Họ nói một thứ 'na ná' tiếng Anh
Hội nhập quốc tế không chỉ cần một mình tiếng Anh. Nhưng không có tiếng Anh, chúng ta thiếu chiếc chìa khóa để mở cánh cửa đầu tiên.
Đó là nhận xét thật đáng buồn của người nước ngoài khi nói về tiếng Anh ở Việt Nam hiện nay. Người viết bài này, là một giảng viên ngoại ngữ, cũng phải chua xót công nhận rằng nhận xét đó có nhiều phần đúng đối với không ít trường hợp.
...Thứ nhì là sợ chuyên gia đến trường
Cũng như toán học, thơ văn, hội họa, y học, v.v..., ngoại ngữ là một phương tiện. Tự thân chúng không phải là mục đích, Phục vụ con người mới là mục đích. Tuy nhiên, muốn tới đích, phương tiện phải tốt.
Hội nhập quốc tế không chỉ cần một mình tiếng Anh. Nhưng không có tiếng Anh, chúng ta thiếu chiếc chìa khóa để mở cánh cửa đầu tiên.
Trong lần sang thăm Việt Nam năm 2007 với tư cách cố vấn đặc biệt của Singapore, khi được các nhà lãnh đạo của Việt Nam hỏi về kinh nghiệm phát triển nhân lực của Singapore, ông Lý Quang Diệu đưa ra lời khuyên:
Đại học Việt Nam nên có sách giáo khoa tiếng Anh ở các ngành quan trọng như kỹ thuật, công nghệ... Bởi nếu chỉ dùng sách Việt Nam thì chắc chắn sẽ tụt hậu. Nếu tất cả sinh viên Việt Nam sau này không thể nghe và nói tiếng Anh trôi chảy, chỉ có thể đọc thôi cũng đã là tụt hậu [[1]]
Để có tiếng Anh chất lượng, chắc chúng ta còn phải cố gắng nhiều. Mới đây, khi đọc bài "30% giáo viên tiếng Anh nghe bài giảng phải nhờ phiên dịch"[[2]], tôi không lấy làm ngạc nhiên cho lắm.
Với những quan sát và kinh nghiệm thực tế, tôi hiểu việc này nếu không được quan tâm để khắc phục, nó sẽ còn mãi và ngày càng tồi tệ. Số liệu của Cambridge ESOL tại Việt Nam năm 2011[[3]] cho thấy sự tiến bộ về trình độ tiếng Anh của giáo viên THPT so với khảo sát năm 1996[[4]] là không đáng kể.
Một thời, người ta đã có câu vè về nỗi sợ của giáo viên ngoại ngữ ở các trường: "Thứ nhất là sợ cháy nhà[[5]]/ Thứ nhì là sợ chuyên gia đến trường". Cả trường trông vào mình mà chủ và khách không ai hiểu ai thì quả là tai họa.
Giáo viên ngoại ngữ nghe không hiểu được tiếng mình đang dạy có nhiều nguyên nhân. Người viết chia nguyên nhân thành hai nhóm chính.
Nguyên nhân chung
Phương pháp dạy-học:Hình như lớp học ngoại ngữ ở nước ta đâu đó vẫn mang dáng dấp một lớp học của ông đồ xưa. Ở đó người học chủ yếu giữ vai trò người nghe thụ động. Ngược lại, không khí giờ học ngoại ngữ cần sôi nổi, học sinh cần được nói, nghe, đọc và viết thực, tức là được tham gia giao tiếp - dù chỉ là giữa học sinh với nhau, chứ không chỉ ngồi trật tự, khoanh tay ngay ngắn trên bàn "nghe giảng".
Quan sát một giờ học tiếng Anh hiện nay cho thấy, cả phương pháp dạy-học và độ chuẩn xác kiến thức của người dạy đều có vấn đề, đặc biệt phát âm và kỹ năng diễn đạt nói. Thiếu những cố gắng cần thiết, cứ theo cái quán tính này, chỉ một vài năm nữa Việt Nam sẽ có một loại tiếng Anh riêng mà không ai hiểu ngoài chính người nói: Vinglish?
Đã có rất nhiều lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo khoa học về phương pháp dạy- học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng. Nhưng chúng dường như không thiết thực.
Không có tiếng Anh, chúng ta thiếu chiếc chìa khóa để mở cánh cửa đầu tiên. Ảnh minh họa |
Thiếu môi trường giao tiếp: Học ngoại ngữ trong nước sẽ thiếu môi trường giao tiếp thực. Có những thầy, cô cả đời chưa bước chân ra khỏi biên giới, chưa một lần gặp và nói chuyện người nước ngoài bằng xương bằng thịt. Đó là một thực tế, nhưng không chỉ riêng Việt Nam.
Ngày nay, phương tiện nghe- nhìn rất phong phú, có trường được nối mạng Internet, không phải học và dạy "chay" như xưa để khắc phục tình trạng này. Song, không phải nơi nào cũng sử dụng hiệu quả. Trường có cả phòng Lab ngoại ngữ, nhưng chủ yếu "làm cảnh".
Giáo viên thổ lộ: "Ở trường tôi có Internet, nhưng muốn lên mạng phải xin phép ban giám hiệu. Chỉ một số người được phép dùng, vì sợ ảnh hưởng lập trường tư tưởng. Mỗi lần dùng Internet phải ghi tên, ngày giờ, đọc hay viết cái gì, nên chúng tôi chẳng muốn dùng làm gì cho thêm vạ vào thân".
Như thế, giáo viên nào dù có muốn cũng bỏ hẳn nhu cầu sử dụng Internet như một thư viện lớn hay một diễn đàn trao đổi học thuật với đồng nghiệp. Cũng vì vậy, thế kỷ 21 đã đi qua 12 năm mà có thầy, cô dạy tiếng Anh nhưng chưa bao giờ chạm tay vào bàn phím máy computer và có người còn chưa biết bật- tắt máy nghe đĩa CD.
Thiếu kiến thức đọc: Các lĩnh vực kiến thức có quan hệ chặt chẽ, bổ trợ cho nhau, và xuất hiện dưới các hình thức khác nhau. Một khi người ta đọc rộng thì người ta sẽ gặp thuận lợi khi nghe. Nội dung đã được đọc sẽ không gây khó khăn khi ta nghe. Người ít đọc sẽ thấy mọi thứ đều mới, căng tai ra nghe cũng không hiểu hết thì không có gì đáng ngạc nhiên.
Coi nhẹ ngữ âm thực hành: Một thời, người học chú trọng nắm chắc các quy luật ngữ pháp và sở hữu khối từ vựng câm. Từ nhận thức sai lệch về vai trò của ngữ âm, mà ở đây chủ yếu là phát âm, đọc đúng trọng âm và đặc biệt đọc cho đúng ngữ điệu, ngữ âm thực hành bị coi nhẹ. Sách giáo khoa hầu như không có hướng dẫn cách đọc từ mới, không có bài tập rèn luyện phát âm.
Từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi theo phương thức "ba chung", bài thi tiếng Anh luôn có phần kiểm tra về ngữ âm. Do tác động ngược của bài thi, thầy cô giáo tiếng Anh đã chú ý hơn đến rèn luyện phát âm, sách giáo khoa có phần hướng dẫn cách phát âm, trọng âm ...
Giáo viên từ nhiều nguồn: Do số lượng học sinh học tiếng Anh tăng đột biến trong thời kỳ đất nước hội nhập với thế giới, việc thiếu giáo viên là không tránh khỏi. Cũng do vậy, có nhiều giáo viên chuyển từ các chuyên ngành ngoại ngữ khác sang dạy tiếng Anh. Nhiều người nhờ kinh nghiệm thực tế đã khá thành công sau khi "chuyển tay lái".
Tuy nhiên, sự giao thoa giữa ngoại ngữ cũ và ngoại ngữ mới cũng gây khó khăn cho họ.
Nguyên nhân "kỹ thuật"
Phát âm sai: Nhiều người mới học tiếng Anh thường phàn nàn một cách hài hước rằng tiếng Anh "viết một đường, đọc một nẻo". Như vậy, người đưa ra nhận xét này đã ý thức được phát âm tiếng Anh cho đúng cần được chú trọng khi học ngoại ngữ này.
Sơ đồ thông tin gồm người phát (P) và người nhận (N) cho ta biết để hiểu được nhau. P và N nhất thiết phải sử dụng chung hệ thống ký hiệu. Nói cho dễ hiểu là khi hai người nói về một sự vật, họ phải gọi sự vật đó bằng cùng một tên. Nếu mỗi người gọi sự vật đó bằng một cái tên khác nhau thì họ không thể hiểu được nhau.
Không ít người chính trong ngành ngoại ngữ nhầm tưởng phát âm không có quan hệ với nghe hiểu. Ngược lại, hai hoạt động này có quan hệ rất mật thiết. Với bất cứ thứ tiếng nào, nguyên tắc này cũng vậy.
Communication scheme[[6]]
|
Như thế, rõ ràng (P) và (N) phải có cùng mã âm thanh gắn cho điều/ sự vật nói tới, tức là phải đọc như nhau - có vậy thì hai người mới hiểu được nhau.
Gần đây có hiện tượng rất lạ, người nói đôi khi cố tình nói sai và bảo đó là một "style". Tôi chưa thể giải thích được tại sao một số không ít, kể cả những người được học hành, cứ nhất định thêm dấu huyền hoặc nặng vào cuối từ tiếng Anh, ví dụ: cạc (card), rì-xọt (resort), xuộc (source), xì-chét (stress), guộc(word)...
Một lần tôi nghe thấy kỹ sư IT phát âm từ tiếng Anh là "ao-xuộc" tôi không hiểu và hỏi nó nghĩa là gì, khi anh ta viết thì hóa ra đó là từ "outsource", từ mà tôi cũng biết và tôi phải đọc là /'auts0:s/.
Những ví dụ như vậy khá nhiều. Trong một lớp bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh, ông thầy khản cổ đọc đi đọc lại /dis'k3v2ri/ (discovery), anh học viên là giáo viên tập sự cứ gân cổ đọc theo /disk0'veri/ và cách đọc sai khá nhiều từ như thế vẫn theo anh cho đến tận bây giờ, sau mấy chục năm.
Rồi chính anh thừa nhận một lần khi nghe người nước ngoài hỏi: "What's the purpose /'p2:p2s/?" thì anh không hiểu và nghĩ đó là từ mới vì lâu nay anh vẫn đọc là /p2'p2uz/. Mỗi khi có khách nước ngoài đến thăm trường, anh ngại tham gia tiếp khách.
Sau một thời gian phát triển một cách "hoang dã" - gần như đâu đâu cũng học tiếng Anh và gần như ai cũng dạy tiếng Anh - đã đến lúc các nhà quản lý giáo dục nên có kế hoạch rà soát lại việc dạy và học môn ngoại ngữ này trong xã hội nói chung và trong nhà trường nói riêng.
|
Nếu dùng từ tiếng Anh thì nên nói cho đúng, bằng không ta nên dùng tiếng Việt trường hợp nào có thể.
Không ít người đi học nước ngoài gặp nhiều khó khăn để hiểu bài giảng hoặc TV, băng đĩa, ... chính vì mình nói một đường người ta nói một nẻo mà thôi.
Thói quen không tốt: Nhiều người học và cả một số người dạy có thói quen suy cách đọc từ dạng chữ viết hoặc đọc một cách "áng chừng". Từ nào đó bị đọc sai có xu hướng gần như mãi mãi bị đọc sai. Có người từng dạy tiếng Anh cả chục năm vẫn cứ đọc từ image, một từ rất phổ thông, là /i'meid7/, lẽ ra phải đọc là /'imid7/.
Một số khác lại tổng kết cách đọc từ tiếng Anh thành các quy tắc. Rất tiếc, quy tắc trong tiếng Anh lại có quá nhiều ngoại lệ. Xin nêu một vài ví dụ: Có một số người học tổng kết oo thì đọc là /u/, như trong các từ book, food, ...(nhưng,flood lại được đọc là /fl3d/, ...); -ate thì đọc là /eit/, như trong các từ create,crate, ......(nhưng accurate lại được đọc là /'9kjur2t/, ...) ; v.v... Những trường hợp như vậy có vô vàn trong tiếng Anh.
Trọng âm của từ, và nhất là trọng âm trong câu và phát âm đúng giúp truyền đạt đầy đủ ý nghĩa câu nói và đặc biệt giúp người nói nói được lưu loát, và tự nhiên hơn.
Một vài trao đổi vắn tắt không mang tính học thuật gì sâu về ngữ âm học tiếng Anh trên đây có dụng ý nhắn gửi đến những ai quan tâm.
Nói sai hay nói ngọng, nói lẫn, kể cả bằng tiếng mẹ đẻ, không làm chết người, nhưng nó phần nào phản ánh sự trau dồi học vấn của người nói.
Khuyến nghị
Với người dạy và học tiếng Anh, tra từ điển xem cách đọc mỗi khi gặp từ mới phải thành một thói quen không thể thiếu và đừng bao giờ phát âm theo suy diễn. Phàm đã là giáo viên không ai quên câu "A teacher is a life-long student".
Tài liệu giáo khoa nhất thiết phải có đầy đủ phần dạy- học, rèn luyện phát âm.
Học sinh được học cả bốn kỹ năng đồng đều.
Thư viện mỗi trường nên có chỗ dành cho học ngoại ngữ, đặc biệt khi một số môn học sẽ được dạy bằng tiếng Anh.
Sau một thời gian phát triển một cách "hoang dã" - gần như đâu đâu cũng học tiếng Anh và gần như ai cũng dạy tiếng Anh - đã đến lúc các nhà quản lý giáo dục nên có kế hoạch rà soát lại việc dạy và học môn ngoại ngữ này trong xã hội nói chung và trong nhà trường nói riêng.
Chương trình bồi dưỡng và chuẩn hóa giáo viên cần có nội dung thiết thực và không chỉ bao gồm lý thuyết suông mà còn cả thực hành, đặc biệt không quên ngữ âm thực hành.
Sau hết, giáo viên dạy tiếng Anh cần có cơ hội tiếp xúc với người và văn hóa bản ngữ của những nước nói tiếng Anh - hoặc tại các khóa bồi dưỡng trong hoặc ngoài nước.
Mong Đề án Ngoại ngữ 2020 có những biện pháp cụ thể và thiết thực để cải thiện tình hình chứ không phải như bao đề án trên mây khác chỉ để... tiêu tiền?
Nguyễn Phương
[1] Ông Lý Quang Diệu tặng Việt Nam 4 ý tưởng về giáo dục. <http://dantri.com.vn/c20/s20-162801/ong-ly-quang-dieu-tang-viet-nam-4-y-tuong-ve-giao-duc.htm>
[2] Xuân Long. 30% GV ngoại ngữ nghe bài giảng phải nhờ phiên dịch. <http://tuoitre.vn/Giao-duc/499645/30-GV-ngoai-ngu-nghe-bai-giang-phai-nho-phien-dich.html>
[3] Giáo viên tiếng Anh khó chạm chuẩn quốc tế. <http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/83477/giao-vien-tieng-anh-kho-cham-chuan-quoc-te-.html>
[4] Khảo sát của REC với sinh viên năm cuối ĐHNN-ĐHQGHN. FCE Practice Test: 38,72% so với 47% năm 2011
[5] Trường lớp và nhà ở của giáo viên những năm 1970-80 hầu hết lợp bằng rơm rạ, ...
[6] Communication. <http://en.wikipedia.org/>
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét