Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

Văn học Di dân Việt Nam (phần 1)

Nỗi niềm thế hệ trong ký và
tự truyện của Văn học Di dân Việt Nam
 
Tác giả : Nguyễn Hạnh Nguyên
Thứ Bảy, 23 Tháng Tư-2011

Bài này viết khá hay, chân thực và cảm động. Mặc dù có một số đoạn viết không phù hợp với đánh giá chính thống của Nhà nước về cuộc đấu tranh giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước của Đảng và Nhà nước ta, song với tinh thần tôn trọng ý kiến của kiều bào, một phần máu thịt thiêng liêng của tổ quốc đang sống tha hương ở nước ngoài, Blog không cắt bỏ, sửa chữa mà lưu lại toàn bộ để thỉnh thoảng đọc lại và thương tiếc tất cả  người Việt Nam cũng như những nước ngoài đã hy sinh hoặc chịu nhiều thiệt thời, đau khổ trong thời gian cuộc chiến tại Việt Nam trước năm 1975.
 
 (Sài Gòn 1975_Ảnh Reuters)

LTS: ...Chúng tôi trân trọng gởi đến quí văn hữu và bạn đọc bài viết “Nỗi niềm thế hệ trong ký và tự truyện của Văn học Di dân Việt Nam” của Nguyễn Hạnh Nguyên, một người viết trẻ, sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, nhìn về quá khứ xuyên qua tâm tư của thế hệ sinh trưởng trong thập niên 60 ở miền Nam, từ sau biến cố lịch sử 30 tháng 4 năm 1975.
Tạp Chí Hợp Lưu

Đã hơn một phần tư thế kỷ trôi qua kể từ dấu mốc lịch sử 30-4-1975 nhưng dư âm của nội chiến vẫn còn vang vang tiếng vọng day dứt. Tiếng vọng ấy không chỉ ngự trị trong ký ức của những người Việt lưu vong mà còn hiện diện trên những trang văn của họ. Không ngẫu nhiên mà những năm đầu thế kỷ XXI, ký và tự truyện là hai thể loại được khá nhiều nhà văn di dân lựa chọn để thử bút. Nếu tự truyện được xây dựng trên những chi tiết có thật về cá nhân tác giả, thì ký lấy chất liệu từ chính những thăng trầm trong lưu lạc của người viết. Ký còn có nghĩa là ghi lại từ ký ức. Bởi tính chất chân thực này nên ký và tự truyện được xem như chiếc cầu nối gần nhất giúp truyền tải những tâm tình.
Hầu hết những cây bút của Văn học Di dân Việt Nam đã sáng tác với tâm nguyện như thế ― ghi lại những nỗi niềm mà chính họ đã trải nghiệm bằng ký và tự truyện. Nỗi niềm ấy vượt ra khỏi tâm tình của một cá nhân cụ thể, bởi tìm được sự đồng điệu của nhiều tâm hồn khác nữa. Sự đồng điệu của chung một quá khứ và gần như chung những chuyến tàu vượt biên... Do vậy, là nỗi niềm chung của cả một thế hệ. Thế hệ thuyền nhân và di tản phải lìa xa tổ quốc trong mất mát.
Trước khi tìm hiểu những nội dung cụ thể, bài viết sẽ giới thiệu đôi nét về ký và tự truyện của Văn học Di dân Việt Nam, chú ý vào hai điểm cơ bản là thế hệ những người cầm bút và những chủ đề sáng tác nổi bật.

1. Đôi nét tổng quan.

Nhìn vào mốc thời gian, có thể thấy một số khá đông đều sinh trưởng trong thập niên 60 của thế kỷ XX. Những năm sinh này nói lên điều gì? Nói lên một chi tiết đặc thù: Đây là thế hệ trẻ cuối cùng của nền Cộng hòa Nam Việt đã sinh ra trong chiến tranh và lớn lên với kết thúc bi thảm của miền Nam. Chính thế hệ sinh trong thập niên 60 này là thế hệ sau cùng đã hấp thu Văn học Miền Nam và có ký ức về xã hội miền Nam, đã chớm ý thức và hiểu biết vào năm 75. Họ đã sống tuổi hoa niên cùng gia đình và những người thân trên mảnh đất phương Nam này. Họ đã chứng kiến ngày Sài Gòn sụp đổ, đã ít nhiều nhận thức sự khác biệt giữa trước và sau 30 tháng 4, rồi họ đột ngột bị bứng ra khỏi nước như những cây non chưa đủ rễ đã bị nhổ bật ra khỏi đất mẹ. Những ai không kịp chứng kiến “đổi đời” hay “giải phóng”, như cách nói của một bên thua trận và một bên thắng trận, mà bị ném tung sang các lục địa khác, sự nhận thức khác biệt giữa quê hương và xứ lạ càng đậm nét : vì họ đã di tản đột ngột trong một buổi chiều, sau một giấc ngủ trưa mà khi thức giấc còn thèm tiếng rao quà, hay trong vài tiếng đồng hồ hấp tấp ra sân bay, hấp tấp theo cha mẹ xuống tàu… Đặc thù in đậm nét ở đây: Là khác với thế hệ đi trước đã trưởng thành rồi tan vỡ trong chiến tranh, thế hệ sau vỡ tan trước khi kịp trưởng thành. Họ hãy còn niên thiếu khi tan trên biển cả, tan trên các lục địa mới, tan theo chính nỗi niềm thất lạc của cha mẹ họ trên xứ người. Thế hệ đi trước ít viết ký tự giãi bày bởi vì dường như họ tránh tự tra vấn khổ đau, thay vào đó là hồi ký lao tù, cải tạo, cũng là khổ đau nhưng là khổ đau ấp vào từ ngoài mà không phát xuất từ trong. Đây là điểm khác biệt giữa thế hệ đi trước với thế hệ sinh thập niên 60. 
Khác thế hệ trước như Nguyễn Bá Trạc trong tập Ngọn cỏ bồng nhanh chóng viết ký du hành lục địa, hay như Mai Ninh trong Mưa mùa xa và Trần Mộng Tú trong Bình Thủy 1969 viết ký trở về hay Trương Vũ viết Về lại Sorrento; những tác giả sinh trong thập niên 60 viết ký khá muộn. Như có một giao ước: Cho đến hôm qua, họ không dám động đến quá khứ vì bản thân họ không biết hết tường tận, nhưng vì đã chứng kiến tận mắt gia đình ly tán, chứng kiến từ bên trong bi kịch của cha mẹ mình nên nỗi đau vẫn còn âm ỉ trong lòng họ. Nỗi đau thầm lặng này, cũng như nỗi đau của cha mẹ, tấy đỏ vào mỗi tháng 4 hằng năm và sưng dần lên trong âm thầm cho đến một lúc, vụt trào ra trên trang giấy trắng.
Tuy mỗi tác giả có một cách tiếp cận riêng song nhìn chung, ký và tự truyện của các tác giả di dân Việt tập trung vào một số nội dung chính sau đây:

▪ Ký tháng 4 và Ký vượt biên 

Là ký của ngày ra đi như Ngày tôi mất tháng 4 của Đinh Từ Bích Thúy, Tháng tư tội lỗi của Phạm Chi Lan, Tháng tư của Lý Ký Kiệt của Đinh Linh, Mắt Thuyền của Nguyễn Xuân Tường Vy, Tháng Tư Vữa của Nguyễn Thị Thanh Bình, v.v.. Trừ Nguyễn Thị Thanh Bình tương đối lớn vào tháng 4-1975, đây là loạt ký của tuổi thơ chưa kịp định hình bị vất ra ngoài đất nước khi chưa kịp suy nghĩ và ngay cả chưa kịp làm nạn nhân. Hoàn toàn thụ động nhìn người lớn tháo chạy mà chính họ chỉ là hành lý người lớn phải mang theo vì không bỏ lại được. Trong đầu họ đầy dấu hỏi, đầy ngơ ngác. Những dấu hỏi về sau sẽ lớn lên dần theo năm tháng bắt nguồn từ dấu hỏi nhỏ bé của ngày ra đi. Vì sao phải ra đi? Vì sao chạy khi đất nước thống nhất, vì những khoảng tối của thống nhất, hay vì những tàn nhẫn khác? Thậm chí họ chưa biết thế nào là “thống nhất” nhưng cảnh hốt hoảng của cha mẹ hấp tấp rời khỏi căn nhà nơi họ đã sinh ra sẽ vĩnh viễn ám ảnh. Ký tháng 4 và ký vượt biên là những dấu hỏi sẽ lớn lên dần cùng với chính họ.

▪ Ký trở về
Ám ảnh khi ra đi, nên bắt buộc phải quay về để chứng kiến lại một lần nữa khung cảnh của ngày ra đi. Ít nhất là hình ảnh của đường phố nơi chiếc bóng của chính mình còn lưu dấu vết. Ký trở về, như thế, là hành trình quay trở về để nhìn lại quá khứ từ điểm nhìn của hiện tại với nhiều suy tư và chiêm nghiệm sâu sắc về chiến tranh, từ tuổi trưởng thành phóng chiếu về tuổi thơ, về những thay đổi của quê hương ngày ra đi ― ngày trở về… Giữa hai dấu mốc có thể là những cuồng loạn hay khoảng trống, nhưng ở ― Ngày ra đi và Ngày trở về ― vẫn là một thiếu niên Việt Nam, như loạt ký Hiệp hội tương tế Bắc Việt nghĩa trang, Sàigòn - ngày lạ mặt, Lưng trần của Trần Vũ; hay ký trường thiên Giữa hai miền mưa nắng của Hoàng Mai Đạt, Đông Dương - đi 2007 của Phan Nhiên Hạo, Puerto Princesa City của Nguyễn Xuân Tường Vy trở về trại tỵ nạn Palawan nơi chính tác giả từng tạm trú. Chỉ là những mảnh vụn, nhưng ráp lại chúng giống nhau: mang chung những ký ức và sâu chuỗi thành ký ức chung của một phía bại trận. 

▪ Ký chiến tranh
 
Những ám ảnh ra đi mang cùng một nguyên nhân: Chiến tranh. Vậy nên chiến tranh thường xuyên hiện diện trên những trang viết của họ. Chiến tranh không hiện diện trực tiếp hay đồng nghĩa với những trận đánh mà thu vào những chi tiết nhỏ bé mà chỉ những đôi mắt trẻ thơ hay thiếu niên mới trông thấy. Chiến tranh trên nét mặt của người lớn rồi với thời gian chuyển hóa thành những băn khoăn thao thức cùng suy ngẫm về nội chiến Nam-Bắc, từ điểm nhìn cá nhân người viết, như trong Di vật 1968 của Trần Vũ, Sống với lòng nhân của Lê Thị Thấm Vân, Năm này tôi bằng tuổi ba tôi của Phan Nhiên Hạo, Bộ quân phục của cha tôi của Andrew Lâm... Có thể kể thêm Tạp chí Văn từ lòng đấtTạp bút của trò tàn của Ban Mai sinh 1963, cùng thế hệ và chung mạch suy nghĩ, tuy Ban Mai đã ở lại trong nước. Qua ký của Ban Mai, người đọc khám phá các tác giả sinh trong thế hệ này rất giống nhau, có thể hoán đổi vị trí của họ mà tâm tình không thay đổi, chỉ có một số bị xô đẩy ra biển rồi thành di dân, còn những người khác đành ở lại cam phận im lặng. Cho đến khi thật lâu sau đó, cả trong và ngoài cùng một lúc cất tiếng nói, cùng viết ra giấy những bí mật của gia đình họ. Bí mật nhỏ bé trong chiến tranh tàn khốc và hòa bình khắc nghiệt sau nội chiến tương tàn. Khi ra khỏi đất nước, thế hệ này phải hội nhập và tìm thăng tiến từ vị trí di dân tay trắng : không vốn liếng, không sinh ngữ bản địa, phải tìm một vị trí trong xã hội của dân bản xứ đến đánh mất mình hay không kịp nhìn lại mình. Nguyên nhân: vì chiến tranh đã lướt qua và nếu chúng đã không gây nên thương tật rõ rệt trên thân thể họ như đã làm què cụt cha anh họ thì chiến tranh đã để lại vết nám thâm sâu trong lòng họ.

▪ Tự truyện 

Sự khác biệt giữa ký và tự truyện, trước hết, là ở tính chất nhân vật. Vì sao ở một số tác giả như Phan Nhiên Hạo, Trần Vũ, Phạm Chi Lan, Hoàng Mai Đạt, Nguyễn Xuân Tường Vy tập trung vào ký, ở một số tác giả khác như Trầm Hương, Đặng Thơ Thơ, Nguyễn Hương, Nguyễn Thanh Hùng tập trung vào tự truyện? Có thể thấy ở những tác giả viết ký : chính cá nhân họ là trung tâm điểm cất tiếng độc thoại thì thầm. Còn ở những tác giả dùng tự truyện: bối cảnh xã hội tỏa lan sống động với bản thân họ và gia đình họ như những nhân vật quay cuồng trong cơn lốc, tuy biên giới này khá mong manh, nhập nhòe và đôi lúc mập mờ. Trong tự truyện họ không chỉ ghi lại thân phận cá nhân mà còn dựng lại bối cảnh gia đình, bạn bè, hàng xóm láng giềng, mỗi người là một nhân vật sống thở, khổ đau theo thời cuộc. Tác giả không duy nhất trung tâm, có thể cha mẹ tác giả mới là trung tâm như trong tự truyện Cyanide chẳng mệnh chung của Nguyễn Hương, hoặc một hồ nước hay một khoảng sân thượng là trung tâm trong tự truyện Mưa qua sân thượng của Trầm Hương. Tính chất cốt truyện, nhân vật, tình tiết và biểu tượng như thế nhiều hơn so với ký.
Đứng về đề tài, tự truyện của thế hệ này cùng mang những chủ đề kể trên. Vẫn xoay quanh tháng Tư, vượt biên, chiến tranh, tra vấn.. Hầu hết đặt trọng tâm vào những nỗi niềm thao thức hậu chiến và đặc biệt đặt dấu nhấn lên sự mất mát của tuổi hoa niên như trong Mưa qua sân thượng của Trầm Hương; hay Mở tương lai của Đặng Thơ Thơ viết về một cảnh đời của dòng họ Nguyễn Tường nổi tiếng sau tháng 4-1975; hay Cyanide chẳng mệnh chung của Nguyễn Hương gợi lên những băn khoăn sắc buốt vì tác giả đã hiểu ra bi kịch của đất nước mình là một bi kịch ý thức hệ, một bi kịch chính trị. Đến tự truyện Ngày tháng không bao giờ lớn của Nguyễn Thanh Hùng, người đọc tìm lại những nét chung của hầu hết những ký ức tuổi thơ thành thị miền Nam: sự hồn nhiên vô tư của những đứa bé sống trong thủ đô tương đối an lành bình yên giữa một miền đất đẫm bom đạn. 

▪ Năm sinh của một số nhà văn di dân sinh trong thập niên 60

Sinh 1961: Nguyễn Thanh Hùng, Hoàng Mai Đạt.
Sinh 1962: Phạm Chi Lan, Nguyễn Hương, Trầm Hương, Đặng Thơ Thơ, Trần Vũ, Đinh Từ Bích Thúy, Lê Thị Thấm Vân, Lê Quỳnh Mai, Vũ Quỳnh Nh., Nguyễn Trung Tây, Andrew Lâm, Thận Nhiên.
Sinh 1963: Cổ Ngư, Đinh Linh, Phạm Thị Ngọc, Ban Mai (trong nước).
Sinh 1964:Trang Thanh Trúc.
Sinh 1966: Y Chi (Nhược Thủy)
Sinh 1967: Phan Nhiên Hạo, Nguyễn Danh Bằng.
Sinh 1969: Nguyễn Xuân Tường Vy.
...
Do những khó khăn về việc sưu tầm tư liệu và tiếp xúc với tác giả, nên bài viết này chỉ đặt trọng tâm khảo sát vào một số ký và tự truyện của số ít cây bút di dân sinh trưởng trong miền Nam vào thập niên 60. Mặt khác, còn xuất phát từ nguyên do chủ quan là tác phẩm của họ tuy chiếm một số lượng nhỏ, nhưng họ đã nói lên được nỗi niềm không chỉ của riêng những người cầm bút mà của nhiều thiếu niên miền Nam đã chịu chung bi kịch mang tên 30 tháng 4.
(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét