Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Phân công làm việc nhà


Minh Hải

Chia sẻ công việc nhà là hết sức quan trọng để trẻ học hỏi về ý thức trách nhiệm và sự kính trọng kẻ khác, đồng thời nó cũng góp phần tạo niềm vui và hạnh phúc gia đình. Mà việc nhà thì nhiều thứ linh tinh lắm, nhất là trong xã hội Mỹ mà chúng ta đang hòa mình: quét nhà, hút bụi, cắt cỏ, rửa xe, giặt ủi quần áo, nấu ăn, bày bàn ăn, dọn bàn, rửa chén bát... Lớn việc lớn, nhỏ việc nhỏ, ai cũng có phần mình. Không ai được ngồi chơi không, nhất là ông bố không nên ỷ quyền ngồi không đọc báo hoặc xem TV trong khi những người khác bận tíu tít! Mặt khác, mỗi tháng hay mỗi tuần nên thay đổi công việc để tránh sự nhàm chán cho con trẻ (và cả người lớn nữa) và để tập cho trẻ hiểu biết nhiều việc chung quanh nhà.


alt

Nguyên tắc đầu tiên trong một gia đình ngăn nắp và có tổ chức là mọi người đều tham gia vào việc chuẩn bị bàn ăn và dọn dẹp sau khi xong bữa: Bé hai ba tuổi thì bày bát đũa và napkin lên bàn ăn, lớn hơn một chút thì đem chén bát dơ vào để trong sink, đứa khác lau bàn ăn và quét dọn thức ăn vung vãi. Anh con trai lớn sẽ đảm trách rửa, sấy chén. Người chị lớn phụ mẹ cất thức ăn còn lại vào tủ lạnh v.v... Bằng cách phân công làm việc trong gia đình như thế, người bố và người mẹ sẽ cảm thấy gắn bó và dễ có hạnh phúc bên con cái.

alt

Về việc tập cho trẻ có thói quen lấy đồ ở đâu thì để lại nguyên chỗ đó cũng có điều cần lưu ý kỹ: Lấy đâu để lại đó, đúng, nhưng nếu đã dùng hết rồi (hộp bơ chẳng hạn) thì nên vứt nó đi hoặc dùng tái chế (recycle). Đừng cho phép trẻ để một carton sữa chỉ còn một hai giọt vào lại trong tủ lạnh, và cũng không cho trẻ cất vào chạn một bịch chip chỉ còn chút vụn dưới đáy. Cũng trong chiều hướng ấy, hãy dạy cho trẻ biết rằng chúng cần có tinh thần của một người quản thủ tốt. Nếu chúng đã dùng hết một thứ gì đó chỉ còn lại cái túi hay cái chai không thì chúng phải nói cho mẹ hay chị biết để đi mua về dùng. 

Để cho công việc dễ dàng hơn, người nội trợ nên ghi trên tờ shopping list những thứ đã dùng hết cần phải mua.

MH - theo Etiquette for Dummies

Phong cách cha mẹ cư xử trong gia đình

Minh Hải
Hơn một lần chúng ta đã đồng ý với nhau: Nề nếp sinh hoạt trong gia đình là rất quan trọng. Nó giúp tiết kiệm thời giờ, tạo sự thoải mái để mọi người sống vui vẻ, chan hòa với nhau.


alt
Tuy nhiên không phải lúc nào mọi chuyện cũng êm đẹp, đâu vào đấy. Nhất là đối với trẻ con, không dễ gì đưa trẻ vào nề nếp mà thường xuyên phải chỉ dạy, uốn nắn để chúng tập những điều tốt, bỏ những thói xấu. Trên tất cả cha mẹ phải nêu gương tốt cho con để chúng học hỏi, noi theo. Chẳng hạn như cha mẹ phải thuận hòa, khoan dung, biết những nhịn, hy sinh, chia sẻ với nhau.

Sau đây là những điều cần ghi nhớ và thực hiện:

- Tập cho con trẻ biết vâng, dạ, thưa gởi, kính trọng ông bà và người lớn tuổi, nhường nhịn anh em, thương yêu bà con ruột thịt...
- Khi la rầy, dạy dỗ trẻ nên tránh để người ngoài nghe biết. Các con của bạn sẽ rất cảm kích về điều này. Cũng như chúng sẽ sung sướng rạng rỡ và lấy làm hãnh diện khi được bạn khen trước nhiều người.
- Cha mẹ phải luôn luôn nói năng lễ độ tương kính với nhau. Mọi sự cãi vã, giận dữ, to tiếng hay dùng lời lẽ xúc phạm nhau trước mặt trẻ con chẳng những sẽ nêu gương xấu cho chúng mà còn làm chúng sợ hãi, bối rối, hoang mang. Mọi sự bất hòa giữa cha mẹ nên được giải quyết riêng khi không có mặt con cái.
- Nếu bạn lỡ mất bình tĩnh hay hung hăng giận dữ trước trẻ con thì nên xin lỗi ngay tức khắc, và nói cho chúng biết lẽ ra bạn nên xử sự như thế nào. Trong mọi trường hợp nên ôn tồn, nhỏ nhẹ và tôn trong tình cảm của trẻ thơ.

alt


MH - theo Etiquette for Dummies

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét