Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

TÂY NGUYÊN HỜI HỢT

TÂY NGUYÊN HỜI HỢT

Văn Công Hùng
Ðang có một hiện tượng là bên cạnh những người viết có tài, có sự am hiểu sâu sắc về tây nguyên như các nhà văn đàn anh Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Trung Trung Ðỉnh...thì lại có một số tác giả và tác phẩm khác nhìn tây nguyên tương đối hời hợt và sai lệch. Họ khai thác tây nguyên ở khía cạnh lạ và lạc hậu. Họ không sống đời sống của tây nguyên mà cưỡi ngựa xem hoa và "nghe kể"...



            Cho đến bây giờ, tây nguyên vẫn còn là vùng đất bí ẩn đối với nhiều người viết. Tây nguyên hoàn toàn không hoang sơ như người ta tưởng, mà nó chứa đầy trong mình những trầm tích văn hoá, được hiểu như sự tích tụ những giá trị vật chất và tinh thần do người tây nguyên tạo ra từ hàng ngàn năm nay. Hình thức sống của người tây nguyên được lưu giữ trong bề dầy văn hoá đầy bản sắc này. Nó gồm nhiều vỉa, nhiều lớp và được quy định bởi đặc điểm lịch sử, địa lý, nhân chủng...

             Hiện nay tây nguyên đang đổi mới hàng ngày và cũng đang hàng ngày hội nhập vào đời sống đương đại. Như một thỏi nam châm, nó hút khá nhanh những luồng văn hoá mới của đời sống, đặc biệt là của người Việt, tạo nên một sự giao thoa về văn hoá khá thú vị trong lịch sử. Bản thân từng nền văn hoá đều có kháng thể để có thể tự nó thu nạp hoặc tẩy chay, hoặc đồng hoá...bên cạnh đó còn có sự can thiệp khá hiệu quả của chính quyền, của bộ máy...trong đó có sự tham gia không nhỏ và hữu hiệu của đội ngũ người viết.

            Ðang có một hiện tượng là bên cạnh những người viết có tài, có sự am hiểu sâu sắc về tây nguyên như các nhà văn đàn anh Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Trung Trung Ðỉnh...thì lại có một số tác giả và tác phẩm khác nhìn tây nguyên tương đối hời hợt và sai lệch. Họ khai thác tây nguyên ở khía cạnh lạ và lạc hậu. Họ không sống đời sống của tây nguyên mà cưỡi ngựa xem hoa và "nghe kể". Và như thế, những đánh giá và nhận xét, những miêu tả và cảm xúc của họ là không phù hợp với những gì đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trên mảnh đất này. Người ta hô hào nhiều về việc bảo vệ và giữ gìn bản sắc dân tộc, nhưng thực sự là bản sắc dân tộc là gì và bảo vệ giữ gìn nó như thế nào không phải ai cũng trả lời được một cách thấu đáo. Rồi cái gì bảo vệ, cái gì giữ gìn, cái gì phát huy, cái gì loại bỏ... hiện nay các ý kiến cũng rất vênh nhau. Ai cũng biết, lễ hội tây nguyên là các hoạt động tự thân. Ở đó con người hoà nhập vào cộng đồng, vào thiên nhiên, trải lòng mình ra trước thế giới thần linh với một tâm thức thấm đẫm đức tin và những điều huyền diệu mà họ đang cầu xin. Những người tham dự không phải để thưởng thức mà là thực thi bổn phận của mình. Và chính khi thực thi bổn phận của lễ mà hội xuất hiện. Ngày nay chúng ta tổ chức các lễ hội trên sân khấu và nghệ nhân trở thành diễn viên liệu có thuyết phục? Cũng như thế việc ồ ạt hiện đại hoá nhà rông liệu có phải là phương án khả thi? Vì tất cả những điều ấy nó gắn với tâm thức của nhân dân, gắn với tín ngưỡng và hệ thống quan niệm được hiểu như là văn hoá bản địa. Những việc làm vội vã mang tính chủ quan vô hình chung đã áp đặt nền văn hoá này lên nền văn hoá khác mà chưa chắc nền văn hoá nào hơn nền văn hoá nào.

            Những trang viết lâu nay về tây nguyên chưa thành công một phần là do cái nhìn phiến diện, đầy chất chủ quan cảm tính. Các nhà văn đàn anh của chúng ta, để có được những trang viết để đời, họ đã đánh đổi bằng chính cả quãng đời đẹp nhất của họ, họ đã sống cùng tây nguyên, đã mài mình ra để được hoà tan vào chính đời sống tây nguyên, tây nguyên trở thành chính một phần đời của họ. Những trang viết có máu, nước mắt, và mồ hôi...Còn chúng ta hôm nay, trong đó có tôi, đã từng 20 năm ở tây nguyên, được đào tạo cơ bản, nhưng hình như sự hiểu biết về tây nguyên còn hời hợt lắm. Có một bản chất nhân văn sâu sắc trong đời sống còn nhiều lạc hậu, cũng như một sức mạnh bí ẩn tiềm tàng trong thế cao vút mà mềm mại của mái nhà rông kia. Ðấy cũng chính là những bí ẩn tây nguyên đang vẫy gọi các nhà sáng tác, sự vẫy gọi đầy đắm say nhưng cũng đầy thách thức. Chúng ta không thể mãi mãi bắt người tây nguyên đóng khố cởi trần đi chân đất dạo phố, song nếu tất cả comple thì tây nguyên là gì? Cũng như không thể khuyên thanh niên đừng dùng ghi ta, ooc gan mà cứ duy trì chiêng, kơ ní...Song nếu không còn chiêng, kơ ní...thì bản sắc tây nguyên ở đâu? Nhiều nhà văn khi viết về tây nguyên hay dùng "cái mày, cái tao, ưng cái bụng..." như một cứu cánh để phân biệt tây nguyên với các vùng khác...

        Theo tôi, có lẽ vấn đề chúng ta cần quan tâm là khám phá bản chất tâm hồn của người tây nguyên, đó chính là tính trữ tình đến lãng mạn song hành cùng sự cứng cáp, trung thực và nhất quán trong quan niệm chẳng hạn. Muốn thế chúng ta phải sống tận cùng cùng đời sống này. Càng ngày con gái người Kinh chúng ta càng muốn khoe cơ thể của mình với tư cách là sắc đẹp do tạo hoá trao tặng. Từ váy áo xùm xoà, mớ bảy mớ ba, khăn mỏ quạ...để che kín cơ thể, hôm nay các thiếu nữ của chúng ta đang tiến đến các loại váy áo không còn có thể rút gọn hơn, khoe tay khoe nách khoe bụng khoe mông...Thì các thiếu nữ tây nguyên đã ý thức được điều này từ rất lâu. Phàm đã là thiếu nữ chưa chồng, cơ thể còn đẹp một vẻ đẹp thánh thiện thuần khiết của tạo hoá, thì họ cởi trần để khoe sắc đẹp trời cho ấy. Còn khi đã có chồng, đã nhuốm màu tục lụy, thì họ mặc áo. Thứ nhất là để báo rằng vẻ đẹp ấy đã có chủ, thứ hai là, nó không còn đẹp vẻ đẹp trinh trắng, vẻ đẹp nguyên bản nữa. Người Việt chẳng đã từng có câu ngạn ngữ "tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại" đó sao. Ðiều này chứng tỏ một quan điểm thẩm mỹ rất cao và trong sáng. Nó biểu hiện một thế giới tâm hồn rất phong phú và một tư duy rất mới mẻ, đầy mỹ cảm của người tây nguyên. Nếu vậy thì chớ vội cho rằng việc cởi trần là lạc hậu và việc đàn bà ta hôm nay ra đường bịt khăn kín mít mặt mũi chân tay trông mười người như một, không sắc thái, bản sắc, làm đen ngòm cả phố..là hiện đại. Phải hiểu sâu xa bản chất quan niệm và hành xử quan niệm đó theo đúng như nó vốn có. Tất nhiên đây là một việc cực khó, đòi hỏi một sự lao tâm khổ tứ, một sự làm việc nghiêm túc, đầy trách nhiệm và khoa học. Chúng ta đã chẳng từng vì quá sốt ruột và yêu mến mà làm một số việc không đạt kết quả đó sao. Xoá khố chẳng hạn, nhà trệt hoá chẳng hạn, đưa máy móc thiết bị về làm thay chẳng hạn...Ngay như trường ca tây nguyên (cách gọi quen Hơ ri, hơ a mon...), được coi như là nền văn học dân gian chưa thành văn của người tây nguyên, đang mất đi một cách hồn nhiên trước mắt các nhà phôn cờ lo học. Sự mất đi mang tính quy luật. Bởi bây giờ các phương tiện nghe nhìn đến với từng làng dân tộc, suốt ngày phim Hàn, phim Tàu, phim ta váy áo sặc sỡ, rồi bóng đá quốc nội, bóng đá trời tây, rồi hoa hậu, rồi mốt thờ trang... Thì những đêm khan ở làng kia dần mất chỗ đứng cũng phải. Chúng ta không thể dùng mệnh lệnh hành chính để buộc nhân dân phải kể, phải nghe...Cũng như thế văn chương của chúng ta sẽ không vào lòng được nhân dân nếu chúng ta viết không đúng, hiểu không đúng về họ. Văn chương không sặc sỡ như hoa hậu, như thời trang. Ði bằng chính con đường của mình, văn chương có khả năng riêng để vào đời sống. Tôi vẫn tin, sẽ có lúc, dòng văn học tây nguyên sẽ tiếp tục toả sáng trên văn đàn như Ðất nước đứng lên, Rừng Xà Nu, Bài ca chim Chơ Rao...                                                       

V . C . H
(HÌ, LÔI TỪ MYDOCUMENT 2006)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét