Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Đôi điều về trường học bên Mỹ

Đôi điều về trường học bên Mỹ

Khẩu hiệu tại trường của Bin. Ảnh: HM
Khẩu hiệu tại trường của Bin “Chúng ta xây dựng tương lai tốt đẹp hơn,đào tạo từng hoc sinh một”. Ảnh: HM
Hiệu Minh:
Người Mỹ có chuẩn Mỹ gọi là American Standard. Chuẩn từ ổ điện ba chân đến vòi nước, kích cỡ cửa ra vào, chiều cao trần nhà, sơn cửa, đến đường điện đi trong tường.
Vài cái chuẩn của trường học Mỹ
Trường học của Mỹ cũng thuộc vào chuẩn, diện tích bao nhiêu, rộng dài, bao nhiêu học sinh trong một lớp và bao nhiêu lớp đều có qui định.
Bạn đến trường PT cơ sở Sandy Hook ở Connecticut hay trường cu Bin đang học lớp 4 ở Virginia thì sẽ thấy kiến trúc khá giống nhau như các shopping mall kiến trúc na ná, từ cửa ra vào, khuôn viên, nơi vui chơi, sân chơi thể thao trong nhà (gym) đến hội trường, chỗ cho các em học sau giờ để đợi bố mẹ đi làm về đến đón.

Thường là nhà tòa nhà khép kín nửa nổi, nửa chìm, 2 tầng, tầng mặt bằng với cửa ra vào dành cho lớp nhỏ, tầng hầm nhìn ra khuôn viên dành cho lớp lớn.
Trường không có bảo vệ canh cửa, mà cửa ra vào thường thiết kế rất rộng, có hai lối ra vào toàn bằng kính. Kẻ giết người như Lanuza muốn vào chỉ cần lấy bang súng đập vào kính, có thể đột nhập dễ dàng.
Trường tiểu học trung bình khoảng 400-500 học sinh. Ở chỗ đông cư dân có thể cao hơn chút lên tới 600-700. Mỗi lớp thường có khoảng từ 15 đến 25 học sinh, lớp 1 thì ít hơn khoảng trên dưới 10 em. Bàn học không xếp hàng lối từ trên xuống như bên Việt Nam, mà các em ngồi bàn tròn, chia làm 3-4 nhóm học tập để tiện trao đổi.
Lớp của Bin (lớp 4) bắt đầu từ 9:00 giờ sáng đến gần 4:00 giờ chiều. Các em đón xe bus gần nhà khoảng 8:00 sáng tùy từng nơi xa trường hay gần nhưng thường trong khoảng bán kính 3-4 km.
Nếu bố mẹ đi làm cả ngày có thể gửi con từ sáng sớm và tối 6:00 chiều đón con. Khoảng thời gian ngoài giờ học đó phải trả tiền dịch vụ do quận cung cấp và trường không quản lý.
Học sinh tiểu học ra xe bus và khi về nhà đều phải có người lớn đón. Nếu không có ai đón thì lái xe lại đưa học sinh đó về trường và bố mẹ phải chi tiền trông trẻ.
Buổi trưa có ăn của dịch vụ cung cấp, có thể mua ăn theo tháng. Nhà nghèo thu nhập dưới 20.000 – 30.000$/người/năm được miễn phí, cao hơn chút phải đóng một phần, giầu chút thì đóng toàn bộ, khoảng 2$-3$/bữa.
Những cái không chuẩn
Đó là sách giáo khoa, về đồng phục, khẩu hiệu treo trước cửa, về giáo án… không trường nào giống trường nào.
Ví dụ trường Sandy Hook có khẩu hiệu (motto) “Think you can. Work hard. Get smart. Be kind. – Hãy nghĩ nếu bạn có thể. Hãy học hành chăm chỉ. Hãy trở thành thông minh. Và hãy tốt bụng”. Đến năm 2010, cô hiệu trưởng mới thường ngồi thân thiện với học trò đã thêm một hai từ “Have fun – hãy vui vẻ”.
Trường của Bin có khẩu hiệu “Nurture a lifelong love of learning and create contributing members of our local, national and global communities – Nuôi dưỡng tình yêu suốt đời đối với học hành và tạo ra đóng góp cho cộng đồng địa phương, quốc gia và toàn cầu”
Trong trường không có giáo án qui định. Mỗi thầy/cô dạy theo một giáo án khác nhau và không có sách giáo khoa chuẩn của bộ Giáo dục qui định. Thầy cô gợi ý nên đọc thêm sách này, sách kia. Ra bài tập về nhà bằng những tờ in sẵn. Không lớp nào giống lớp nào.
100 cách giúp học sinh và trường thành công. Ảnh: HM
Hội Phụ huynh: 100 cách giúp học sinh và trường thành công. Ảnh: HM
Nhưng quận và tiểu bang có qui định cụ thể là dạy thế nào thì tùy, nhưng sau mỗi học kỳ, học sinh phải vượt qua được những kiểm tra tối thiểu về toán, văn, lịch sử, đọc và viết.
Trường tiểu học thì cô giáo rất nhiều, rất ít các thầy. Trường Sandy nơi xảy ra thảm họa, 6 cô giáo bị chết là vì thế.
Buổi sáng đón học sinh và chiều khi tan học, cô hiệu trưởng thường đứng trước cửa, chào các em, nhưng để quan sát xem học sinh đi đứng thế nào, xe đưa đón ra sao, cho tới khi các em vào lớp thì cô mới quay về phòng làm việc.
Mình nhớ cô hiệu trưởng ở Mosby Wood thời cu Bin và Luck học lớp 1 -2, cô ấy nhớ tên 600 học sinh. Mà năm nào cũng có khoảng 30% học sinh mới thay vào số đã chuyển đi nơi khác do bố mẹ có việc mới.
Bộ giáo dục Hoa Kỳ – Yếu nhất trong các bộ
Các bạn để ý, khi xảy ra sự việc Sandy Hook, không thấy ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hoa Kỳ lên tiếng. Đó là vì Bộ Giáo dục Hoa bị dân chúng coi là bộ vô dụng, chẳng đóng vai trò gì trong giáo dục, ngoài việc đưa ra vài dữ liệu về giáo dục, thống kê trường học.
Dân Mỹ không thích chỉ đạo, nhất là chỉ đạo về giáo dục, nhỡ cái lão trùm sò ngu thì sao. Ngu mà chỉ đạo thì đó là thảm họa quốc gia, liên quan đến hàng trăm triệu người và nhiều thế hệ. Giáo dục do dân, vì dân, có lẽ từ đây mà ra chăng.
Hội Phụ huynh rất mạnh, có đủ thẩm quyền để can thiệp vào nội dung giáo dục. Nếu để lão Bộ trưởng chỉ đạo thì trí tuệ tập thể đâu còn. Trường của Bin có cái bảng cho phụ huynh. Họ viết về 100 cách cho bạn con thành công cùng với nhà trường.
Bộ Giáo dục không có quyền chọn lựa giáo án, duyệt sách giáo khoa, hay đánh giá trường lớp, tuyển các thầy cô giáo. Tất cả việc này do chính quyền địa phương và tiểu bang chi phối.
Bộ chỉ có biên chế khoảng 5000 cán bộ và không có bất kỳ ảnh hưởng gì tới các trường và hệ thống giáo dục tại địa phương.
Đã nhiều lần các ứng viên tổng thống như Reagan, sau này nhiều ứng viên Tổng thống muốn xóa sổ Bộ Giáo dục vì coi bộ này là vi hiến, nhất là đảng Cộng hòa, vì họ cho biết trong Hiến pháp không có từ nào là “education – giáo dục”.
Tuy nhiên đảng Dân chủ lại hết sức ủng hộ Bộ Giáo dục. Lần nào tranh cử Tổng thống thì vấn đề giáo dục cũng được đặt ra, và câu chuyện Bộ này có nên tồn tại hay không lại trở thành nóng.
Việc đưa bộ GD là thành viên của chính phủ thời Jimmy Carter năm 1979 được coi là một sự can thiệp không cần thiết của liên bang vào công việc nội bộ thuộc về gia đình, tiểu bang và địa phương.
Phe Cộng hòa nói rằng:“Chính phủ liên bang không có quyền hiến định can thiệp vào trong các chương trình giáo dục hay kiểm soát việc làm trong thị trường. Đó là lý do tại sao chúng ta sẽ phải loại bỏ Bộ Giáo dục, kết thúc sự can thiệp của liên bang vào trong trường học của chúng ta và khuyến khích sự chọn lựa của gia đình ở mọi cấp bậc giáo dục.”
Thành lập từ năm 1867 nhưng sau bị xuống cấp thành một văn phòng trong năm 1868, không có hàm Bộ trưởng trong chính phủ và sau này thành một văn phòng nhỏ thuộc Bộ Nội vụ.
Năm 1939, văn phòng giáo dục này được chuyển sang bên cục liên bang an ninh, rồi nhập vào bộ Y tế, giáo dục và phúc lợi. Mãi tới năm 1979, Tổng thống Carter mới quyết định thành lập Bộ Giáo dục và có bộ trưởng là thành viên chính phủ.
Dù chống đối mạnh mẽ như vậy, nhưng tới thời điểm này Bộ Giáo dục vẫn tồn tại dặt dẹo, họp QH không ai thèm chất vấn như bên mình.
Vài sưu tầm về GD gửi các bạn hiểu chút về trường lớp bên Mỹ. Bà con biết thêm thông tin, xin chia sẻ với bạn đọc, vì trong nước mọi người rất muốn trường ở các nước tiên tiến học hành như thế nào.
Chúc các bạn vui.
HM. 16-12-2012
  1. toithichdoc says:
    Ngoài học kiến thức, các môn thể thao, nhất là bơi lội hàng tuần, trẻ còn được trường tổ chức đi dã ngoại ít nhất là 2 lần trong năm, lần thứ 2 thường kéo dài 1 tuần, đi chơi xa. Năm trước năm cuối ông út nhà mình đi trượt tuyết 1 tuần cách nhà gần 200 km, mình đến thăm nó, thấy ăn ở trong 1 khách sạn thật tuyệt. Dọc đường vào khu trượt tuyết, thấy tuyết phủ trên mái nhà dày hơn 1 mét. Năm cuối thì ông ấy được đi thăm thành phố bên Pháp (Carantec) kết nghĩa với thành phố mình ở (Grand Saconnex), cách nhà gần 1000 km
    Nhờ học đàn ở trường, ông ấy cũng biết đánh piano khá hay, mình mới đưa lên mạng video ông ấy biểu diễn ngày hôm qua 15 tháng 12 để chào Noel 2012 và năm mới 2013.
    Xem ở đây này: http://toithichdoc.blogspot.ch/2012/12/uc-trung-bieu-dien-piano.html (mục tiêu đưa lên là để ông bà và họ hàng trong nước dễ dàng vào xem con cháu nhà mình)
    Sang đến cấp 2, tình hình phức tạp hơn. Trẻ sẽ được phân tách theo hướng chúng muốn hoặc nhà trường đề xuất căn cứ vào năng lực của chúng. Có hai hướng chính để chọn là theo đường học vấn để lên đại học, thành giáo sư tiến sĩ hay theo đường học nghề. Ông con nhà mình chết là vì chuyện này.
    Do tiếng Pháp kém và không chăm chú vào học nên ông ấy bị đề nghị (ép) vào đường học nghề. Mình chẳng chê gì việc học nghề cả; có điều nhìn nó bé nhỏ so với Tây như thế, sau này làm nghề chắc khổ nên đành cố gắng đầu tư cho ông con bằng cách chuyển nó sang học trường tư. Học trường tư thì thoải mái, trường luôn luôn coi đáp ứng nguyện vọng của khách hàng là tiêu chuẩn tồn tại chủ yếu của trường mà.
    Có lẽ viết dài quá rồi. Điểm cuối chỉ xin nói them 1 điều: Các trường mẫu giáo và tiểu học ở Thụy Sĩ bao giờ cũng nằm trong một khuôn viên rất đẹp. Có hai loại địa điểm chính: Một là các tòa nhà cổ đẹp nhất thành phố luôn được để dành làm trường học. Hai là các trường đều liên thông với 1 công viên khá rộng để cứ đến giờ nghỉ giải lao là trẻ em có thể vui chơi thỏa thích ở đó.
    Các trường ở Thụy Sĩ cũng mang phong cách giống bên Mỹ: K kiến trúc khá giống nhau; hoàn toàn không có cửa trường, chỉ có cửa vào các tòa nhà, thường là cửa kính 2 lớp (để chống lạnh vào mùa đông) nên kẻ xấu có thể phá kính và đột nhập các lớp học rất dễ dàng. Khác với bên Mỹ, bữa ăn trưa của trẻ ở đây khá đắt, hiện giờ ở trường công khoảng 10 đô la Mỹ 1 bữa trưa, trong khi ở trường tư khoảng 15 đô la Mỹ. Ông con nhà mình ăn trưa ở trường tư về toàn kêu đói nên mấy tháng nay cứ đòi bố mẹ cắt ăn ở trường để mang cơm nhà đi ăn. Nhà đành cắt bữa trưa cho nó, nhưng phải đến 1.1.2013 mới có hiệu lực, do đó giờ nó vẫn ăn ở trường, nhưng phải cho ông con tiền để nó mua đồ ăn thêm (trường công không bán đồ ăn thêm, chỉ ở trường tư mới có).
    Chào các bác nhé. Chúc các bác có 1 tuần mới vui, làm việc hiệu quả, và dịu dần nỗi đau vì vụ thảm sát tại Sandy Hook tuần qua.
    6
    0

    Đánh giá comment
    • Tịt mù says:
      hehe, vừa đàn vừa có người chỉ đạo kế bên thật là vui :lol:
      Cá nhân cháu thì quan niệm mấy môn đàn hát chỉ nên biết thôi, vì biết đến trình diễn là một khoảng cách khá xa mà không phải ai cũng có thể đi tới được.
      Chúc Bác hạnh phúc với con cái của mình.
      0
      0

      Đánh giá comment
      • Hiệu Minh says:
        Cái còm này chứng tỏ người bình đang độc thân.
        Cha mẹ thường tự hào những gì con cái họ làm được. Một bước đi, một tiếng gọi mẹ, một tiếng gọi cha. Chưa làm cha mẹ thì không thể hiểu điều đó thiêng liêng ra sao.
        Cũng tương tự, người bình thường nghe tiếng đàn của cháu nhà anh Lại Trần Mai, khó mà thấy hay.
        Nhưng tôi nghe cu Luck thổi kèn clarinet kiểu bò rống lại vẫn tuyệt.
        Đó là điều lạ kỳ trong tình mẫu tử hay phụ tử, người ngoài cuộc khó mà thấy.
        Không biết tôi bói Tịt Mù chưa vợ có đúng không?
        0
        0

        Đánh giá comment
  2. toithichdoc says:
    Đôi điều về giáo dục ở Thụy Sĩ
    Chào bác Hiệu Minh và các bạn đọc Hang Cua.
    Những ngày gần đây, cùng với toàn thể dân Mỹ, người dân sống ở Việt Nam cũng như các nước châu Âu nơi tôi sống đang hết sức bàng hoàng và đau buồn trước cái chết của 26 trẻ thơ và cô giáo trong vụ xả súng kinh hoàng tại trường tiểu học Sandy Hook. Thật vô cùng đau xót là chuyện này xảy ra tại một nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới và đây không phải là lần đầu tiên xảy ra chuyện này. Nhân việc bác HM có đôi điều về trường tiểu học bên Mỹ, tôi xin góp đôi điều về giáo dục tiểu học ở Thụy Sĩ.
    Thụy Sĩ không có Bộ Giáo dục quốc gia; mỗi bang có một Giám đốc quản lý công về giáo dục. Nhiệm vụ của Giám đốc là xây dựng định hướng giáo dục công cho bang và cung cấp thong tin. Việc phối hợp hoạt động giữa các bang được thực hiện thông qua các Hội nghị các Giám đốc quản lý công về giáo dục các bang. Tài chính cho các hoạt động giáo dục công cũng do từng bang tự chịu trách nhiệm cân đối. Mỗi bang có một luật giáo dục riêng, trong đó phân cấp rộng rãi quyền cho các địa phương và trường học.
    Do vậy, các bang tự chọn riêng hệ thống giáo dục tiểu học và trung học cơ sở cho mình. Ví dụ tự chọn ngôn ngữ giảng dạy trong bang (Thụy Sĩ có 4 ngôn ngữ chính thức), để rồi các trường lại tự chọn ngôn ngữ giảng dạy cho trường mình; chọn tuổi bắt buộc đến trường hay thời gian học trong ngày (cu con nhà mình hồi học tiểu học bắt đầu học từ 8h và kết thúc lúc 16h15’). Mặc dù được phi tập trung hóa mạnh như vậy nhưng hệ thống giáo dục giữa các bang có xu hướng ngày càng giống nhau.
    Học mẫu giáo ở Thụy Sĩ nhìn chung không bắt buộc, nhưng vẫn có khoảng 98% trẻ em đi học 2 năm trước khi bắt đầu vào tiểu học. Trẻ thường bắt đầu đi mẫu giáo lúc được 4 tuổi. Tuy nhiên ở một số bang như Genève nơi tôi sống hoặc Zurich, trung tâm kinh tế lớn nhất nước, giáo dục mầm non năm cuối là bắt buộc. Giáo dục mầm non ở trường công hoàn toàn miễn phí trong khi ở trường tư thì rất đắt.
    Ở mẫu giáo, trẻ em học các môn nghệ thuật, làm thủ công, học nhạc, nhảy và các trò chơi giáo dục khác nhằm tang thêm kiến thức và hiểu biết về cuộc sống. Trong năm cuối mẫu giáo, trẻ bắt đầu học vài kiến thức cơ bản về đọc, viết và làm toán. Nói chung, đến dự lớp mới thấy phương pháp giáo dục mẫu giáo ở Thụy Sĩ rất sáng tạo, hấp dẫn trẻ em. Thực tế cho thấy mẫu giáo là kinh nghiệm đầu tiên của trẻ để tham gia hoà nhập cộng đồng địa phương. Nghiên cứu cho thấy trẻ em không đến trường, lớp mẫu giáo thường là một bất lợi so với các trẻ em khác khi chúng vào trường tiểu học.
    Khác với mẫu giáo, giáo dục tiểu học là bắt buộc đối với tất cả các trẻ em sống ở Thụy Sĩ, bắt đầu từ khi chúng đủ 6 tuổi. Tùy thuộc vào bang, giáo dục tiểu học có thể kéo dài từ bốn đến sáu năm, nhưng nhìn chung thời gian học tiểu học ở đa số các bang là năm năm. Riêng bang Genève nơi cậu út nhà mình học thì cần tới 6 năm.
    Do đặc điểm một nước đa ngôn ngữ nên các trường tiểu học ở Thụy Sĩ nói chung không dạy chỉ bằng một trong 4 ngôn ngữ chính thức (tiếng Đức, Pháp, Ý và Romansh) mà dạy bằng nhiều thứ tiếng. Trẻ em thường được dạy bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng. Đối với trẻ em người nước ngoài, bên cạnh việc học bằng 1 trong 4 ngôn ngữ chính thức, chúng còn được học 1 lớp ngoại ngữ ngoại khóa bằng cách bỏ một số giờ học bình thường để học ngoại ngữ.
    Ông út nhà mình ngoài học bằng tiếng Pháp, mỗi tuần được nghỉ 2 buổi để sang học lớp tiếng Pháp cũng ngay trong trường. Vì Genève là thành phố quốc tế với hàng trăm thứ tiếng khác nhau nên nhà trường thường nhờ học sinh cũ giúp đỡ phiên dịch khi phải làm việc với học sinh mới. Ví dụ ông út nhà mình hay dịch Việt – Pháp cho các em mới từ trong nước sang và học lớp dưới cùng trường. Thằng này vui tính, hòa nhập cộng đồng rất nhanh, học dốt nhưng không sợ thầy cô, gặp ai cũng bá vai bá cổ, xin bánh kẹp hay đồ chơi của cô giáo này sang tặng cô giáo khác… Đến 2 năm cuối tiểu học, nó đã phải học thêm 1 ngoại ngữ bắt buộc nữa là tiếng Đức.
    6
    0

    Đánh giá comment


    Vi Nhan says:
    Trước khi đi vào một chủ đề lớn là nền giáo dục Mỹ ( hệ thống, tiêu chuẩn, khuynh hướng, hiệu quả…đòi hỏi người viết có tầm hiểu biết hết sức rộng do tính cách đặc biệt của Mỹ, một Liên Bang với 50 Tiểu Bang, mà quyền cuả TB về một số lãnh vực như giáo dục, chẳng hạn, hầu như tuyệt đối, do đó người viết nếu chỉ hiểu biết cách tổ chức giáo dục ở một vài nơi, một hay vài cấp rồi từ đó suy ra ở những chỗ khác cũng tương tự thì đó là một thiếu sót rất trầm trọng.), thì cần phải đính chính một số nhận dịnh gây hiểu lầm cho độc giả cuả người viết entry này, Hiệu Minh.
    1) Bộ Giáo Dục trong Nội Các chính phủ.
    “…Bộ Giáo Dục chẳng đóng vai trò gì trong giáo dục, ngoài việc đưa ra vài dữ liệu về giáo dục và thống kê trường học…” (trích). Tôi không rõ câu viết có hàm ý là dân chúng Hoa Kỳ coi như thế hay thực chất, nhiệm vụ của bộ GD chỉ có vậy?
    Thật ra nó đúng khi nó còn là “The Office of Education”, nhưng sai hoàn toàn khi nó đã là “The U.S Department of Education”, căn cứ vào câu viết sau đây:” The Office of Education focused mainly on collecting and distributing educational research information UNTIL THE 1960′S. WHEN IT BEGUN TO PROVIDE FUNDS AND DIRECTION TO STATE RUN SCHOOLS”.
    Tuy việc điều khiển, kiểm soát ngành giáo dục không thuộc thẩm quyền Liên Bang, nhưng Bộ Giáo Dục có 3 nhiểm vụ chính: thứ nhất, xây dựng một chính sách giáo dục cho toàn quốc, thứ hai, phát triển các chương trình giáo dục và thứ ba, quan trọng nhất cung cấp sự trợ giúp tài chánh cho các trường học( sau chính quyền TB và chính quyền địa phương). Về tổ chức, nó bao gồm 9 cơ quan mà trong đó đáng chú ý như Office for Civil Rights, Office of Bilingual Education and Minority Language, Office of Vocational and Adult Education, Những cơ quan phụ trách từng cấp như Tiểu, Trung học, hoặc cấp Đại học và cao hơn…Như thế không thể nói Bộ Giáo Dục Mỹ là bộ…vô tích sự!
    2)Chính Trị và Giáo Dục.
    Khi đưa quan điểm đảng phái vào giáo dục, như Cộng Hoà thì KHÔNG ủng hộ việc c/q Liên Bang kiểm soát, điều khiển, nói chung là can dự vào giáo dục, trong khi đảng Dân Chủ thì ủng hộ lập ra Bộ Giáo Dục, nhất là câu viết ” lần nào tranh cử TT, giáo dục cũng được(phe DC) đặt ra…” làm những người ngoài nước Mỹ có những hiểu lầm tai hại về chủ trương của hai Đảng trong v/đ giáo dục. Thật ra lãnh vực GD ở Mỹ đã rất rõ ràng, HP dành quyền cho TB( mà đặc trưng của quyền này là sự có mặt của 16,000 Schools Districts(học khu) trên toàn nước Mỹ), cho nên các chính quyền Cộng Hòa phản đối việc Liên Bang lập ra bộ Giáo Dục để xâm phạm quyền TB, hơn nữa làm cho bộ máy chính quyền Trung Ương cồng kềnh, tiêu phí tiền thuế người dân…thực ra, về phía CH trong nhữngg năm gần đây có 2 vị TT( hai cha con TT Bush, người thì duy trì bộ GD, người kia có luật ủng hộ việc can thiệp cuả Liên Bang vào v/d giáo dục, ” No Child Left Behind Act”, năm 2001). Ý tưởng về những Học Khu (School Districts) nói lên người Mỹ tin rằng những quyết định về đời sống cuả họ nên do địa phương họ quyết định và họ không muốn chính quyền trung ương, những kẻ ở quá xa (không am hiểu tình hình) “kiểm soát đời sống họ”.
    3) Tiêu Chuẩn hay không có Tiêu Chuẩn?
    Khi đưa ra những thông tin về sách giáo khoa, về học trình, giáo án … tùy theo giáo viên, tuỳ theo trường hay học khu mà không nói rõ thì cũng làm người đọc hiểu sai là nền giáo dục Mỹ…bát nháo!
    Thật ra, học sinh phải học những môn gì đều được quy định chặt chẽ. Ở cấp tiểu học phải học những môn chính như tiếng mẹ đẻ(Anh ngữ, đọc, viết, từ ngữ…), toán, khoa học, xã hội học và thể dục…có nơi , có trường còn dạy về nghệ thuật, âm nhạc.
    Tuy không bó buộc giáo viên dùng sách giáo khoa, hay phương pháp giáo dục, nhưng ở hầu hết các tiểu bang, cuối niên học, học sinh phải qua một cái Test cho toàn TB, thí dụ ở TB California thì gọi là “California High School Exit Exam” cho những học sinh bậc Trung Học muốn tốt nghiệp. Một khi đã phải qua một “kỳ thi” như vậy, giáo viên nào, trường nào, học khu nào dám xé rào muốn dậy gì thì dậy?
    Nếu có thì giờ , tôi sẽ nói kỹ hơn về một tổ chức “uy quyền” nhất trong nền giáo dục Mỹ là Học Khu( School Districts), và nhất là School Bar, một nhóm người được dân cử, đôi khi được chỉ định, điều hành học khu, kể cả chọn người đứng đầu học khu. thuê mướn giáo viên, quyết định về chính sách giáo dục và ngân sách cho các trường trong phạm vi học khu.


    Các trường ở Hoa Kỳ rất chú trọng đến thể dục và giáo dục nghệ thuật , Ngay từ lớp Mẫu giáo, các em đã được làm quen với những thể thao và âm nhạc. Từ đó khả năng của các em được phát hiện và phát triển.
    Lên tới Middle School(Cấp II) Các em đã bắt đầu chơi những môn thể thao phổ biến như Bóng tròn(Soccer), Bóng rổ(Basket Ball), Bóng bàu dục Mỹ(American Football),Bóng chày(Báeball),Lacrosse(một môn thể thao bắt nguồn từ những người Da đỏ), bơi lôi…và kiền kinh(Field and track)… phổ biến nhất là chạy.
    Lý thú nhất là chạy, có những em tuổi 12,13 đã có giấy chứng nhận là đã chạy Marathon. Họ chia ra cho các em chạy nhiều lần, tùy theo tuổi . Đoạn chót, các em được chạy chung với nhiều em khác thuộc nhiều trường. Đích đên thuờng duoc dat ở một điểm quan trọng của thành phố( Ở tôi là Seattle Center). Khi tới đích, các em được cáp giấy chứng nhận.
    Truòng học cũng nơi khám phá và đào tạo các Vận động viên cho Olympic và các lực sĩ chuyên nghiệp. Các Vận động viên Olympic hầu hết là sinh viên các trường Đại học và các cầu thủ chuyên nghiệp đều được đào tạo tại các đại học sau khi được khám phá và nuôi dưỡng từ nhỏ nơi các trường Trung tiểu học , qua các Coaches.
    Có lẽ nhờ thế mà Các Cầu thủ môn thể thao bạo lực như Bóng Bàu dục Mỹ ( American Football) rất kỷ luật và ethic (đạo đức?) rất cao.
    Nghệ thuật cũng tương tự. Seattle, thành phố tôi cư ngụ có trường Gartfield . Đây là một trường phổ thông nhưng có chương trình giáo dục âm nhạc rất mạnh với một ban nhạc Jazz rất xuất sắc, đã từng biểu diễn ở Carnegie Hall và học sinh truòng thuờng được giải nhạc Jazz hàng năm toàn quốc. Đây cũng là trường của Jimi Hendrix, tay đờn Guitar huyền thoại.
    Ngoài ra Kenny G. là sản phẩm của trường Franklin, Seattle.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét