Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Tiền mặt đang ở đâu?

Tôi lưu bài này của ông TS không phải vì nó hay (nó rất dở hơi) mà vì các nhận xét của dân thường ít học mới thật là hay. Nếu không có thời gian thì chỉ nên đọc nhận xét ở cuối bài.

Tiền mặt đang ở đâu?

 Các DN kếu thiếu tiền, nhà đầu tư cũng cạn tiền mặt, ngân hàng căng thẳng thanh khoản. Vây tiền đi đâu và đang ở đâu? Đây là câu hỏi đang được rất nhiều người quan tâm. Xin giới thiệu bài viết thứ 3 trong loạt bài về bài “Những biện pháp “phá băng” cho nền kinh tế” của Tiến sỹ Lương Hoài Nam.
Lâu nay tồn tại cách hiểu không hoàn toàn chính xác là tiền bị “chôn” trong bất động sản. Thực tế thì không phải như vậy. Nếu “đào bới” một dự án bất động sản dở dang, sẽ không tìm thấy bất kỳ một đồng tiền mặt nào ở đó cả; chỉ có đất, sắt thép, xi măng, các sản phẩm tồn kho… với giá trị sổ sách của chúng mà thôi, còn tiền mặt không nằm ở đó.
Về nguyên tắc, với một lượng tiền mặt (kể cả ngoại tệ và vàng) đã được đưa vào lưu hành, tại một thời điểm, chúng chỉ có thể nằm ở nhà nước, ở các doanh nghiệp (kể cả tiền gửi của doanh nghiệp ở ngân hàng) và ở trong dân (kể cả tiền gửi của người dân ở ngân hàng). Nếu giả định tổng giá trị tiền mặt là một số cố định thì nó chỉ dịch chuyển giữa ba chủ nhân này.
Theo những gì có thể cảm nhận được, lượng tiền mặt nằm ở nhà nước và các doanh nghiệp đang bị thiếu hụt (so với trước). Nếu điều này là đúng thì lượng tiền mặt đang nằm ở trong dân đã tăng lên (trong tổng số tiền mặt coi là cố định). Nhìn vào thực tế từng gia đình, điều này cũng logic: khi người dân hạn chế đầu tư vào BĐS, thị trường chứng khoán, cổ phần của các doanh nghiệp chưa niêm yết, việc giữ (hoặc gửi ngân hàng) tiền đồng, vàng, ngoại tệ là đương nhiên.

Vấn đề là làm thế nào để người dân sẵn sàng đưa tiền vào các hoạt động đầu tư để nền kinh tế sôi động trở lại, thay vì giữ tiền một cách thụ động như hiện nay (chưa nói đến chuyện chuyển tiền, đầu tư ra nước ngoài)? Điều này chỉ có thể xảy ra khi việc người dân bỏ tiền ra đầu tư có rủi ro ít, cơ hội lợi nhuận nhiều, khi giá BĐS, giá cổ phiếu đi lên một cách bền vững bằng các tác động hiệu quả của nhà nước. Đã có thời, dù làm tốt hay làm chưa tốt, kiểu gì cũng có lãi, còn bây giờ kể cả làm tốt thì vẫn bị lỗ, nhiều người không dám bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh nữa.

Để thu hút được tiền của người dân vào các hoạt động kinh tế tích cực, bên cạnh các giải pháp chấn hưng thị trường BĐS, chứng khoán, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, còn một hướng nữa là đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với các điều kiện thuận lợi cho các người đầu tư. Nếu làm tốt việc này, người dân sẽ bỏ tiền ra thay vì cất giữ.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương, tính đến cuối năm 2010, số các doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% chỉ chiếm 0,3% tổng số doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế tại cùng thời điểm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này chiếm tới 40% tổng số vốn kinh doanh, 30% tổng số tín dụng, 45% tổng giá trị tài sản của khu vực doanh nghiệp nói chung. Theo các số liệu khác, tổng số các DNNN chưa cổ phần hóa hiện nay còn trên dưới 5000 doanh nghiệp. Điều đó cho thấy nếu việc cổ phần hóa DNNN được thúc đẩy, nhà nước có thể thu từ trong dân về một số tiền khổng lồ, một phần có thể được sử dụng ngược lại cho các chương trình tái cơ cấu kinh tế (ví dụ, đầu tư cho công ty mua bán nợ).

Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong những năm gần đây, tiến trình cổ phần hóa diễn ra rất chậm chạp, kế hoạch cổ phần hóa thường xuyên không hoàn thành, chủ yếu bị ách tắc do cơ chế. Các quy định hiện hành về cổ phần hóa DNNN đặt nặng trọng tâm vào việc định giá doanh nghiệp, làm sao mang về khoản thu tối đa cho nhà nước, trong nhiều trường hợp quy định nhà nước tiếp tục chiếm cổ phần chi phối (51% trở lên). Điều này có lợi về mặt kinh tế cho nhà nước, nhưng khó cho doanh nghiệp và kém hấp dẫn đối với dân là những người đầu tư.

Nhìn lại quá trình cổ phần hóa DNNN ở các nền kinh tế chuyển đổi, có thể thấy các nước Đông Âu (Tiệp Khắc, Hungary, Ba Lan, Bulgaria…) thực hiện việc cổ phần hóa DNNN được thực hiện rất đơn giản, nhanh gọn, nhiều doanh nghiệp nhà nước nhỏ ở các nước này thậm chí được “biếu không” cho người lao động theo các tiêu chí do nhà nước quy định. Đến nay, ở các nước này hầu như không còn DNNN hoạt động trong các ngành nghề kinh doanh thuần túy, chỉ còn một số ít các DNNN trong các lĩnh vực hạ tầng, công ích. Cách cổ phần hóa DNNN ở các nước Đông Âu giúp cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, tăng nguồn thu thuế, hình thành các thị trường chứng khoán rất nhanh, với hàng hóa đa dạng, quy mô giao dịch lớn. Trong khi cách cổ phần hóa DNNN ở Nga và các nước Liên-xô cũ đã tạo ra hàng loạt các đại gia tỷ phú đô-la trong số những người giàu nhất thế giới thì điều này hoàn toàn không xảy ra ở các nước Đông Âu, nơi tầng lớp trung lưu đã và đang là động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Quay trở lại vấn đề cổ phần hóa DNNN ở nước ta, trong tình hình hiện nay, nên thúc đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa DNNN. Có lẽ nên coi các mục tiêu tái cơ cấu sở hữu để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, đóng góp ngân sách cao hơn, thu hút tiền đầu tư từ trong dân nhiều hơn quan trọng không kém việc thu nhiều tiền về cho nhà nước từ việc cổ phần hóa. Nói cho cùng, tài sản của dân cũng là tài sản của nhà nước, của xã hội, quan trọng là chúng được sử dụng một cách tích cực để tạo nên sự thịnh vượng chung. Trong việc cổ phần hóa DNNN, nếu nhà nước “khôn” với dân thì dân cũng “khôn lại” với nhà nước, không hợp lực với nhau được.

Lương Hoài Nam

  • giam lam phat ma
    giảm lạm phát mà, phải thu tiền về chứ.
    phuong Gửi lúc 03/12/2012 03:34
  • Tiền nằm trong Dân
    Bài báo chưa nêu được tiền mặt VNĐ đang nằm ở đâu, đối tượng nào trong dân đang cất giữ? mà cứ bảo rằng nếu nó k nằm trong kho bạc, trong ngân hàng thì chắc chắn là nó đang nằm trong dân? Vậy dân ở đây cần cụ thể, tôi thất mấy năm nay nhân dân ở tầng lớp lao động càng ngày càng nghèo đi, kiếm cái ăn chả đủ thì lấy tiền mặt đâu mà tích trữ? Tôi nghĩ tiền mặt VNĐ đang ở đâu thì những người quản lý đất nước là biết rõ nhất
    Hoàng Lan Gửi lúc 03/12/2012 03:30
  • Tiền không mất đi.
    Mình nghĩ rằng tiền không mất đi đâu nhưng chính do chính sách thắt chặt tiền tệ hiện nay của nhà nước nhằm đóng băng thị trường BĐS dẫn đến hiện trạng không lưu thông được tiền tệ. Chính chính sách tiền tệ hiện nay không kích thích nhu cầu đầu từ doanh nghiệp đến các cá nhân, dẫn đến tiền thì vẫn giữ nguyên nhưng không có sự chuyển đổi lẫn nhau để tạo ra giá trị thặng dư và đương nhiên nó sẽ giảm lạm phát nhưng cũng giảm luôn sự tăng trưởng kinh tế. Về ý kiến của riêng mình, bây giờ không thích hợp cho đầu tư người dân và doanh nghiệp cần giữ các nguồn lực tài chính của mình, khi các nền kinh tế lớn trên thế giới bắt đầu có dấu hiệu thay đổi thì khi đó ta mới nên áp dụng các chính sách mở rộng tiền tệ, khuyến khích đầu tư nhằm giảm thiệu thiệt hại trong giai đoạn hiện nay. Có lẽ đây là lúc để chúng ta thanh lọc lại những doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh yếu kém như các công ty NN, hệ thống ngân hàng... để chờ thời cơ khi kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi.
    NTL Gửi lúc 03/12/2012 03:28
  • Tiền mặt ở đâu?
    Không có ở nhà nước, không có ở các DN, ở dân thì càng không có vì toàn dân đang ngắc ngoải vì thiếu tiền, lấy đâu ra mà đầu cơ? Tiền chỉ có thể nằm trong các két đầu cơ b í mật mà chỉ NHNN mới biết đươc
    Vũ Văn Huệ Gửi lúc 03/12/2012 03:05
  • Tiền ở dâu?
    Bài viết chẳng có kết luận rõ tiền Vn nằm ở đâu. Nên nhớ tiền Việt nam hầu như không có giá trị chuyển đổi ra nước ngoài. Vậy nó nằm trong nước. Ai giữ tiền mặt đó? Các quan tham nhũng? Các đại gia làm ăn bất chính? Còn người dân lương thiện làm không đủ ăn làm gì có tiền mà cất giấu.
    Nguyễn Việt Nam Gửi lúc 03/12/2012 03:04
  • Không chính xác
    Nếu nói tiền ở trong dân, thì chắc không đúng. Người dân không ai lại ôm lượng tiền mặt lớn trong nhà. Nếu có tiền họ gửi ngân hàng, cho vay, mua vàng phòng thân. Nếu gửi ngân hàng hoặc cho vay thì ngân hàng đâu thiếu thanh khoản, nếu cho vay thì doanh nghiệp đâu thiếu vốn. Nếu mua vàng tích trữ thì nhà nước đâu thiếu tiền đồng. Mà người dân làm sao có nguồn thu to lớn để tích lũy được lượng tiền mặt. Nếu nói người dân đầu tư ra nước ngoài thì lại bảo Việt nam đồng có giá trị chuyển nhượng quốc tế à.
    Trần Đình SƠn Gửi lúc 03/12/2012 03:01
  • bây giờ phải có số liệu
    không có con số thống kê thì cũng không có cơ sở của các phân tích của tiến sỹ là thực tế.Nó cũng chỉ là lo gíc hình thức thôi.hay nói hình ảnh hơn là lô gíc ảo thôi
    ngcuong50 Gửi lúc 03/12/2012 02:35
  • Phải chăng tiền hiện nay làm làm tín dụng đen ?
    Dân không lấy đâu tiền mà trữ ở trong nhà cả, bán được con lợn con bò thì đem ra ngân hàng mà gửi, chứ để ở nhà nhỡ mà mất thì hỏng. Donh nghiệp đương nhiên cũng không có, bởi vì nếu có thì sao phải đi vay với lãi xuất cao. phải chăng tiền đang năm ở tín dụng đen. Các đối tượng cho vay nặng lãi đã dự trữ tiền mặt. hay hiện nay đang có một nhóm đối tượng dự trữ rất nhiều tiền nhằm mục đích làm loạn thị trường tiền tệ. Giải pháp: Nhà nước nên phát hành tiền mới. không đổi tiền mặt thì coi như mất không. mà đem tiền ra đổi sẽ lộ diện kẻ muốn làm lũng loạn tiền tệ.
    Vũ Mạnh Hùng Gửi lúc 03/12/2012 02:34
  • Cần kiểm toán đặc biệt các ngân hàng địa phương
    Tiền mặt đang ở đâu ư..! hãy quyết liệt thanh tra kiểm toán với các ngân hàng địa phương, bởi tại đó họ biết rất rõ..! Tại nhiều địa phương, đã thấy có hiện tượng người đi mua nhà hoặc kinh doanh với vỏ bọc người thân lại chính là những người làm việc tại các ngân hàng..! Điều đó cho thấy nếu chi dựa vào thanh tra sổ sách kế toán ở các ngân hàng sẽ không mang lại kết quả hoàn toàn được, rất cần có những cuộc "thanh tra kiểm toán đặc biệt" có so sánh lượng tiền mặt hiện hũu với sự minh bạch trên sổ sách thi may ra mới phát hiện được mà thôi..Tóm lại là phải làm thật sự quyết liệt nhưng cũng khéo léo xử lý tình huống để tránh đổ vỡ các ngân hàng...Xin góp ý.
    Charlie N Gửi lúc 03/12/2012 02:31


    Tiền VNĐ ở đâu
    Nội dung bài viết vẫn chưa lý giải được tiền VNĐ đang ở đâu ?, thực tế tiền VNĐ không chuyển ra nước ngoài được, lượng tiền trong nước đã lưu hành giờ không biết ở đâu? Ngân hàng hay đang ở Kho bạc, nếu ở Kho bạc thì không lý do gì Bộ Tài chính lại đưa ra các chính sách tận thu đến từng người dân như hiện tại. Vấn đề tiền VNĐ đang ở đâu chắc chỉ Thống đốc mới trả lời được
    Trần Quý Gửi lúc 03/12/2012 01:36

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét