Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

(1) GÓP DÂY LẠT, BUỘC "PHÊN DẬU CAO BẰNG"...

GÓP DÂY LẠT, BUỘC "PHÊN DẬU CAO BẰNG"... 

Mai Thanh Hải:

Mình viết bài Phên dậu Cao Bằng, mọi người tíu tít gọi điện thoại, nhắn tin, email, chát chít chia sẻ về vùng đất phên dậu xa xôi, hiểm trở Xuân Trường (Bảo Lạc, Cao Bằng).

Bác Thanh Thảo từ Quảng Ngãi gọi ra, nói liền 1 mạch: "Chỗ ấy đáng được quan tâm đấy. Tao mà không yếu cái chân, cũng ra đi với mày ngay!" và tắt ngóm điện thoại, đúng thói quen của một người đã đi, đã biết, đã cảm nhận và đang truyền đạt lại tinh thần của một người anh "cây cao bóng cả" với đứa em út "đi, thấy và viết", là cái thằng mình.

Còn bác Nguyễn Trọng Tạo thì rủ rỉ: "Năm 1979, khi Tàu đánh Cao Bằng, anh đã lên trên đấy công tác vài tháng. Mới đây quay lại, vẫn thấy gian nan, khắc khổ và cần quan tâm những cái cụ thể lắm lắm!"...

Thế nhưng, nhiều hơn cả là những lời nhắn, động viên, kêu gọi nhau chung tay mỗi người góp 1 chút, giống như cái dây lạt tre, gửi lên biên giới, để buộc chặt lại phên dậu Tổ quốc nơi hiểm trở Cao Bằng.

Lẩn mẩn mấy chuyện của mọi người:

Anh Hoài Sơn, Giám đốc Thương hiệu nước mắm Châu Sơn, Nha Trang, Khánh Hòa gửi ngay xe hàng chạy từ Nha Trang ra Hà Nội, 1 bao tải đóng đủ 8 thùng nước mắm (48 chai) cho mình và bảo: "Gửi tặng các cháu học sinh Nội trú - bán trú dân nuôi, gọi là hương vị biển cho miền biên giới. Nhờ mọi người mang đến tận nơi nhé!".

Mình ngại quá bởi sản phẩm của anh Sơn chất lượng cao, bán khối tiền và ngay mấy tháng trước, khi biết có Đoàn Thân nhân bộ đội Trường Sa ra thăm quần đảo, anh Hoài Sơn cũng qua mình, gửi 10 thùng mắm (60 chai) để Lữ đoàn 146 phục vụ hậu cần Đoàn thân nhân, còn lại gửi tặng các đảo, nhưng anh gạt đi: "Đáng là bao, so với những gì mọi người đã và đang chịu đựng!"...

Anh Xuyên và các anh chị em trong lớp Cao học QTKD, nghe chuyện cũng bảo nhau đóng góp, bây giờ cũng hòm hòm 1 bộ máy tính để bàn, 2 tivi, 2 đầu DVD-VCD, 2 thùng bột canh, 200 cuốn sách truyện và 3 thùng quần áo cũ, đã giặt là sạch sẽ, trông như mới...

Bạn mình tên Hải, chủ cửa hàng Tạp hóa ở Sơn Tây (Đối diện Cổng Học viện Biên phòng) gọi điện thủng thẳng: "Hỏi mấy đứa Học viên rồi, trên đấy rét hơn ông tả cơ. Cho tôi gửi 20 chiếc chăn bông và 30 chiếc chiếu cói, dùng cho giường 1, tặng học sinh Nội trú!".

Trên FB, mọi người cũng tấp nập bàn việc góp tiền mua quần áo, cặp sách, sách truyện, dép ủng... tặng cho bọn trẻ con lít nhít Xuân Trường, nhân năm học mới và chưa gì, đã tính hết mọi thứ quà cho bọn con trai, đám con gái sao cho thật thiết thực, ý nghĩa và... đáng nhớ, cho bõ công mang hàng lên đó.

Lẩm nhẩm tính ra: Cũng sẽ có khá nhiều đồ ăn, đồ mặc, đồ chơi, thiết bị phục vụ học tập - sinh hoạt mà mọi người dự định gom góp, tập hợp mang lên Xuân Trường.

Ừ!. Biên giới thiếu thốn lắm. Lại càng thiếu thốn hơn, khi ở những địa bàn hiểm trở như Xuân Trường, Bảo Lạc, cả năm có khi không có người miền xuôi lên thăm.


Một mảnh chăn ư?. Cũng bớt được 1 câu: "Đồn ơi! Rét lắm!" của những người dân, trong cái rét mùa đông dưới âm độ, tìm đến trước cổng Đồn Biên phòng 147, kêu với bộ đội!.

Một cuốn vở - cây bút ư?. Thêm những con chữ mềm được viết sáng ước mơ.

Một tấm áo rét?. Ấm lưng con trẻ, khỏi co ro đốt lửa học dưới trường.

Một đôi ủng - đôi dép?. Khỏi xót chân con, khi vượt qua đá tai mèo sắc nhọn, lên nương

Một cuốn sách - truyện?. Góp thành Thư viện cho tủ sách Nhà trường, điểm Trường xa tít, cheo leo.

Một túi bánh, gói kẹo, giọt mắm, bát mì...? Cũng làm sáng bừng niềm vui được quà con trẻ, ríu ran thêm bữa cơm trưa trên bàn Nội trú, khỏi nhìn bạn nhà gần mà nuốt nước bọt thèm mong...

Tất cả những gì gom góp cho miền biên ải, dĩ nhiên chẳng thể làm thay đổi được ngay cuộc sống vất vả - thiếu thốn của người già, con trẻ.

Nhưng chắc chắn đó sẽ là niềm động viên rất lớn, niềm vui mà người ta chưa bao giờ có, chưa bao giờ dám tưởng tượng... - Sự chia sẻ, động viên, giúp đỡ của người miền xuôi với miền ngược, thành thị với vùng núi, ngoài nước với trong nước, đồng bằng với vùng biên... giống như những bó lạt tre trắng ngần, mềm mại buộc chặt thêm hàng rào biên giới - lòng dân vững chãi, nơi xa tít mù sương phên dậu Cao Bằng.

Xin đọc thêm về biên giới Xuân Trường (Cao Bằng): Ở đây

Mọi sự giúp đỡ, ủng hộ xin gửi về:

Mai Thanh Hải,
STK: 0011002663078, Sở Giao dịch, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VIETCOMBANK-VCB).


 Xin ghi rõ: "Ủng hộ trẻ em Xuân Trường, Cao Bằng"

Hàng hóa, xin liên hệ qua emai: thanhhai2006@gmail.com và ĐTDĐ: 0917500550.
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
CẬP NHẬT ỦNG HỘ CHO TRẺ EM XÃ BIÊN GIỚI
XUÂN TRƯỜNG, BẢO LẠC, CAO BẰNG 

1/ anh Lê Việt Đức, chị Trần Thị Thu Hằng (Thụy Sỹ): 5.000.000 VND.

2/ anh Hoài Sơn (Nha Trang, Khánh Hòa): 8 thúng nước mắm nhĩ cá cơm (loại 0,5 lít/chai) = 48 chai.

3/ anh Nguyễn Quang Hải (Sơn Tây): 20 chăn bông, 30 chiếc chiếu.

4/ anh Hoàng Xuyên và Học viên lớp Cao học QTKD: Dầu ăn, bột canh, thiết bị - quần áo - sách vở.

5/ Đức Anh: 584 hộp kem đánh răng, 584 phần bánh kẹo (10 thùng bánh kẹo/100 kg) và 20 thùng mì tôm

6/ "Pham Thi Huong. Dao Mai Phuong" gửi: 250.000 VND qua TK VCB

7/ "FTF.CN9704366800625785018.FrAcc0011000680799": 500.000 VND qua TK VCB

8/ "IBVCB.2008120016205001. Ung ho tre em Cao Bang": 500.000 VND qua TK VCB.
9/ Vũ Thị Thanh Lanh: Công đoàn NHNNVN: 1.000.000 VND.

10/ Trần Thương Uyên: 300.000 VND.

11/ Phạm Văn Cường NT: 2.000.000 VND.

12/ Vu Thi Nhuan: 1.000.000 VND...

(Tiếp tục cập nhật hàng ngày…)

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
VẤT VẢ, KHÓ KHĂN Ở BIÊN GIỚI XUÂN TRƯỜNG (CAO BẰNG), 
CÓ THỂ VÍ VỚI NƠI ĐÂU?..


Lớp học tại thôn Cà Lò
Bữa ăn của những đứa trẻ trong lớp học bán trú Xuân Trường
Mèn mén cũng chẳng giống mèn mén
Những chủ nhân tương lai, sẽ giữ gìn phên dậu Tổ quốc ở Bảo Lạc (Cao Bằng)...

* Bài viết có sử dụng hình minh họa của thành viên Diễn đàn OF

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét