đầu tư cho giáo dục – xem đầu tư đa thành phần như một lực lượng quan trọng trong đổi mới giáo dục: chất lượng giáo dục phải tương thích quốc tế, qui mô đào tạo của khu vực công lập được xác định bởi nguồn lực của Nhà nước và tạo cơ chế khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào giáo dục đào tạo.
- Hội nhập quốc tế: chuẩn về kiến trúc hệ thống, nội dung, phương pháp giảng dạy và khảo thí được quốc tế thừa nhận; đảm bảo trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh là bắt buộc), tin học; mở cửa thị trường giáo dục để hội nhập và thu hút đầu tư quốc tế.
- CNTT là giải pháp đột phá góp phần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo: Quản lý giáo dục, đào tạo; nội dung (sách giáo khoa, học liệu); phương pháp dạy và học, khảo thí.
Lực lượng trẻ đã ưu tú trong bảo vệ tổ quốc, thì cũng phải là lực lượng ưu tú, người lính xung kích tinh nhuệ trong phát triển đất nước và hội nhập quốc tế thông qua một nền giáo dục đổi mới, chất lượng, nhân bản.
Để kết luận, xin nhắc lại lời nói của một thi sỹ thời Tống: “Trên đời có 3 điều đáng tiếc nhất: những bức danh họa bị mất giá trị vì bị những kẻ phàm phu tục tử tán thưởng; những cánh trà ngon bị hao phí quá nhiều bởi những bàn tay bất tài dày vò, và những thanh niên ưu tú bị hư hỏng vì một hệ thống giáo dục sai lầm” (Lichilai).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét