Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

5 hiểu lầm phổ biến về ung thư


Ung thư là bệnh nguy hiểm nhưng không có nghĩa khi đã mắc là cầm chắc cái chết, bệnh cũng không di truyền và có thể phòng được.
Ăn gì để phòng chống bệnh ung thư?
Đa số người bị ung thư vú đến viện khi đã muộn

Dưới đây là 5 hiểu lầm của nhiều người về bệnh ung thư:

1. Bệnh ung thư di truyền


Bản thân bệnh không có tính di truyền. Nhưng cần hiểu một cách đầy đủ hơn đây là bệnh do tổn thương gene gây ra, có nhiều nguyên nhân khác nhau. Hơn 80 % là do các yếu tố bên ngoài môi trường tác động vào cơ thể. Những tổn thương gene này không di truyền, giáo sư Nguyễn Bá Đức, Viện trưởng Nghiên cứu Phòng chống ung thư cho biết.
Một tỷ lệ nhỏ khoảng dưới 10% là do những tổn thương gene có sẵn trong cơ thể, có thể di truyền. Nhưng không phải sẽ di truyền cho tất cả con của người này. Chỉ khoảng 50% con sẽ nhận di truyền các gene đó. Trong số những người con có gene sinh ung thư này cũng không phải tất cả sẽ bị ung thư. Chỉ một tỷ lệ rất nhỏ sẽ mắc trong cuộc đời của họ.


Bệnh ung thư có thể chữa được nếu phát hiện ở giai đoạn sớm. Ảnh: P.N.

2. Bệnh lây qua đường tiếp xúc

Hiện nay nhiều người vẫn nghĩ bệnh ung thư lây. Lý do vì sợ một khi ung thư đã di căn thì khối u đã ăn sang các bộ phận khác, ai tiếp xúc gần sẽ bị lây truyền bệnh. Thậm chí có gia đình có người thân bị ung thư phổi thì sợ bệnh lây qua viêc sử dụng chung dụng cụ sinh hoạt hàng ngày, qua tiếp xúc.

Tuy nhiên, bệnh ung thư hoàn toàn không lây qua đường tiếp xúc, dù là ung thư đường hô hấp. Vì thế, bệnh được xếp vào nhóm các bệnh không lây nhiễm.

3. Bệnh không có biện pháp phòng

Qua nhiều nghiên cứu dịch tễ học, các nhà khoa học đã phát hiện ra chỉ có dưới 10% bệnh ung thư phát sinh do các rối loạn từ bên trong cơ thể (như nội tiết, tổn thương có tính di truyền), những nguyên nhân này thường không thay đổi được.

Ngược lại, có đến hơn 80% ung thư phát sinh có liên quan đến yếu tố môi trường sống. Chẳng hạn: lối sống thiếu khoa học, các thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu, chế độ dinh dưỡng không an toàn, hợp lý, quan hệ tình dục không an toàn... Thêm vào đó là một số yếu tố liên quan nghề nghiệp và ô nhiễm môi trường, gọi chung là các yếu tố ngoại sinh, các yếu tố này là có thể thay đổi được.

4. Ung thư không chữa khỏi được

Trên thực tế, ở các nước có nền y tế phát triển đã chữa khỏi trên 50% bệnh nhân ung thư nhờ phát hiện sớm. Ở nước ta, tỷ lệ khỏi bệnh còn thấp do phần lớn người bệnh được phát hiện muộn.

Thậm chí nhiều bệnh nhân còn nghĩ khi đã mắc thì “không được đụng dao kéo”, trong khi mổ là biện pháp cơ bản để chữa ung thư khi bệnh còn mổ được. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu, cơ hội chữa khỏi lên tới 80%, giai đoạn 2 còn 60%. Nếu đến giai đoạn 4 thì những can thiệp về y tế chỉ để kéo dài sự sống, giảm đau chứ không thể chữa khỏi.

5. Mắc bệnh là do “kiếp trước” mắc tội gì đó

Nhiều người không hiểu đa phần bệnh là do môi trường sống, lối sống không hợp vệ sinh gây ra. Ung thư không phải do một nguyên nhân gây ra mà có rất nhiều nguyên nhân tùy theo mỗi loại. Trong số đó, hút thuốc và chế độ dinh dưỡng không hợp lý là 2 nhóm nguyên nhân quan trọng, gây nhiều loại ung thư nhất.

Lấy ví dụ hút thuốc lá được kể đến hàng đầu, đây là nguyên nhân của 30% trong tổng số các loại ung thư (như ung thư phổi, thanh quản, bàng quang, dạ dày...). Trong khói thuốc không chỉ có chất nicotine ảnh hưởng đến hệ tim mạch mà còn có trên 40 loại hóa chất khác nhau gây ung thư. Trong các chất độc này phải kể đến benzopyren là chất có khả năng 100% gây được ung thư trên thực nghiệm.

Ngoài ra, chế độ ăn nhiều chất mỡ động vật, ít chất xơ làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại- trực tràng và ung thư vú. Các chất bảo quản, nhuộm màu thực phẩm có nguồn gốc hóa học, các chất trung gian chuyển hóa và sinh ra từ thực phẩm bị nấm mốc, lên men là nguyên nhân gây ra nhiều loại ung thư đường tiêu hóa như dạ dày, gan, đại tràng… Ước tính yếu tố này gây ra đến 35% trong tổng số các loại ung thư.

Thịt hun khói, cá muối, các loại mắm và dưa, cà muối, nhất là dưa khú có nhiều muối nitrat, nitrit và nitrosamine là các chất gây ung thư thực quản và dạ dày. Gạo và lạc là 2 loại thực phẩm dễ bị nấm mốc aspergillus flavus xâm nhiễm và tiết ra một loại chất độc là aflatoxin, chất này gây ra ung thư gan nguyên phát.

Phương Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét