Mục tiêu tăng trưởng
Dự kiến trong giai đoạn 2011-2020 tốc
độ tăng trưởng của các địa phương của Việt Nam trong Tam giác phát triển
(TGPT) đạt 13,5-14%/năm. Tính chung cả khu vực TGPT dự kiến trong giai
đoạn này tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 10-11%/năm. Dự kiến GDP bình quân
đầu người khu vực TGPT tăng từ 838 USD năm 2010 lên 1.300 USD vào năm
2015 và khoảng 2000 USD năm 2020.
Trên cơ sở các lĩnh vực ưu tiên được đề
xuất của các nước, các lĩnh vực ưu tiên phát triển và hợp tác trong
TGPT bao gồm Kết cấu hạ tầng; Nông lâm nghiệp; Dịch vụ; Công nghiệp; Các
lĩnh vực xã hội và khoa học – công nghệ; Bảo vệ môi trường và quản lý
đất đai hiệu quả; An ninh quốc phòng; Thuận lợi hóa thương mại và đầu
tư.
Trong thời gian tới, các quốc gia trong
khu vực TGPT tiếp tục điều chỉnh quan điểm phát triển và hợp tác. Theo
đó, song song với hợp tác nội vùng, tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư từ
nước ngoài, nhất là từ các nhà tài trợ lớn như Ngân hàng phát triển Châu
Á (ADB), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…Bên cạnh hợp tác trong lĩnh vực
kinh tế cần chú trọng hợp tác phát triển các lĩnh vực như y tế, giáo
dục – đào tạo, xóa đói giảm nghèo.
Tiếp tục phối hợp với các kế hoạch xây
dựng kết cấu hạ tầng, nâng cấp, cải tạo các trục giao thông quan trọng
nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành, lĩnh vực khác hợp tác phát
triển. Hợp tác xúc tiến kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào
khu vực TGPT và các nguồn vốn hỗ trợ chính thức (ODA) cho các mục tiêu
xóa đói giảm nghèo, phát triển hạ tầng. Tiếp tục tập trung phát triển
nguồn nhân lực ở các ngành kinh tế có nhiều tiềm năng nhất trong khu
vực.
Lĩnh vực ưu tiên
Về phương hướng phát triển và hợp tác
quốc tế dịch vụ, TGPT đề ra định hướng phát triển thương mại, đảm bảo
hàng hóa lưu thông thông suốt, ổn định thị trường và giá cả, tạo điều
kiện phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng phát triển các hoạt động
xuất nhập khẩu, đồng thời mở rộng, phát triển thị trường nội địa. Hợp
tác xúc tiến thương mại thông qua tổ chức hội chợ, triển lãm hàng hóa
của các địa phương trong TGPT.
Về tài chính – ngân hàng – bảo hiểm cần
đẩy mạnh phát triển các dịch vụ tài chính, tín dụng, bảo hiểm…gắn với
quá trình đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại các
địa phương trong TGPT nói chung và việc đẩy mạnh hợp tác giữa các nước,
phát triển kinh tế cửa khẩu, xuất nhập khẩu. Cần mở rộng mạng lưới ngân
hàng, tổ chức tín dụng và kinh doanh tiền tệ tại các địa phương trong
TGPT nhằm huy động và đáp ứng kịp thời các nguồn vốn cho sản xuất kinh
doanh.
Về công nghiệp cần đẩy mạnh phát triển
công nghiệp để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng
cao thu nhập cho người dân. Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp chế
biến nông lâm sản, đẩy mạnh chế biến cà phê, cao su, điều, bông…đồng
thời chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống.
Phát triển công nghiệp thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản có
tính đến hiệu quả kinh tế - xã hội đảm bảo yêu cầu sinh thái.
Về các lĩnh vực khoa học và công nghệ,
ba nước cần coi giáo dục – đào tạo là một trong những khâu quan trọng,
thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương trong TGPT. Chú
trọng đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh hợp tác
đào tạo tại các tỉnh của Campuchia, Lào, Việt Nam. Ngoài ra, các lĩnh
vực y tế, văn hóa – thông tin, lao động và các vấn đề xã hội khác cũng
đã được xác định nhằm phát triển hơn nữa khu vực TGPT Campuchia – Lào –
Việt Nam.
Xây dựng chính sách và cơ chế ưu đãi
Theo báo cáo, do trình độ phát triển
khác nhau giữa ba quốc gia, vì vậy mỗi nước cần ban hành chính sách và
cơ chế riêng phù hợp với điều kiện hoàn cảnh và yêu cầu phát triển của
mình. Đối với Campuchia, cùng với phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp
là một trong những lĩnh vực ưu tiên cần được đẩy mạnh. Cho đến nay, sự
tăng trưởng của ngành nông nghiệp vẫn còn thấp so với tiềm năng. Phát
triển lĩnh vực này sẽ tạo thêm việc làm cho người dân, góp phần giảm
nghèo tại các địa phương.
Đối với Lào, cần tập trung vào những cơ
chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển ngành thăm dò, khai thác
khoáng sản và chế biến các sản phẩm khai khoáng để xuất khẩu ra thị
trường bên ngoài, xem đây là lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, việc phát
triển ngành nông lâm cũng là một thế mạnh của Lào vì tài nguyên đất đai
còn có thể khai thác cho phát triển các sản phẩm nông lâm nghiệp.
Đối với Việt Nam, cần ưu tiên phát
triển ngành nghề chế biến nông lâm sản nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu
sang các nước trong khu vực và thế giới. Việt Nam cần có chính sách đẩy
mạnh công tác đào tạo để đáp ứng đội ngũ lao động có trình độ tay nghề
cao. Ngoài ra, Việt Nam cần có các giải pháp để phát triển mạnh các
trung tâm nghiên cứu và chuyển giao về giống, cây trồng, vật nuôi có
chất lượng cao cung cấp cho khu vực TGPT.
Chính sách thương mại và đầu tư giữa ba quốc gia
Bên cạnh việc tổ chức thực hiện tốt các
cơ chế, chính sách đã được ba nước thông qua, cần tiếp tục nghiên cứu,
thực hiện một số chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy phát triển hơn nữa
trong khu vực. Chính sách ưu đãi đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài của
từng quốc gia trong TGPT cần dựa trên tình thần hợp tác hữu nghị, tạo
môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư thông qua việc hợp lý hóa thủ
tục đăng ký và thực hiện các dự án FDI của Campuchia – Lào – Việt Nam
vào mỗi nước trong khu vực. Tăng cường khung pháp lý đối với doanh
nghiệp có vốn FDI của mỗi nước trong TGPT. Mỗi nước thành lập trung tâm
xúc tiến đầu tư để tư vấn, giới thiệu, quảng bá và mở rộng xúc tiến đầu
tư của mỗi nước, tăng cường thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân của mỗi
nước.
Ngoài ra, cần tập trung vào các chính
sách ưu đãi thương mại; chính sách đẩy mạnh phát triển thị trường thông
qua việc cung cấp thường xuyên các thông tin chi tiết về thương mại và
kinh tế của mỗi nước trên phương tiện truyền thông. Chính phủ mỗi nước
cần tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong việc thuê mặt bằng, đơn giản
hóa thủ tục hành chính…
Nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại và
đầu tư, nhiều chính sách ưu đãi đã được áp dụng như Việt Nam đang áp
dụng chính sách ưu đãi giảm thuế suất nhập khẩu tới 0% cho 40 mặt hàng
của Campuchia và thỏa thuận áp dụng ưu đãi giảm thuế suất thuế nhập khẩu
đối với một số mặt hàng từ Lào. Với các chính sách ưu đãi đã được thực
hiện, kim ngạch xuất khẩu hai chiều giữa Việt Nam – Lào, Việt Nam -
Campuchia đang tiếp tục phát triển nhanh chóng, cơ cấu hàng hóa đã có
chuyển biến tích cực, đã hình thành những nhóm hàng với số lượng ngày
càng tăng và chất lượng ngày càng tốt./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét